Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Hội thảo về án oan

http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/372/372
NguoiBuonGio Oct 28, '09 10:01 PM

Hôm qua tại Viện Khoa Học Xã Hội số 1 Liễu Giai Hà Nội. Liên đoàn luật sư Việt Nam dưới sự trụ trì của PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải đã tổ chức cuộc hội thảo có chủ đề '' một số thực tiễn về cải cách tư pháp và phòng chống oan sai trong hoạt động tố tụng''.

Trong lời mở đầu ông Hải cho biết, liên đoàn luật sư Việt Nam ra đời được 5 tháng, đã có nhiều hoạt động tốt. Nhưng gần đây do có nhiều luật sư gửi đơn đề nghị hội thảo về công tác xét xử. Ông Hải mong muốn mọi người đóng góp ý kiến thật bình đẳng, thiện chí để khắc phục những vấn đề oan sai trong xét xử đang tồn tại.

Ông Lê Khả phát biểu rằng

'' làm cách mạng thành công là phải có một nền tư pháp độc lập, muốn có tư pháp độc lập là phải phân quyền. Chúng ta đang tập quyền, mà tập quyền thì tư pháp không độc lập được. Một nền dân chủ không thể tồn tại nếu quyền lực tư pháp không công bằng. Nhiều nhóm hành pháp, lập pháp còn dùng nhiều chiêu bài để can thiệp, gây áp lực với nền tư pháp''

Ông Khải cho rằng nền tư pháp Việt Nam cần phải nhìn nhận những giá trị chung của nhân loại, những nền tảng pháp lý đúng đắn và nhân bản của các nước khác trên thế giới đang sử dụng.Không nên nói kiểu mỗi quốc gia có hình thù khác nhau cho nên luật khác nhau. Có thể có khác nhau nhưng một điều không thể chối được là trên thế giới có những nền tảng pháp lý mang tính chung cho nhân loại, bảo vệ quyền con người.Không thể né tránh điều đó được nếu như muốn xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Khải đề nghị thẩm phán phải hoàn toàn trung lập, không tham gia đảng phái. Được mức lương ưu đãi, có tài năng , đạo đức và có nhiệm kỳ dài hạn. Ông Khải cũng lưu ý với các cử tọa là nước Mỹ có nền tư pháp độc lập nhất. Người dân Mỹ rất hay đưa mọi tranh chấp ra tòa án, không như dân Việt Nam việc đưa ra tòa là bần cùng bất đắc dĩ.

Ông Nguyễn Đăng Dung nói thẳng rằng tòa án không có quyền năng gì hết, tòa án đi xử mà còn xin ý cấp trên thì làm sao gọi là độc lập. Ông Dung cho rằng tòa án Việt Nam đáng ra phải xét xử trên những tranh luận của bên công tố và bên bào chữa. Nghe xem bên nào có lý để quyết định chứ không nên đánh vật với bị can để tìm chứng cớ buộc tội.thay cho viện kiểm soát. Ông Dung kể những phiên tòa mà ông chứng kiến chả thấy tranh luận gì sất, mà luật quy định là kết quả phiên tòa phụ thuộc vào việc tranh luận tại phiên tòa. Vậy phiên tòa phần tranh luận hời hợt thì lấy đâu ra chất lượng để mà căn cứ.

Ông Dung cho rằng thực trạng việc xét xử ở tòa án Việt Nam hiện nay là mang tư duy thời chiến, thời bao cấp.Không có tính bảo vệ con người. Có phiên tòa bị cáo bị còng tay. Luật sư đòi mở còng thì tòa án nói không có thẩm quyền. Ông Dung chán nản than rằng đến tòa án mà không có quyền mở còng tay cho bị cáo tại phiên tòa, thì còn có quyền gì nữa mà xét xử.

Ông Nguyễn Đức Mai ý kiến.

Ngay cả trong phiên tòa đã có bất công thì tránh sao khỏi có oan sai. Ông Mai đưa ví dụ như chỗ ngồi trong phiên tòa, ông Viện Kiểm Soát ngồi trên cao, ông Luật Sư ngồi dưới ngóc cổ để cãi. Hình thức đã vậy thì nội dung có thiên lệch cũng là điều dễ xảy ra. Ông Mai chỉ trích việc Kiểm soát viên lẽo đẽo đi theo tòa vào phòng để mọi người trong phòng xử từ luật sư đến bị cáo cũng phải đứng dậy chào. Đáng ra kiểm soát viên giữ quyền công tố phải đến trước và đứng dậy chào tòa như bên bào chữa mới phải.

Ông Mai cho biết hiện nay tình trạng oan sai chưa có cơ quan nào nghiên cứu công bố cả, những vụ việc cho là oan sai chỉ do báo chí và luật sư phát hiện. Chúng ta nói đề cao tố tụng nhưng thực ra chúng ta không coi trọng tố tụng. Luật sư không thể tiếp xúc với bị can khi bị giam vì khó dễ trong việc cấp giấy chứng nhận, không có mặt khi bị can, bị cáo trả lời cán bộ điều tra...hoạt động của luật sư bị hạn chế cho dù luật tố tụng có nói đến quyền của họ. Đây là điều cần phải khắc phục sớm nhất.

Ông Phạm Phú Tuyên nói rằng.

Ở nước ta Đảng là lãnh đạo lớn nhất, ông bộ trưởng bộ công an là ủy viên bộ chính trị, còn ông chánh án tòa án tối cao là ủy viên gì ? Việc bổ nhiệm chánh án nếu không có cấp ủy nơi đó đồng ý thì không bổ nhiệm được. Vậy thì ông chánh án có độc lập được không, khi công tác phải nghe ý kiến chỉ đọa của ai ?

Ông Tuyên cho rằng tòa án quá phụ thuộc vào hồ sơ do công an thu thập khi xét xử.

Ông Tuyên đề nghị nâng cao chất lượng luật sư đồng thời cũng bảo đảm quyền của luật sư như trong luật đã định.

Hôm qua dự hội thảo đến lúc ông Tuyên nói thì phải té về đi hàn mấy cái khung sắt, tuy rằng rất muốn ở lại để nghe cho xong. Hôm nay viết đến đây lại bị gọi đi treo mấy cái biển hiệu cho người ta. Không có thời gian bình luận được.Các bạn thông cảm.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Đánh khẽ không xong

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-the-punishment-with-VCP-enews-cant-make-the-satisfactoriness-TVan-10072009161340.html

2009-10-07

Đã hơn một tháng kể từ khi báo điện tử Đảng CSVN dịch và đăng bài nói về sự kiện Hải quân Trung Quốc ngang nhiên sử dụng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để tập trận.

Bài báo kèm theo lệnh của Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, ra lệnh binh sĩ Trung Quốc tập luyện và bảo vệ tốt vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.

Sửa sai…

Cho dù cả báo điện tử Đảng CSVN lẫn Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN và chính quyền Việt Nam đã thực hiện một số động tác sửa sai, song sự bất bình của công chúng không những không giảm mà đang càng ngày càng dâng cao. Đó là nội dung cuả nhiều blog tuần qua.

Sau khi công chúng phát giác và bày tỏ sự phẫn nộ của họ, trước việc cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, tiếp tay cho ngoại bang, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ, báo điện tử Đảng CSVN đã lẳng lặng lột tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” ra khỏi website mang địa chỉ web: cpv.org.vn.

Khoảng mười ngày sau, trước sức ép càng lúc càng lớn của dư luận, Ban Biên tập báo điện tử Đảng CSVN lên tiếng xin lỗi và cám ơn sự góp ý của công chúng.

Tuy nhiên sự chỉ trích của công chúng không giảm, cũng vì vậy, ngày 21 tháng 9, chánh Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông, tuyên bố: Phạt báo điện tử Đảng CSVN 30 triệu đồng.

Chừng mười ngày sau nữa, báo chí trong nước đồng loạt loan tin, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, vừa khiển trách cá nhân ông Đào Duy Quát, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN, vừa khiển trách tập thể Ban Biên tập cơ quan báo chí này.

Thế nhưng công chúng vẫn không hài lòng. Vì sao?

Thiếu công minh

Theo dõi các diễn đàn điện tử và các blog, có thể thấy nguyên nhân đầu tiên, khiến cho một số động tác sửa sai, không thể làm cho công chúng nguôi giận là vì giới hữu trách thiếu công minh.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam đã từng ra lệnh cách chức lãnh đạo báo Du Lịch, tạm đình bản tờ báo này trong ba tháng, chỉ vì Giai phẩm Xuân Du Lịch đã đăng một vài bài viết cổ vũ cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Đến nay, thời hạn ba tháng đã qua, nhưng tờ Du Lịch vẫn chưa đựơc tái bản, toàn bộ cán bộ, phóng viên, nhân viên vẫn thất nghiệp, bởi giới hữu trách chưa phê chuẩn nhân sự lãnh đạo tờ báo.

So sánh cách đối xử với tờ Du Lịch và việc xử lý sai phạm nghiêm trọng của báo điện tử Đảng CSVN, blogger Nguyễn Vĩnh – từng là tổng biên tập một tờ báo tại Việt Nam – nhận xét: Án kỷ luật phũ phàng đối với báo Du lịch, soi cả kính hiển vi điện tử cũng không thấy cái gọi là “sai phạm”…

Trong khi, tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”, của báo điện tử Đảng CSVN thì: Sai phạm rành rành, đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả khôn lường cả đối ngoại, lẫn đối nội!.. Khiến người dân Việt cả trong và ngoài nước đều căm giận…

Blogger Nguyễn Vĩnh cho rằng: Việc Tổng Biên tập Đào Duy Quát sai phạm đặc biệt nghiêm trọng như thế mà không bị truy cứu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự là sự xúc phạm đối với những người cầm bút chân chính nước nhà, xúc phạm công luận cả nước.

Ông kêu gọi những người cầm bút, nhất là các nhà báo lên tiếng. Ông giải thích: Khi cùng lên tiếng, yêu cầu phải có sự bình đẳng trong xử lý với sai phạm của báo chí là đang cùng nhau bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, cũng là bảo vệ các đồng nghiệp và bảo vệ chính mình.

Sự thiếu công minh đó không chỉ riêng với báo chí. Trong một thư ngỏ gửi cho ông Đào Duy Quát qua diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, một thanh niên tên là Duy Hải nêu thắc mắc:

Tội của chú không phải tội lơ là, bất cẩn cho đăng tin bài thất thiệt, mà theo cháu đó là tội phản biện ngược chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Thử hỏi mấy ai trong đất nước này phạm tội ấy mà bị phạt những 30 triệu đồng và bị kỷ luật trước Đảng?

Những blogger như Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, hay nhà báo Đoan Trang mới chỉ viết bài phê phán cái gọi là quan hệ “anh em thân thiết” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang thè lưỡi nuốt biển đảo Việt Nam thế mà đã bị bắt bớ, đày đọa.

Vậy mà chú và cả Ban Biên tập báo Đảng, tức là một tổ chức, đăng bài khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, đứng trên lập trường Trung Quốc lại chỉ bị phạt hành chính và kỷ luật nội bộ? Đây có phải là một bất công không, thưa chú?

Nhiều bao biện

Nguyên nhân thứ hai khiến công chúng bất bình là cá nhân ông Đào Duy Quát – một trong những nhân vật từng đảm nhận vai trò chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về văn hóa và tư tưởng suốt nhiều năm.

Có blogger như Đinh Tấn Lực đã nhắc lại những sự kiện nhiều người biết về tư cách của ông Quát. Kể cả chuyện ông bị một nữ phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng bạt tai vì sàm sỡ với cô khi cùng đi dự liên hoan thanh niên ở Cuba năm 1998, hay chuyện ông giải thích trên tờ Pháp Luật TP.HCM, lý do dẫn tới hàng loạt vụ tai tiếng tương tự là do được nhiều phụ nữ mê. Tuy nhiên đời tư chỉ là một khía cạnh rất nhỏ được dùng để minh họa tính cách nhân vật.

Dấu ấn đậm nhất mà các diễn đàn điện tử, các blogger nhắc tới nhiều nhất, chính là chuyện khi xuất hiện trước công chúng, với vai trò Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Biển và Đảo Việt Nam” hồi tháng 4 vừa qua, ông Quát nhận định, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào thành phố Tam Sa đều là do sự kích động của các thế lực thù địch. Ông Quát khoe, ông đã từng chất vấn những sinh viên tham gia các cuộc biểu tình này, yêu cầu họ suy nghĩ xem làm như thế là lợi hay hại (?).

Ông Quát cũng chính là người đưa ra một số tuyên bố từng khiến giới blogger bàn tán như:

Blog là ngôn luận cá nhân, chính vì vậy phải có sự quản lý của nhà nước. Mỗi blog đều phải đăng ký và khi phát ngôn phải được pháp luật cho phép. Những blog làm ảnh hưởng đến xã hội, an ninh quốc gia… phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Blogger Đinh Tấn Lực đã dẫn lại tuyên bố này để đặt vấn đề: Bây giờ, chính trang mạng do cụ Quát quản lý đang làm ảnh hưởng đến xã hội, an ninh quốc gia. Liệu là cu Quát sẽ nuốt lại những đao to, búa lớn từng phun ra đó cách nào cho ổn?

Ngang ngược & Thiển cận

Sau khi xảy ra scandal ở báo điện tử Đảng CSVN, ông Đào Duy Quát có tiếp tục sử dụng những lời lẽ mà giới blogger gọi là “đao to, búa lớn” nữa không? Không!

Hôm 30 tháng 9, trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Quát bảo vụ scandal đó là “tai nạn nghề nghiệp”, ông giải thích:

Việc đưa tin đó là để cảnh báo một hoạt động, một mưu đồ... Trong đó có mấy từ biên tập đã được thêm vào là phó tư lệnh ngang ngược tuyên bố, cái chữ “ngang ngược” viết ở ngoài thì cậu đánh máy nhận rồi nhưng không đưa vào, nên tự nhiên làm sai lệch thông tin...

Ngay lập tức, hàng chục diễn đàn điện tử và blog cùng tham gia phân tích, chứng minh ông Quát đã nói dối hết sức vụng về, vừa vì hai từ “ngang ngược” không phù hợp với ngữ cảnh của tin đã đăng, vừa vì đây là tin dịch, không thể tùy tiện thay đổi nội dung, bởi như thế là vi phạm nguyên tắc báo chí.

Thậm chí không ít ý kiến chê ông Quát hèn, không dám nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho “cậu đánh máy”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, viết trên blog Quê Choa:

Khi bàn về những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, bác đã nói rất hùng hồn: ‘Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ.

Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại?..’

Bác đã nói vậy rồi mà bây giờ bác lại tính nhét hai chữ ngang ngược vào để chống lại kẻ xâm lược Hoàng Sa ư, làm thế hoá ra bác cũng bị các lực lượng thù địch nó kích động à? Vô lý, phải không bác.

Vì ba cái lẽ ấy, có chồng vàng lút đầu chắc bác cũng chẳng dám nhét hai chữ ngang ngược” ấy vào đâu, khó lắm, khó lắm.

Cũng có vài người như ông Nguyễn Trung – một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu - cho rằng, đây có thế là “may trong rủi” vì:

Lâu nay trong dư luận người đọc – trong đó có tôi – cho rằng các báo chính thống của Đảng thường có thái độ quá mềm dẻo với Trung Quốc và tránh né nhiều điều gay cấn xảy ra trong quan hệ Việt – Trung. Bây giờ lời thanh minh của ông Đào Duy Quát cho tôi cảm giác: Những người làm báo Đảng có lẽ bên trong không đến nỗi mềm yếu như dư luận vẫn nghĩ lâu nay. Dẫn chứng là ông Đào Duy Quát cho biết, khi đưa bài lên mạng người đánh máy đã quên mất hai chữ “ngang ngược” Nếu đúng là thế, thì đây là cái may trong cái rủi. Nghĩa là sự cố của ông Đào Duy Quát cho thấy một tín hiệu tốt nào đó mà người đọc đang mong tìm.

Không biết cảm giác này của tôi có đánh lừa tôi không, mong rằng không phải như vậy. Nghĩa là tôi có lý do để hy vọng trong tương lai những người làm báo Đảng sẽ đủ mạnh để tìm được và dùng được những từ ngữ thích đáng vào những sự việc đòi hỏi những từ ngữ thích đáng? Gọi đúng tên của sự vật và nói lên được sự thật.

Tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không đồng ý. Qua diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, ông cho rằng, cách nghĩ của ông Nguyễn Trung là cách nghĩ của một người quá nhân hậu. Ông đề nghị:

Anh hãy xâu chuỗi lại và thử ngẫm nghĩ, có phải tất cả những việc làm đó đều bắt nguồn từ một chủ trương ứng xử nhất quán là cái thói quen cúi mình trước ngoại bang rất hèn hạ, hay là một "sách lược cương nhu rất mực cao thâm"?

Tôi ngờ rằng bao lâu nay chúng ta vẫn bị đánh lừa bởi con "ngáo ộp” nó làm mình cứ vừa hy vọng vừa không khỏi... xấu hổ ngượng ngùng, té ra cuối cùng thì chỉ là một chiếc mặt nạ không hơn không kém.

Cùng thảo luận về vấn đề này, nhà văn Phạm Đình Trọng viết:

Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta nhưng vì mối liên minh cố kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nhà nước ta không dám tố cáo, phản kháng hành động kẻ cướp đó và nhân dân bộc lộ sự phẫn nộ với kẻ cướp đất đai, lãnh thổ thì bị bắt bớ, tù đày.

Đó là cách hành xử thiển cận vì phương tiện hi sinh mục đích, vì lợi ích của Đảng mà hi sinh lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích dân tộc. Đó là nghịch lý lớn nhất của một thời đầy nghịch lý!

Hình như nghịch lý đó là nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân chính, khiến scandal báo điện tử Đảng CSVN vẫn là vấn đề thời sự trên các diễn đàn điện tử, các blog dù chuyện đã xảy ra hơn một tháng.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Trần Dần & Tố Hữu

http://www.blogosin.org/?p=1034
Ô Sin // October 06 2009

(Nhân khánh thành Nhà Lưu Niệm Tố Hữu Post lại một bài viết từ thời Yahoo 360)

Tất nhiên, không ai tin việc tập thơ Trần Dần bị “niêm phong” chỉ vì vài cái lỗi về thủ tục. Nhưng thôi, đó cũng là một lối ra rất đỡ mất mặt. Dù sao, Thơ Trần Dần cũng đã bán rất chạy, ngay đến cậu con trai tôi, 15 tuổi, cũng tò mò.

Thơ ông đa nghĩa quá. Chỉ riêng một bài Nhất Định Thắng, tôi nghĩ, đã có thể vừa quy kết ông là một tên phản động cực kỳ nguy hiểm, vừa có thể ca ngợi ông như một người yêu nước nồng nàn. Không hiểu sao, cho tới nay, chưa thấy ai làm một bộ phim truyện dựa trên bài thơ ấy. Ta ở phố Sinh Từ… Một giai đoạn lịch sử buồn đau của đất nước hiện ra mồn một trong mỗi câu thơ của ông.

Khi Trần Dần viết bài thơ ấy, đất nước đang bị phân đôi, ở miền Bắc chiến tranh kết thúc. Nhưng, cuộc sống của người dân thì không có hòa bình. Trần Dần viết: Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc/ Đất hôm nay tầm tã mưa phùn/ Bỗng nhói ngang lưng/ máu rỏ xuống bùn/ Lưng tôi có tên nào chém trộm? Không hiểu, hình tượng “vết chém ngang lưng” ông viết ở đây là để nói về nỗi đau chia cắt tổ quốc hay chỉ đơn giản nói về cái không khí ngột ngạt ở miền Bắc, cái không khí mà đến 30 năm sau, Hữu Loan vẫn nhớ: “Thành viên nào (trong cộng đồng) cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh”.

Theo Hiệp định Geneve, người dân có một thời gian dài để chọn cho mình miền Nam hay miền Bắc. Nhưng lúc ấy, không có ai tự nguyện từ miền Nam chạy ra “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”. Trong khi, hàng triệu người dân đã gồng gánh vào Nam để lại mồ mả ông bà trên đất Bắc. Thoạt đầu, có vẻ như Trần Dần trách móc, thậm chí ông đã buộc tội “những bạn đi Nam” là Thiếu quả tim bộ óc! Nhưng rồi quan sát kỹ hơn, ông buột hỏi: Họ vẫn ra đi/ – Nhưng sao bước rã rời?/ Sao họ khóc?/ Họ có gì thất vọng?

Trong những ngày xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội ấy, tình hình Thế giới được “quán triệt” thành hai “phe” Xô- Mỹ. Nhưng cái “phe” mà ông quan tâm cũng “căng thẳng” vô cùng: Gặp em trong mưa/ Em đi tìm việc/ Mỗi ngày đi lại cúi đầu về/- Anh ạ!/ Họ vẫn bảo chờ… Ông nghĩ: Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt./ Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt./ Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù/ Chúng còn đương bày kế hại đời ta? Nhưng “cơm áo” không phải là những gì ngột ngạt nhất mà những người như ông đã từng nếm trải.

Theo tác giả của Màu Tím Hoa Sim, nhà thơ Hữu Loan: Trên thực tế, khi ấy, rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau để ăn cắp, nhưng văn học không được nói thực mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng. Các văn nghệ sỹ lúc ấy phải học tập những tài liệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, từ Liên Xô đưa về, rồi tự Diên An (Trung Quốc) đưa sang. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến cái xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có, chứ không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt. Theo ông Hữu Loan: Khi một nhà báo hỏi: “Như vậy là Cách mạng đã cấm tự do ngôn luận?” Ông Trường Chinh sửng sốt: “Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.” Tố Hữu là một trong những nhà lãnh đạo hăng hái đưa “hiện thực XHCN” vào văn nghệ. Trong khi Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… phản đối đường lối này. Những người phản đối sau đó, lần lượt dính vào một vụ án gọi là “Nhân Văn Gia Phẩm”.

Phong trào Giai phẩm và Nhân Văn bắt đầu khi hai nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là “dòng thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc”. Trần Dần là người phê nặng lời nhất. Tuy nhiều người tán thành với nhận xét này nhưng tập thơ vẫn giành được giải nhất đầu năm 1956. Về sau, nhóm Nhân Văn còn viết nhiều bài được coi như là những “Thất Trảm Sớ”, đặc biệt, bài của Nguyễn Hữu Đang nói về thiết lập nhà nước Pháp quyền. Ngày nay, nếu đọc lại những bài viết của nhóm Nhân Văn, phải công nhận là nước ta đã từng có những nhà trí thức khả kính. Đất nước ra nông nỗi hiện nay là bởi lịch sử đã không chọn họ. Trần Hữu Đang bị tù 17 năm (sau 7 năm thì được tha); Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh”: 7 năm tù giam; Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha; Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm… Khi Hoàng Cầm cho in Nhất Định Thắng, Trần Dần bị mất chức và sau đó bị bắt giam. Nếu Trần Dần không dùng lưỡi lam rạch cổ, có lẽ thời gian “ở trong lao” của ông không chỉ là 3 tháng. Trong tình cảnh ấy, mấy câu thơ: Những ngày ấy bao nhiêu thương xót/ Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ… không hẳn là không mang ít nhiều ẩn dụ chính trị.

Cho dù phải sau khi Tố Hữu chết, các ông Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt… mới được “chiêu tuyết”, vụ “Nhân Văn” không đơn giản chỉ là những vấn đề giữa các cá nhân với nhau. Một nhà nghiên cứu viết, ở thời điểm ấy, thay đổi là một quy luật. Người biết và sử dụng được quy luật thì thăng quyền tiến chức, như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi; người biết, nhưng chỉ né tránh thì tồn tại như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng; hay xa lánh như Nguyên Hồng. Người không biết, thì đành phải sa hầm sẩy hố… Kể ra thì, các bác ấy sống quá tử tế, làm thơ quá thơ, tính đa nghĩa trong thơ của các bác ấy thật dễ để mà suy diễn. Nếu, 50 năm trước, các bác ấy cứ theo Tố Hữu, viết huỵch toẹt: Má thét lớn tụi bay đồ chó/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao…; hay thật xạo: Yêu biết mấy nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin… rồi trơ trẽn khi nghe tin Stalin chết: Thương cha, thương mẹ, thương chồng/ Thương mình thương một, thương Ông thương mười, thì cuộc đời các bác ấy chắc chắn đã không phải thế.

Viết như thế không chỉ giúp Tố Hữu leo dần tới BCT, đã từng có lúc ông nhà thơ khẩu hiệu này lãnh đạo sự nghiệp phát triển kinh tế cho đất nước. Chúng ta không chỉ là nạn nhân của ông ở góc độ “giá lương tiền”. Suốt gần 30 năm, sách vở ngập tràn thơ Tổ Hữu. Bài thi nào cũng Tố Hữu. Giải bình thơ hay nào cũng Tố Hữu. Biết bao thế hệ đã tưởng đấy là thơ. Dân trí đã từng bị đặt trong cái “thênh thang 8 thước” đó. Nay thì Tố Hữu đã chết. Mới đây, gia đình ông đã bán nốt căn biệt thự ở phố Hồ Xuân Hương với giá tính bằng đô la cũng hơn 7 triệu.

Trong khi những người như Tố Hữu được ban những bổng lộc như vậy, những người như Trần Dần, Hữu Loan lại bị đọa đày. Bà Phạm Thị Nhu, vợ ông Hữu Loan, kể: “Chúng tôi nuôi 10 đứa con thật vô cùng vất vả. Ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng, cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thức rau, các con đi học về là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng, kéo 3 chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số, bán cho các thuyền rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học“. Các con của Hữu Loan gần như không có ai vào được đại học vì lý lịch của một kẻ “Nhân Văn”. Một người con thi đủ điểm đi học nước ngoài cũng không được đi học. Ông đã bị biết bao người thân trách cứ. Nhưng, khi quyết định rời bỏ Hà Nội về quê, Hữu Loan đã nói với vợ: “Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được”. Ông giải thích: “Làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi, viết vừa lòng dân thì đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày”.

Đôi khi nghĩ, những người như Hữu Loan, Trần Dần dại thật. Nhưng, Những ngày ấy bao nhiêu thương xót, làm sao có thể bắt những người như các ông có thể quay lưng lại với nhân dân!

Dòng Sông Cụt

http://www.blogosin.org/?p=1022
Ô Sin
// September 20 2009

Truyện ngắn

Mọi người tránh ra cho ông Chắt Thấu len vào. Hôm đó, đám dân Xóm Củi đi rừng tụ cả lại trên eo Láng, ngó lên Truông Bát, dải núi hình cánh cung mà trong những năm chiến tranh bị B.52 đánh tróc từng mảng. Giờ, hàng trăm dân công đang leo lên đó cuốc, xới, vẽ thành một câu khẩu hiệu chạy dài cả cây số THAY – TRỜI – ĐỔI – ĐẤT – SẮP – ĐẶT – LẠI – GIANG – SAN. Dân Xóm Củi chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng thấy thế thì khoái lắm. Lúc đánh Mỹ, cả Xóm Củi, ngày cũng như đêm, xe pháo, thanh niên xung phong, bộ đội, lớp vô Nam, lớp ra Bắc, cứ rầm rầm, rịch rịch. Bom đạn đào lên lộn xuống hàng trăm lần, hàng ngàn lần thế mà cái con đường dưới chân Truông Bát vẫn thông. Thế mới biết sức người khiếp thật! Lũ trẻ suốt ngày nheo nhéo hát theo các chú thanh niên xung phong: Bom nó bằng gang, tay ta bằng sắt, ngẫm cũng đúng!

… Chắt Thấu leo lên, đứng dạng chân trên hai cái xe cút kít. Đám đông đồng loạt quay về phía ông. Chắt Thấu, là chủ tịch xã, lại mới đi họp trên tỉnh về. Trước một sự kiện mới, bàn ra, bàn vào, chán vạn, rốt cục, người ta vẫn thích có một phát ngôn chính thức từ miệng người có trách nhiệm. Lục cục với cái xà cột da Liên Xô một lúc, dường như là để kéo dài sự tò mò của dân Xóm Củi, chứ thực ra trong cái xà cột oai vệ đó, nếu có thứ giấy tờ gì, thì cũng chỉ là để ông chủ tịch gói thuốc lào. Ông Chắt Thấu dặng hắng rõ dài, rồi giơ hai tay lên, trịnh trọng:
- Tôi vừa đi họp tỉnh về – Ông nhấn mạnh hai chữ họp tỉnh – Tình hình phấn khởi lắm, trong tỉnh ta có nơi đang chuẩn bị gặt lúa bằng máy, ruộng thẳng băng.
- Chuyện như ở bên Liên Xô í – Cu Nghệ đế vào.
- Không phải bên Liên Xô! – ông Thấu tiếp – Mà ngay Xóm Củi của ta đây. Nhưng phải “cải tạo” cái đã, phải “sắp xếp lại” cái đã – ông Thấu sử dụng những từ nghe được ở hội nghị – chớ ruộng nương như cái vẹm của ta đây thì có mà đến mục thất!.
Nhiều tiếng người nhao nhao:
- Nói thẳng tuột ra đi, ông chủ tịch, “vòng vo tam quốc” mãi, sốt ruột lắm rồi!
Ông Thấu nhe răng cười:
- Chuyện phải có đầu có đuôi chớ! Tính rồi, bàn rồi, bà con ta cứ rứa mà mần. Sắp tới, trên cho đào một con sông, từ Vĩnh Sơn đi ngang xã ta, đổ ra biển. Sau đó thì gỗ lạt trên rừng xuống, cá mú ngoài bể vô, tha hồ mà thích!
Cu Nghệ lại đế:
- Cha! Chuyện đào sông mà ông nói xếp xếp, sắp sắp tui nghe như mẹ cu tui bỏ sắn vô nồi luộc!
Ông Thấu quắc mắt:
- Cu Nghệ hử! Mi không thấy hồi đánh Mỹ, bom đạn như trấu, mà có bao giờ tụi thanh niên xung phong để cho đường tắc mô? Chả bằng sức người thì bằng cái chi – Ông xuống giọng – Ở trên tỉnh, cũng có một tay kỹ sư mặt non choẹt, đeo kính cận, đứng lên tính bác, bị đồng chí bên tuyên huấn toát cho một trận, ngồi im re. Kỹ sư kỹ siếc gì, ngữ ấy chỉ có diện đồ, chứ biết ruộng nương chi!
Cu Nghệ im. Nắng lên, mọi người giải tán bớt. Ông Thấu nhảy xuống đất làm cho cái xe bị đổ. Có tiếng kêu:
- Dẹp xe cút kít luôn hả ông Chắt?
Chắt Thấu hả hê:
- Dẹp! Dẹp hết! Nhưng mà hượm đã, mai mốt có cái mà đi đào sông, mí lại, cũng phải giữ vài cái đem vô Viện bảo tàng chớ!
Dân Xóm Củi nom câu khẩu hiệu, lại nghe ông chủ tịch nói, ai cũng khoái cái lỗ nhĩ, nhảy tưng tưng reo hò. Nhưng cũng có người thận trọng hơn vẫn không bỏ chuyến củi thường nhật, xe cút kít, cắm cúi đi. Dù sao, trong lòng họ cũng thấy bừng lên ngọn lửa. Ai ở đâu nghe tin đó, phấn khởi thế nào không biết, chứ dân Xóm Củi thì coi đó là một sự kiện trọng đại. Quanh năm, sống bằng nghề đốn củi, vì ruộng đất, nói theo cách ví von của ông Thấu là như cái vẹm. Mùa nắng, bên trên cát đốt cháy chân mạ, bên dưới đất sét quánh như mật cô. Cắm cây lúa xuống, gió Lào thổi qua một lượt, là ngắc ngư, rũ rượi. Nghề nông không đủ sống, nên vừa xếp liềm hái vô nhà, là vợ chồng con cái lại kéo nhau lên rừng. Với cái xe cút kít bánh gỗ, người gò lưng phía sau nắm hai càng xe đẩy, kẻ đổ rạp người phía trước, ngoắc sợi thừng vào vai, kéo. Củi đem về chẻ ra, đóng bó, sáng hôm sau, đem ra chợ Gát bán, được tiền, không dám đong gạo, mà chỉ đong thóc. Tối về, tranh thủ xay, giã, lấy cám nuôi lợn. Bây giờ nghe nói “thay-trời-đổi… đất” thật đúng vo cái bụng dân. Chẳng hám chi tàu to tàu nhỏ, trên bến dưới thuyền, nhưng có hột thóc ém bồ, dứt được cái nghề “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” này là thỏa rồi.

Những ngày sau đó, bỗng dưng Xóm Củi đông nghẹt người. Người từ đầu tỉnh, cuối tỉnh, kéo đến, toàn là mấy cô cậu thanh niên phây phây. Ông Thấu lo đi mượn nhà cho dân công ngủ, y như hồi kháng chiến mỗi bận có bộ đội hành quân qua. Nhà ông cũng có tới chục người ở, nằm choán hết cả mấy cái chõng tre ở nhà ngoài. Trong buồng là chỗ của bà Thấu và con Loan.
Tối thui ông Thấu mới lò dò về, lên, xuống ngó đám dân công từ xa đến thấm mệt, lăn ra ngủ. Ông tặc lưỡi, ngả cái nong phơi thóc ra, gối đầu lên xà cột…
Từ đời cụ kị ông Chắt Thấu đã ở trên cái Xóm Củi này. Nghề đi củi không biết có từ bao giờ, nhưng cái nghèo thì đeo bám quanh năm suốt tháng. Như những người láng giềng khác, ông Thấu cũng biết đẩy xe cút kít, biết cày ruộng và biết nồi cơm độn toàn sắn lát khô. Ông vốn là một nông dân hiền lành, thật như đất và ít học. Cả Xóm Củi này, trước kia quen gọi ông với một cái tên thân mật như bao người nông dân khác là “Ông Chắt”. Còn cái tên “ông Chủ tịch” là mới sau này, người ta gọi theo chức vụ của ông. Thời trước lúc lão Cháu Li và Bảy Pheo làm chủ tịch, trẻ trong Xóm Củi thường hát: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ tịch mua đài, mua xe. Ông Thấu làm chủ tịch cũng có một cái đài bán dẫn hiệu Sony, nhưng dứt khoát không phải là ông sắm bằng tiền tham ô! Ai cũng biết, cái đài đó ông đổi bằng bộ ván gõ gụ lên nước rất bóng, nằm mát tê cái lưng cho thằng cháu, con ông anh cả, đem ở trong Sài Gòn ra. Bà Thấu tiếc của xuýt xoa. Ông cười hề hề:
- Thống nhất rồi, ăn nên làm ra mấy hồi, sau này, người ta nằm giường nệm lò xo, chứ ai còn thiết chi ván gõ nữa. Cái danh từ “Giường nệm lò xo” ông nghe đâu được ở một cuộc họp trên huyện. Khi về, gặp ai cũng tuyên truyền, rồi cười tít mắt. Bà mắng:
- Gàn! Ăn không không đủ mà cứ nói chuyện trên trời dưới đất!
Ông vặc lại:
- Bà thì cả năm không đi khỏi đụn thóc, biết mô tê chi! Giàu có như thằng Mỹ mình cũng đánh nó chạy re được nữa là ba cái chuyện làm giàu. Dân mình, nước mình góp sức vô, mấy hồi!
Nói có vẻ cứng lý vậy, chứ ông cũng chẳng biết cách cớ ra sao để làm cho dân Xóm Củi này giàu. Cả xóm, chỉ có mỗi con mẹ Tam Pha buôn thịt lợn là có nhà gạch, nhưng nhà ấy, thuộc diện con buôn, chả nhẽ lại đi học nó.
Bà Thấu ít lời, như xưa nay bà vẫn ít lời vậy.
Nhớ cái dạo anh Thấu đến nhà, ngập ngừng bảo: “Tị lấy tui nhá!”
Tị là tên của bà hồi con gái, bà cũng không cãi chỉ mắng:
- Gàn!
Cái độ người ta bầu ông làm chủ tịch, chưa kịp mừng, thì một mối lo đã manh nha trong lòng bà. Tính ông cả tin, cục mịch, ôm chức, ôm việc vào không khéo để cho người ta lợi dụng làm bậy, rồi chuốc vạ vào thân, đổ như lão Cháu Ly với tay Bảy Pheo rồi nhục cái tiếng. Chứ nhà có hai vợ chồng, con Loan thì cũng đã lớn, từ khi nghỉ học, nó đã là lao động chính trong nhà, kiếm cái ăn có khó gì mà “ôm rơm cho nặng bụng”. Loan năm nay mười bảy, vai tròn căng, ngực đầy ú ụ, hơi thô, nhưng lại là mẫu con dâu lý tưởng của khối bà mẹ chồng Xóm Củi. Tuy là con một nhưng đã là dân Xóm Củi, Loan cũng biết đẩy xe cút kít, biết đi kiếm củi về bán. Những hôm trời mưa, không lên rừng được, ngồi buồn, Loan lại lân la sang nhà ông bác, học may nhờ cái máy Sinco của bà chị vợ ông anh họ. Bà Thấu thương con, cứ tặc lưỡi với chồng:
- Giá bộ ván ấy, ông đổi cái máy khâu thì con nó đã đỡ cực.
Ông bổ bã:
- Tui cần, là cần cái đài nghe tin tức chủ trương, chứ máy khâu, nay mai, khối!
Bà bực lắm, nhưng chỉ biết thở dài.
Sáng sớm, bà Thấu trở dậy, thấy chồng nằm co ro trong cái nong phơi thóc. Những đốt sống lưng ông gù lên, nom rất tội. Bà thầm trách lũ trẻ vô tâm để ông già ngủ như vậy. Ngồi xuống bên ông, đập tay vào miệng nong, bà khẽ gọi:
- Ông ơi!
- Chết! Sáng rồi a bà? – Ông Thấu ngồi bật dậy, nhìn bà trân trân. Bà phát ngượng mắng:
- Ngó chi ghê rứa!
Ông nắm tay bà kéo lại:
- Ngồi xuống đây, tui kể cái ni cho nghe!
- Nói đại đi, mần khó coi.
Ông thầm thì:
- Đêm qua tui với bà được ngủ trên cái giường lò xo.
- Ông ni mớ!
- Thì tui nói là tui nằm mơ mà, bà biết không, tui thấy tàu ngoại quốc ghé vô xóm mình mua củi.
- Gàn! Ông chả nói là khi đó người ta đun bếp điện, mua củi mần chi?
- Ờ hé! – Ông cười xí xoá – Con Loan mô rồi bà?
- Hắn đang ngủ.
- Con gái chi chừ còn ngủ, bữa ni, bà nói hắn ở nhà đi dân công nhá!
- Nó đang học may!
- Bỏ đó! Cả đời mới có một lần làm cái công trình ý nghĩa lịch sử như rứa! Với lại… con mình không đi, tui khó nói người ta.
Bà chưa kịp mắng: “Gàn!” thì ông đã vác cái nong chạy ra dựng sau hè.

Dân Xóm Củi nhà nào cũng bớt lực lượng đi củi, để ra đào sông. Nhà ít thì một người, nhà nhiều thì hai, ba người. Ở phía Nam Xóm Củi, chỗ khúc sông đào chạy qua bỗng nhiên rộn rịp hẳn. Mấy cái loa to như cái nơm, cái treo ngọn phi lao, cái ngoắc trên đầu thang, dựng tồng ngồng ngay giữa công trường, tối ngày ra rả hát. Mỗi chiều, khi tiếng loa ngoài công trường đọc tên con gái mình trong danh sách những người được biểu dương, ông Thấu phỡn ra mặt. Bà Thấu thì cẩn thận đe con:
- Con gái, con lứa, mi phải biết dè sức, rồi còn đẻ đái con ạ!
Ông cười hề hề:
-Bà hay lo xa, hắn lớn khắc biết lượng sức mà làm. Tụi hắn còn trẻ, phải có “thi đua”, có “phong trào” nữa chứ. Bà không nhớ cái hồi tui với bà đi tải gạo lên Tây Bắc đó à! Mình cũng không kém chi hắn bi giờ, “con ông không giống lông cũng giống cánh”.

Thế mà ở Xóm Củi vẫn có người trốn không chịu đi đào sông, đó là mụ Tam Pha buôn thịt. Con mụ có một sạp bán thịt ở chợ Gát, nổi tiếng cân điêu. Giàu nứt đố, đổ vách mà keo từng hào. Ông Thấu ức lắm, cho đám dân công phục bắt, nhưng thằng Trơng con mụ cũng khôn như ranh. Chỉ có một bữa bí quá, mẹ con mụ phải vứt lại cái đùi lợn, chạy lấy người. Đuổi bắt không được, ông Thấu chửi với theo:
- Mấy con mẹ buôn, đố có đứa nào lên được chủ nghĩa xã hội!
Rồi ông chỉ miếng thịt, ra lệnh:
- Đem về bồi dưỡng cho dân công!
Về sau này, mỗi khi nhắc lại câu nói ấy của ông Thấu, mẹ con mụ Tam Pha lại chửi xéo:
- Nhà tôi đúng là không theo kịp ông anh, bà chị lên chủ nghĩa xã hội, vì không thừa con gái đi tế cho cái lũ khùng!
Tức nghẹn cổ, xót xa với cái chết của con bị người ta đem ra bêu rếu, ông Thấu chửi với theo cái “mô kích” của thằng Trơng đang nhả khói:
- Đồ đểu! Cái loại chúng mày chỉ đáng vo viên để xuống đít cho ông ngồi.
Nói rồi, ông ném phịch người xuống bãi cỏ.
Đúng là không ai lại có thể nhẫn tâm như mụ Tam Pha. Đụng đến người chết là điều ít ai nỡ làm, tệ hơn, đây là cái chết đau thương của đứa con gái độc nhất của ông chủ tịch.

Hôm đó, ngồi họp ở Uỷ ban, ông Thấu cứ ngóng tiếng loa vọng choang choảng từ ngoài công trường vào. Giọng tay phát thanh viên ở bên văn hoá thông tin cứ réo rắt: Xét thể lực của hai đội thì đội An hoà có thế mạnh hơn vì có tới ba trong sáu thành viên của đội là nam. Nhưng qua mấy lần hội thao trước, An Hoà chưa bao giờ vượt được Sơn Thọ. Sơn Thọ có bốn nữ, nhưng giống như bốn cây trụ sắt. Đó là: Hồng, Kim, Loan, Sen, bằng sức khoẻ “bẻ gãy sừng trâu” của mình, các cô đã vượt An Hoà 0,25 thước khối…
Ông Thấu móc một cái đóm trên phên cửa, châm điếu thuốc lào. Sơn Thọ là xã ông làm chủ tịch “con gái ông chủ tịch phải thế chứ”. Ông khoan khoái nhả khói thuốc và theo dõi tiếp.
…Hiện nay, theo dự đoán của chúng tôi, giải thưởng hội thao này cũng sẽ thuộc về Sơn Thọ. Đồng chí tổng chỉ huy công trường đã xuống tận nơi để động viên cả hai đội, và… thưa các bạn, các nữ tướng của Sơn Thọ đã bỏ quang gánh. Vì có lẽ, theo chúng tôi, gánh chỉ được hai rổ đất, trong lúc đó đội có thể được ba mà lại giảm được rất nhiều thao tác”… ông Thấu tự nhủ:
- Thắng thế nào được dân Xóm Củi. Ông gãi mép đắc chí. Trong đội Sơn Thọ, ông biết có tới năm đứa là con cháu Xóm Củi của ông.
…Thưa các bạn! An Hoà cũng đã bỏ quang gánh để đội, cho đến giờ phút này, chúng tôi cũng chưa biết phần thưởng sẽ về tay ai, trong cuộc đọ sức, đọ tài này, đội nào cũng nỗ lực vượt bậc để chứng tỏ sức dời non lấp bể của mình… Kìa… Cố lên. Cố lên. Tiếng loa bỗng khìn khịt rồi im bặt. Ông Thấu đứng lên:
- Mẹ khỉ, đứa mô ra coi cái loa, răng mà tự dưng câm tịt rứa bây!
Phòng họp cũng nhốn nháo cả lên. Té ra, nãy giờ, người ta chỉ chú ý vào mấy cái loa ở ngoài công trường. Mọi người đang nóng ruột, thắc mắc, thì bà Thấu sấp ngửa chạy vào:
- Ông giết con tôi rồi! Bà hét lên rồi ngã ngất trước bậc thềm.
Cả đám người trong phòng họp lao ra ngoài công trường. Người ta rẽ lối cho ông Thấu vào. Có lẽ suốt cuộc đời, không bao giờ ông quên được cảnh ấy! Loan, cô con gái duy nhất của ông được đặt nằm trên một cái chiếu manh, đầu ngoẹo sang một bên. Ở bên mép rỉ ra một dòng máu đỏ hồng. Loan bị chết bởi một tai nạn mà ai cũng cảm thấy, nhưng không ai ngăn cản cả. Do đội ba thúng đất quá nặng, chạy trên một bờ đất chông chênh giữa hai thùng đấu sâu hoắm, cô đã trật chân rơi xuống…
Cô chết một cách tức tưởi, mới thấy đó bỗng mất đó… Ông Chắt Thấu ngồi xuống bên con một hồi lâu, rồi lảo đảo đứng dậy. Cả đám đông sụt sịt khóc. Họ thương Loan và cả chính ông…
Đám tang của Loan hôm ấy, cả công trường đi đưa. Đồng chí chỉ huy công trường đứng ra đọc một bài điếu văn dài, làm cho cả vạn nam nữ thanh niên đang từ không khí bi thương chợt thấy trong lòng hừng hực bốc lên ý chí dời non, lấp bể. Ông Thấu nhận ra cái vinh quang mà con gái ông sớm nhận được ở tuổi mười bảy. Đó là cả một điều an ủi rất lớn đối với ông. Cả đời ông, ngoài cái đám ma của địa chủ Cố Lơn năm 1939 mà ông được chứng kiến hàng ngàn tá điền khắp sáu xã đi đưa, thì chưa có đám ma nào trọng thể như đám ma con gái ông hiện nay. Cho dù ông là chủ tịch cái xã này, khi chết, may lắm được mấy chục ông bạn già đưa tiễn đã là an ủi lắm rồi. Ông đưa cái điều suy nghĩ đó ra nói với vợ vào một buổi chiều, sau đám tang một tuần lễ:
- Nó chết nhưng còn danh, còn tánh, chết vì bát gạo trắng của mọi người. Xóm Củi này biết, huyện này biết, tỉnh này biết. Rứa, coi như cũng đỡ tủi.
Bà Thấu trừng mắt ngó chồng, khóc nấc lên:
- Tôi không cần! Trả con gái tôi đây. Ba thúng đất đập lên đầu còn chi là con tôi, Loan ơi là Loan ơi!
Ông Thấu như bị hẫng đi sau câu nói của vợ. Ông nhớ lại hai con mắt rực lên như dại của bà nhìn ông hôm Loan chết.
Có lẽ, nếu con sông cứ được đào tiếp đủ sâu đủ rộng, bề thế, như một con sông thực thụ, đừng nghẹn lại giữa chừng mà chảy ra tới biển, thì có thể người ta đã suy tôn ông Thấu như một người anh hùng của Xóm Củi, thậm chí người ta đã tạc bia đá để tưởng nhớ con ông. Và điều quan trọng, là bi kịch trong lòng ông không trở nên trầm trọng. Thế mà, đất trên mộ con gái ông chưa kịp se lại, thì có lệnh trên ban xuống đình chỉ đào sông. Mọi người thu “cờ, đèn, kèn, trống” rút đi. Xóm Củi trở lại lặng tờ, cô tịch. Đất nham nhở và những phương tiện đào đất vứt chơ chỏng trên công trường, nom tiêu điều như thể vừa qua khỏi một biến động dữ dội của đất trời. Ông Thấu theo đoàn người Xóm Củi chạy ra bờ sông, nơi mà đám dân công đổ đất lên thành hai cái bờ cao như con đê khổng lồ, lòng ngẩn ngơ, đau xót.
Ông nuối tiếc không khí ngày hội diễn ra hàng tháng ròng trên cái xóm nghèo lẻ loi của ông.
Không ai bảo ai, từng người một bỏ ra về. Ông Thấu càng lẻ loi, chới với. Ông muốn mình có một sức mạnh như cái dạo ông đứng trên xe cút kít diễn thuyết cho từng ấy con người há hốc mồm ra nghe. Ông muốn dang hai tay ra giữ họ lại, trao cho họ cái cuốc, cái rổ, hô hào họ ra đào tiếp. Nhưng miệng ông cứng lại… Lệnh trên đã ban xuống.

Ông Chắt Thấu rời ghế chủ tịch xã giống như việc thay đổi vị trí của một bó củi từ bên này sang bên kia chiếc xe cút kít cho nó cân bằng. Những ngày cuối cùng ngồi ở trụ sở, ông như một ông từ giữ đền. Một mình với chiếc điếu thuốc lào, ông bỗng nghiệm ra cái cụm từ “Ông Chắt Thấu” vẫn yên ổn hơn nhiều cụm từ “Ông chủ tịch”. Nhưng đã quá muộn. Dân Xóm Củi cũng bắt đầu tỉnh ra, nhận thấy cái dạ dày lép kẹp cần được tống vào đó một cái gì cho nó co bóp. Người ta đã thôi nói chuyện đào sông, “cơ khí hoá”… Dân Xóm Củi lại đi kiếm củi như xưa, chỉ có cái khác là bây giờ sang chợ Gát bán củi, họ không còn đẩy được xe cút kít nữa..
Con sông đào cắt ngang chưa làm trọn cuộc hiện đại hoá, nhưng đã kịp buộc dân Xóm Củi đoạn tuyệt với cái phương tiện vẫn được coi là tân tiến của họ. Người đi chợ, gánh củi trên vai, lội qua con sông đào nước ngập đến bụng, lại leo qua hai bờ đất cao, mồ hôi chảy ròng ròng. Họ nhớ cái thời chở bằng xe cút kít, mà tiếc.
Những biến cố sau này ở Xóm Củi cứ như những nhát dao đâm vào lòng ông Thấu. Tuy đã thôi làm chức chủ tịch từ lâu, nhưng ông vẫn không dứt bỏ được quá khứ. Nhiều lúc ông ngồi ngẩn ngơ ngó đôi bờ sông nham nhở, rồi trút tiếng thở dài. Ông cứ khao khát, mong mỏi một cái giấy mời đi họp tỉnh như dạo nọ.Tất nhiên là không phải để nghe chuyện đào sông một lần nữa, mà để nghe những người ngày xưa đã chỉ đạo ông hô hào dân Xóm Củi đi đào sông, nay con sông không chảy được ra tới biển, thì họ cũng phải cho ông biết nguyên cớ tại sao. Để về, ông còn nói lại với dân Xóm Củi chứ… Không, tuyệt nhiên không có ai gọi ông lên để giải thích chuyện đó. Tất cả đều vụt lặn đi. “A! Ông chủ tịch!” Đang đi, Chắt Thấu nghe cái giọng xỏ lá của mụ Tam Pha. Con mụ ấy biết đích xác ông đã thôi chức chủ tịch mà vẫn gọi cái tên ấy để xỏ xiên ông. “Gớm, mời ông anh vô nhà em chơi đã! Bấy lâu, nghe ông anh nói, nghiệm, mới thấy trúng: Nhà em không có tinh thần chủ nghĩa xã hội nên cái thành quả mà các ông anh đào đắp, nhà em chẳng được hưởng!”
Ông Thấu rảo cẳng như bị ma đuổi. Tuy không ngoái lại, nhưng ông biết, cả Xóm Củi bây giờ chỉ có nhà mụ là mưa lụt không bị nước vô nhà. Nhà mụ nền đổ đá xanh cao cả mét, úng ngập ở đâu, mặc! Đời, nghĩ mà tức, khi cả xóm dỡ nhà mình ra, lót hố bom để thông xe vô Nam, đánh Mỹ, thì nó đi gom dù đèn, ống pháo sáng. Khi người ta trằn lưng ra đào sông, thì nó mổ lợn lậu, cất nhà gạch. Vậy mà nó còn dám ăn nói khinh khi ông như vậy đó! Buốt đến tận xương, tận tủy, nhưng cứng họng. Ông Thấu biết, khi con sông chưa chảy ra tới biển, thì người ta không thể phân biệt được đâu là công, đâu là tội. Cái con sông mà khi người ta kêu ông đào, ông tán thành, ông ủng hộ. Rồi về, ông vận động người ta có, ép buộc người ta có, đào đắp chán, cũng chỉ thành con sông cụt. Điều đau đớn hơn, là ông đã hy sinh cả đứa con gái duy nhất của mình vào đó. Giờ, con sông đã không chảy được, lại bỗng dưng, dựng lên hai con đê to chình ình. Trước hết, nó xé cái xã ông ra làm đôi, để bên kia sông, phần đất xưa nay cấy hái nhờ vào hệ thống nông giang dẫn nước từ trạm bơm Đại La về, nay bị con sông cắt ra làm nhiều khúc, gặp nắng, trơ đáy, nằm tênh hênh ngó trời. Cây mạ cắm xuống, bị gió Lào sớm về, thổi thông thốc, cứ rũ gục trên mặt ruộng cứng quàu quạu. Tệ hại hơn, bên này sông, Xóm Củi cứ động mưa kéo cho ít ngày là bị bờ sông ém lại, nước dâng lên xâm xấp nền nhà. Cây mít già, trong vườn ông Thấu chịu được một vụ mưa bỗng đứng đực ra, rũ lá, rụng xuống thối ủng quanh gốc. Cây cam sành, cây bưởi đào cũng không trụ được lâu hơn, lần lượt héo khô rồi chết. Ông Thấu cắn răng, nhờ mấy thằng cháu con ông anh sang chặt đem đi chợ Gát đổi gạo. Một mùa úng, hai mùa úng, cây cối ở Xóm Củi cứ thay nhau trút lá, chết gần hết. Chừng ấy cũng đã đủ để ông Thấu đau khổ, nay lại thêm những lời xỉa xói của mụ Tam Pha nữa. Như người mất trí, ông Thấu hùng hục bước đi mà không biết đêm đã xuống.
Thấy ông Thấu về tới ngõ, lão Thuật nhà bên đang gánh nước rửa chân trước bậc thềm, nói vọng ra:
- Mô về Chắt Thấu?
Người làng cũng đã không gọi hai tiếng “ông Chắt” vừa thân mật, vừa tôn trọng như khi ông còn làm chủ tịch nữa, mà phần đông cứ gọi ông bằng cái tên trần trụi ấy.
Lão Thuật tiếp:
- Có cái con sông cũng hay, Chắt Thấu hỉ, ngồi trên giường thõng chân xuống là rửa được, tiện đáo để!
Ông Thấu tím mặt lại. Đến cả cái lão láng giềng vốn hiền lành này mà còn dở cái giọng xát muối ấy, không trách thằng Cu Nghệ, đáng tuổi con, tuổi cháu ông, dám leo lên cây ổi, tuột quần ỉa, thấy ông còn nhe răng cười:
- Tui thấy từ ngày đào con sông, đến đi ỉa cũng khoái, vừa ngồi vừa nghe nhạc bì bõm cũng vui, ông Thấu hè!
Chắt Thấu băm băm bước vô nhà, gằn giọng với vợ:
- Mai tôi chuyển nhà đó, lên Truông Bát mà ở!
Sáng hôm sau, mặc cho bà Thấu chẳng hiểu mô tê gì cứ tru tréo chửi ông gàn, ông Thấu vẫn lần lượt dỡ nhà trên, nhà dưới, chuyển lên một cái thung đất dưới chân Truông Bát, cất nhà. Dân Xóm Củi thấy vậy, nhìn ông hỏi:
- Chi rứa, Chắt Thấu?
Ông chỉ ừ hử qua chuyện rồi xăm xắm bước đi.

Nghe bà Thấu báo tin ông Thấu ngộ bệnh, hai thằng cháu ở Xóm Củi làm vội cái cáng bạt bế ông Thấu đặt vào, khiêng chạy xong xóc lên bệnh viện cấp cứu. Nhưng ở bệnh viện nằm được một tháng thì người ta trả về. Mọi người đến thăm, bàn tán, thầm thì, riêng Cu Nghệ thì nói choang choáng:
- Thời buổi không có tiền lo thì chết!
Thực tế, bệnh ông Thấu cũng đã trầm trọng lắm. Một mình ông vừa san đất, cuốc núi, vừa chuyển nhà. Thỉnh thoảng lại còn phải kiếm một xe củi cho bà Thấu đem đi chợ Gát đổi gạo nữa. Ráng quá sức, bổ bệnh lao, người ông quắt lại, khô đét như que củi.
Mỗi bữa, bà Thấu ráng bón cho chồng vài thìa nước cháo. Đôi mắt của ông Thấu đục lờ như tách biệt với cuộc sống. Cho đến một đêm, bà Thấu trở dậy, linh tính thấy khang khác, bà vội châm đèn, đến ngồi bên ông. Đôi tay già nua của ộng Thấu khẽ đặt lên tay vợ. Toàn bộ sinh lực trong người ông như dồn vào đôi mắt, đẩy cái màng tinh thể đục lờ ra một khoảng vừa đủ xuất hiện một đốm sáng, cháy rực lên, vừa tha thiết với cõi thế, vừa yếu đuối, sợ hãi với người đời. Giọng phều phào, ông cố hỏi:
- Có… ai… nói… chi… chi… tui… không… bà?
Bà Thấu không dám nghĩ đến cái điều đang xảy ra ấy. Bám lấy đôi vai của chồng, như bám lấy một điểm tựa để giải thoát sự sợ hãi, bà không dám rời ánh mắt ông. Ở đó, nơi khoé mắt, hai giọt nước trong vắt đang ứa ra. Miệng ông Thấu lắp bắp. Bà nghe một tiếng gọi như thoát ra từ một nơi nào đó, sâu thẳm trong lòng ông:
- Bà tha tội cho tôi nha!
Rồi ngay thuỗn ra, ông chết!
Bà Thấu sấp ngửa, chạy như điên về Xóm Củi. Cái tin “Ông Chắt đi rồi!” được người ta lặng lẽ báo cho nhau rất nhanh. Bà Thấu cũng không ngờ dân Xóm Củi vẫn đối xử với ông Thấu như thế. Lâu nay vào ra như chiếc bóng với ông. Bỗng dưng bà cũng bị nhiễm cái mặc cảm của ông. Chính bà tuy không hiểu hết những gì xảy ra trong lòng ông, nhưng cuộc sống của bà cũng dần dần khép lại, lẩn tránh như một người phạm tội. Lẽ ra lúc ông nói lời cuối cùng, bà phải bảo: “Không, không ai có quyền nói gì cả, người có tội, không phải là ông!”. Nhưng dầu sao cũng đã muộn. Bà Thấu như người mất hồn, mặc cho Cu Nghệ bàn với ông anh ruột của chồng:
- Bác bảo bà ấy đem bán cái đài Sony đi mà sắm cho ông ấy cỗ áo…
Ngẫm nghĩ lời Cu Nghệ một lúc, ông bác cất cái đài cũ đi rồi về nhà chở bộ ván gụ của cụ Thấu đổi cho hồi nào sang, bảo với bà Thấu:
- Cả đời chú ấy chỉ ước làm cho dân no, dân ấm, không ngờ lại chết trên cái chõng tre ọp ẹp. Thôi, có bộ ván tốt mình nên nhường cho chú ấy, kẻo tội!
Cu Nghệ thêm:
- Bác nói phải! Khi trước nghe ông ấy nói tới cái giường lò xo, tui cũng ước có một cái để nằm thử, ai ngờ, kết cục lại thế này. Nhưng cũng tại bà con mình bác ạ! Ai cũng muốn được yên thân, muốn có một ông chủ tịch hiền lành dễ nói và nhất là không sợ bị ăn bớt, ăn chặn phần thóc của nhà mình!
… Đợi cho những người dân Xóm Củi đi đưa ông Thấu về hết, thằng Trơng mới lái xe “Mô kích” chở mụ Tam Pha đến nơi mộ bố con ông Thấu nằm. Mụ đốt một bó hương to, xẻ làm đôi, cắm lên cả hai phần mộ, rồi quỳ xuống khấn:
- Nhà em cũng vì miếng cơm manh áo mà phải bươn bả làm ăn. Sinh thời, đôi lúc có làm bác giận. Nay, xin cầu chúc cho bác “sống khôn, thác thiêng”, “phù hộ độ trì” cho mẹ con em được yên ổn làm ăn.
Chiếc xe Mô kích của thằng Trơng chạy vút đi.
Tất cả chìm dần trong màn đêm. Chỉ có hai bó hương cháy trên một của bố con ông Thấu là cứ rực lên như hai con mắt.