Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN

http://bshohai.blogspot.com.au/2012/06/hay-e-ngay-ay-lui-tan.html

Lâu nay trên diễn đàn ảo, và báo chí truyền thông không tiếc lời trách chính phủ. Vì chỉ nhìn vấn đề ở chỗ hiện tượng mà chưa nhìn đến chỗ bản chất của sự việc. Đứng trên quan điểm triết học để soi xét mọi vấn đề, mà đặc biệt là vấn để khủng hoảng kinh tế trong nước hiện nay, được thể hiện qua hệ thống ngân hàng đang giai đoạn chết ngộp, thì phải cảm ơn chính phủ.
Với một nền kinh tế chính trị bao cấp sao chép lại thời Liên Xô cũ - tự cung, tự cấp và bế quan tỏa cảng -  nước ta sau 30/4/1975 không thể tự lực tự cường, mà phải ăn bám vào đồng tiền viện trợ, nhờ vào 30 năm bán máu xương của dân tộc, để biến đất nước và nhân dân này trở thành bãi chiến trường và tấm bia đỡ đạn cho hai phe tả hữu thử bom đạn và phân tranh cao thấp trong cuộc chiến tranh lạnh suốt nửa sau thế kỷ XX.
Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, không còn nơi để ăn bám, buộc đảng cộng sản phải bỏ bao cấp, mở cửa - với cái gọi là cỡi trói đúng hơn là đổi mới - để đưa xã hội về với cái bình thường đã bị đảng từ chối, và cho nó là bất thường. Nhưng không đủ tầm để nghiên cứu và lý luận hay là tự dối mình, nên đảng đã lại tiếp tục đi sai đường khi sao chép kinh tế chính trị học mang màu sắc phong kiến Trung Hoa kể từ 1990. Từ đó nàng Kiều Việt sa vào vòng tay thiên triều Trung Hoa.
Câu chuyện sai lầm chính trị lần thứ hai khi sa vào vòng tay Trung Hoa lại một lần nữa đẩy dân ta vào một nỗi đau mới - nỗi đau hai tròng, mất nước gián tiếp và tiếp tục cam chịu những vòng xoắn bệnh lý kinh tế do sai lầm chính trị dẫn đến tha hóa toàn diện xã hội.
Nhiệm kỳ 5 năm 2006 - 2011 chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều hành kinh tế theo màu sắc Trung Hoa - với cái gọi là kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xuất sắc nhất là buông lỏng điều hành việc kinh doanh ngoài ngành và thành lập tràn lan những tập đoàn kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Từ đây ngân hàng thương mại cổ phần mọc lên như nấm sau mưa trực thuộc các tập đoàn hoặc các sân sau của nhà nước, để phục vụ vấn đề đầu tư ngoài ngành - kinh doanh bất động sản và chứng khoán - do chạy theo tăng trưởng và lợi nhuận ảo bằng cách nâng giá đất đai, lãi suất ảo từ thị trường chứng khoán để tính GDP và kiếm lợi nhuận.
Song hành với việc trên, chính phủ đã ra nghị định 141 ngày 22/11/2006, ban hành về vốn pháp định của các ngân hàng năm 2010 phải đạt vốn pháp định đến 3.000 tỷ đồng đối với ngân hàng thương mại, các ngân hàng đầu tư, ngân hàng liên doanh liên kết. Phải đạt vốn pháp định 5.000 tỷ đồng  đối với các ngân hàng chính sách, và các ngân hàng phát triển, liên doanh liên kết. Còn đối với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phải đạt vốn 15 triệu đô la Mỹ.
Một xã hội bình thường là xã hội mà ở đó, có nhiều thành phần kinh tế và tồn tại nhiều mức văn hóa cũng như tầng lớp khác nhau. Mỗi tầng lớp đảm đương một nhiệm vụ để làm nên một xã hội hài hòa và năng động. Xã hội phải có bác nông phu cày bừa làm ra hột lúa cái rau. Và cũng có bác ngư dân làm ra thủy hải sản. Trong khi đó, phải có trí thức và chính khách để làm chuyện tư tưởng, khoa học và tri thức cho xã hội, có các doanh nhân tạo ra công ăn việc làm, v.v... thì mới là xã hội hài hòa. Không ai tỵ nạnh ai, không ai lạm dụng ai, ấy mới là một xã hội phân công hợp lý.
Hệ thống tài chính ngân hàng cũng vậy, phải có ngân hàng lớn lo chuyện lớn, ngân hàng nhỏ lo việc nhỏ, nhưng làm nên một hệ thống kinh tế tài chính cho xã hội hài hòa. Từ nghị định 141/2006 này đã biến những cô gái quê - ngân hàng nhỏ - chuyển mình lột xác làm gái thị thành. Nó giống như hai câu thơ của Nguyễn Bính: "Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều". Kèm thêm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ảo và buông lỏng quản lý, đầu tư tràn làn ngoài ngành. Nó kéo theo những ngân hàng nhỏ lâu nay chỉ có đủ khả năng trí tuệ và thanh khoản để giải quyết việc cho vay nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, với số vốn nhỏ rất an toàn và bền vững. Nay những cô gái quê ấy lại phải một đêm thức dậy lo chuyện vĩ mô, nào quy hoạch thị thành, kinh doanh bất động sản, cho vay xuất nhập khẩu, kinh doanh chứng khoán, vàng và ngoại tệ, v.v... và v.v... Quá sức mình vì làm toàn chuyện mà đòi hỏi một ngân hàng muốn chuyển đổi chiến lược từ nhỏ đến việc to lớn này, cấn phải đào tạo con người và hệ thống mà thời gian tính bằng đơn vị chục năm vẫn chưa chắc hoàn thiện.
Hậu quả cuối cùng là ngày nay, nợ xấu ngân hàng đến mức 10% của tổng vốn trong toàn hệ thống ngân hàng, không thể cứu chữa được. Tổng dư nợ toàn bộ hệ thống ngân hàng gấp 1,25 lần GDP cả nước. Đặc biệt chỉ riêng những tổng công ty nhà nước sử dụng tiền dân làm ăn, đã nợ coi như mất trắng đến 20,75% GDP, vì kinh doanh không hiệu quả, thất thoát và tham nhũng.
Bên kia thiên triều Trung Hoa cũng không khá gì hơn, sau 3 thập niên tăng trưởng thần kỳ nhờ vào "sức mạnh mềm" - dân đông và bóc lột sức dân để tích lũy tư bản nhà nước thông qua nền kinh tế xuất khẩu - nhưng hôm nay đã bắt đầu suy thoái, vì kinh tế toàn cầu khủng hoảng. Hơn 20 năm nay, đây là tháng đầu tiên tăng trưởng chưa đến 8%, nhiều hệ lụy về bạo loạn xã hội sẽ nổi lên vì thất nghiệp, phân biệt sắc tộc, phân hóa giàu nghèo, và cướng quyền ác bá mang màu sắc phong kiến Trung Hoa. Câu chuyện thanh trừng nội bộ đảng thông qua ông Bạc Hy Lai, nó nói lên toàn bộ bản chất xã hội mang màu sắc phong kiến Trung Hoa. Năm 2008 để kích thích tăng trưởng Trung Hoa sử dụng gói kích cầu 580 tỷ đô la trong hơn 3.000 tỷ dự trữ ngoại hối và quý kim. Liệu cái gói này sẽ dùng trong bao lâu nữa thì, sẽ rút hết đống củi hơn 3.000 tỷ dưới đít lò? Khi ngân hàng Nhật Bản vừa công bố một nghiên cứu rằng, bắt đầu năm 2015 Trung Hoa sẽ tăng trưởng âm sau 30 năm nổi lên như sóng thần.
Trong khi đó, củi dưới đít lò nhà nước Việt chưa đến 20 tỷ đô la. Song, nợ mất khả năng chi trả trong toàn hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 5/2012 chỉ là 3,6%, nhưng sao chỉ chưa đầy nửa tháng mà con số này lại lên đến 10% toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng chính miệng ông thống đốc công bố qua 2 thời điểm gần nhau. Có phải chăng vì cùng đường nên bắt đầu "nói thật" hơn một chút? Tháng 6/2012 này phải buộc lòng sáp nhập 9 ngân hàng xem như đã chết vào những ngân hàng đang mắc bệnh mạn tính nợ xấu khó đòi.
Tất cả những điều trên cho thấy, một cô gái quê con nhà trọc phú rỗng túi được nuông chiều, không kiểm soát, lên tỉnh. Bỗng chốc cô gái mất đi bản sắc văn hóa miệt vườn với hương đồng thuần khiết, trao thân gửi phận vào chốn phồn hoa đô thị. Cô gái bị cuốn vào vòng thác loạn thị thành, sa ngã mà không ai dìu dắt, bảo ban. Công lao ấy là nhờ ơn đảng cộng sản và chính phủ làm nên. Nhờ đó mà, hôm nay hai đảng Việt Trung họp với nhau để làm việc lý luận cho một thời kỳ mới - thời kỳ đánh đổ cái định hướng kinh tế mang màu sắc Trung Hoa để đẻ ra thời kỳ mang màu sắc mới?
Nhưng dù là màu sắc gì đi nữa thì, phải cảm ơn đảng và chính phủ - đặc biệt là phải thực sự cảm ơn chính phủ - đã có công đẩy nhanh tiến trình định hướng mang màu sắc Trung Hoa đi đến chỗ lụi tàn. Liên Xô cũ cũng tự phải lụi tàn vì sai lầm chính trị mà đi cải cách kinh tế. Đó là quy luật vậy.

Tự dưng viết đến đây, tôi nhớ đến một câu trong kinh cựu ước: "Let the day perish wherein I was born" - Hãy để ngày ấy lụi tàn, cái ngày mà tôi sinh ra đời, cái đêm mà người ta nói rằng, có một con người được kết thành thai - mà nhà văn Cộng Hòa Nam Phi, Gerald Gordon, đã mượn để làm nên cuốn tiểu thuyết sống mãi với muôn đời, nói về chủ đề tố cáo chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi: Hãy để ngày ấy lụi tàn - Let the day perish.
Asia Clinic - 17h02 Chúa nhựt, 10/6/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét