Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Bất thình lình toàn dân biến thành chuột bạch và con nợ

Mấy tháng qua, cả xã hội đảo lộn chỉ bởi một tay Bộ trưởng thỉnh thoảng nổi cơn ngẫu hứng bất thình lình. Mà toàn là những cơn ngẫu hứng chẳng giống ai. Mình cứ nghĩ đi nghĩ lại tay Bộ trưởng Thăng này muốn có những thay đổi thật sự vì đất nước, vì người dân hay chỉ “nổ” cho cả thế giới biết mình là bộ trưởng và có quyền đưa cả đất nước làm chuột bạch thí nghiệm cho những cơn ngẫu hứng của mình.
Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT
Có thể kể ra không hết những cái giật mình của người dân kể từ khi Đinh La Thăng lên làm bộ trưởng, ban đầu là cấm cán bộ ngành GTVT chơi golf. Chẳng biết cái lệnh cấm của Đinh La Thăng có cần thiết lắm không và hiệu lực đến đâu, chỉ thấy sau đó chẳng ai tổng kết cũng không thèm nhắc đến nữa, coi như chuyện trẻ con hò hét dọa nhau chơi.

Tiếp đến là cái yêu cầu cán bộ công nhân viên ngành của ông ta đi xe bus. Rồi cũng chính anh ta cam kết sẽ đi xe bus mỗi tuần một lần. Chính ông ta cũng cam kết sẽ đi xe bus với bà con. Nhưng sau đó phán một câu xanh rờn: thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”. Thế là hòa.
Thế rồi đến chuyện đổi giờ học. Cả thành phố nhốn nháo, học sinh đi học từ sáng đến tận tối mịt chưa được về, đói lả, nhà trường nhốn nháo, gia đình bị động, loạn lên như cào cào… Nhưng, đường tắc vẫn cứ tắc, đỡ giờ này thì phát sinh giờ khác, chưa hết chỗ này thì đã có nhiều chỗ khác tắc hơn. Rồi cũng được dăm ba hôm đâu lại vào đấy, các cháu vẫn cứ theo giờ cũ mà đi, đến giờ thì về, tắc đường vẫn cứ yên tâm mà… chờ hít bụi.
Không thể hiểu nổi, với tư cách là một Bộ trưởng, Đinh La Thăng xem cuộc sống người dân là gì dưới tay anh ta. Cũng như anh ta đã dùng quyền lực nhà nước như thế nào? Cẩu thả, tắc trách, dốt nát hay tính sĩ diện thích ra oai quyền lực đã dẫn anh ta đến hết trò này đến trò khác?
Có phải những cái lệnh đóng dấu Bộ trưởng, những công văn hỏa tốc, quyền lực nhà nước giao vào tay Đinh La Thăng chỉ là để đem ra đùa chơi cho vui, không mang tính nghiêm túc. Bởi nếu có tính nghiêm túc, ông ta phải biết khi muốn áp dụng những kế hoạch nào vào xã hội, cần nghiên cứu thậm chí thí nghiệm cẩn thận trước khi đưa ra.
Nói một cách cụ thể hơn, Đinh La Thăng đã dùng cả mấy triệu dân Hà Nội và cả đất nước này vào những trò thí nghiệm không cần thử trước. Như vậy, tính mạng, cuộc sống người dân dưới tay Đinh La Thăng không bằng thân phận con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.
Thế rồi mới đây anh ta lại đề ra cách thu phí… với đủ cách suy nghĩ và bao biện, mà thực chất là bóp nặn bằng sạch những cái khố rách của người dân vốn đã lao đao với giá cả tăng chóng mặt mà chính phủ cứ mặc dân kêu gào.
Đến đây người ta đã rõ bụng dạ ông Bộ trưởng muốn gì? Có phải những trò hô hoán, đề đạt đã nêu trên, nói trước bỏ sau, kêu to đánh khẽ, làm đâu bỏ đấy của ông nhằm đến mục đích cuối cùng là nặn túi người dân vét nốt những đồng hào lẻ?
Biện bạch cho thu phí giao thông đánh vào túi người dân, rằng như vậy là phí chồng phí, Đinh La Thăng đã không từ một lý do nào.
Nắp cống vỡ, lộ bêtông cốt tre
Khi bị chất vấn về việc thu phí, ông ta bảo thu phí là để làm “đường tuần tra biên giới, nếu không thì ai sẽ giữ biên giới cho chúng ta?”. Cách giải thích lạ đời này đã lập tức bị coi là trò mèo vớ vẩn. Sao ông ta không đề nghị thu phí giao thông luôn để đánh Trung Quốc lấy lại Hoàng Sa hoặc Trường Sa luôn cho tiện. Hoặc thu phí giao thông để cho Phạm Tuân lại đi giao thông lên vũ trụ chơi chuyến nữa? Vì nếu không thì ai lấy lại Hoàng Sa, ai đi lên vũ trụ cho chúng ta?
Chỉ riêng cách giải thích này đã cho thấy tư duy Đinh La Thăng, Bộ trưởng một Bộ chiếm ngân sách khổng lồ và đảm bảo một ngành quan trọng của đất nước rành mạch đến đâu.
Điều không bình thường là trên ông ta còn có Thủ tướng, dưới ông ta còn có các Thứ truởng, cục, vụ, viện… lẽ nào như cha ông ta nói “Cháu nó lú thì có chú nó khôn” mà không ai chỉ bảo cho Đinh La Thăng rằng không được phép lấy cả đất nước và hàng triệu người dân làm chuột bạch như thế.
Nhưng đến khi biện bạch cho việc thu phí, không phải Đinh La Thăng không biết tính toán và không có suy nghĩ. Chính vì có suy tính, nên khi được giao quyền lực trong tay Đinh La Thăng là Bộ trưởng một Bộ giao thông, anh ta đã cố gắng khai thác nhiều nhất khả năng móc túi người dân bằng những cách hiệu quả nhất. Tất nhiên không tính đến sự hợp lý của những quyết định đó.
Chỉ có điều cái suy nghĩ của ông ta là ai cũng như ông, cũng nhiều tiền như Bộ trưởng hoặc đã từng có thời làm mưa làm gió ở cái ngành nhiều tiền nhất của đất nước là ngành dầu khí.
Khi đổi giờ, anh ta bảo: “Có một điều cụ thể là tôi đi làm lúc 6h30, hơn 7h mới về tôi chả thấy bao giờ tắc đường cả. Mọi người cũng thế thôi…”. Vâng, mọi người cũng thế thôi, cũng sống, cũng đi ra khỏi nhà và về nhà mình, nhưng họ không như ông, ông Đinh La Thăng ạ. Họ không có xe đưa đón, không có nhà cửa to lớn và hàng đống người nịnh bợ, giúp việc cũng như họ đang sống đồng lương chết đói trong tình hình giá cả hiện nay.
Đặc biệt, họ không có trách nhiệm thay người khác khi đóng tiền tuần tra biên giới vào phí giao thông. Đó là trách nhiệm của cả dân tộc. Trong đó bao gồm cả những người có cái đầu nghĩ ra những thứnày nhưng không bao giờ phải đi xe riêng hoặc bằng phương tiện cá nhân như anh ta.
Họ cũng không thể cứ đúng 6h30 ra khỏi nhà và hơn 7h mới về như ông. Họ còn cả đống công việc lo lắng cho cuộc sống của họ và gia đình họ.
Trong tư duy của Đinh La Thăng và bộ sậu của anh ta, anh ta cho rằng “không thể nói phí này đánh vào người nghèo” thì tôi không hiểu anh ta đang nói với ai?
- Thứ nhất, nếu không đánh vào người nghèo, thì có nghĩa là yên tâm khi đánh vào người giàu thì không sao? Cứ đánh thoải mái miễn là nó còn nôn ra được tiền? Có phải đây chính là tư tưởng “kinh tế thị trường định hướng XHCN” quái gở mà chúng ta đang lần mò trong đó? Nghĩa là cứ làm giàu đi, đến khi nào cần tao không tịch thu, công hữu được cách này thì sẽ có cách khác buộc mày phải nôn tiền?
- Thứ hai, khi tăng thuế đường, thuế xe, xăng… tất cả mọi thứ sẽ tăng giá buộc mọi người phải chịu vào cước xe. Bà nông dân đi viện, ông công nhân về nhà thăm quê, họ đi bộ mãi được sao? Vậy những khoản đó đánh vào ai? Hay nó đánh vào những người tham gia giao thông bằng xe nhà nước như anh bộ trưởng họ Đinh này?
Thậm chí, một tay Thứ trưởng của anh ta còn giải thích là mỗi chuyến xe thêm mấy triệu chia đều bao nhiêu hành khách không đáng bao nhiêu, hoặc ngành vận tải congtennơ là siêu lợi nhuận nên thêm mỗi chuyến vài triệu không ảnh hưởng. Đúng là miệng lưỡi từ những cái đầu dốt nát và không thể nói gì hơn là ngu xuẩn. Tại sao anh ta không hiểu rằng đời sống người dân đã tích tụ quá nhiều những cái “không lớn” như anh ta đã dẫn ra để đang đi đến sự khốn đốn? Và có phải quyền lực được giao cho anh ta thì anh ta có quyền tước đoạt từ tay người dân đồng tiền mồ hôi xương máu của họ bằng những chính sách bất hợp lý?
Cột km bị gãy, lộ ra tre thay cốt thép.
Tại sao anh ta không hiểu rằng ngành nọ, ngành kia siêu lợi nhuận như anh ta nói thì nhà nước đã sẵn sàng tròng vào cổ họ những sợi dân thuế má khác nhau.
Tại sao có một ngành siêu lợi nhuận hơn cả, là tệ tham nhũng của công, đặc biệt là trong các công trình giao thông ông ta không nhắm vào đó mà lấy lại tiền bị cướp đi?
Cuối cùng, chẳng có thể nói gì hơn, là khi một người được giao trọng trách mà ăn nói quàng xiên, ra lệnh ấm ớ, đặc biệt không biết mình đang phục vụ đối tượng nào, thì đời sống người dân cứ như giao vào tay kẻ đánh bạc. Và cả đất nước, dân tộc ta lại tiếp tục biến thành những con chuột bạch không cần bảo hiểm.
Nhưng, trên hết là thân phận người dân, cứ mòn mỏi nôn sạch từ những đồng tiền cắc nhỏ nhất trong đáy quần cho đến tài sản chắt chiu bao đời cho thỏa cơn khát tiền hiện nay của nhà nước. Cơn khát đó đang được giải khát bằng những lý do vớ vẩn và sự ngụy biện của quan chức để mục đích cuối cùng là người dân nôn ra những thứ họ cần.
Những điều đó không có gì lạ, chính sách đó diễn đi, diễn lại quá nhiều qua nhiều thời kỳ. Nhưng khi một Bộ trưởng dám thừa nhận rằng: “Tôi bị ’chửi’ suốt” như một chuyện bình thường mà không suy nghĩ, thì đó là đã đến lúc không còn gì để nói thêm.
18/3/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thư ngỏ gửi các bác Trung Cộng

Kính thưa các bác Trung Cộng láng giềng
Ngày hôm nay, còn một ngày nữa là đến ngày 14/3. Một ngày mà mỗi người dân Việt Nam sẽ ghi tâm khắc cốt với kỷ niệm đau buồn khi cách đây 24 năm, 64 chiền sĩ của chúng tôi đã vĩnh viễn ra đi vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tôi gửi đến các bác mấy dòng.
Ngày 14/3/1988, bọn Trung Cộng nổ súng xâm lược Trường Sa, 64 chiến sĩ đã hi sinh khi bảo vệ Tổ quốc

Tôi chỉ là một dân thường Việt Nam, cũng như bao người dân thường khác, bao đời nay người dân Việt Nam chúng tôi vốn hòa hiếu với xóm giềng, vốn thuận thảo với bạn bè để xây dựng gia đình, quê hương, xứ sở.
Chúng tôi cũng nhiều lần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ ngôi nhà, mảnh đất, dân tộc chúng tôi nhưng luôn mở lòng nhân ái với những kẻ xâm lược. Những điều đó các bác chắc đã thấy qua những tư liệu lịch sử hàng trăm năm qua, cái ống đồng Thoát Hoan chui vào không đủ an toàn, nếu như người dân Việt Nam không có tấm lòng nhân ái. Một đoàn thuyền rệu rã, thủng tứ tung bởi cọc nhọn trên sông Bạch Đằng không đủ chở đám tàn quân của cha ông các bác, mà nước Việt chúng tôi đã cấp cho cả trăm chiến thuyền nhưng “về đến nước vẫn tim đập chân run”.
Thế rồi chúng tôi bình an, làm ăn và nuôi con, gìn giữ gia phong và truyền thống, sống thủy chung và nhân nghĩa với anh em.
Bỗng một ngày, đất nước chúng tôi nhận về một món hàng từ đất nước các bác, món hàng được thành lập, chế tạo đâu đó tại Hương Cảng vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước.
Nhập món hàng này về, chúng tôi được quảng cáo là sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người, sẽ xây dựng được một Thiên đàng ở trần thế, sẽ, sẽ, sẽ…. và sẽ. Ôi, tuyệt diệu, ôi mê ly, những người dân nghèo chúng tôi như lên đồng với những cái sẽ, sẽ và sẽ… đó.
Thế mà hơn gần một thế kỷ trôi qua, chúng tôi càng trông, càng mất. Những lời lẽ có cánh, tốt đẹp ban đầu càng ngày càng xa. Duy chỉ có thực tại là chúng tôi ngậm đắng nuốt cay với món hàng nhập lậu này.
Nghĩ đến đó, chúng tôi cứ có cảm giác như đứng nhìn đại họa Ốc bươu vàng ngày nào được nhập vào Việt Nam để đến hôm nay vẫn còn gây tai họa cho đồng ruộng. Ôi, sự ngu dốt của người dân, ôi sự cả tin và ngu xuẩn của con người.
Tưởng rằng là anh em, là đồng chí, các bác sẽ chị ngã em nâng, sẽ là cùng chung lý tưởng giúp nhau tiến bộ, những lời tốt đẹp các bác mang sang, dân bọn em uống lấy từng lời. Nào là núi liền núi, sông liền sống, nào là môi hở, răng lạnh… thôi thì đủ cả.

Thế nhưng, dần dần, càng sống lâu, càng hiểu lòng nhau, bọn em hiểu lòng dạ các bác rõ hơn nhiều. Câu nói dân gian Việt Nam được áp dụng cho các bác ở đây thật tuyệt vời: Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm. Thật chí lý. Mười sáu chữ vàng, 4 tốt… ôi, sao mà tình cảm thế, sao mà đẹp thế, đâu ngờ cứ nhè lúc nào môi khó khăn, thì răng cắn môi bật máu và cứ thế, và cứ thế bao nhiêu năm nay.
Câu chuyện ngày xưa lưu truyền trong dân gian chúng tôi về một Phú ông, đã mưu ma chước quỷ, năm lần bảy lượt nhằm chiềm lấy cái quạt mo của thằng Bờm. Đã bao lần mua chuộc không được bằng ba bò, chín trâu, rồi gồ lim, đồi mồi… đủ cả, nhưng không được. Người ta hiểu ngay bụng dạ phú ông lúc đó muốn gì. Vậy mà cuối cùng, trong một lúc cơn đói, cơn tham, sự ích kỷ thiếu lương tâm nổi lên, cái quạt mo, gia tài của Bờm đã rơi vào tay Phú ông chỉ vì nắm xôi bỏ miệng. Đau đớn thay.
Câu chuyện dân gian kia truyền từ nhiều đời, nhiều thế hệ nhắc nhở chúng tôi hãy cảnh giác với những lời ngon ngọt, tiếc thay đất nước chúng tôi vẫn có những thằng Bờm tồn tại đến ngày nay.
Ốc bươu vàng nhập lậu vào Việt Nam gây đại họa
Thật tiếc cho chúng tôi, nhiều người chưa nhận ra mặt thật của các bác, hoặc nhận ra nhưng vì thấy bộ mặt gớm ghiếc quá mà sợ hẫi, mà bất an. Cũng có nhiều người dựa oai hùm dọa hàng xóm để kiếm ăn trên nỗi đau đồng loại. Chúng tôi biết, chúng tôi rõ và nhân danh một người dân Việt Nam, chúng tôi đề nghị các bác tha cho chúng tôi để chúng tôi làm ăn, nuôi con cái và được sống hòa bình như bản chất hòa hiếu của chúng tôi. Đất nước các bác vĩ đại, rộng lớn dân tộc các bác đông đúc, xin các bác hãy thương lấy dân mình trước đã và hãy lo việc nhà mình cho êm ấm. Đừng để hôm nay tự thiêu, mai nổi dậy, ngày kia bắt bớ bí mật, ngày kìa thảm sát sinh viên…
Xin các bác nhận trở lại món quà “ốc bươu vàng” mà chúng tôi đã lỡ nhập. Nếu nó hay, nó tốt, xin nhân giống và cho nó phát triển trên đất nước các bác. Của tốt thì các bác cứ để nhà dùng nhé, còn chúng tôi, sau một thời gian nuôi thử nghiệm chúng tôi đã thấy hãi hùng vì đã trả giá quá đắt cho nó.
Hôm qua, tôi nhặt được mấy câu thơ đâu đó nó hợp cảnh, hợp tình với chúng tôi hiện nay lắm, xin gửi qua các bác đọc và hiểu tâm tình của những người dân Việt chúng tôi:
Bây giờ tôi hiểu anh rồi
Những lời ngon ngọt, hạng người phú ông
Nói như trao núi cho sông
Mà mảnh mo quạt, thì ông cố giành
Xin cảm ơn bộ lòng các bác nhiều, và kể từ đây chúng tôi sẽ cho con em biết để mà “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”.
Hải chiến Trường Sa 14/3/1998:
Ngày 13/3/2012 kỷ niệm 24 năm cuộc xâm lược Trường Sa 14/3/1998
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Thực chất vụ bán 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Thực chất vụ bán 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Phan Châu Thành

Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Việc hiện nay PetroVietnam (PVN) đang phải cố gắng bán 49% cổ phần NMLD Dung Quất là vì những lý do và ý đồ thực chất sau:
1. Trong năm 2011 vừa qua, năm thứ 2 đi vào khai thác của một công trình mới 100% trị giá quyết toán đến khoảng trên 3,5 tỷ USD, NMLD DQ đã lỗ trắng trên 3000 tỷ VNĐ nữa (khoảng 150 triệu USD). Đây là con số “bí mật” không được báo chí công bố ra ngoài nhưng trong ngành thì… ai ai cũng biết.
Sự thực là, nếu cứ để thế khai thác tiếp thì NMLD DQ sẽ còn lỗ tiếp lớn hơn trong năm nay 2012 và các năm tới, và chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa kỹ thuật và thảm họa kinh tế cho PVN và cả quốc gia. Vì thế, phải sửa chữa NMLD DQ là điều bắt buộc đối với PVN. Việc đâu tư xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam coi như chưa hoàn tất (mặc dù đã là niềm tự hào của ngành dầu khí Việt Nam!) sau khi PVN đã tiêu 3,5 tỷ trong trên 10 năm qua.
2. Nhưng sao lại phải sửa chữa một “niềm tự hào” – một nhà máy mới hoàn toàn? Nghe vô lý quá? Đỉnh cao trí tuệ gì mà làm ăn kém dzậy? Vì thế, đỉnh cao trí tuệ quyết định “lý do thực chất”  là vì PVN muốn mở rộng nhà máy, nâng công suất lên thành 9 triệu tấn/năm.
3. Nhưng Chính phủ Việt Nam hay PVN lấy đâu ra tiền để sửa chữa NMLD DQ nữa, khi anh cả đỏ PVN đã và đang bị sa lầy tài chính khắp nơi: trên các “sân nhà” như trên “sân” Điện lực (với Tcty PV “no” Power ), “sân” của Xăng dầu (với TCty PV “ôi”…), trên ‘sân” xây dựng và bất động sản (với các TCty PVC và TCty PV Lands…), và trên các “sân khách”: Đầu tư khai thác với Algeria, Venezuela… mỗi nơi đều mất vài tỷ USD trong mấy năm qua?
Chỉ có cách “lấy mỡ nó rán nó”, vốn luôn là tuyệt chiêu của lãnh đạo mọi lúc mọi nơi, trong chiến tranh và trong kinh tế đều vậy.
Vậy là chỉ còn cách lấy Dung Quất “rán” Dung Quất mà thôi.
4. Nhưng NMLD DQ vốn dĩ ai cũng biết là “của ôi” rồi, trị giá 3,5 tỷ USD mà chỉ làm ra “lỗ tạm” nhưng lỗ khá sâu – mỗi năm vài trăm triệu đô – thì bán hay “rán” nó ra sao cho “thơm” đây?
Thế mà PVN vẫn sẽ “rán” nó được đấy! Và đây lại là tuyệt chiêu nữa của lãnh đạo: Luôn luôn lấy sai lầm mới để sửa chữa sai lầm cũ, lấy lừa dối mới để che đậy sự lừa dối cũ, lấy đối tác mới “rán” ông chủ Nhân dân – đã cũ…
Vấn đề là PVN phải thực hiện sai lầm mới này một cách thật hoành tráng để nhân dân tin tưởng đó là thành công mới của lãnh đạo. Mà dân ta thì nói gì tin nấy (ấy là “người ta” nghĩ thế), dân ta đến nay vốn luôn luôn tin vào Đảng và Chính phủ mà, nên đó là chuyện nhỏ với Đảng và Chính phủ, và với cả PVN.
5. Trên tinh thần “cách mạng” đó, thực chất tài chính của vụ việc PVN “bán” 49% cổ phần NMLD DQ là như sau:
Giá trị sổ sách của NMLD DQ hiện là khoảng trên 3,5 tỷ USD, nếu bán 49% là 1,715 tỷ USD thì không nhà đầu tư nào thèm mua. Bởi vì, bỏ ra 1,715 tỷ USD để mỗi năm gánh lỗ thêm chừng 75 triệu USD nữa cho PVN thì nghe có vẻ không logic lắm với bất kỳ ai. Và đừng nói các nhà tài phiệt dầu khí dốt nhé, hay họ sẽ lại bị lừa nhé… (Họ trả “học phí ngu” cho PVN… đủ rồi).
Ai cũng có thể biết NMLD DQ chỉ có giá trị (net value, net equity, net worth) chỉ đáng giá tối đa 1,5 tỷ USD tính theo công suất hay sản lượng thực của nó: 6 triệu tấn sản phẩm đầu ra với giá thành gia công chế biến dầu thô trung bình (cao) 50 USD/T (con số này ở khu vực là 46-48 USD), và cho doanh số 300 triệu USD, tức tổng tài sản của NMLD DQ có trị giá thị trường tối đa là 5 lần 300 triệu tức 1,5 tỷ USD, nếu Việt Nam muốn bán nó ra thị trường quốc tế, ví dụ NY Stock Exchange…
Nhưng NMLD DQ đã được PVN “đầu tư” đến 3,5 tỷ USD (ai không biết 2 tỷ USD “từ đâu dôi ra” kia họ đã “đầu tư” ra sao – nhìn tài sản và cuộc sống của quan chức chính phủ và PVN thì biết liền!), tức là đã có 2 tỷ USD là “đầu tư ảo” trong đó – tham nhũng, thất thoát, không hiệu quả.  Mua 49% cổ phần DQ là mua khoảng 1 tỷ USD “đầu tư ảo” đó nữa, nên nhà đầu tư mới vào NMLD DQ cũng sẽ được PVN cho phép “mua ảo” hay “đầu tư ảo” chung.
Có nghĩa là, thay vì bỏ ra 1,715 tỷ USD mua 49% cổ phần, nhà đầu tư mới chỉ cần bỏ khoảng 700 triệu USD thật để sửa chữa nhà máy (chuyển từ chủ yếu xài dầu ngọt Bạch Hổ sang dầu chua Venezuela hay Trung Đông) và để lắp dây chuyền công nghệ xử lý dầu chua mới nâng công suất lên thành 9 triệu tấn/năm, thêm 3 triệu tấn/năm, còn 1 tỷ USD nữa là “ảo”, tức không phải bỏ tiền ra, mà vẫn được “ghi nợ” tổng số trên 1,7 tỷ USD…  Các nhà đầu tư mới nổi từ Nga và Châu Á “đại lục” rất khoái kiểu ăn “1 vốn bốn lời” này…
Làm sao họ làm thế được về kỹ thuật đầu tư?
Đơn giản, vì nhà đầu tư sẽ được trực tiếp tiến hành việc sửa chữa, nâng cấp, mở rộng Nhà máy theo yêu cầu trên của PVN (như “điều kiện” của việc bán cổ phần này), nên thực chất họ sẽ mang thẳng thiết bị rẻ tiền vào để làm việc đó và tự xuất hóa đơn tùy thích cho PVN, sao cho họ bao trọn 49% cổ phần NMLD DQ là 1,715 tỷ USD…
6. Sau màn biểu diễn quốc tế sắp tới mang tên “PVN bán 49% cổ phần NMLD DQ” trên của PVN, NMLD DQ sẽ có giá trị sổ sách (booking value) là… 5,215 tỷ USD (3,5 tỷ + 1,715 tỷ USD), với công suất 9 triệu tấn/năm. Giá trị thực của nó lúc đó theo sản lượng (tức theo khả năng tạo doanh thu, lợi nhuận ròng trước thuế) là: 9 triệu tấn/năm x 50 USD/tấn x 05 = 2,25 tỷ USD. Tức phần “đầu tư ảo” sẽ tăng từ 2 tỷ USD hiện nay thành: 5, 215 – 2,25 = 2,965 tỷ USD, gần 3 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa là PVN và “nhà đầu tư mới” của PVN sẽ nghiễm nhiên được chiếm thêm 965 triệu USD “đầu tư ảo” nữa qua phi vụ này, mỗi bên khoảng 1 nửa (51/49%) số đó.
7. Kết luận buồn:
Thay vì dũng cảm nhận sai lầm của công trình NMLD DQ đã đầu tư và huy động vốn đầu tư 700 triệu USD thêm cho NMLD DQ để sửa chữa sai lầm cũ đó và mở rộng Nhà máy, nâng tổng mức đầu tư lên 3,5 tỷ + 0,7 tỷ = 4,2 tỷ USD (trong đó vẫn chỉ có 2 tỷ “ảo”) thì Việt Nam cũng sẽ có NM LD DQ công suất 9 triệu tấn/năm, người ta lại chọn con đường tiếp tục lừa dối nhân dân, tiếp tục phá hoại dất nước, tiếp tục tham nhũng lớn công khai đồng tiền và tài sản của nhân dân!
Họ sẽ mượn tay “nhà đầu tư nước ngoài mua 49% cổ phần NM” để có thể đầu tư thêm 700 triệu USD nhưng cũng để có thể cùng tham nhũng thêm 1 tỷ USD nữa, nâng “giá trị ảo” của NMLD DQ lên thành trên 5,215 tỷ USD thay vì 4,2 tỷ USD…
Đây sẽ là SAI LẦM LỚN TIẾP THEO CHE ĐẬY SAI LẦM LỚN ĐÃ MẮC chỉ trong một công trình NMLD DQ!
P. C. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.