Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

"Chuyện lạ" đầu năm

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/story-writing-history-w-stone-tq-01272014115026.html

Thanh Quang, phóng viên RFA
2014-01-27

1-294-305.jpg 
 
Đội thi công cưa đá dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ sáng 19/1/2014 nhằm giải tán những người dân đến tưởng niệm trận hải chiến Hoàng sa
Photo by Nguyễn Hữu Vinh


Khi còn vài ngày nữa là tới Tân Niên Giáp Ngọ 2014 thì tại Hà Nội xảy ra “chuyện lạ” mà blogger Hiệu Minh cho là “sáng tạo”, còn blogger Người Buôn Gió gọi đó là “một điều cũng rất vĩ đại”.
Qua bài “Chuyện viên đá bị cưa dưới tượng Lý Thái Tổ”, blogger Hiệu Minh “quyết định” bình chọn bức ảnh anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đã giả làm “thợ cưa đá” ngay dưới chân tượng Đức Lý Thái Tổ, với “sức sáng tạo có một không hai trên thế giới” nhằm giải tán những người biểu tình yêu nước! Nhà báo Hiệu Minh nhận xét:
Sau “trốn thuế”, “hai bao cao su đã qua sử dụng”, và nhiều “mưu” khác, nay đến đá và cưa. Chuyện xảy ra sáng 19-1-2014, nhân kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc, một đoàn biểu tình nhỏ tiến tới chân tượng Lý Thái Tổ nhằm dâng hoa và dâng hương các chiến sỹ ngã xuống vì biển đảo, thì gặp một cách giải tán biểu tình theo mẹo (hạ cấp). Đó là nhóm các nhân viên an ninh giả vờ làm công nhân cưa đá, bụi mù và gây tiếng ồn để đoàn biểu tình phải bỏ đi.Các Thủ tướng Campuchia, Thái Lan và Ukraine nên sang Việt Nam học mẹo giải tán biểu tình này vì ba vị đang nhức đầu với hàng chục vạn dân đổ ra đường chống chính phủ.
Tác giả nhân dịp này bỗng nhớ về thuở học trò hồi thập niên 1970 khi thầy bắt phải phân tích bài thơ “Tức cảnh Pắc Pó” của cụ Hồ viết về bàn đá, nơi ông dịch sử đảng năm 1942:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Và, blogger Hiệu Minh phát giác ra rằng, sau hơn 7 thập kỷ, con cháu Bác đã dùng bàn đá trước tượng vua Lý Thái Tổ để viết nên một trang sử khác của đảng CS Việt Nam - không phải bằng bút mà bằng cưa điện gắn kim cương để “viết” nên “trang sử nham nhở”.
Một ngày đầu năm 2014, cách bài thơ Hòn Đá của Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ, các học trò của Hồ Chí Minh, một lần nữa, lại đưa hình tượng hòn đá đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nhưng một cách khoa học hơn.
- Người Buôn Gió
Chuyện “viết sử nham nhở” ấy khiến tác giả liên tưởng đến cách đây hàng ngàn năm, khi Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010 và lên ngôi vua, mang lại thái bình, an lạc cho thiên hạ qua chính sách “thân dân”, nhiều lần miễn thuế vì thương thần dân của Ngài. Ba năm sau đó, Ngài mang quân chinh phục quân Man nổi dậy ở Diễn Châu, khi về bỗng trời đất tối sầm, cuồng phong, sấm sét ầm ầm dữ dội, nên đốt hương và khấnTrời. Sau khi Vua Lý Thái Tổ khấn xong, giông tố sấm sét dần trở nên yên lặng. Từ sự việc như vậy, blogger Hiệu Minh thắc mắc:
2-262-300x217-250.jpg
Những viên đá bị cưa nham nhở. Photo by Nguyen Huu Vinh
Hôm rồi, vua Lý Thái Tổ đứng trên bục, nhìn xuống thấy cảnh dân biểu thị lòng yêu nước ngay dưới chân mình, giữa thủ đô Hà Nội, dân bị giải tán và đàn áp, liệu Ngài có nghĩ rằng, thế hệ lãnh đạo ngày nay có biết khấn vái trời đất hay không ?
Chuyện con cháu Bác cắt đá thành “trang sử nham nhở” cũng khiến blogger Người Buôn Gió liên tưởng đến “Hòn đá to và hòn đá nhỏ”, nhớ về bài thơ “Hòn Đá” của chủ tịch HCM quả “là một trong những bài thơ trác tuyệt nhất từ xưa đến nay”, nhất là vì những vầng thơ đơn giản ấy lại “ẩn chứa một bí kíp võ lâm” để một thời đòan kết được thiên hạ - thành quả mà đến giây phút gần lâm chung, Bác còn dặn các “đồng đảng” – nói theo lời Người Buôn Gió - phải giữ sự đoàn kết như giữ con ngươi trong mắt mình. Nhưng sao lại “Hòn đá” trong thơ Bác ? Bởi vì, theo nội dung bài thơ “trác tuyệt” đó,  chuyện đánh Tây, đánh Mỹ khó khăn như một hòn đá nặng mà nếu không có nhiều người xúm lại chung tay thì khó mà nhấc được hòn đá ấy. Rồi Người Buôn Gió nhận thấy:
Một ngày đầu năm 2014, cách bài thơ Hòn Đá của Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ, các học trò của Hồ Chí Minh, một lần nữa, lại đưa hình tượng hòn đá đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nhưng một cách khoa học hơn. Có lẽ thời Bác ngồi hang Pắc Pó chưa có dụng cụ cắt đá cầm tay chạy điện như bây giờ. Ngày hôm nay, với khoa học tân tiến, học trò của Bác đã chứng minh một điều cũng rất vĩ đại không kém phần triết lý là “cắt nhỏ hòn đá ra sẽ nhấc lên dễ hơn”… Hòn đá này được cắt nhỏ bởi một đảng viên có chức vụ, nơi cắt diễn ra tại chân tượng đài tiền nhân Lý Thái Tổ, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Phải chăng ngày hôm nay, xẻ nhỏ lòng đoàn kết yêu nước ra là giữ được đất nước ?

"Đảng vẫn chưa trưởng thành"

Khi Xuân Giáp Ngọ 2014 đang đến với quê hương, dân tộc thì từ Hà Nội, LS Nguyễn Văn Đài nhớ lại đây cũng là lúc kỷ niệm lần thứ 84, ngày đảng CSVN được thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc. Và dù đảng đã trải qua chừng ấy năm, nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối, từng “đánh Tây đánh Mỹ”, LS Nguyễn Văn Đài nhận thấy, “Đảng vẫn chưa trưởng thành”, ““vẫn như một đứa trẻ chậm hiểu”, “chưa biết tự bảo vệ quyền lực của mình bằng bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, uy tín” ; LS Nguyễn Văn Đài phân tích tiếp, “Sự tồn tại của đảng CSVN vẫn phải dựa vào nòng súng, bạo lực và nhà tù của quân đội và công an, như nhạc sĩ lão thành Tô Hải từng cảnh báo:
Quan trọng nhất là bộ máy đàn áp. Việc đàn áp vì tư tưởng và đàn áp đúng nghĩa của đàn áp thì ở nước ta kinh lắm! Ở nước ta bất cứ chuyện gì cũng trở thành tội phạm. Tôi xin nói rằng bây giờ họ không có ngại gì cả. Về quân đội và công an thì tôi xin nói đó là những con người được chế độ chìu chuộng số một, chiều chuộng về lương bổng các thứ. Do đó các bộ phận đó tuyệt đối trung thành vì không có đảng là họ mất hết. Cho nên họ nêu khẩu hiệu là “còn đảng còn mình”. Cái bộ máy đàn áp đó quá đầy đủ, quá sung sướng nên họ bảo vệ đến cùng chế độ.
bolapquechoa-200.jpg
Anh Kiên, phó công an phường Tràng Tiền, Hà Nội, đã giả làm “thợ cưa đá” ngay dưới chân tượng Đức Lý Thái Tổ
Trở lại bài “Đảng vẫn chưa trưởng thành”, LS Nguyễn Văn Đài cũng không quên lưu ý rằng đảng CSVN chưa thể duy trì hoạt động của mình bằng sự đóng góp đảng phí của các đảng viên, mà vẫn phải dựa vào tiền thuế của nhân dân để tồn tại”. LS Đài khẳng định:
Rất rõ ràng là đảng CSVN chưa đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lương tâm và hệ tư tưởng dân chủ tiến bộ để lãnh đạo đất nước xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Ngoài ra, cái mà đảng CSVN đang thiếu đó là văn hóa dân chủ, thiếu đạo đức chính trị để ứng xử với những công dân và tổ chức đối lập.
Trong khi đó, blogger Phạm Đình Trọng nhận xét rằng “ Chưa cần nhắc đến sai lầm, ảo tưởng của chủ nghĩa Cộng sản, chưa tính đến sự man rợ mất tính người của chuyên chính vô sản mà đảng Cộng sản Việt Nam đã thực thi suốt gần một thế kỉ qua gây nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam. Chỉ nhìn hình ảnh đảng Cộng sản Việt Nam trong hiện tại đã thấy rõ ‘thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích’ cướp bóc của dân, tàn phá đất nước”.
Hòn đá này được cắt nhỏ bởi một đảng viên có chức vụ, nơi cắt diễn ra tại chân tượng đài tiền nhân Lý Thái Tổ, giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Phải chăng ngày hôm nay, xẻ nhỏ lòng đoàn kết yêu nước ra là giữ được đất nước ?
- Người Buôn Gió
Trong giai đọan sắp tới ngày Tết Giáp Ngọ 2014, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận thấy cái hình ảnh thực tại đó là cả nước có 63 tỉnh thì 15 tỉnh phải xin nhà nước cấp gạo cứu đói gấp, phát xuất từ nền “kinh tế nhà nước chủ đạo” khiến người dân chỉ hưởng “những từ ngữ lấp lánh vàng mã và sáo rỗng” trong khi, nhà văn Phạm Đình Trọng bức xúc, “Sức mạnh vật chất của đất nước là của nổi của chìm, là nền kinh tế, Hiến pháp 2013, đã trao cho đảng Cộng sản Việt Nam; Sức mạnh bạo lực của đất nước là quân đội và công an, Hiến pháp 2013 cũng trao nốt cho đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhắc tới hiến pháp, MS Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hóa cảnh báo:
Bản hiến pháp mới vừa ra đời, họ tiếp tục duy trì điều 4 Hiến pháp và khẳng định quyền lực của đảng CSVN. Đó là, một lần nữa, họ muốn thông qua hiến pháp để củng cố quyền lực đối với người dân cũng như tạo uy tín đối với thể giới. Điều thứ hai là họ cũng muốn thông qua hiến pháp để phô trương với quốc tế rằng VN đã có bản hiến pháp tiến bộ hơn, đó là quyền con người được đưa lên những chương hàng đầu, quyền con người được tôn trọng hơn, được quy định ở trong văn bản, giấy tờ nhằm đánh lừa quốc tế để tìm vị thế tốt hơn hay cao hơn trong mối quan hệ quốc tế. Nhưng thực ra, hiến pháp không thể đi sâu vào cuộc sống của người dân. Người dân VN vẫn không có cơ hội để tìm hiểu hoặc tiếp cận với hiến pháp. Mặc dù đảng CS vẫn nói là đưa hiến pháp vào cuộc sống, nhưng thường ở VN, luật pháp được phổ biến tới người dân về mặt nghĩa vụ mà thôi, tức người dân chỉ được nghe về những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện, còn về quyền lợi thì người dân hầu như chẳng bao giờ biết họ có được những quyền gì.
Cũng nhân thời điểm mừng năm mới này, Thông điệp đầu năm 2014 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tuyên bố “thay đổi thể chế” khiến blogger Việt Hòang không khỏi thắc mắc qua bài “‘Thay đổi thể chế’ là thay đổi cái gì? Ai thay đổi?”. Và tác giả lưu ý:
Nước Việt Nam có lịch sử gần 4000 năm và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử với bao triều đại như Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… Những vị vua và anh hùng dân tộc trong lịch sử đã có công rất lớn trong việc dành lại độc lập và đánh đuổi ngoại xâm. Hậu thế ghi nhận công lao của họ và lịch sử không bao giờ quên ơn họ nhưng không thể vì thế mà con cháu họ lại có quyền thừa kế…đất nước Việt Nam. Đảng cộng sản cũng không thể là ngoại lệ. Nếu có công họ sẽ được lịch sử ghi nhận. Nếu họ muốn tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo đất nước thì họ phải có chính danh trong hiện tại. Chính danh đó chỉ có được nếu họ được đa số người dân Việt Nam lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng và minh bạch với sự tham gia của tất cả các đảng phái khác nhau.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Thư gởi Liên Hợp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa

http://qncbd.wordpress.com/2014/01/11/thu-goi-lien-hop-quoc-nhan-40-nam-trung-quoc-xam-chiem-hoang-sa/

Người dân Việt Nam và công dân từ khắp nơi trên thế giới
Danh sách người ký

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Ban Pháp quyền Liên Hợp Quốc
Uỷ  ban 1 của Liên Hợp quốc (Giải trừ quân bị và An ninh Quốc tế )
Tòa án Công lý Quốc tế

19 tháng 1 năm 2014
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông,
19 tháng 01 năm 2014 đánh dấu 40 năm ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng sức mạnh quân sự  để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng và phức tạp ở Biển Đông và ở Biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Trung Quốc đơn phương thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông chúng tôi mong muốn nhắc lại với các Quý Vị về sự kiện xảy ra 40 năm trước đây. Hy vọng rằng sự kiện lịch sử bi thương này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại và từ đó dự báo về một tương lai tốt hơn, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn. Tiếp đó, chúng tôi cũng muốn khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp quốc tế – nền tảng của hòa bình và phát triển thịnh vượng. Thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế là sứ mệnh trọng tâm của Liên Hợp Quốc. Là những công dân của thế giới, chúng tôi nhận thức được cần phải chia sẻ một phần trách nhiệm vô cùng lớn lao và quan trọng này.
Theo nhiều bằng chứng lịch sử, trước thời kỳ thực dân Pháp vào năm 1884, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ bất kỳ quốc gia nào trong suốt hai thế kỷ. Trong thời kỳ thực dân Pháp, nước Pháp  đã thực thi rõ ràng và mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Trong thời kỳ hậu thực dân và những năm Chiến tranh Việt Nam, từ 1956 đến 1975, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền ở hai bên vĩ tuyến 17 theo các Hiệp định Giơ-ne-vơ. Quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa luôn luôn biểu hiện rõ ràng và cụ thể các hoạt động và hành vi nhằm duy trì chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đã đóng quân tại đây ngay sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương.
Vào ngày 15 tháng 01 năm 1974, chỉ chưa đầy một năm sau khi ký kết Hiệp định hoà bình Paris hạn chế sự hiện diện của Quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã đổ quân xuống các đảo phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Trăng Khuyết) và trong vài ngày sau đó tăng cường triển khải lực lượng Hải quân.
Vào ngày 19 và 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng toàn bộ quần đảo sau trận chiến ác liệt với Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Trước hành vi sử dụng vũ lực một cách trắng trợn này, Quan sát viên của Việt Nam Cộng hoà tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu đưa vụ việc này ra Hội đồng Bảo an. Trong một công hàm ngoại giao gởi đến các bên ký kết Hiệp định hoà bình Paris, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an triệu tập một phiên họp đặc biệt để xem xét vụ việc này. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực nhằm mở một cuộc thảo luận về vụ việc này tại Hội đồng Bảo an.
Nước Việt Nam thống nhất sau 1975, luôn liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Bất chấp những phản đối của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và xây dựng trên đó nhiều cơ sở hạ tầng đáng kể.
Hành động quân sự của Trung Quốc năm 1974 xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng những biện pháp hòa bình. Nguyên tắc này, được quy định lần đầu tiên vào năm 1928 trong Hiệp ước Briand-Kellogg, sau đó đã được long trọng tái khẳng định nhiều lần trong các  văn kiện pháp lý nền tảng của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố năm 1970 về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia đã khẳng định một cách rõ rằng [m]ỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm sự tồn tại của một quốc gia khác hoặc để giải quyết tranh chấp quốc tế về các đường biên giới quốc tế, bao gồm các tranh chấp về  lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến đường biên giới của các quốc gia. “
Tuy nhiên chúng ta không thiếu các biện pháp có thể đưa đến một giải pháp hoà bình cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, một trong những biện pháp hòa bình đó là đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế. Thế nhưng Trung Quốc đã hoàn toàn làm ngơ trước mọi đề xuất theo hướng này. Nếu như Trung Quốc không ngừng khẳng định họ có bằng chứng rất mạnh về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tại sao họ lại không đồng ý đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế, tổ chức quốc tế thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia?
Đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,  mà chức năng chính liên quan đến tranh chấp này được quy định tại Điều 33 (và rộng hơn là trong Chương VI) của Hiến chương, cũng có thể là một biện pháp để đưa đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.
Nhưng một lần nữa, Trung Quốc đã ngăn ngừa bất kỳ ý định nào ​​đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, cụ thể là năm 1974, hoặc sau đó là năm 1988 khi Việt Nam có cố gắng tương tự đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an.
Sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, từ chối đàm phán hoặc phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế, rõ ràng không phải là những hành vi  và cách hành xử có lợi cho một thế giới hòa bình và ổn định.
Do đó, chúng tôi kiên quyết kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Thế giới đã chứng kiến ​những đau khổ khủng khiếp trong quá khứ khi các quốc gia, vì lợi ích riêng của họ, không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Không ai muốn điều đó tái diễn.
Ngày 19 tháng 01 năm 2014 đánh dấu 40 năm việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là dịp để cả thế giới nhìn lại sự kiện này và cũng là dịp để Trung Quốc có thể sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ.
Hãy cùng chúng tôi làm tất cả cho một thế giới hòa bình, ổn định và công bằng, và chúng ta chỉ có thể xây dựng một thế giới như vậy khi mỗi quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trân trọng,
Người dân Việt Nam và công dân từ khắp nơi trên thế giới
Danh sách người ký
Ký tên cho lá thư

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Vì sao miền Bắc chiến thắng?

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140122_hanoi_war_tuongvu_review.shtml

Cập nhật: 11:55 GMT - thứ tư, 22 tháng 1, 2014

Lính Mỹ trú ẩn trong chiến hào hồi năm 1968
Hà Nội đã chủ động đẩy tiến hành cuộc chiến tới cùng
37 năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, cuối cùng chúng ta mới có trên tay một công trình nghiên cứu coi trọng vai trò của các lãnh tụ Bắc Việt trong cuộc chiến đó.
Họ là người đã phát động cuộc chiến và đã chiến thắng. Theo nghĩa này tác phẩm 'Cuộc chiến tranh của Hà Nội' (nguyên bản - Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam) của tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng, phó giáo sư, khoa Lịch sử, ĐH Kentucky, thực sự có giá trị mở đường.
Mặc dù phần lớn quyển sách tâp trung vào giai đoạn từ 1968 đến 1972, ba chương đầu dành riêng cho chuyện chính trị nội bộ miền Bắc.
Nội dung của ba chương này thuật lại chuyện Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Lao Động Việt Nam (sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam), lên nắm quyền vào cuối thập niên 1950, và sau đó củng cố quyền lực với sự hỗ trợ của Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, và Trần Quốc Hoàn. Phe của Duẩn không chỉ độc chiếm quyền lực của Đảng bằng cách vô hiệu hóa những lãnh tụ khác như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Lê Duẩn và phe nhóm của ông ta còn dựng lên một nhà nước công an trị để bức hại văn nghệ sĩ và giam cầm những ai chỉ trích chính sách hiếu chiến của họ.

'Con bạc khát nước'

Dưới ngòi bút của TS Hằng, những lãnh tụ của miền Bắc hiện ra như những con bạc khát nước.
Họ thường xuyên đánh giá quá thấp kẻ thù và thua hết trận này đến trận khác. Cuối cùng họ thắng cuộc chủ yếu không phải nhờ thiên tài quân sự hay vì họ giành được con tim khối óc của người miền Nam, nhưng một phần nhờ vào bộ máy công an giữ nhân dân miền Bắc trong khuôn khổ kỷ luật, và một phần nhờ vào việc vận động thành công sự giúp đỡ của phe cộng sản và sự ủng hộ của dư luận thế giới.
Quyển sách này cho thấy Hà Nội kiểm soát rất chặt Mặt trận Giải phóng, qua chi tiết này đóng góp thêm một tiếng nói loại bỏ huyền thoại về một cuộc cách mạng tự phát ở miền Nam.
"TS Hằng cũng là học giả đầu tiên viết về những lãnh tụ có vai trò thực sự quyết định ở miền Bắc, đó là phe Duẩn-Thọ. Giới học giả Tây phương cho đến nay đã bị ám ảnh bởi những lãnh tụ bề ngoài có vẻ nổi trội như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nhưng thực chất những nhân vật này không phải là người quyết định chủ yếu trong cuộc chiến tranh."
Bà Hằng có lẽ là tác giả đầu tiên lập luận rằng không phải Tổng thống Mỹ Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara mà chính là chiến lược đánh bạc sát ván của Lê Duẩn dẫn đến việc quân Mỹ vào Việt Nam năm 1965.
Tương tự, không chỉ Tổng thống Mỹ Nixon và Cố vấn Kissinger muốn kéo dài chiến tranh vào năm 1968, mà cả hai chính quyền Sài gòn và Hà nội vì những lý do riêng không muốn đàm phán cho hòa bình.
TS Hằng cũng là học giả đầu tiên viết về những lãnh tụ có vai trò thực sự quyết định ở miền Bắc, đó là phe Duẩn-Thọ. Giới học giả Tây phương cho đến nay đã bị ám ảnh bởi những lãnh tụ bề ngoài có vẻ nổi trội như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nhưng thực chất những nhân vật này không phải là người quyết định chủ yếu trong cuộc chiến tranh.
Lẽ ra TS Hằng có thể đi sâu hơn vào những toan tính của Lê Duẩn trên cơ sở những tài liệu đã được bạch hóa. Xin mời đọc đoạn trích sau đây từ bài nói của ông ta ở Hội nghị Trung ương 14 và tháng Giêng năm 1968 ngay trước Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân:
“Tôi nghe anh em miền Nam nói tinh thần [quân đội Mỹ ngụy] bạc nhược lắm, nó sợ vô cùng. Sư đoàn 25 của nó cũng yếu đi rồi. Ở Huế ta đánh mạnh là nó tan rã. Mỹ đấy. Còn về quân ngụy, nó yếu vô cùng, nghe anh em nói khi ta đánh nó khóc lóc, bạc nhược vô cùng.”
Dựa vào cách đánh giá kẻ địch như trên, Duẩn tin rằng cuộc Tổng tiến công sẽ chẳng đem lại rủi ro nào: “Ở Hà Nội, lúc đầu một trung đoàn Thủ đô đánh hai tháng ra có việc gì đâu, huống chi bây giờ ta làm chủ, ta vào Sài gòn đánh vài ba tháng ta ra cũng được, không có chuyện gì…”
Chúng ta đều biết các lực lượng cộng sản bị thiệt hại nặng nề trong Tết Mậu thân. Nhưng ít ai biết những toan tính của các lãnh tụ miền Bắc khi họ ném hàng chục ngàn bộ đội vào một chiến dịch mà phần lớn sẽ bị tàn sát.

'Nhà nước công an trị'

Những lời nói từ chính miệng của Lê Duẩn không chỉ cho thấy những tính toán sai lầm lớn của ông ta mà còn cho thấy ông là một người chỉ huy quân sự liều mạng đến mức điên rồ: đánh giá thấp địch quân một cách quá đáng và tổ chức trận đánh mà không cần tính đến đường rút nếu thất bại.
Việc ông ta kiên trì theo đuổi cùng một chiến lược cho đến năm 1975 cho thấy ông ta cuồng tín đến mức nào. Công bằng mà nói, Lê Duẩn đã “đoán trúng” tinh thần bạc nhược của một bộ phận kẻ địch.
Nạn nhân của chế độ công an trị bao gồm cả cựu đồng chí của ông Hồ
Nhưng không phải lính “Mỹ ngụy” bạc nhược như ông ta đoán, mà Johnson và McNamara bạc nhược và xuống thang chiến tranh mặc dù chỉ có rất ít người dân Sài Gòn nổi dậy đón mừng quân giải phóng.
Vì một canh bạc rủi ro cao như thế nên chúng ta không ngạc nhiên khi Duẩn và phe cánh của ông ta tung toàn bộ bộ máy Nhà nước công an trị vào cuộc để bắt giữ những người có thể trong quá khứ hay tương lai sẽ chỉ trích chính sách phiêu lưu của họ.
Chi tiết trong sách của TS Hằng về bộ máy khủng bố của công an miền Bắc là một trong những đóng góp quan trọng nhất của công trình này.
Sự tồn tại của một nhà nước công an trị ở miền Bắc Việt Nam có thể ủng hộ lập luận của những người tin rằng Hoa Kỳ đã đúng khi can thiệp để giúp miền Nam thoát khỏi số phận hẩm hiu của miền Bắc.
Sau chiến thắng của Hà Nội, hàng chục ngàn viên chức, trí thức, văn nghệ sĩ, và các lãnh tụ tôn giáo đúng là đã bị cầm tù trong các trại “cải tạo”, nhiều người trong hơn một thập niên, cũng chung số phận với Hoàng Minh Chính và Vũ Đình Huỳnh, những đảng viên cộng sản cao cấp, đồng chí cũ của Lê Duẩn và Hồ Chí Minh bị buộc tội và cầm tù vì theo “chủ nghĩa xét lại”.
Tuy nhiên, quyển sách này không đem đến một kết luận chắc chắn về việc Hoa Kỳ và đồng minh miền Nam có thể chiến thắng hay không.
Đây là một câu hỏi đã gây rất nhiều tranh luận. Trên một bình diện thì câu chuyện về đấu đá phe cánh chính trị ở miền Bắc cho thấy cuộc chiến không phải được tất cả người miền Bắc ủng hộ như nhiều người nghĩ.
Nhiều người dân hay lãnh đạo Đảng miền Bắc chắc chắn không ủng hộ chiến thắng với bất cứ giá nào kiểu Lê Duẩn. Những sai lầm chiến lược của Lê Duẩn trong Tết Mậu thân chỉ ra chỗ yếu của ông ta mà nếu được khai thác đúng mức có thể giúp cho nỗ lực chiến tranh của Sài gòn và Washington.
Một cuộc phản công mạnh mẽ hơn (thay vì xuống thang chiến tranh) sau Tết Mậu thân có thể đã buộc Lê Duẩn phải mất chức.

'Duẩn-Thọ lấn lướt'

Tuy nhiên, một sự thực khác là phe Duẩn-Thọ trước đó đã rất thành công trong việc bóp nghẹt những chỉ trích kế hoạch Tết Mậu thân của họ. Trước sự lấn lướt của Duẩn-Thọ, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều tỏ ra hèn nhát không dám bảo vệ những người cộng sự và tay chân thân tín của mình bị họ bắt giam vì tội “xét lại”.
Những việc này làm cho chúng ta khó tưởng tượng được ai sẽ là người có thể loại được Duẩn-Thọ ra khỏi quyền lực.
Mà nếu Duẩn-Thọ vẫn còn đó, sự bướng bỉnh của họ cộng với bộ máy an ninh đầy quyền lực do họ chỉ đạo có nghĩa là miền Bắc sẽ tiếp tục chiến đấu đến người cuối cùng nếu cần.
Phe của ông Duẩn được cho là lấn lướt cả ông Hồ Chí Minh
Mặc dù TS Hằng sử dụng những tài liệu có giá trị nhất hiện có, sách của bà không chứa đựng nhiều chi tiết về vai trò của các nhân vật khác trong Bộ Chính trị trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, ví dụ như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh và Lê Thanh Nghị.
Có phải những nhân vật này chỉ đơn thuần cam chịu chấp nhận đường lối quân sự hiếu chiến của phe Duẩn-Thọ, hay là họ tích cực ủng hộ đường lối đó? Cũng tương tự như vậy, còn nhiều chi tiết về bộ máy an ninh chưa được biết rõ và cần được nghiên cứu thêm.
Công trình này của TS Hằng cũng cho thấy sự cần thiết nghiên cứu về cách mạng Việt Nam trong đó cuộc chiến tranh chỉ là một giai đoạn. TS Hằng đúng khi cho rằng Lê Duẩn coi cuộc chiến là ưu tiên số một.
Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội cũng quan trọng với Duẩn và tất cả các đồng chí của ông ta, dù họ có hay không xem cuộc chiến là ưu tiên số một. Trong tác phẩm “Đường lối cách mạng miền Nam” viết năm 1956, Duẩn xem cuộc chiến ở miền Nam không chỉ để thống nhất đất nước mà còn để lật đổ ách thống trị của “chủ nghĩa thực dân mới Mỹ” và “chế độ độc tài phong kiến” Ngô Đình Diệm.
Ông ta tin chắc rằng, “Thắng lợi thuộc về sự nghiệp vinh quang thống nhất, độc lập dân tộc của dân tộc ta, thuộc về cộng sản chủ nghĩa vĩ đại của chúng ta.”
Lê Duẩn kêu gọi tiến hành cách mạng ở miền Nam nhưng đồng thời tán thành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Việc xây dựng này cũng được định nghĩa như một cuộc đấu tranh giai cấp chống lại “những giai cấp phản cách mạng” và giai cấp nông dân với nền kinh tế “tiểu nông, lạc hậu.” Duẩn là người đi đầu ủng hộ chính sách hợp tác hóa nông nghiệp vào cuối thập niên 1950 cũng như chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng ở miền Bắc vào đầu thập niên 1960.
Tóm lại, công trình của TS Hằng đã đặt người Việt Nam (chủ yếu là người miền Bắc) vào vị thế trung tâm trong cuộc chiến. Đó là vị trí xứng đáng của họ. TS Hằng giúp chúng ta hiểu thêm miền Bắc đã chỉ đạo và chiến thắng ra sao.
Nhưng công trình của TS Hằng còn có một đóng góp quan trọng khác. Các học giả ngành Việt Nam Học và những nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam thường không quan tâm đến nghiên cứu của nhau. TS Hằng đã dũng cảm đem hai nhóm đến gần nhau và buộc họ phải trả lời những câu hỏi khó.
Bài do tác giả Vũ Tường tự dịch. Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể truy cập tại địa chỉ: www.h-net.org/~diplo/roundtables/PDF/Roundtable-XV-9.pdf.
Cuộc chiến tranh của Hà Nội là tác phẩm của TS Nguyễn Thị Liên Hằng, phó giáo sư, khoa Lịch sử, ĐH Kentucky. Nguyên bản tiếng Anh: Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2012).

Hé lộ mới về thân nhân lãnh đạo TQ

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/01/140122_china_princelings_icij.shtml

Một cuộc điều tra lớn trên phạm vi quốc tế thu thập được nhiều tư liệu tài chính rò rỉ cho thấy thân nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc, trong có cả em rể Chủ tịch Tập Cận Bình, nắm trong tay nhiều công ty hoạt động ở các 'thiên đường thuế' (tax havens).
Các tài liệu mật này nằm trong 2,5 triệu files mà Bấm Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tổng hợp được. Theo đó, nhiều nhân vật quyền thế trong hệ thống chính trị Trung Quốc đã lập ra các công ty và tài khoản đặt tại Cook Islands hoặc British Virgin Islands là những nơi bị coi là có điều kiện trốn thuế dễ dàng.
Trong số đó có ít nhất 15 người thuộc danh sách giàu có nhất Trung Quốc, đại biểu Quốc hội cũng như lãnh đạo các công ty nhà nước bị vướng cáo buộc tham nhũng.
Cần phải nói rằng việc lập tài khoản bí mật ở nước ngoài, kể cả các 'thiên đường thuế', không phải là hành động bất hợp pháp về luật, nhưng nó gây khó cho việc kiểm toán minh bạch, và che giấu quy mô tài sản mà giới này nắm trong tay.

Tiếp tục hé lộ

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã phải đối diện với một số cáo buộc chấn động mà các cơ quan truyền thông có uy tín như The New York Times và hãng Bloomberg đưa ra, trong có đề cập đến khối tài sản của các ông Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Mới đây, ông Ôn Gia Bảo đã phải viết tâm thư khẳng định mình trong sạch.
Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập đã tỏ ra khá cương quyết và lớn tiếng trong việc bài trừ tham nhũng, không bỏ sót bất cứ ai từ "hổ báo tới ruồi muỗi" (các tầng lớp khác nhau trong hệ thống chính trị) để nhằm phục hồi uy tín và tính chính danh cho Đảng Cộng sản trong một đất nước mà người dân ngày càng bức xúc về nạn tham nhũng và bất bình đẳng xã hội.
Các tài liệu được ICIJ tiếp cận là từ hai công ty vốn chuyên giúp khách hàng thành lập công ty, tài khoản và quỹ vốn ở các nước thuế thấp.
Chúng cho thấy gần 22.000 khách hàng có địa chỉ ở Hoa lục và Hong Kong, trong đó có công ty địa ốc của em rể ông Tập là Đặng Gia Huy, và một số công ty đăng ký ở British Virgin Islands của con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Ôn Vân Tùng, và con rể ông là Lưu Xuân Hàng.
Những cái tên khác được nêu trong điều tra của ICIJ có Hồ Dực Thời, họ hàng của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng.
Cuộc điều tra cũng phát hiện rằng các tập đoàn PricewaterhouseCoopers, UBS, Credit Suisse và một số ngân hàng phương Tây khác đã đóng vai trò môi giới tí́ch cực cho các khách hàng Trung Quốc thiết lập tài khoản ở các thiên đường thuế.
Ngành dầu khí của Trung Quốc, vốn là lĩnh vực xảy ra nhiều bê bối tham nhũng, có liên hệ chặt chẽ với các trung tâm tài chính nước ngoài. Ba tập đoàn dầu khí hàng đầu của Trung Quốc: CNPC, Sinopec và CNOOC - đều có quan hệ với hàng chục công ty đặt tại British Virgin Islands.
Giới chức Trung Quốc hiện chưa bị buộc phải kê khai tài sản một cách công khai và song song với nền kinh tế 'nổi' chính thức vẫn tồn tại một nền kinh tế 'chui' giúp giữ bí mật các thương vụ và tài khoản khổng lồ của các nhà tài phiệt đỏ.
Theo một số ước tính, lượng tài sản trị giá khoảng từ 1 nghìn tỷ tới 4 nghìn tỷ đôla đã bị tuồn ra khỏi Trung Quốc từ năm 2000.

Hố sâu bất bình đẳng

Trong các tài liệu rò rỉ, nhiều cái tên quyền lực nhất Trung Quốc được nhắc tới
Nền kinh tế tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong dân khi hố sâu trong thu nhập ngày càng giãn rộng.
100 người trong danh sách giàu nhất Trung Quốc có tổng tài sản lên tới trên 300 tỷ đôla, trong khi khoảng 300 triệu người còn ở mức thu nhập dưới 2 đôla/ngày.
Thiếu minh bạch tài sản là một trong những vấn nạn còn tồn tại trong nước.
Gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo có lẽ là trường hợp đầu tiên và liên tiếp bị báo chí phương Tây phanh phui. Mới tháng 11 năm ngoái, tờ New York Times đưa tin rằng một công ty tư vấn do con gái ông Ôn Gia Bảo - tên Mỹ là Lily Chang, điều hành, đã nhận 1,8 triệu đô từ tập đoàn JPMorgan của Mỹ .
Vụ này đã khiến nhà chức trách Hoa Kỳ tổ chức điều tra hoạt động của JPMorgan tại Trung Quốc, trong đó có xem xét quá trình tuyển dụng của công ty này, vốn bị cáo buộc là chỉ nhằm thu dụng con cái hay họ hàng của các nhân vật có ảnh hưởng.
Hôm 27/12, ông Ôn Gia Bảo đã gửi tâm thư tới nhà báo Ngô Khang Dân ở Hong Kong, cựu đại biểu Quốc hội Trung Quốc, để bảo vệ thanh danh. Ông viết: "Tôi chưa bao giờ liên quan và cũng không bao giờ liên quan tới việc lạm dụng quyền lực nhằm thu lợi cá nhân vì các mối lợi như vậy đi ngược lại những gì tôi vẫn tin tưởng".

China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140122-china-leaks-tiet-lo-khoi-tai-san-o-nuoc-ngoai-cua-cac-lanh-dao-trung-quoc

Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc : Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa - REUTERS /David Gray
Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc : Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa - REUTERS /David Gray

Thụy My
Những người thân của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng …đã che giấu một khối tài sản to lớn tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.

Tiết lộ trên từ cuộc điều tra công phu của Liên minh quốc tế các phóng viên điều tra (ICIJ) có trụ sở tại Washington, được nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng công bố hôm nay 22/01/2014 khiến người ta càng thêm nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Vụ China Leaks này là phần tiếp theo của chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ khởi động từ tháng 4/2013. Ban đầu là sự rò rỉ một ổ cứng chứa các dữ liệu của hai nhà cung cấp dịch vụ vi tính tại Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh, với hai triệu rưỡi tài liệu mật.
Khi nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu trên, các nhà báo ban đầu đã phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài của cựu thủ quỹ ông François Hollande, tài sản che giấu của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, con gái nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của Philippines. Nhưng phần liên quan đến Hoa lục và Hồng Kông phải mất thêm nhiều tháng trời, chủ yếu là do khó khăn từ chữ Hán.
Trong số 22.000 cái tên được tiết lộ, có thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp « thái tử đỏ ». Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro do khối tài sản trốn thuế này.
Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Excellence Effort Property Development. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenne College nhận định, cho dù các công ty trên « có thể không hẳn là bất hợp pháp », nhưng thường là những « xung đột lợi ích, phục vụ cho các quan hệ ở trung tâm quyền lực ».
Chủ đề này quá nhạy cảm đối với Bắc Kinh, nên hôm nay trang web của ICIJ hoàn toàn không truy cập được tại Trung Quốc, cũng như các trang mạng của những tờ báo liên kết với ICIJ như tờ The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha, hay Minh Báo của Hồng Kông.
Một trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong hôm nay diễn ra phiên tòa xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, nhà sáng lập phong trào Tân Công dân đã kiên trì đòi minh bạch tài sản của các lãnh đạo cao cấp.
Vài ngày trước đó, một lá thư của ông Ôn Gia Bảo được công bố trên một tờ báo Hồng Kông nhằm minh oan trước các tiết lộ của báo chí. Hồi tháng 11/2013, tờ New York Times khẳng định ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã tuyển dụng con gái ông là Wen Ruchun, có thể là nhằm giành được những hợp đồng béo bở tại Trung Quốc.
Theo tờ báo trên, Ngân hàng này với chính sách tuyển mộ người thân của các lãnh đạo Bắc Kinh, từng bị chính quyền Mỹ điều tra, đã chi 1,8 triệu đô la cho công ty tư vấn của con gái ông Ôn Gia Bảo từ 2006 đến 2008. Tài liệu của ICIJ hôm nay cho thấy cách thức bà Wen Ruchun đã xóa dấu vết liên hệ giữa công ty của bà và người cha, sử dụng tên giả là Lily Chang.
Cũng theo ICIJ, đến 90% khách hàng Hoa lục đã lập các công ty tại quần đảo Virgin thuộc Anh để trốn thuế, 7% tại quần đảo Samoa, 3% còn lại tại các thiên đường thuế khóa khác.
Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã cho rằng : « Logic các bài viết của ICIJ là không thuyết phục, đặt ra dấu hỏi về động cơ của họ ».

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Không bỏ lúa vụ ba mà còn tăng diện tích

http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/nong-thon-ngay-nay/vn-maintain-n-expand-third-crop-nn-11012013131622.html

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-11-01

lua1-305.jpg
Nông dân chăm sóc lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013.
RFA


Trái ngược với khuyến cáo của giới khoa học và thực tế làm lúa không thể làm giàu, Bộ Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích lúa vụ ba lên 1 triệu héc-ta trong 7 năm sắp tới.

Sản xuất trong mùa lũ

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục làm lúa vụ ba trong đê bao khép kín hoặc những nơi thích hợp. Đây là một phần nội dung dự thảo về quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Hồi đầu tháng 9 đã có những thông tin là sẽ giảm sản lượng lúa từ năm 2014 và những năm tiếp theo. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần sản xuất lúa vụ ba, song hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các hoa màu khác. Nhưng đến nay thì đã thấy rõ hơn về việc quan điểm ủng hộ cây lúa vẫn còn chi phối tư duy các nhà tham mưu chính sách.
Như vậy, trên thực tế đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa giảm sản xuất lúa nói chung và vẫn làm hai vụ lúa chính gồm đông xuân hè thu và vụ thứ ba là thu đông. Riêng vụ xuân hè cũng là vụ ba ở một vài nơi, thì không được khuyến khích.
Tất cả những thứ này người ta không thấy, họ chỉ thấy có thêm hạt lúa, nhưng theo tôi làm lúa với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm.
-GS Võ Tòng Xuân
PGS-TS Phạm Văn Dư, cục phó Cục trồng trọt phát biểu từ Cần Thơ:
“Vấn đề giảm diện tích vụ ba thì thật ra chúng tôi không đề ra cái đấy. Vụ ba vẫn là vụ chúng tôi nghĩ rằng nó cho chất lượng lúa gạo tốt nhất chỉ thua đông xuân. Thứ hai là nó có thể làm giống cho vụ đông xuân khá tốt.”
Vấn đề tăng thu nhập cho nông dân qua làm ba vụ lúa một năm được Bộ NN-PTNT đưa vào dự thảo quy hoạch. Theo đó qua điều tra vùng Tứ gíac Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vào thời điểm 2009, nếu một héc-ta trồng hai vụ lúa thì người nông dân có lãi từ 20,6 triệu đồng tới 21,2 triệu đồng/héc ta. Cùng diện tích đó nếu làm ba vụ lúa mức lời của nông dân từ 28,2 đến 28,7 triệu đồng/héc ta.
Từ thập niên 1990 theo chủ trương của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển hàng chục ngàn km đê bao khép kín để ngăn lũ. Từ đó nông dân các địa phương đã sản xuất vụ lúa thứ ba trong mùa lũ bên trong hệ thống đê bao này. Theo Bộ NN-PTNT năm 2013 các tỉnh vùng đồng băng sông Cửu Long đã canh tác tới 800.000 héc-ta lúa thu đông vượt qui hoạch khoảng 100.000 héc-ta.
lua22-250.jpg
Đồng lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA PHOTO.
Giới khoa học từ nhiều năm nay phản biện việc sản xuất vụ ba bên trong đê bao khép kín vì cho rằng lợi bất cập hại. Theo nhà nông học Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học Tân tạo Long An: sản xuất vụ ba trong đê bao thì tất nhiên đồng ruộng không được lũ bồi đắp phù sa, không được nước lũ tẩy rửa làm vệ sinh, phát sinh dịch bệnh. Sau vài năm, lượng phân bón thuốc trừ sâu sử dụng phải gia tăng để có năng suất. Nói chung sản xuất vụ ba trong đê bao lợi nhuận không nhiều nhưng tác hại lại không nhỏ. GSTS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh:
“Cái mọi người không thấy, để đạt năng suất mong muốn nông dân bón phân nhiều hơn, nhưng thực tế phân đó không được hấp thu hữu hiệu. Nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy, chừng 60% phân đó bốc hơi thành khí ammonia hoặc oxýt nitơ, là hai loại khí nhà kính rất là độc, nó làm trầm trọng thêm sự biến đổi khí hậu. Tất cả những thứ này người ta không thấy, họ chỉ thấy có thêm hạt lúa, nhưng theo tôi làm lúa với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm.”

Thêm vụ ba mới thoát nghèo?

Theo quan điểm của Bộ NN-PTNT trình bày trong dự thảo qui hoạch được Saigon Times đưa tin ngày 26/10/2013, khoảng 80% hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa dưới 1 héc ta. Do vậy làm thêm một vụ lúa có thể giúp người nông dân thoát nghèo; cũng theo nghiên cứu của Bộ, hộ dân có 1,5 héc ta trồng lúa hai vụ thì mới chỉ đủ ăn, làm thêm vụ ba mới có thể tích lũy.
Những người nông dân đang làm vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long nói gì, khi đồng hành với chính quyền địa phương và Bộ NN-PTNT trong sản xuất lúa vụ ba.
Nhìn toàn cục vùng ĐBSCL chúng ta sẽ thấy đôi khi làm thêm lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu như vậy không phải là giải pháp bền vững cho tương lai.
-TS Dương Văn Ni
“Dân ở đây đồng tình làm vụ ba, nhất là vụ ba lợi nhuận cao hơn vụ nhì. Biết rằng từ khi làm vụ ba nó mất đi cái màu mỡ mặc lòng, nhưng mà công ăn việc làm của bà con ở địa phương được thoải mái hơn.”
Bộ NN-PTNT lập luận là làm vụ ba không những tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp các dịch vụ máy cày, máy gặt, lò sấy tăng hoạt động. Cho nên vừa là tạo công ăn việc làm, vừa giúp thu hồi vốn nhanh hơn cho những nông dân có đầu tư vào lãnh vực này.
Trả lời Đài ACTD, TS Dương Văn Ni, chuyên gia môi trường học Đại học Cần Thơ nhận định rằng, nông sản trong đó có lúa gạo đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng phải xem nên sản xuất ở đâu và sản xuất như thế nào để không gây tác hại môi trường. TS Dương Văn Ni nhận định:
“Có nhiều vùng khi mà giữ nước thấp quanh năm như vậy thì các mương, kinh rạch bên trong vùng đó nó bị ô nhiễm trầm trọng và người dân không thể sử dụng nước mặt này được, bắt buộc người ta phải sử dụng nước ngầm. Chuyện bơm nước ngầm lên càng nhiều thì làm cho bên trong đê mặt đất lún sụt càng nhanh hơn. Thứ hai nữa là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều vùng mà nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hóa chất như thạch tín, như vậy nó cũng ảnh hưởng sức khỏe người dân.”
Bộ NN-PTNT đang soạn Dự thảo Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 tức vụ thu đông, theo đó một trong những cách tăng thu nhập cho người nông dân là phải tăng vụ, tăng năng suất. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích lúa vụ 3 của đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 830.000 héc-ta và đến năm 2020 sẽ ở mức trên một triệu héc-ta.
Đối với vấn đề tiếp tục sản xuất lúa vụ ba trong đê bao chống lũ, TS Dương Văn Ni từ Cần Thơ phát biểu:
“Nếu chúng ta nhìn một cách tổng thể, chuyện tăng một vụ lúa được bao nhiêu, lời lỗ bao nhiêu so với cái mà chúng ta phải trả giá cho cả một vùng rộng lớn. Đặc biệt chúng ta nhìn toàn cục cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta sẽ thấy rằng đôi khi làm thêm lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu như vậy không phải là giải pháp bền vững cho tương lai.”
Câu chuyện Bộ NN-PTNT kiến nghị duy trì sản xuất lúa vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời còn tăng diện tích vụ này lên 1 triệu hec-ta vào năm 2020 có vẻ gây ngạc nhiên lớn. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gạo giá thấp đầy khó khăn, cũng như kỳ vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây có giá trị cao hơn.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam kiệt quệ Tết Giáp Ngọ

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140118-tien-si-pham-chi-dung-kinh-te-viet-nam-kiet-que-tet-giap-ngo

Kho cá chuẩn bị bán trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 tại làng Đại Hoàng, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp ngày 06/01/2014.
Kho cá chuẩn bị bán trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 tại làng Đại Hoàng, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp ngày 06/01/2014.
REUTERS/Kham

Thụy My
Chỉ còn không đầy hai tuần nữa là đến dịp Tết nguyên đán, nhưng theo những tin tức từ Việt Nam, thì không khí những ngày cận Tết không hề háo hức như những năm trước đây. Nhân dịp này RFI Việt ngữ đã trao đổi về tình hình kinh tế với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

RFI : Thân chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Thưa anh, theo như báo chí trong nước, thì không khí đón Tết Giáp Ngọ 2014 có vẻ u ám hơn những năm trước, thậm chí còn có việc đến mười mấy tỉnh phải xin chính quyền trung ương cấp gạo để cứu đói ?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng : Đây có thể nói là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra, từ thời mở cửa năm 1990 đến nay chưa bao giờ có chuyện đó. Từ những năm 1978-1980 cho đến thời giá-lương-tiền đói kém như thế, ăn khoai mì, bo bo, khoai lang cho tới nay mới có việc đồng loạt hàng chục tỉnh xin cứu đói bằng gạo như vừa rồi. Không thể tưởng tượng được !
Đó là hệ quả tất yếu của suy thoái kinh tế trong những năm vừa qua. Nhưng còn hơn cả suy thoái kinh tế, đó không phải là vấn đề thiên tai, mà trong năm 2013 người ta phải dùng một khái niệm là « nhân tai ». « Nhân tai » ở đây không phải là vấn đề thủy điện xả lũ, mà chính do con người gây ra. Những kẻ trục lợi đã tàn phá nền kinh tế đến mức độ mà cuối cùng người dân phải chịu đựng hết.
Trong khi đó chúng ta vẫn thấy - cũng như trong thế giới tư bản, ở Việt Nam có một kiểu tư bản đặc thù - có nghĩa là đang trong suy thoái, trong khủng hoảng, nhưng phân hóa xã hội vẫn lớn. Người giàu vẫn càng giàu, và độ phân cách giữa người giàu và người nghèo càng lớn, hệ số Gini của Việt Nam càng cao. Mặc dù Nhà nước đưa ra con số Gini, tức là hệ số bất bình đẳng xã hội chỉ khoảng 0,4% thôi – mà theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, dưới 0,5% là an toàn.
Một điều lạ lùng và ngộ nghĩnh là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tương đương nhau, tức là hệ số Gini đều khoảng 0,4%. Nhưng thực ra mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều. Người ta ước tính hệ số Gini của Trung Quốc và Việt Nam khoảng từ 0,6 tới 0,7%.
Điều đó dẫn tới chuyện gần như 15 tỉnh đều xin gạo, một điều chưa từng xảy ra, kể cả những tỉnh được coi là khá trù phú. Chẳng hạn như Khánh Hòa. Khánh Hòa thì có gì mà phải xin gạo chứ ? Đây là địa phương nổi trội về du lịch, và từ năm 2010-2012 và đặc biệt năm 2013, là một thị trường du lịch phát triển thuộc bậc nhất trong toàn quốc, thu hút khách Nga rất nhiều. Đặc trưng này đã đem lại cho tỉnh nguồn doanh thu và lợi nhuận khá lớn.
Nhưng vì sao Khánh Hòa phải xin cứu đói, trong khi tỉ lệ tăng trưởng GDP của tỉnh này báo cáo là 84% ? Như vậy tỉ lệ đó có thật hay không. Hay người ta tự chế ra, tự sáng tác ra tỉ lệ GDP đó ?
Thực ra vẫn có một số vùng dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa, đặc biệt là những vùng xa như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn – nhất là Khánh Sơn, tôi đã đi tới đó và thấy người dân tộc thiểu số sống nghèo khổ như thế nào. Có những gia đình sống trong những túp lều, và miếng đất của họ thực ra cũng chẳng trồng cấy được gì, với một đàn con lít nhít không đủ áo quần để mặc.
Và trong những ngày giá lạnh như vừa qua, đã có những người chết ở Việt Nam. Những người chết mà không được công bố, và người ta cũng chỉ phát hiện ra một trường hợp có một thanh niên nhặt ve chai ở Đà Nẵng chết vì lạnh, trong một ngôi nhà hoang ở ngay quận Hải Châu giữa thành phố Đà Nẵng.
Không khí Tết là như vậy đó ! Nó bàng bạc như vậy, và nếu không khí những năm trước gọi là nhuốm màu u ám, thì thực ra năm nay là thê thảm. Vì năm nay không còn tiền để thưởng Tết nữa. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải lấy hàng tồn kho ra để thưởng Tết. Thường những năm trước người ta thưởng Tết bằng áo quần, nhưng năm nay thay vào đó thì có gì thưởng đó. Chẳng hạn thưởng tương ớt, gạch ngói…nói chung có gì thì lôi ra mà thưởng, kể cả giấy vệ sinh nữa !
So với những năm trước, mãi lực bán hàng năm nay lại còn tệ hơn. Hôm qua tôi có gặp một người quản lý tại một siêu thị lớn ở thành phố, anh kể cho tôi nghe thời điểm này của năm trước lượng bán hàng gấp đôi năm nay. Còn quay ra các chợ, kể cả chợ đầu mối, chưa tính những chợ nhỏ lẻ, thì không khác ngày thường bao nhiêu. Lượng người đi mua sắm thưa thớt, đặc biệt là không mua đồ đắt tiền mà chỉ mua những món đồ bình thường.
Vừa rồi có một cuộc khảo sát thăm dò của một trung tâm ở Hà Nội, cho thấy đến 76,5% số người được hỏi không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc tiêu dùng mua sắm và đi du lịch. Người ta thắt lưng buộc bụng tới mức gần như tối thiểu. Đúng như lời báo chí nói : Dân kiệt sức rồi !
Trong khi đó 432 loại phí vẫn phí chồng phí, và vẫn đổ lên đầu dân, chưa có bất kỳ một loại phí nào được tháo gỡ. Có nghĩa là các bộ ngành nọc dân ra để thu thuế, phí. Tất cả những phí đó từ chân lên đầu còn nhiều gấp bội so với thời Pháp thuộc !
Đó là không khí Tết của năm nay, và là hệ quả tất yếu của những năm suy thoái vừa qua, do các nhóm lợi ích trục lợi đã đổ lên đầu người dân Việt Nam.
RFI : Chính phủ đã có một số biện pháp được cho là để tháo gỡ, chẳng hạn về tình trạng bất động sản đóng băng có gói cứu trợ 30.000 tỉ đồng, nhưng như vậy theo anh không có tác dụng ?
Gói cứu trợ 30.000 tỉ hầu như đã thất bại, tính đến thời điểm này. Và tôi nghĩ cũng sẽ là một tương lai thất bại cho cả năm 2014 nữa. Vì tới nay sau sáu tháng triển khai gói kích thích 30.000 tỉ đồng, chỉ mới giải ngân được khoảng 2%. Con số trong báo cáo đưa ra là hơn 700 tỉ đồng nhưng thực chất số giải ngân cho tới thời điểm này, một số nơi đã tính là chỉ có hơn 600 tỉ đồng mà thôi. Mà trong sáu tháng, như vậy là quá ít.
Trước đây theo kế hoạch người ta dự kiến gói 30.000 tỉ đồng này tung ra là hết ngay, và có thể giải quyết trong vòng một năm. Vậy muốn tiêu thụ gói 30.000 tỉ đồng này phải mất mười năm, hoặc mười lăm năm. Một con số quá xa vời ! Trong khi đó thị trường bất động sản chỉ cần một vài năm nữa, với tình trạng như thế này, hoàn toàn có thể sụp đổ.
Đúng là bất động sản bây giờ là mấu chốt của toàn bộ các vấn đề, là trung tâm điểm của toàn bộ các thị trường. Muốn giải quyết được vấn đề mãi lực và vòng quay vốn xã hội của Việt Nam hiện nay, thì phải giải quyết tình hình bất động sản.
Trong những năm vừa rồi, sức mua và vòng quay vốn xã hội đã giảm đi : từ hơn hai lần vào thời điểm hoàng kim của những năm 2007, đầu 2008 chỉ còn có 0,8 lần vào năm 2012 mà thôi. Nhưng thực ra có một số đánh giá trong giới chuyên gia độc lập như thế này : cứ mỗi năm bình quân các chỉ số trên giảm đi 30%. Từ đầu năm 2011 đến nay, sau gần bốn năm suy thoái thì mãi lực, vòng quay vốn xã hội đã giảm đi 70 đến 75%, vậy bây giờ chỉ còn 25 đến 30% mà thôi. Đó là một con số hợp lý.
Điều đó cũng được chứng minh như thế này. Cuối năm 2011 Nhà nước còn tung ra một số tiền dành cho các ngân hàng thương mại cổ phần – tôi nhớ lúc đó là 18.000 tỉ đồng. Đến cuối năm 2012, con số đó rút lại chỉ còn khoảng 11 đến 12.000 tỉ đồng. Nhưng vào cuối năm 2013, nghe nói đâu khoảng 4 đến 5 hay 6.000 tỉ đồng mà thôi. Nói chung là không công bố, mà nếu có công bố thì số tiền cũng rất hạn hẹp, ít ỏi.
Như vậy cho thấy tình hình ngân sách rất khó khăn, và thị trường bất động sản vẫn chưa giải quyết được. Mà nếu không giải quyết được thị trường bất động sản, không giải quyết được gói kích thích 30.000 tỉ đồng, thì sẽ không giải quyết được nợ xấu bất động sản. Do vậy sẽ không giải quyết được toàn cục số nợ xấu đang tồn tại trong thể chế ngân hàng ở Việt Nam.
Hiện nay các ngân hàng đã kêu rên rất nhiều rồi. Và như người ta thường bình luận, khi mà các ngân hàng phải kêu thét lên, thì lúc đó nền kinh tế bi kịch, thị trường tín dụng bi kịch ! Và thật sự đang bi kịch !
Mới đầu năm 2014, cùng với thông điệp chào mừng năm mới và mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đưa ra ngay một dự thảo bổ sung Luật phá sản – một chế định cho phép phá sản những tổ chức tín dụng. Đây là lần đầu tiên Nhà nước phải nhìn nhận là những tổ chức tín dụng như ngân hàng có khả năng phải phá sản, giải thể, phải ngừng hoạt động.
Nói cách khác, người ta đã nhìn ra một tương lai – có lẽ là không xa xôi nữa – sẽ có một số tổ chức tín dụng trong đó có những ngân hàng, phải phá sản. Có thể là những ngân hàng nhỏ hoặc trung, thậm chí những ngân hàng lớn như Agribank – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đó là ngân hàng vừa qua trở thành quán quân về ngân hàng có số lượng giám đốc chi nhánh, những cán bộ phụ trách tài chính, tín dụng bị bắt nhiều nhất ở Việt Nam.
Cho nên tình hình kinh tế Việt Nam cho dù có giải quyết được một phần thị trường bất động sản, cũng không khá được. Huống chi cho đến nay thị trường này vẫn đóng băng cứng ngắc, không có một chuyển biến nào cả.
RFI : Anh vừa nhắc tới lãnh vực ngân hàng. Hiện này tòa án đang xử một vụ được gọi là đại án, lừa đảo đến mấy ngàn tỉ đồng nhưng ngân hàng liên quan nhất định không chịu nhận trách nhiệm. Như vậy ngay cả ngân hàng bây giờ người dân cũng không thể tin tưởng được ?
Hôm qua tôi đọc một tờ báo, chính là tờ Tiền Phong. Tờ báo đã phải đặt tiêu đề thế này : « Làm sao có thể tin cậy được ngân hàng ? », « Người gởi tiền bất an ». Họ đã phải gióng lên tiếng nói đó. Trước đây không mấy báo chí dám nói tới điều ấy. Vì đây là một lãnh vực được coi là nhạy cảm, được coi là cấm kỵ. Luôn luôn được Ban tuyên giáo trung ương kềm tỏa đối với báo chí, đặc biệt thận trọng trong việc đưa tin về ngân hàng, sợ đổ bể hệ thống tài chính tín dụng Việt Nam.
Nhưng còn bây giờ tình hình xấu quá rồi ! Mới đầu năm 2014, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải thừa nhận là hệ thống tín dụng và ngân hàng ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Và với tình hình nợ công và nợ xấu như hiện nay, có khả năng là Việt Nam sẽ vỡ nợ !
Trước đó chính ông Vũ Đình Ánh là một chuyên gia của Nhà nước, cũng phải thừa nhận là không trả một tỉ đô la thì Nhà nước Việt Nam sẽ vỡ nợ, và trong những năm tới không nhìn thấy một nguồn thu nào để trả nợ.
Vấn đề ngân hàng Việt Nam hiện nay rất lớn. So với hệ thống ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Việt Nam quá yếu. Vừa qua chính Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước - yêu cầu các ngân hàng thương mại phải phân loại nợ xấu và thiết lập quỹ dự phòng rủi ro - đã bị các ngân hàng phản ứng rầm rộ.
Họ cho là nếu áp dụng thông tư này thì rõ ràng họ không đủ khả năng để phân loại nợ xấu và thanh toán cho khách hàng. Có nghĩa là họ phải rút bớt một phần vốn lưu động để trích lập dự phòng rủi ro – bớt nguồn vốn lưu động thì sẽ ảnh hưởng đến vốn cho vay. Đồng thời thậm chí họ còn phải rút cả một phần vốn từ tiền gửi của khách hàng.
Chúng ta quay trở lại vấn đề Vietinbank và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với 4.000 tỉ đồng, cả một sự kinh khủng như vậy ! Đây là một vụ án đặc trưng, cho thấy sự lỏng lẻo của các ngân hàng trong việc quản lý tài chính tín dụng, các khoản thế chấp cho vay.
Từ cuối năm 2011, chính Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là một cơ quan tư vấn trực thuộc chính phủ, đã có một báo cáo. Tôi đọc báo cáo đó thấy rất thú vị, nêu ra khoảng gần hai chục ngân hàng với các tỉ lệ nợ xấu cụ thể lên tới mười mấy phần trăm. Trong khi lúc đó Ngân hàng Nhà nước mới chỉ thống kê là nợ xấu của hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 3% mà thôi. Và ngay lúc ấy tổ chức xếp hạng quốc tế là Fitch Rating cũng đã đánh giá thực chất nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vào thời điểm giữa năm 2011 lên tới 13%, chứ không phải là 3% như Ngân hàng Nhà nước báo cáo.
Có nghĩa là vào cuối năm 2011, tình hình đã thê thảm rồi, đã khó khăn lắm rồi. Nhưng người ta vẫn cố giấu nhẹm tất cả những gì có thể giấu được vào trong chăn. Và ở trong chăn người ta thấy những con rận, nhưng những con rận, con rệp ấy chưa có chui ra.
Vô hình chung, bản báo cáo chi tiết hơn 100 trang của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng biến mất. Không biết bị mất ở đâu, nhưng đưa lên bàn của chính phủ, đưa lên bàn của các bộ, ngành liên quan cũng đều mất ! Và không có bất kỳ thông tin nào trong bản báo cáo này được tung ra ngoài công luận.
Chúng ta không biết về các thói hư tật xấu của ngân hàng, về các nhóm lợi ích của ngân hàng, và về nợ xấu ngân hàng. Nhưng sau đó thì vấn đề Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu lộ ra từ sự suy sụp của thị trường chứng khoán năm 2011 và 2012.
Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam không đổ vỡ thì khó có việc lộ ra Huỳnh Thị Huyền Như hoặc những nhân vật khác trong vụ vay mượn. Sự đổ vỡ chứng khoán đã làm lộ ra tất cả những vấn đề tay trong, những cú đi đêm, những hợp đồng ma, những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như và những con số khổng lồ 4.000 tỉ đồng
RFI : Theo anh thì tình trạng này đặt ra những vấn đề gì ?
Câu hỏi cần đặt ra ở đây là ngân hàng đã quản lý như thế nào, và ngân hàng có thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc quản lý hay không. Hơn nữa, tính chất sở hữu chéo đầy ngộp giữa các ngân hàng với nhau đã làm cho các ngân hàng trở nên vô cùng khó xử, dẫn đến một sợi dây liên đới có thể tạo ra domino đổ vỡ, nếu tiếp tục xảy ra những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như bây giờ.
Một câu hỏi nữa là tại sao Vietinbank lại phủi tay trách nhiệm trong vụ án. Thật ra bây giờ các ngân hàng đang đi đòi nợ lẫn nhau. Ngân hàng ACB đòi nợ Vietinbank, thì Vietinbank có trả hay không ? Tại sao ban lãnh đạo của Vietinbank lại đổ toàn bộ cho Huỳnh Thị Huyền Như mà không thừa nhận một trách nhiệm nào ? Và câu hỏi lớn ở trên nữa, là tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Thống đốc Nguyễn Văn Bình có vẻ như là không liên đới chịu trách nhiệm trong việc quản lý những ngân hàng như Vietinbank, để xảy ra những vụ án như Huỳnh Thị Huyền Như ?
Như vậy cuối cùng chúng ta trở lại vấn đề như tôi đã đề cập là bài báo của Tiền Phong hay những tờ báo khác : người dân cảm thấy bất an khi gởi tiền vào ngân hàng. Cho dù gần đây chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình của Ngân hàng Nhà nước đã phải kêu gọi người dân gởi tiền vào ngân hàng, vì đó vẫn là một kênh an toàn và hiệu quả trong năm 2014.
Nhưng với những ngân hàng Việt Nam mang tính chất sở hữu chéo như thế này, xảy ra những vụ án khủng khiếp như vậy - mà thật ra họ không thể minh bạch được số tiền người dân gởi, và việc thanh toán, quyết toán lẫn nhau – thì làm sao người dân có thể an tâm mà gởi vào được ?
Từ đó dẫn tới việc chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong năm 2014 và những năm tới cố gắng huy động vàng từ dân. Người dân mà đã ngại gởi tiền vào hệ thống ngân hàng, thì làm sao có thể yên tâm mà rút vàng từ những nơi cất giấu, chôn giấu tại các ngõ ngách trong nhà, để gởi vào két sắt của Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần. Làm sao mà yên tâm, lỡ số vàng, số tiền đó mất đi thì sao ! Lỡ khủng hoảng ngân hàng, đổ vỡ ngân hàng, giống như bài học nhãn tiền vào năm 1997.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á- Thái Bình Dương, một số ngân hàng thương mại nước ngoài - kể cả HSBC, đã đầu tư quá nhiều vào bất động sản, và sau đó họ không có tiền để trả cho khách hàng nữa. Đối với các ngân hàng thương mại ở Việt Nam bây giờ cũng vậy. Họ ôm quá nhiều tài sản thế chấp bất động sản. Đến một lúc nào đó họ sẽ không còn tiền mặt để trả cho cho khách nữa. Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này ?
Chính vì thế, giữa chuyện được coi là nhỏ là ngân hàng Vietinbank và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, với cả một cái lỗi hệ thống trong hệ thống ngân hàng hiện nay, đó là mối liên hệ móc xích liên đới với nhau. Nó cho thấy nếu không giải quyết được bài toán này, thì nhiều khả năng là đến giữa năm 2014 - khi các ngân hàng thương mại không được quyền tái cơ cấu nợ nữa, không được quyền đảo nợ nữa, và nợ xấu bắt đầu lộ diện, bóc ra từng mảng, từng lớp - các ngân hàng bắt đầu kêu thét lên. Lúc đó nhiều khả năng là có những ngân hàng phải ra đi đầu tiên, kể cả những ngân hàng bậc trung như tôi đã đề cập đến, chẳng hạn như ngân hàng Agribank.
RFI : Thưa anh trong tình cảnh Việt Nam có nguy cơ vỡ nợ như anh nói, ngân hàng không được người dân tin cậy nữa thì sẽ không huy động được tiền, doanh nghiệp cần vốn không vay được…Có vẻ là một bức tranh quá u ám, nếu không muốn nói là đen tối ?
Bây giờ tình hình rất là u ám. U ám đến mức mà chúng ta nhìn thấybóng ma khủng hoảng đang lồ lộ, đang lừng lững hiện ra, và gần như vô phương cứu chữa.
Như tôi đã đề cập, theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 6/2014 sẽ áp dụng, các ngân hàng thương mại sẽ phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Để làm gì ? Để bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại một phần thôi, nhưng đồng thời phải bảo đảm thanh khoản và thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước. Những món vay mà các ngân hàng thương mại đã vay từ Ngân hàng Nhà nước, thì phải có trách nhiệm trả lại.
Có nghĩa là đã đến tình trạng Ngân hàng Nhà nước không thể « bao sân », không thể lo lắng, quán xuyến toàn bộ cho hệ thống thanh khoản của các ngân hàng thương mại, mà phải lo cho chính mình. Có nghĩa là đã đến lúc đèn nhà ai nấy rạng, thân ai người đó lo, và đường ai người ấy đi.
Vấn đề là nếu xảy ra tình hình các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được nợ xấu và nợ bất động sản vào giữa năm 2014 – mà thời gian từ đây tới đó chỉ còn có năm, sáu tháng mà thôi - trong khi toàn bộ hơn 100.000 căn hộ cao cấp và trung cấp từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bất động hoàn toàn, thì lúc đó sẽ có những ngân hàng có khả năng vỡ nợ. Như chúng tôi đã đề cập, đã có dự thảo cho việc vỡ nợ, phá sản của ngân hàng rồi. Và một trong những ưu tiên đầu tiên của các ngân hàng phá sản là phải thanh toán trước hết cho Ngân hàng Nhà nước, chứ không phải cho người gởi.
Nếu tình hình đó xảy ra thì rất dễ thấy một triển vọng gần gũi : năm 2014 cùng với tình trạng ngân hàng bắt đầu phá sản, có thể vỡ nợ, thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đặt một chân vào hố sâu khủng hoảng. Và bắt đầu một chu kỳ khủng hoảng, có lẽ kéo dài khoảng hai tới ba năm. Khi đó đừng nói gì tới chuyện cho vay giá rẻ như khẩu hiệu tuyên ngôn trong suốt thời gian vừa rồi đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Vì thực ra trong suốt thời gian vừa rồi doanh nghiệp vẫn hầu như chưa tiếp cận được vốn vay giá rẻ. Cái được gọi là vốn vay giá rẻ, lãi suất thấp nhất cũng là 8 – 9%. Trước đó lên tới 13-15%, còn vào năm 2011 thì các doanh nghiệp sản xuất đã phải vay với tỉ lệ 21-23%. Còn nếu như tình hình các ngân hàng phá sản, vỡ nợ dây chuyền với nhau, lúc đó lại đua nhau huy động vốn, lãi suất tiết kiệm tăng, dẫn tới lãi suất cho vay vốn cũng tăng theo và sẽ phá sản chính sách cho vay vốn giá rẻ.
RFI : Hậu quả sẽ như thế nào theo anh, nhất là khi Việt Nam không có chế độ an sinh xã hội như các nước phát triển ?
Sẽ dẫn tới những hệ quả và hậu quả xã hội vô cùng trầm trọng. Một minh chứng là vào năm 2013 đã xuất hiện thông tin từ chính các cơ quan nhà nước, dự báo là nếu tình hình quỹ lương chi trả như thế này thì có khả năng đến năm 2030, quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ vỡ. Có nghĩa là sẽ không còn tiền để chi trả cho những người về hưu nữa.
Nhưng tôi cho là điều đó có thể xảy ra sớm hơn. Vì thông thường sau một cuộc khủng hoảng, thì có một độ trễ từ một năm rưỡi tới hai năm quỹ lương hưu sẽ nguy ngập. Điều đó người ta đã nhìn thấy ở Liên Xô những năm 1992-1993, tức là thời kỳ hậu Liên Xô, sau cuộc khủng hoảng quỹ lương hưu đã gần đổ bể. Lúc đó giá trị lương hưu của người về hưu nhận được chỉ còn lại một phần ba cho tới một nửa giá trị thông thường trước đó mà thôi.
Ở Việt Nam cũng có thể như vậy, và những ngày gần đây nổi lên một hiện tượng như thế này. Cho đến giờ phút này, hôm nay là ngày 18, nhiều cơ quan đơn vị vẫn chưa có lương, hưu trí cũng vậy. Thông thường, từ ngày 4 tới ngày 5 hàng tháng là có lương, nhưng đến nay sát Tết rồi mà vẫn chưa có. Và đã có một số cán bộ hưu trí ở Saigon phải kéo nhau lên Ủy ban Nhân dân Thành phố để khiếu nại, kêu cứu về chuyện này – tại sao giờ này chưa có lương.
Tôi cho đó là một dấu hiệu cho thấy ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là có hiện tượng cạn kiệt ngân sách. Vấn đề đó dẫn tới một tương lai rất nguy hiểm đối với quỹ lương hưu là, không phải chờ tới năm 2030, mà một khi nền kinh tế cực kỳ khó khăn và dợm chân vào khủng hoảng, quỹ lương hưu là một trong những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên. Cần phải nói thẳng ra một sự thật như vậy.
Và lúc đó chính tầng lớp hưu trí, trong đó rất nhiều người là đảng viên, sẽ phản ứng. Như tôi đã đề cập, bình thường các đảng viên hưu trí không lên tiếng một cách chính thức. Người ta chỉ tụm năm tụm ba, phản ứng về những sự bất công, những chính sách bất hợp lý trong đảng, trong chính quyền. Nhưng một khi đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ, thì lúc đó họ sẽ bắt đầu lên tiếng.
Thông thường đã có nhiều người trong số đảng viên hưu trí muốn xa rời đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay. Họ không sinh hoạt, không đóng đảng phí, và bằng cách nào đó, họ thoái đảng. Còn sau này nếu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ liên quan đến quỹ hưu trí, thì – tôi cho rằng đó cũng là lẽ tất nhiên, là quy luật tự nhiên của xã hội - họ sẽ lấy điều này làm lý do hợp lý để chia tay với đảng, bỏ đảng luôn. Lúc đó sẽ sinh ra một làn sóng thoái và bỏ đảng trên diện rộng, thậm chí sâu sắc trong từng khu vực, từng địa phương, từng tế bào của quốc gia.
Đồng thời đối với những tầng lớp nhân dân khác, việc tung hoành của giá điện, xăng dầu, sữa, gaz… và những chính sách đặc quyền đặc lợi làm cho họ bất mãn vô cùng. Chỉ cần chờ khủng hoảng, thì tất cả những yếu tố đó sẽ cộng hưởng với nhau, và cùng nhấn chìm. Có nghĩa là sẽ nổ ra những làn sóng phản ứng tự phát ngoài xã hội.
Đó là những hệ quả xã hội, mà tôi cho là sẽ diễn ra ngay trong năm nay thôi. Và có một sự bất hợp lý : hệ thống điều hành quản lý kinh tế tài chính của Việt Nam quá yếu kém so với thế giới. Phải nói thẳng ra một sự thật như vậy.
Nền kinh tế Mỹ thực ra đã chạm đáy vào cuối năm 2011, bắt đầu từ năm 2012 phục hồi. Thậm chí đến năm 2014 này, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như Ngân hàng Thế giới và hàng loạt tổ chức khác, đó là một năm phục hồi đáng kể, đáng khích lệ của nền kinh tế thế giới của Mỹ, của Tây Âu - kể cả của Pháp nữa. Tỉ lệ tăng trưởng của Pháp chỉ có 0,3-0,4% thôi, nhưng vẫn được coi như là tăng trưởng, chứ không đến nỗi tồi tệ như tình hình ở Việt Nam.
Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam hầu như lệch pha với thế giới trong suốt sáu năm vừa qua. Ngay cả khi nền kinh tế thế giới tạm phục hồi hoặc bắt đầu phục hồi một cách bền vững, thì nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tốt nhất là đi ngang mà thôi, chứ chưa có gì gọi là thoát đáy cả. Tình hình sắp tới trong năm 2014 này, nhiều khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ càng khó khăn, và khó khăn gấp bội.
Xin nhắc lại là khi xảy ra vấn đề bùng vỡ bong bóng tín dụng, đổ bể nợ xấu ; thì lúc đó nền kinh tế sẽ chính thức đặt chân vào giai đoạn khủng hoảng, dẫn tới khủng hoảng xã hội.
RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ hôm nay.

Phạm Trung Cang cũng được “ông anh” mật báo tháo chạy?

http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/pham-trung-cang-cung-duoc-ong-anh-mat-bao-thao-chay-303083.html

Ngày đăng : 06:49 21/01/2014 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, không loại trừ khả năng Phạm Trung Cang được “mật báo” sẽ bị điều tra lại, nên đã tháo chạy ra nước ngoài.
Ngày 9/1/2014 vừa qua, TAND Thành phố Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, kiến nghị VKSND TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 4 người khác về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” khiến dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên, bất ngờ hơn nữa là việc ông Phạm Trung Cang đã xuất cảnh ra nước ngoài trước đó (23/12/2013) và cho đến thời điểm này, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB vẫn không có mặt tại Việt Nam.
Việc “chọn đúng thời điểm” xuất cảnh của ông Cang khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về những khuất tất xung quanh cuộc “tháo chạy”. Liệu có sự mờ ám, thiếu khách quan khi VKSND Tối cao đình chỉ quyết định khởi tố với ông Cang trước đó? Và giống như Dương Chí Dũng, ông Cang cũng có một “ông anh” nào đó đã “mật báo” về việc sẽ bị điều tra lại để “đại gia” này kịp “mất tích” khỏi Việt Nam?
 Ông Phạm Trung Cang đã "biến mất" khỏi Việt Nam trước khi tòa án yêu cầu điều tra bổ sung về vai trò phạm tội của ông này.
VKSND Tối cao “một mình một ngựa”
Trong vụ “đại án” của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, việc nhận định trái chiều giữa các cơ quan tố tụng về trường hợp của ông Phạm Trung Cang khiến dư luận không khỏi băn khoăn, đặc biệt là những khuất tất xung quanh quyết định đình chỉ vụ án đối với nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.
Trong khi cả CQĐT Bộ Công an và TAND thành phố Hà Nội đều nhận định Phạm Trung Cang có vai trò đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì VKSND Tối cao lại “một mình một ngựa”, bác bỏ vai trò phạm tội của Phạm Trung Cang.
Cụ thể, ngày 1/8/2013, CSĐT Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung ngày 30/10/2013 đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên. Theo kết luận này, Phạm Trung Cang cùng 4 lãnh đạo cao cấp khác của Ngân hàng ACB bao gồm Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết luận của CQĐT Bộ Công an nêu rõ, các lãnh đạo Ngân hàng ACB đã có hành vi cố ý làm trái, ra chủ trương dùng tiền huy động của khách hàng, ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, có việc gửi tiền vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, gây thất thoát cho ACB 718,9 tỉ đồng. Ngoài ra, việc đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỉ đồng cũng có vai trò của ông Phạm Trung Cang.
Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an, ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao ra cáo trạng đồng thời truy tố 7 bị can với nhiều tội danh, tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án là 1.695,6 tỉ đồng. Điều bất ngờ là trong cáo trạng này, VKSND Tối cao cho rằng, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỉ đồng cũng như việc đầu tư cổ phiếu nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi VKSND Tối cao ra cáo trạng, ngày 3/1/2014, TAND thành phố Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ cho VKSND TP Hà Nội để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan trong đó có ông Phạm Trung Cang.
Cuộc “tháo chạy” ngoạn mục và dấu hỏi về "ông anh mật báo"
Điều đáng nói là khi TAND thành phố Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì ông Phạm Trung Cang đã “biến mất” khỏi Việt Nam và cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xuất hiện.
Trong khi vụ “đại án” của Dương Chí Dũng vẫn chưa hết nóng thì cuộc “tháo chạy” đúng thời điểm của ông Phạm Trung Cang khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về những khuất tất xung quanh vụ việc này. Phải chăng việc đình chỉ này nhằm mục đích tạo điều kiện cho Phạm Trung Cang tháo chạy bởi chỉ ít ngày khi lệnh cấm xuất cảnh được gỡ bỏ, Phạm Trung Cang đã nhanh chóng rời khỏi Việt Nam từ 24/12/2013 qua cửa khẩu Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Và cũng chỉ khoảng 1 tuần sau khi nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB “mất tích” thì vụ án được trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ vai trò phạm tội của ông này .
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm cũng cho rằng, không loại trừ khả năng ông Cang được “mật báo” trước để xuất cảnh ra nước ngoài. “Trong bối cảnh Dương Chí Dũng từng được mật báo từ một "ông anh" trong Bộ Công an về việc mình sẽ bị khởi tố để tháo chạy trước thì những nghi ngờ về trường hợp của ông Phạm Trung Cang hoàn toàn có cơ sở . Ngay cả sự bất nhất giữa các cơ quan tố tụng khi CQĐT và Tòa án đều thấy rằng phải xem xét vai trò phạm tội ông Phạm Trung Cang, chỉ riêng VKSND Tối cao tách ra, đình chỉ vụ án thì người ta cũng có quyền nghi ngờ về sự thiếu khách quan ở đây (?!)”, luật sư Phất nói.
Nguyên Đan

VN dùng tin tặc tấn công mạng dân chủ?

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140121_vn_hackers_ap.shtml

Cập nhật: 09:01 GMT - thứ ba, 21 tháng 1, 2014
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội từng thừa nhận về lực lượng 900 dư luận viên của cơ quan này
Chính phủ Việt Nam bị tình nghi đứng đằng sau những vụ tấn công mạng nhằm vào các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài, theo hãng thông tấn AP.
Trong tin đăng ngày 20/1, AP dẫn trường hợp trang blog của bà Đinh Ngọc Thu, một nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam ở California, bị mất kiểm soát sau khi máy tính của bà nhiễm mã độc.
Trang blog Ba Sàm, nổi tiếng với những bài viết chỉ trích chính quyền Hà Nội, hồi tháng Ba năm 2013 đã đột ngột đăng hàng loạt thông tin và các hình ảnh cá nhân của bà Thu cùng với những lời lẽ lăng mạ.
Trả lời phỏng vấn BBC vào lúc đó, chủ trang Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh xác nhận trang này đã bị tin tặc tấn công, tuy nhiên ông cũng không bình luận về việc bà Thu có phải là một biên tập viên khác của trang hay không.
Theo AP, sau khi trang Ba Sàm bị tấn công, bà Thu đã phải tốn một tuần lễ để lấy lại quyền kiểm soát trang này, sau đó phải chuyển blog tới một địa chỉ khác. Chỉ trong vài tuần, địa chỉ mới này cũng đã bị chặn từ trong nước.
"Họ đã khiến gia đình và cá nhân tôi tổn thương. Họ hạ nhục chúng tôi để chúng tôi không dám viết blog nữa," bà Thu được AP dẫn lời nói.
"Họ còn gửi cho tôi những lời đe dọa và nói sẽ 'viếng thăm tôi ở California'."

Tấn công hàng loạt

Các chuyên gia tin học điều tra vụ tấn công nhằm vào bà Thu được AP dẫn lời nói mã độc đã được cài vào một đường link gửi đến email của nạn nhân. Sau khi bà Thu nhấn vào đường dẫn này, một phần mềm đánh cắp mật mã được tự động cài vào máy tính của bà, giúp kẻ tấn công có thể tiếp cận những thông tin cá nhân.
Cũng theo AP, các cuộc điều tra sau đó cho thấy một phiên bản được nâng cấp của loại mã độc này cũng đã được cùng một nhóm tin tặc gửi đến ít nhất ba mục tiêu khác.
Những người này bao gồm một phóng viên người Anh của hãng thông tấn AP tại Hà Nội, một giáo sư toán học, đồng thời cũng là một nhà hoạt động dân chủ người Việt đang sống tại Pháp, một thành viên của tổ chức hoạt động cho quyền tự do thông tin trên mạng Electronic Frontier Foundation (EFF), có trụ sở tại Mỹ.
Cả ba người này đều không nhấn vào đường link.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 21/1, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của công ty công nghệ BKAV, cho biết một máy tính bị nhiễm độc có thể sẽ được tin tặc sử dụng như một máy chủ để tiếp tục phát tán mã độc tới các máy khác.
"Những mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính để ăn cắp thông tin và gửi ra ngoài thì người sử dụng không thể biết được, chỉ khi xảy ra hậu quả như mất tiền trong ngân hàng hay mật khẩu của tài khoản bị đổi đi chẳng hạn, lúc đó họ mới biết," ông Sơn nói.

Chính phủ hậu thuẫn?

Google nói phần mềm FinFisher đang được sử dụng để theo dõi điện thoại của các nhà hoạt động trong nước
Các nhà hoạt động và giới phân tích đang nghi ngờ chính quyền Hà Nội đứng đằng sau cuộc tấn công này, cũng như hàng loạt những cuộc tấn công khác, AP cho biết.
Những người này nói một lực lượng tin tặc thân chính phủ đang ngăn chặn, tấn công và theo dõi các nhà hoạt động người Việt trên khắp thế giới nhằm chống phá phong trào dân chủ.
"Các chiến dich nhằm vào những tiếng nói bất đồng đã được tiến hành ở nhiều nơi khác nhau. Và giờ thì chúng ta thấy chúng đang nhằm vào cả những người đăng tin về những tiếng nói đó," ông Morgan Marquis-Boire, một nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto, Hoa Kỳ, được AP dẫn lời nói.
Hồi năm 2010, Google và McAfee cũng cáo buộc hàng nghìn phần mềm chứa mã độc đang được sử dụng nhằm vào hàng nghìn cư dân mạng tại Việt Nam.
McAfee nói họ nghi ngờ rằng những kẻ tấn công "có thể có quan hệ" với chính phủ.
Hồi năm ngoái, một nhóm nghiên cứu do ông Marquis-Boire dẫn đầu cũng đã phát hiện ra một phần mềm với tên gọi FinFisher được sử dụng để theo dõi liên lạc giữa các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam.
Những nghi ngờ xung quanh việc chính phủ Việt Nam đứng sau các vụ tấn công mạng còn dựa vào việc tin tặc đã bỏ ra hàng chục nghìn đôla để thuê các máy chủ trên toàn cầu, Dieu Hoang, một kỹ sư tin học người Úc ủng hộ các nhà hoạt động, nói với AP.
"Việc hạ nhục được tiến hành một cách không chính thức, bởi một lực lượng giấu mặt," ông Hoang nói.
"Còn việc ngăn chặn [các trang web], được thực hiện bởi một lực lượng chính thức."
Hồi năm 2012, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thừa nhận cơ quan này đã thuê 900 dư luận viên nhằm đối phó với sự chỉ trích nhằm vào chính phủ trên không gian mạng.

Có truy được thủ phạm?

"Hiện nay về mặt công nghệ mà nói thì hoàn toàn có thể truy được những cuộc tấn công và lừa đảo,"
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Phát triển của BKAV
"Hiện nay về mặt công nghệ mà nói thì hoàn toàn có thể truy được những cuộc tấn công và lừa đảo," ông Sơn nói.
"Khi chúng ta tham gia vào Internet thì tất cả những hoạt động của chúng ta đều để lại dấu vết trên Internet, và từ đó có thể lùng lại để tìm ra hung thủ đằng sau những vụ tấn công."
Tuy nhiên, theo bà Eva Galperin, thành viên của EFF nhận phải mã độc, đó không phải là điều đơn giản.
"Việc xác định thủ phạm rất khó. Khó hơn việc phân tích mã độc rất nhiều," bà nói.
"Tất nhiên sẽ có nghi ngờ, nhưng tôi vẫn chưa thể khẳng định rằng cá nhân tôi biết chắc chính phủ Việt Nam là thủ phạm".
Hiện nay một số nhóm vận động đã cho các thành viên của mình trải qua những khóa huấn luyện kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng mạng, tuy nhiên, lực lượng tin tặc đang chiếm ưu thế tại nhiều nơi, ông Hoang cho biết.
"Về lực lượng và tiền bạc, chúng tôi không thể so sánh với họ. Sau một thời gian, chúng tôi sẽ kiệt sức. Họ sẽ làm người khác bực bội, sợ hãi, làm cho ngày càng có thêm nhiều người không dám nói lên tiếng nói của mình," ông nói.

Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140120-khong-con-nghi-ngo-ve-nguy-co-trung-quoc-vo-no

Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
Công nhân trên một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/01/2014
REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Thanh Hà
Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục : tăng 400 % trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Kịch bản Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.

Hãng xe Pháp, Peugeot, chịu áp lực của chính phủ để mở cửa mời đối tác Trung Quốc, Đông Phương, tham gia vốn. Đối lập Syria đồng ý tham dự hội nghị Genève 2. Iran chính thức thi hành thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Hàng chục ngàn người biểu tuần hành trên đường phố Paris, chống dự luật nới lỏng các biện pháp cho phụ nữ phá thai. Đó là những chủ đề chiếm nhiều trang báo trong ngày. Dù vậy các tờ báo dành khá nhiều chỗ cho Châu Á.
Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ : Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất ? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400 % trong bốn năm qua : Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17 % nhảy vọt lên thành 58 %.
Tích chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131 % năm 2008 lên thành 215 % vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250 % GDP) hay của Hy Lạp (160 % GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.
Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây ? Tác giả bài báo trả lời : Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67 %, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.
Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3 000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn hộ do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi « ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn » ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang « dở khóc dở cười ». Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.
Libération nhận xét : Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, « một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi ». Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã « hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát ». Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009.
Phật giáo và bạo lực ở Sri Lanka
Vẫn về Châu Á, trong lĩnh vực xã hội độc giả của Le Figaro không khỏi bất ngờ vì bài phóng sự mang tựa đề « Bạo hành của Phật giáo tại Sri Lanka ». Thông tín viên của tờ báo nhắc lại một sự kiện đã xảy ra từ tháng 8/2013 khi một nhóm các tu sĩ Phật giáo ném đá vào một ngôi đền Hồi giáo, bắt giữ và hành hung một số tín đồ theo đạo Hồi. Tác giả ghi nhận : Trong năm qua (2013) đã có khoảng 20 ngôi đền của người Hồi giáo bị tín đồ theo đạo Phật tấn công. Khó có thể nghĩ rằng con cháu nhà Phật lại có những hành vi thô bạo như vậy. Nhưng tại Miến Điện, cộng đồng Hồi giáo, người Rohingya, bị cộng đồng người theo đạo Phật sách nhiễu. Ở miền nam Thái Lan, người dân đã từng trông thấy các vị tu sĩ tay cầm gậy gộc để tự vệ trước các làng sóng nổi dậy của người theo đạo Hồi.
Riêng tại Sri Lanka, liên hệ giữa bạo lực và đạo Phật là một nét đặc trưng lịch sử. Trong quá khứ người Tích Lan theo đạo Phật từng kiểm soát đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc gia nhỏ bé này. Trong mắt họ, các cộng đồng Hồi giáo đến Sri Lanka lập nghiệp từ hơn một ngàn năm trước và chủ yếu là các thương gia, luôn là những « kẻ xâm lược ». Hiện tại, 8 % trên tổng số 21 triệu dân Sri Lanka theo đạo Hồi.
Vào tháng 7/2012, giới tăng ni Sri Lanka đã lập ra một tổ chức quá khích mang tên mang tên BBS (Bodu Bala Sena) với mục đích « bảo vệ các giá trị nền tảng văn hóa của người Tích Lan Phật giáo ». Tổ chức này thu hút rộng rãi quần chúng, đặc biệt là giới trẻ. Trong các cuộc hội họp, người ta thường trông thấy các nhà sư mặc áo cà sa màu vàng nghệ hô hào những khẩu hiệu như là « người Hồi giáo cướp việc làm của chúng ta, họ thâu tóm các hoạt động kinh tế của nước nhà để rồi cai trị luôn cả chúng ta ». Tệ hơn nữa là khi các vị tu sĩ trẻ không ngớt lời thóa mạ cộng đồng Công giáo và Hồi giáo.
Một nhân chứng được Le Figaro trích dẫn tiếc là có những kẻ « khoác áo nhà tu để làm điều ác, để reo rắc nỗi sợ hãi cho những người chung quanh ». Đáng quan ngại hơn cả là có những phần tử cực đoan mượn áo nhà Phật để tuyên truyền, kích động quần chúng, bởi họ biết rằng không một ai dám lên tiếng chống đối một nhà tu hành. Tiến trình hòa giải dân tộc do Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa khới xướng còn nhiều chông gai.
Mỹ tha thứ cho Snowden ?
Nhìn sang phần thời sự nước Mỹ, Le Monde trở lại với một loạt những thông báo của Tổng thống Obama, cải tố hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi đưa ra nhận định « Vụ Snowden buộc Obama cải tổ NSA ». Báo Les Echos nói tới một chính sách cải tổ khá « hạn chế » đã được Tổng thống Hoa Kỳ đã phác thảo ra vào cuối tuần qua.
Nhìn từ Berlin, sau tiết lộ của Snowden là Hoa Kỳ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức, Angela Merkel, những tuyên bố của ông Obama không đảo ngược được tình thế : Sự tin cậy lẫn nhau giữa hai đồng minh này đã phần nào bị sứt mẻ.
Còn đối với nước Brazil sát cạnh, thì Brasilia vẫn chưa « nuốt trôi » viên thuốc đắng, sau khi biết là Tổng thống Dilma Rousseff và tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras trong tầm ngắm của NSA. Tờ báo kinh tế này nhận định : Không phải tình cờ mà Brazil tổ chức một hội nghị quốc tế về internet vào cuối tháng 4/2014 để bàn thảo về vấn đề quản lý thông tin trên mạng.
Trong khi đó tại Hoa Kỳ hình ảnh của Edward Snowden trong công luận bắt đầu thay đổi : Cựu nhân viên tình báo người Mỹ này không còn là « kẻ phản bội » như khi anh trú ẩn ở Hồng Kông hay trốn ở phi trường quốc tế Matxcơva. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, một trong những ông trùm của NSA, Rick Ledgett, từng nửa úp nửa mở khi cho rằng ông sẵn sàng « ân xá » cho Snowden nếu như « đứa con hư » của ngành tình báo Hoa Kỳ này ngưng tiết lộ những thông tin mật ra bên ngoài.
Đương nhiên Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ luận điểm của Ledgett. Nhưng gần đây, nhật báo New York Times số ra ngày mồng 1 Tết dương lịch đã tỏ ra khoan hồng hơn với Snowden khi đánh giá : Những đóng góp « hết sức to lớn » của Snowden về phương diện thông tin. Do vậy, nhân vật này cần bảo đảm được có một cuộc sống xứng đáng hơn thay vì phải sống lưu vong.
Lập trường này của tờ báo đã được nhiều nhân sĩ trí thức Hoa Kỳ tán đồng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do đài ABC và báo Washington Post thực hiện chỉ có 35 % giới trẻ ở Mỹ cho là Snowden phải bị truy tố. Nhưng tỷ lệ đó tăng lên tới 57 % đối với những người được hỏi trong độ tuổi ngoài 30. Tóm lại, dư luận Mỹ còn rất chia rẽ về số phận của Snowden !
Học trượt tuyết ở Thụy Sĩ bằng tiếng Hoa
Trước khi khép lại các tờ báo trong ngày, xin được hỏi quý thính giả rằng, theo quý vị hiện nay, trào lưu thời thượng ở trạm trượt tuyết nổi tiếng Davos của Thụy Sĩ là gì ? Davos trong hai ngày nữa là nơi đón cả ngàn phái đoàn đến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Từ lâu nay, các đại gia Nga có thói quen đến Courchevel vùng Savoie, Rhône Alpes của Pháp trượt tuyết. Tránh « đụng hàng » với du khách Nga, các nhà tư bản Trung Quốc chọn Davos, một thị trấn nhỏ ở mãi tận miền đông Thụy Sĩ để đọ sức với thiên nhiên. Theo tờ Le Figaro, sở du lịch của Davos đang tuyển chọn thầy dậy trượt tuyết biết nói tiếng Hoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của những vị du khách đến từ rất xa.
Tờ báo châm biếm nhận xét : Đương nhiên, nhu cầu tuyển dụng thầy dậy trượt tuyết đó không phải là để phục vụ 5 vị khách mời người Trung Quốc đến thuyết trình tại Diễn đàn Davos, mà là để phục vụ số lượng du khách ngày càng đông đến từ quê hương Mao Trạch Đông.
Theo thống kê, có khoảng từ 5 đến 10 triệu người Trung Quốc ngày nay say mê với môn thể thao này và những thành phần có điều kiện nhất chê « bụt nhà không thiêng ». Họ chê tuyết của Trung Quốc mà chỉ thích đi nghỉ ở vùng núi Alpes hùng vĩ mà thôi.
Trong năm 2013, khối lượng du khách Trung Quốc giữ phòng khách sạn tại Davos đã nhân lên gấp ba so với mùa đông 2012. Trung bình, một du khách Trung Quốc tiêu xài nhiều gấp đôi so với một du khách người Đức.