Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Dòng Sông Cụt

http://www.blogosin.org/?p=1022 September 20 2009

Truyện ngắn

Mọi người tránh ra cho ông Chắt Thấu len vào. Hôm đó, đám dân Xóm Củi đi rừng tụ cả lại trên eo Láng, ngó lên Truông Bát, dải núi hình cánh cung mà trong những năm chiến tranh bị B.52 đánh tróc từng mảng. Giờ, hàng trăm dân công đang leo lên đó cuốc, xới, vẽ thành một câu khẩu hiệu chạy dài cả cây số THAY – TRỜI – ĐỔI – ĐẤT – SẮP – ĐẶT – LẠI – GIANG – SAN. Dân Xóm Củi chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng thấy thế thì khoái lắm. Lúc đánh Mỹ, cả Xóm Củi, ngày cũng như đêm, xe pháo, thanh niên xung phong, bộ đội, lớp vô Nam, lớp ra Bắc, cứ rầm rầm, rịch rịch. Bom đạn đào lên lộn xuống hàng trăm lần, hàng ngàn lần thế mà cái con đường dưới chân Truông Bát vẫn thông. Thế mới biết sức người khiếp thật! Lũ trẻ suốt ngày nheo nhéo hát theo các chú thanh niên xung phong: Bom nó bằng gang, tay ta bằng sắt, ngẫm cũng đúng!

… Chắt Thấu leo lên, đứng dạng chân trên hai cái xe cút kít. Đám đông đồng loạt quay về phía ông. Chắt Thấu, là chủ tịch xã, lại mới đi họp trên tỉnh về. Trước một sự kiện mới, bàn ra, bàn vào, chán vạn, rốt cục, người ta vẫn thích có một phát ngôn chính thức từ miệng người có trách nhiệm. Lục cục với cái xà cột da Liên Xô một lúc, dường như là để kéo dài sự tò mò của dân Xóm Củi, chứ thực ra trong cái xà cột oai vệ đó, nếu có thứ giấy tờ gì, thì cũng chỉ là để ông chủ tịch gói thuốc lào. Ông Chắt Thấu dặng hắng rõ dài, rồi giơ hai tay lên, trịnh trọng:
- Tôi vừa đi họp tỉnh về – Ông nhấn mạnh hai chữ họp tỉnh – Tình hình phấn khởi lắm, trong tỉnh ta có nơi đang chuẩn bị gặt lúa bằng máy, ruộng thẳng băng.
- Chuyện như ở bên Liên Xô í – Cu Nghệ đế vào.
- Không phải bên Liên Xô! – ông Thấu tiếp – Mà ngay Xóm Củi của ta đây. Nhưng phải “cải tạo” cái đã, phải “sắp xếp lại” cái đã – ông Thấu sử dụng những từ nghe được ở hội nghị – chớ ruộng nương như cái vẹm của ta đây thì có mà đến mục thất!.
Nhiều tiếng người nhao nhao:
- Nói thẳng tuột ra đi, ông chủ tịch, “vòng vo tam quốc” mãi, sốt ruột lắm rồi!
Ông Thấu nhe răng cười:
- Chuyện phải có đầu có đuôi chớ! Tính rồi, bàn rồi, bà con ta cứ rứa mà mần. Sắp tới, trên cho đào một con sông, từ Vĩnh Sơn đi ngang xã ta, đổ ra biển. Sau đó thì gỗ lạt trên rừng xuống, cá mú ngoài bể vô, tha hồ mà thích!
Cu Nghệ lại đế:
- Cha! Chuyện đào sông mà ông nói xếp xếp, sắp sắp tui nghe như mẹ cu tui bỏ sắn vô nồi luộc!
Ông Thấu quắc mắt:
- Cu Nghệ hử! Mi không thấy hồi đánh Mỹ, bom đạn như trấu, mà có bao giờ tụi thanh niên xung phong để cho đường tắc mô? Chả bằng sức người thì bằng cái chi – Ông xuống giọng – Ở trên tỉnh, cũng có một tay kỹ sư mặt non choẹt, đeo kính cận, đứng lên tính bác, bị đồng chí bên tuyên huấn toát cho một trận, ngồi im re. Kỹ sư kỹ siếc gì, ngữ ấy chỉ có diện đồ, chứ biết ruộng nương chi!
Cu Nghệ im. Nắng lên, mọi người giải tán bớt. Ông Thấu nhảy xuống đất làm cho cái xe bị đổ. Có tiếng kêu:
- Dẹp xe cút kít luôn hả ông Chắt?
Chắt Thấu hả hê:
- Dẹp! Dẹp hết! Nhưng mà hượm đã, mai mốt có cái mà đi đào sông, mí lại, cũng phải giữ vài cái đem vô Viện bảo tàng chớ!
Dân Xóm Củi nom câu khẩu hiệu, lại nghe ông chủ tịch nói, ai cũng khoái cái lỗ nhĩ, nhảy tưng tưng reo hò. Nhưng cũng có người thận trọng hơn vẫn không bỏ chuyến củi thường nhật, xe cút kít, cắm cúi đi. Dù sao, trong lòng họ cũng thấy bừng lên ngọn lửa. Ai ở đâu nghe tin đó, phấn khởi thế nào không biết, chứ dân Xóm Củi thì coi đó là một sự kiện trọng đại. Quanh năm, sống bằng nghề đốn củi, vì ruộng đất, nói theo cách ví von của ông Thấu là như cái vẹm. Mùa nắng, bên trên cát đốt cháy chân mạ, bên dưới đất sét quánh như mật cô. Cắm cây lúa xuống, gió Lào thổi qua một lượt, là ngắc ngư, rũ rượi. Nghề nông không đủ sống, nên vừa xếp liềm hái vô nhà, là vợ chồng con cái lại kéo nhau lên rừng. Với cái xe cút kít bánh gỗ, người gò lưng phía sau nắm hai càng xe đẩy, kẻ đổ rạp người phía trước, ngoắc sợi thừng vào vai, kéo. Củi đem về chẻ ra, đóng bó, sáng hôm sau, đem ra chợ Gát bán, được tiền, không dám đong gạo, mà chỉ đong thóc. Tối về, tranh thủ xay, giã, lấy cám nuôi lợn. Bây giờ nghe nói “thay-trời-đổi… đất” thật đúng vo cái bụng dân. Chẳng hám chi tàu to tàu nhỏ, trên bến dưới thuyền, nhưng có hột thóc ém bồ, dứt được cái nghề “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” này là thỏa rồi.



Những ngày sau đó, bỗng dưng Xóm Củi đông nghẹt người. Người từ đầu tỉnh, cuối tỉnh, kéo đến, toàn là mấy cô cậu thanh niên phây phây. Ông Thấu lo đi mượn nhà cho dân công ngủ, y như hồi kháng chiến mỗi bận có bộ đội hành quân qua. Nhà ông cũng có tới chục người ở, nằm choán hết cả mấy cái chõng tre ở nhà ngoài. Trong buồng là chỗ của bà Thấu và con Loan.
Tối thui ông Thấu mới lò dò về, lên, xuống ngó đám dân công từ xa đến thấm mệt, lăn ra ngủ. Ông tặc lưỡi, ngả cái nong phơi thóc ra, gối đầu lên xà cột…
Từ đời cụ kị ông Chắt Thấu đã ở trên cái Xóm Củi này. Nghề đi củi không biết có từ bao giờ, nhưng cái nghèo thì đeo bám quanh năm suốt tháng. Như những người láng giềng khác, ông Thấu cũng biết đẩy xe cút kít, biết cày ruộng và biết nồi cơm độn toàn sắn lát khô. Ông vốn là một nông dân hiền lành, thật như đất và ít học. Cả Xóm Củi này, trước kia quen gọi ông với một cái tên thân mật như bao người nông dân khác là “Ông Chắt”. Còn cái tên “ông Chủ tịch” là mới sau này, người ta gọi theo chức vụ của ông. Thời trước lúc lão Cháu Li và Bảy Pheo làm chủ tịch, trẻ trong Xóm Củi thường hát: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ tịch mua đài, mua xe. Ông Thấu làm chủ tịch cũng có một cái đài bán dẫn hiệu Sony, nhưng dứt khoát không phải là ông sắm bằng tiền tham ô! Ai cũng biết, cái đài đó ông đổi bằng bộ ván gõ gụ lên nước rất bóng, nằm mát tê cái lưng cho thằng cháu, con ông anh cả, đem ở trong Sài Gòn ra. Bà Thấu tiếc của xuýt xoa. Ông cười hề hề:
- Thống nhất rồi, ăn nên làm ra mấy hồi, sau này, người ta nằm giường nệm lò xo, chứ ai còn thiết chi ván gõ nữa. Cái danh từ “Giường nệm lò xo” ông nghe đâu được ở một cuộc họp trên huyện. Khi về, gặp ai cũng tuyên truyền, rồi cười tít mắt. Bà mắng:
- Gàn! Ăn không không đủ mà cứ nói chuyện trên trời dưới đất!
Ông vặc lại:
- Bà thì cả năm không đi khỏi đụn thóc, biết mô tê chi! Giàu có như thằng Mỹ mình cũng đánh nó chạy re được nữa là ba cái chuyện làm giàu. Dân mình, nước mình góp sức vô, mấy hồi!
Nói có vẻ cứng lý vậy, chứ ông cũng chẳng biết cách cớ ra sao để làm cho dân Xóm Củi này giàu. Cả xóm, chỉ có mỗi con mẹ Tam Pha buôn thịt lợn là có nhà gạch, nhưng nhà ấy, thuộc diện con buôn, chả nhẽ lại đi học nó.
Bà Thấu ít lời, như xưa nay bà vẫn ít lời vậy.
Nhớ cái dạo anh Thấu đến nhà, ngập ngừng bảo: “Tị lấy tui nhá!”
Tị là tên của bà hồi con gái, bà cũng không cãi chỉ mắng:
- Gàn!
Cái độ người ta bầu ông làm chủ tịch, chưa kịp mừng, thì một mối lo đã manh nha trong lòng bà. Tính ông cả tin, cục mịch, ôm chức, ôm việc vào không khéo để cho người ta lợi dụng làm bậy, rồi chuốc vạ vào thân, đổ như lão Cháu Ly với tay Bảy Pheo rồi nhục cái tiếng. Chứ nhà có hai vợ chồng, con Loan thì cũng đã lớn, từ khi nghỉ học, nó đã là lao động chính trong nhà, kiếm cái ăn có khó gì mà “ôm rơm cho nặng bụng”. Loan năm nay mười bảy, vai tròn căng, ngực đầy ú ụ, hơi thô, nhưng lại là mẫu con dâu lý tưởng của khối bà mẹ chồng Xóm Củi. Tuy là con một nhưng đã là dân Xóm Củi, Loan cũng biết đẩy xe cút kít, biết đi kiếm củi về bán. Những hôm trời mưa, không lên rừng được, ngồi buồn, Loan lại lân la sang nhà ông bác, học may nhờ cái máy Sinco của bà chị vợ ông anh họ. Bà Thấu thương con, cứ tặc lưỡi với chồng:
- Giá bộ ván ấy, ông đổi cái máy khâu thì con nó đã đỡ cực.
Ông bổ bã:
- Tui cần, là cần cái đài nghe tin tức chủ trương, chứ máy khâu, nay mai, khối!
Bà bực lắm, nhưng chỉ biết thở dài.
Sáng sớm, bà Thấu trở dậy, thấy chồng nằm co ro trong cái nong phơi thóc. Những đốt sống lưng ông gù lên, nom rất tội. Bà thầm trách lũ trẻ vô tâm để ông già ngủ như vậy. Ngồi xuống bên ông, đập tay vào miệng nong, bà khẽ gọi:
- Ông ơi!
- Chết! Sáng rồi a bà? – Ông Thấu ngồi bật dậy, nhìn bà trân trân. Bà phát ngượng mắng:
- Ngó chi ghê rứa!
Ông nắm tay bà kéo lại:
- Ngồi xuống đây, tui kể cái ni cho nghe!
- Nói đại đi, mần khó coi.
Ông thầm thì:
- Đêm qua tui với bà được ngủ trên cái giường lò xo.
- Ông ni mớ!
- Thì tui nói là tui nằm mơ mà, bà biết không, tui thấy tàu ngoại quốc ghé vô xóm mình mua củi.
- Gàn! Ông chả nói là khi đó người ta đun bếp điện, mua củi mần chi?
- Ờ hé! – Ông cười xí xoá – Con Loan mô rồi bà?
- Hắn đang ngủ.
- Con gái chi chừ còn ngủ, bữa ni, bà nói hắn ở nhà đi dân công nhá!
- Nó đang học may!
- Bỏ đó! Cả đời mới có một lần làm cái công trình ý nghĩa lịch sử như rứa! Với lại… con mình không đi, tui khó nói người ta.
Bà chưa kịp mắng: “Gàn!” thì ông đã vác cái nong chạy ra dựng sau hè.

Dân Xóm Củi nhà nào cũng bớt lực lượng đi củi, để ra đào sông. Nhà ít thì một người, nhà nhiều thì hai, ba người. Ở phía Nam Xóm Củi, chỗ khúc sông đào chạy qua bỗng nhiên rộn rịp hẳn. Mấy cái loa to như cái nơm, cái treo ngọn phi lao, cái ngoắc trên đầu thang, dựng tồng ngồng ngay giữa công trường, tối ngày ra rả hát. Mỗi chiều, khi tiếng loa ngoài công trường đọc tên con gái mình trong danh sách những người được biểu dương, ông Thấu phỡn ra mặt. Bà Thấu thì cẩn thận đe con:
- Con gái, con lứa, mi phải biết dè sức, rồi còn đẻ đái con ạ!
Ông cười hề hề:
-Bà hay lo xa, hắn lớn khắc biết lượng sức mà làm. Tụi hắn còn trẻ, phải có “thi đua”, có “phong trào” nữa chứ. Bà không nhớ cái hồi tui với bà đi tải gạo lên Tây Bắc đó à! Mình cũng không kém chi hắn bi giờ, “con ông không giống lông cũng giống cánh”.

Thế mà ở Xóm Củi vẫn có người trốn không chịu đi đào sông, đó là mụ Tam Pha buôn thịt. Con mụ có một sạp bán thịt ở chợ Gát, nổi tiếng cân điêu. Giàu nứt đố, đổ vách mà keo từng hào. Ông Thấu ức lắm, cho đám dân công phục bắt, nhưng thằng Trơng con mụ cũng khôn như ranh. Chỉ có một bữa bí quá, mẹ con mụ phải vứt lại cái đùi lợn, chạy lấy người. Đuổi bắt không được, ông Thấu chửi với theo:
- Mấy con mẹ buôn, đố có đứa nào lên được chủ nghĩa xã hội!
Rồi ông chỉ miếng thịt, ra lệnh:
- Đem về bồi dưỡng cho dân công!
Về sau này, mỗi khi nhắc lại câu nói ấy của ông Thấu, mẹ con mụ Tam Pha lại chửi xéo:
- Nhà tôi đúng là không theo kịp ông anh, bà chị lên chủ nghĩa xã hội, vì không thừa con gái đi tế cho cái lũ khùng!
Tức nghẹn cổ, xót xa với cái chết của con bị người ta đem ra bêu rếu, ông Thấu chửi với theo cái “mô kích” của thằng Trơng đang nhả khói:
- Đồ đểu! Cái loại chúng mày chỉ đáng vo viên để xuống đít cho ông ngồi.
Nói rồi, ông ném phịch người xuống bãi cỏ.
Đúng là không ai lại có thể nhẫn tâm như mụ Tam Pha. Đụng đến người chết là điều ít ai nỡ làm, tệ hơn, đây là cái chết đau thương của đứa con gái độc nhất của ông chủ tịch.



Hôm đó, ngồi họp ở Uỷ ban, ông Thấu cứ ngóng tiếng loa vọng choang choảng từ ngoài công trường vào. Giọng tay phát thanh viên ở bên văn hoá thông tin cứ réo rắt: Xét thể lực của hai đội thì đội An hoà có thế mạnh hơn vì có tới ba trong sáu thành viên của đội là nam. Nhưng qua mấy lần hội thao trước, An Hoà chưa bao giờ vượt được Sơn Thọ. Sơn Thọ có bốn nữ, nhưng giống như bốn cây trụ sắt. Đó là: Hồng, Kim, Loan, Sen, bằng sức khoẻ “bẻ gãy sừng trâu” của mình, các cô đã vượt An Hoà 0,25 thước khối…
Ông Thấu móc một cái đóm trên phên cửa, châm điếu thuốc lào. Sơn Thọ là xã ông làm chủ tịch “con gái ông chủ tịch phải thế chứ”. Ông khoan khoái nhả khói thuốc và theo dõi tiếp.
…Hiện nay, theo dự đoán của chúng tôi, giải thưởng hội thao này cũng sẽ thuộc về Sơn Thọ. Đồng chí tổng chỉ huy công trường đã xuống tận nơi để động viên cả hai đội, và… thưa các bạn, các nữ tướng của Sơn Thọ đã bỏ quang gánh. Vì có lẽ, theo chúng tôi, gánh chỉ được hai rổ đất, trong lúc đó đội có thể được ba mà lại giảm được rất nhiều thao tác”… ông Thấu tự nhủ:
- Thắng thế nào được dân Xóm Củi. Ông gãi mép đắc chí. Trong đội Sơn Thọ, ông biết có tới năm đứa là con cháu Xóm Củi của ông.
…Thưa các bạn! An Hoà cũng đã bỏ quang gánh để đội, cho đến giờ phút này, chúng tôi cũng chưa biết phần thưởng sẽ về tay ai, trong cuộc đọ sức, đọ tài này, đội nào cũng nỗ lực vượt bậc để chứng tỏ sức dời non lấp bể của mình… Kìa… Cố lên. Cố lên. Tiếng loa bỗng khìn khịt rồi im bặt. Ông Thấu đứng lên:
- Mẹ khỉ, đứa mô ra coi cái loa, răng mà tự dưng câm tịt rứa bây!
Phòng họp cũng nhốn nháo cả lên. Té ra, nãy giờ, người ta chỉ chú ý vào mấy cái loa ở ngoài công trường. Mọi người đang nóng ruột, thắc mắc, thì bà Thấu sấp ngửa chạy vào:
- Ông giết con tôi rồi! Bà hét lên rồi ngã ngất trước bậc thềm.
Cả đám người trong phòng họp lao ra ngoài công trường. Người ta rẽ lối cho ông Thấu vào. Có lẽ suốt cuộc đời, không bao giờ ông quên được cảnh ấy! Loan, cô con gái duy nhất của ông được đặt nằm trên một cái chiếu manh, đầu ngoẹo sang một bên. Ở bên mép rỉ ra một dòng máu đỏ hồng. Loan bị chết bởi một tai nạn mà ai cũng cảm thấy, nhưng không ai ngăn cản cả. Do đội ba thúng đất quá nặng, chạy trên một bờ đất chông chênh giữa hai thùng đấu sâu hoắm, cô đã trật chân rơi xuống…
Cô chết một cách tức tưởi, mới thấy đó bỗng mất đó… Ông Chắt Thấu ngồi xuống bên con một hồi lâu, rồi lảo đảo đứng dậy. Cả đám đông sụt sịt khóc. Họ thương Loan và cả chính ông…
Đám tang của Loan hôm ấy, cả công trường đi đưa. Đồng chí chỉ huy công trường đứng ra đọc một bài điếu văn dài, làm cho cả vạn nam nữ thanh niên đang từ không khí bi thương chợt thấy trong lòng hừng hực bốc lên ý chí dời non, lấp bể. Ông Thấu nhận ra cái vinh quang mà con gái ông sớm nhận được ở tuổi mười bảy. Đó là cả một điều an ủi rất lớn đối với ông. Cả đời ông, ngoài cái đám ma của địa chủ Cố Lơn năm 1939 mà ông được chứng kiến hàng ngàn tá điền khắp sáu xã đi đưa, thì chưa có đám ma nào trọng thể như đám ma con gái ông hiện nay. Cho dù ông là chủ tịch cái xã này, khi chết, may lắm được mấy chục ông bạn già đưa tiễn đã là an ủi lắm rồi. Ông đưa cái điều suy nghĩ đó ra nói với vợ vào một buổi chiều, sau đám tang một tuần lễ:
- Nó chết nhưng còn danh, còn tánh, chết vì bát gạo trắng của mọi người. Xóm Củi này biết, huyện này biết, tỉnh này biết. Rứa, coi như cũng đỡ tủi.
Bà Thấu trừng mắt ngó chồng, khóc nấc lên:
- Tôi không cần! Trả con gái tôi đây. Ba thúng đất đập lên đầu còn chi là con tôi, Loan ơi là Loan ơi!
Ông Thấu như bị hẫng đi sau câu nói của vợ. Ông nhớ lại hai con mắt rực lên như dại của bà nhìn ông hôm Loan chết.
Có lẽ, nếu con sông cứ được đào tiếp đủ sâu đủ rộng, bề thế, như một con sông thực thụ, đừng nghẹn lại giữa chừng mà chảy ra tới biển, thì có thể người ta đã suy tôn ông Thấu như một người anh hùng của Xóm Củi, thậm chí người ta đã tạc bia đá để tưởng nhớ con ông. Và điều quan trọng, là bi kịch trong lòng ông không trở nên trầm trọng. Thế mà, đất trên mộ con gái ông chưa kịp se lại, thì có lệnh trên ban xuống đình chỉ đào sông. Mọi người thu “cờ, đèn, kèn, trống” rút đi. Xóm Củi trở lại lặng tờ, cô tịch. Đất nham nhở và những phương tiện đào đất vứt chơ chỏng trên công trường, nom tiêu điều như thể vừa qua khỏi một biến động dữ dội của đất trời. Ông Thấu theo đoàn người Xóm Củi chạy ra bờ sông, nơi mà đám dân công đổ đất lên thành hai cái bờ cao như con đê khổng lồ, lòng ngẩn ngơ, đau xót.
Ông nuối tiếc không khí ngày hội diễn ra hàng tháng ròng trên cái xóm nghèo lẻ loi của ông.
Không ai bảo ai, từng người một bỏ ra về. Ông Thấu càng lẻ loi, chới với. Ông muốn mình có một sức mạnh như cái dạo ông đứng trên xe cút kít diễn thuyết cho từng ấy con người há hốc mồm ra nghe. Ông muốn dang hai tay ra giữ họ lại, trao cho họ cái cuốc, cái rổ, hô hào họ ra đào tiếp. Nhưng miệng ông cứng lại… Lệnh trên đã ban xuống.



Ông Chắt Thấu rời ghế chủ tịch xã giống như việc thay đổi vị trí của một bó củi từ bên này sang bên kia chiếc xe cút kít cho nó cân bằng. Những ngày cuối cùng ngồi ở trụ sở, ông như một ông từ giữ đền. Một mình với chiếc điếu thuốc lào, ông bỗng nghiệm ra cái cụm từ “Ông Chắt Thấu” vẫn yên ổn hơn nhiều cụm từ “Ông chủ tịch”. Nhưng đã quá muộn. Dân Xóm Củi cũng bắt đầu tỉnh ra, nhận thấy cái dạ dày lép kẹp cần được tống vào đó một cái gì cho nó co bóp. Người ta đã thôi nói chuyện đào sông, “cơ khí hoá”… Dân Xóm Củi lại đi kiếm củi như xưa, chỉ có cái khác là bây giờ sang chợ Gát bán củi, họ không còn đẩy được xe cút kít nữa..
Con sông đào cắt ngang chưa làm trọn cuộc hiện đại hoá, nhưng đã kịp buộc dân Xóm Củi đoạn tuyệt với cái phương tiện vẫn được coi là tân tiến của họ. Người đi chợ, gánh củi trên vai, lội qua con sông đào nước ngập đến bụng, lại leo qua hai bờ đất cao, mồ hôi chảy ròng ròng. Họ nhớ cái thời chở bằng xe cút kít, mà tiếc.
Những biến cố sau này ở Xóm Củi cứ như những nhát dao đâm vào lòng ông Thấu. Tuy đã thôi làm chức chủ tịch từ lâu, nhưng ông vẫn không dứt bỏ được quá khứ. Nhiều lúc ông ngồi ngẩn ngơ ngó đôi bờ sông nham nhở, rồi trút tiếng thở dài. Ông cứ khao khát, mong mỏi một cái giấy mời đi họp tỉnh như dạo nọ.Tất nhiên là không phải để nghe chuyện đào sông một lần nữa, mà để nghe những người ngày xưa đã chỉ đạo ông hô hào dân Xóm Củi đi đào sông, nay con sông không chảy được ra tới biển, thì họ cũng phải cho ông biết nguyên cớ tại sao. Để về, ông còn nói lại với dân Xóm Củi chứ… Không, tuyệt nhiên không có ai gọi ông lên để giải thích chuyện đó. Tất cả đều vụt lặn đi. “A! Ông chủ tịch!” Đang đi, Chắt Thấu nghe cái giọng xỏ lá của mụ Tam Pha. Con mụ ấy biết đích xác ông đã thôi chức chủ tịch mà vẫn gọi cái tên ấy để xỏ xiên ông. “Gớm, mời ông anh vô nhà em chơi đã! Bấy lâu, nghe ông anh nói, nghiệm, mới thấy trúng: Nhà em không có tinh thần chủ nghĩa xã hội nên cái thành quả mà các ông anh đào đắp, nhà em chẳng được hưởng!”
Ông Thấu rảo cẳng như bị ma đuổi. Tuy không ngoái lại, nhưng ông biết, cả Xóm Củi bây giờ chỉ có nhà mụ là mưa lụt không bị nước vô nhà. Nhà mụ nền đổ đá xanh cao cả mét, úng ngập ở đâu, mặc! Đời, nghĩ mà tức, khi cả xóm dỡ nhà mình ra, lót hố bom để thông xe vô Nam, đánh Mỹ, thì nó đi gom dù đèn, ống pháo sáng. Khi người ta trằn lưng ra đào sông, thì nó mổ lợn lậu, cất nhà gạch. Vậy mà nó còn dám ăn nói khinh khi ông như vậy đó! Buốt đến tận xương, tận tủy, nhưng cứng họng. Ông Thấu biết, khi con sông chưa chảy ra tới biển, thì người ta không thể phân biệt được đâu là công, đâu là tội. Cái con sông mà khi người ta kêu ông đào, ông tán thành, ông ủng hộ. Rồi về, ông vận động người ta có, ép buộc người ta có, đào đắp chán, cũng chỉ thành con sông cụt. Điều đau đớn hơn, là ông đã hy sinh cả đứa con gái duy nhất của mình vào đó. Giờ, con sông đã không chảy được, lại bỗng dưng, dựng lên hai con đê to chình ình. Trước hết, nó xé cái xã ông ra làm đôi, để bên kia sông, phần đất xưa nay cấy hái nhờ vào hệ thống nông giang dẫn nước từ trạm bơm Đại La về, nay bị con sông cắt ra làm nhiều khúc, gặp nắng, trơ đáy, nằm tênh hênh ngó trời. Cây mạ cắm xuống, bị gió Lào sớm về, thổi thông thốc, cứ rũ gục trên mặt ruộng cứng quàu quạu. Tệ hại hơn, bên này sông, Xóm Củi cứ động mưa kéo cho ít ngày là bị bờ sông ém lại, nước dâng lên xâm xấp nền nhà. Cây mít già, trong vườn ông Thấu chịu được một vụ mưa bỗng đứng đực ra, rũ lá, rụng xuống thối ủng quanh gốc. Cây cam sành, cây bưởi đào cũng không trụ được lâu hơn, lần lượt héo khô rồi chết. Ông Thấu cắn răng, nhờ mấy thằng cháu con ông anh sang chặt đem đi chợ Gát đổi gạo. Một mùa úng, hai mùa úng, cây cối ở Xóm Củi cứ thay nhau trút lá, chết gần hết. Chừng ấy cũng đã đủ để ông Thấu đau khổ, nay lại thêm những lời xỉa xói của mụ Tam Pha nữa. Như người mất trí, ông Thấu hùng hục bước đi mà không biết đêm đã xuống.
Thấy ông Thấu về tới ngõ, lão Thuật nhà bên đang gánh nước rửa chân trước bậc thềm, nói vọng ra:
- Mô về Chắt Thấu?
Người làng cũng đã không gọi hai tiếng “ông Chắt” vừa thân mật, vừa tôn trọng như khi ông còn làm chủ tịch nữa, mà phần đông cứ gọi ông bằng cái tên trần trụi ấy.
Lão Thuật tiếp:
- Có cái con sông cũng hay, Chắt Thấu hỉ, ngồi trên giường thõng chân xuống là rửa được, tiện đáo để!
Ông Thấu tím mặt lại. Đến cả cái lão láng giềng vốn hiền lành này mà còn dở cái giọng xát muối ấy, không trách thằng Cu Nghệ, đáng tuổi con, tuổi cháu ông, dám leo lên cây ổi, tuột quần ỉa, thấy ông còn nhe răng cười:
- Tui thấy từ ngày đào con sông, đến đi ỉa cũng khoái, vừa ngồi vừa nghe nhạc bì bõm cũng vui, ông Thấu hè!
Chắt Thấu băm băm bước vô nhà, gằn giọng với vợ:
- Mai tôi chuyển nhà đó, lên Truông Bát mà ở!
Sáng hôm sau, mặc cho bà Thấu chẳng hiểu mô tê gì cứ tru tréo chửi ông gàn, ông Thấu vẫn lần lượt dỡ nhà trên, nhà dưới, chuyển lên một cái thung đất dưới chân Truông Bát, cất nhà. Dân Xóm Củi thấy vậy, nhìn ông hỏi:
- Chi rứa, Chắt Thấu?
Ông chỉ ừ hử qua chuyện rồi xăm xắm bước đi.



Nghe bà Thấu báo tin ông Thấu ngộ bệnh, hai thằng cháu ở Xóm Củi làm vội cái cáng bạt bế ông Thấu đặt vào, khiêng chạy xong xóc lên bệnh viện cấp cứu. Nhưng ở bệnh viện nằm được một tháng thì người ta trả về. Mọi người đến thăm, bàn tán, thầm thì, riêng Cu Nghệ thì nói choang choáng:
- Thời buổi không có tiền lo thì chết!
Thực tế, bệnh ông Thấu cũng đã trầm trọng lắm. Một mình ông vừa san đất, cuốc núi, vừa chuyển nhà. Thỉnh thoảng lại còn phải kiếm một xe củi cho bà Thấu đem đi chợ Gát đổi gạo nữa. Ráng quá sức, bổ bệnh lao, người ông quắt lại, khô đét như que củi.
Mỗi bữa, bà Thấu ráng bón cho chồng vài thìa nước cháo. Đôi mắt của ông Thấu đục lờ như tách biệt với cuộc sống. Cho đến một đêm, bà Thấu trở dậy, linh tính thấy khang khác, bà vội châm đèn, đến ngồi bên ông. Đôi tay già nua của ộng Thấu khẽ đặt lên tay vợ. Toàn bộ sinh lực trong người ông như dồn vào đôi mắt, đẩy cái màng tinh thể đục lờ ra một khoảng vừa đủ xuất hiện một đốm sáng, cháy rực lên, vừa tha thiết với cõi thế, vừa yếu đuối, sợ hãi với người đời. Giọng phều phào, ông cố hỏi:
- Có… ai… nói… chi… chi… tui… không… bà?
Bà Thấu không dám nghĩ đến cái điều đang xảy ra ấy. Bám lấy đôi vai của chồng, như bám lấy một điểm tựa để giải thoát sự sợ hãi, bà không dám rời ánh mắt ông. Ở đó, nơi khoé mắt, hai giọt nước trong vắt đang ứa ra. Miệng ông Thấu lắp bắp. Bà nghe một tiếng gọi như thoát ra từ một nơi nào đó, sâu thẳm trong lòng ông:
- Bà tha tội cho tôi nha!
Rồi ngay thuỗn ra, ông chết!
Bà Thấu sấp ngửa, chạy như điên về Xóm Củi. Cái tin “Ông Chắt đi rồi!” được người ta lặng lẽ báo cho nhau rất nhanh. Bà Thấu cũng không ngờ dân Xóm Củi vẫn đối xử với ông Thấu như thế. Lâu nay vào ra như chiếc bóng với ông. Bỗng dưng bà cũng bị nhiễm cái mặc cảm của ông. Chính bà tuy không hiểu hết những gì xảy ra trong lòng ông, nhưng cuộc sống của bà cũng dần dần khép lại, lẩn tránh như một người phạm tội. Lẽ ra lúc ông nói lời cuối cùng, bà phải bảo: “Không, không ai có quyền nói gì cả, người có tội, không phải là ông!”. Nhưng dầu sao cũng đã muộn. Bà Thấu như người mất hồn, mặc cho Cu Nghệ bàn với ông anh ruột của chồng:
- Bác bảo bà ấy đem bán cái đài Sony đi mà sắm cho ông ấy cỗ áo…
Ngẫm nghĩ lời Cu Nghệ một lúc, ông bác cất cái đài cũ đi rồi về nhà chở bộ ván gụ của cụ Thấu đổi cho hồi nào sang, bảo với bà Thấu:
- Cả đời chú ấy chỉ ước làm cho dân no, dân ấm, không ngờ lại chết trên cái chõng tre ọp ẹp. Thôi, có bộ ván tốt mình nên nhường cho chú ấy, kẻo tội!
Cu Nghệ thêm:
- Bác nói phải! Khi trước nghe ông ấy nói tới cái giường lò xo, tui cũng ước có một cái để nằm thử, ai ngờ, kết cục lại thế này. Nhưng cũng tại bà con mình bác ạ! Ai cũng muốn được yên thân, muốn có một ông chủ tịch hiền lành dễ nói và nhất là không sợ bị ăn bớt, ăn chặn phần thóc của nhà mình!
… Đợi cho những người dân Xóm Củi đi đưa ông Thấu về hết, thằng Trơng mới lái xe “Mô kích” chở mụ Tam Pha đến nơi mộ bố con ông Thấu nằm. Mụ đốt một bó hương to, xẻ làm đôi, cắm lên cả hai phần mộ, rồi quỳ xuống khấn:
- Nhà em cũng vì miếng cơm manh áo mà phải bươn bả làm ăn. Sinh thời, đôi lúc có làm bác giận. Nay, xin cầu chúc cho bác “sống khôn, thác thiêng”, “phù hộ độ trì” cho mẹ con em được yên ổn làm ăn.
Chiếc xe Mô kích của thằng Trơng chạy vút đi.
Tất cả chìm dần trong màn đêm. Chỉ có hai bó hương cháy trên một của bố con ông Thấu là cứ rực lên như hai con mắt.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ!

Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ!

THIỆN Ý

I. Tổ quốc trước hai hiểm họa

Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước hai hiểm họa: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Mọi người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm tìm đường đưa dân tộc thoát khỏi hai hiểm họa đó.

Chúng ta đã từng gọi một cách chính xác “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”. Những hành động lấn lướt khiêu khích gần đây ở Biển Đông chứng tỏ bản chất của chúng không hề thay đổi. Ngày 2-7-2009 trả lời ký giả Mạc Lâm của Đài Phát thanh RFA, nhà ngoại giao Dương Danh Dy từng làm việc nhiều năm ở Trung Quốc nhận định: Trung Quốc là anh láng giềng to, khỏe, tham, lại xấu tính và “sau thời điểm 2010 trở đi chưa biết họ làm cái gì đâu. Họ kinh khủng lắm…”

Hai mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết sức cố gắng xây dựng với Bắc Kinh mối quan hệ “đồng chí” kèm theo “16 chữ vàng” (do Giang Trạch Dân đặt ra, Lê Khả Phiêu tán thành đưa vào Tuyên bố chung tháng 2-1999): “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Mấy năm sau lại bổ sung “tinh thần 4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Để tỏ lòng trung thành với mối quan hệ đó, Nhà nước Việt Nam đã bắt bớ những công dân của mình xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Đó là thủ đoạn ngoại giao khôn khéo hay chỉ là sự đớn hèn? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu? Rồi bằng cách nào để có thể thực hiện được di chúc thiêng liêng của Đức Trần Nhân Tôn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác!”? Không làm được điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thoát khỏi trách nhiệm trước lịch sử là đã để đất đai thấm máu cha ông lọt vào tay giặc.

Giặc nội xâm là cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ thói tham ô, lãng phí, quan liêu. Từ năm 1948 khi ông viết những điều này trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, 60 năm đã trôi qua, tham nhũng hồi ấy chỉ như ruồi muỗi, ngày nay đã trở thành hùm beo, mặc dù ở mọi cấp mọi ngành đều có cơ quan chống tham nhũng! Cứ xem chế độ tiền lương, Chủ tịch Nước cũng chưa đạt mức phải đóng thuế thu nhập, thế mà cán bộ nào cũng nhà cao cửa rộng tiêu xài hoang phí thì có thể biết tham nhũng là bệnh của cả hệ thống! Nguyên nhân nào đẻ ra tình trạng đó? Biện pháp nào để ngăn chặn đây?

Có người có thể nêu thêm hiểm họa về môi trường, nhưng thực tế cho thấy vụ Vedan và nhiều vụ khác đều là con đẻ của quan liêu tham nhũng.

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử 80 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam để đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của Đảng và tìm lại sức sống cho Đảng, hòng cứu dân tộc thoát khỏi hai hiểm họa nói trên.

II. Ba thế mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Mọi đảng viên cộng sản kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước mà đến với chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ nhiều người cho đó là chọn nhầm đường, lạc đường, hoặc nặng lời hơn, có người lên án Đảng Cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, rằng nhân dân theo Việt Minh, theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng, chớ không phải theo cộng sản. Có người cho rằng con đường cộng sản không phải là một tất yếu lịch sử để giải phóng dân tộc, rằng nếu…

Tiếc rằng lịch sử không cho chúng ta chữ “nếu”! Tôi thích câu nói của cựu Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, đến 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu.” Và cũng ông ấy đã nói: “Không thể nói rằng họ (người cộng sản) đã cố tình lừa dối, rồi sau đó không chịu thực hiện. Sự thật là họ không thể thực hiện được những điều mà họ đã nhiệt liệt tin tưởng”. Dù gì thì lịch sử cũng phải ghi nhận việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến ”Điện Biên chấn động địa cầu”. Những người “quốc gia” nên nhận sự kém cỏi của mình là không làm được gì có sức thuyết phục dân tộc. Chế độ Việt Nam Cộng hòa được dựng lên nhờ bàn tay của người Mỹ, mà người Mỹ thì đã đài thọ hơn 80% chiến phí cho người Pháp. Do đó Việt Nam Cộng hòa không tìm được niềm tin từ nhân dân. Rồi để cứu Việt Nam Cộng hòa và danh dự nước Mỹ, hằng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học đã dội lên đầu nhân dân Việt Nam!

Tất cả những điều ấy làm cho số đông người Việt Nam tin theo Đảng Cộng sản, từng thật lòng khi nói “ơn Bác, ơn Đảng”, thật lòng gọi hai tiếng “Đảng ta”! Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi răn dạy đảng viên đã nói một câu mà ngày nay nghe cứ tưởng như chuyện đùa: “Đừng tưởng rằng cứ dán lên ngực hai chữ cộng sản là sẽ được nhân dân yêu mến, nếu như không rèn luyện đạo đức…”

Tuy nhiên, vào đầu những năm 50 trở đi đã nảy mầm tai họa:

- Nhầm đồng minh thể chế, đồng minh giai đoạn, là đồng minh chiến lược, lâu dài; trong khi Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

- Đường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng sản.

Hậu quả là niềm tin của nhân dân đối với Đảng nhiều lần bị hẫng hụt. Dù vậy đến nay vẫn chưa phải như đánh giá của nhà văn Đào Hiếu: “Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ,… thì đại đa số nhân dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay”. Nếu nhận định đó là đúng thì sự sụp đổ của chế độ đã không thể cưỡng được. Đó có thể là tình trạng những năm 80, khi khủng hoảng kinh tế, xã hội chưa có lối ra.

2. Chính Đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam gượng dậy, mạnh lên, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Mấy bài nói của ông Lê Hồng Hà, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Công an, về tình hình đất nước 20 năm qua, tôi rất đồng tình ở nhiều nhận định sâu sắc và những ý kiến về phương hướng sắp tới. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như ông khi cho rằng: “20 năm qua, cuộc đấu tranh giữa một bên là Đảng Cộng sản và một bên là toàn dân Việt Nam, kết quả là dân thắng Đảng trên hai mặt trận kinh tế và tư tưởng, nhưng dân chưa thắng về chính trị, vì hệ thống chuyên chính vô sản vẫn còn nguyên”. Tôi nghĩ, nói như vậy là phủ nhận sự chuyển biến bên trong của Đảng Cộng sản. Do đặc điểm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề cao hai ngọn cờ Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội. Ý thức hệ cộng sản không được đặt cao tuyệt đối mà có thể du di. Cách xử lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và sau Cách mạng tháng Tám là như thế. Cách xử lý của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản trước cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội những năm 80 cũng là như thế. Nếu không có những đảng viên như Kim Ngọc, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, có lẽ phải kể cả ông Trường Chinh nữa, thì không có Đổi mới. Chúng ta có thể lấy Bắc Triều Tiên, Cuba làm đối chứng cho nhận định này! Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, điều ấy không ngoa. Nhưng dùng hai chữ Đổi mới là thủ đoạn đánh tráo khái niệm, thực ra phải nói là “trở lại như cũ trên con đường văn minh của nhân loại”.

Chính vì chỉ “đổi mới” chứ không chịu “trở lại như cũ” cho nên những người lãnh đạo Đảng Cộng sản luôn luôn ngập ngừng, cứ hai bước tiến lại một bước lùi, chỉ vì sợ bị mất độc quyền lãnh đạo. Ở đây xẩy ra cuộc đấu tranh giữa những người muốn Đổi mới toàn diện mạnh mẽ như Trần Xuân Bách, Trần Độ với lực lượng bảo thủ muốn ghìm lại, nhất là ở lĩnh vực chính trị. Dù gì thì Đổi mới đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Hệ thống chuyên chính vô sản cũng mềm đi chứ không cứng rắn được như trước. Ví dụ, trong vụ giới trí thức kiến nghị dừng dự án Bauxite Tây Nguyên, ban đầu đã có ý đe dọa, gán cho tội chịu ảnh hưởng của bọn phản động, nhưng rồi đã phải lùi lại. Một trang Web Bauxite Việt Nam có danh sách gần 3000 người ký tên trong 8 đợt kiến nghị, có hằng trăm ý kiến phản biện sắc bén, được hằng triệu người truy cập, quả là một hiện tượng chưa từng có.

Tự do kinh tế đem lại nhiều công ăn việc làm, cuộc sống vật chất của người dân dễ chịu hơn, bộ mặt đất nước cũng thay đổi. Các biện pháp quản lý xã hội có mềm hơn. Cán bộ, công chức nói chung gắn bó với Nhà nước. Doanh nhân được ưu đãi, chăm sóc. Do đó số đông tầng lớp trung lưu và trí thức chưa quá bức xúc đòi hỏi tự do dân chủ. Công nhân đình công, nông dân biểu tình đều vì quyền lợi vật chất cụ thể chứ chưa phải đòi được tự do lập Hội, lập Công đoàn. Có tài liệu cho rằng trung bình mỗi người dân Việt Nam có chân trong 2,33 tổ chức Hội, Đoàn, làm cho họ cứ tưởng rằng mình đã được nhiều tổ chức của một xã hội dân sự bảo vệ lợi ích khi cần thiết.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam nắm chắc lực lượng quân đội và công an bằng một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống tận cơ sở và buộc họ đồng nhất Đảng với Tổ quốc. Nhận định của ông Lê Hồng Hà rất đúng khi cho rằng không thể dùng bạo lực để lật đổ chế độ này.

Tuy nhiên ba thế mạnh kể trên đang bị “ba điểm yếu” bào mòn từng ngày. Nếu không kịp thời có giải pháp sáng suốt và mạnh mẽ để Đổi mới Đảng thì về lâu dài nguy cơ sụp đổ khó tránh khỏi.

III. Ba điểm yếu của Đảng Cộng sản

1. Do ”ngu trung” với ý thức hệ, Đảng Cộng sản Việt Nam không rút được bài học nhầm lẫn chọn bạn đồng minh, đã tiếp tục phạm sai lầm lớn hơn ở cuộc gặp Thành Đô năm 1990, cầu hòa với Bắc Kinh trong thế yếu. Từ đó, hai kẻ thù mang mặt nạ “đồng chí”, giả vờ kết giao trên “16 chữ vàng”. (Do quá phẫn nộ trước hành động ngang ngược gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhân dân đã nhại lại thành 16 chữ đen là “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai”.) Nhầm lẫn trước năm 1954 còn có thể thông cảm, nhưng từ khi Bắc Kinh liên tục gây chiến tranh biên giới với tất cả quốc gia láng giềng Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam mà vẫn còn cho rằng “từng là xã hội chủ nghĩa với nhau vẫn tốt hơn” thì thật là mù quáng. Năm 1974 chúng đã chiếm Hoàng Sa, năm 1984 chúng bất ngờ tập kích Lão Sơn giết chết 3700 chiến sĩ Việt Nam, năm 1988 chúng chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa, giết chết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Chúng liên tục lấn tới, lập cơ quan hành chính Tam Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên tiếp bắn giết, cướp thuyền, bắt ngư dân chúng ta đánh cá trên vùng biển của mình. Những ai có trái tim yêu nước đều cảm nhận chúng chỉ chực chờ thời cơ để đánh úp chiếm đoạt cả Trường Sa của chúng ta!

Từ tháng 3 năm 2009 đến nay, cả nước sôi sục một phong trào đòi hủy bỏ dự án Bauxite mở đường cho hùm dữ vào nhà. Các bậc đại công thần của chế độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, các Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Văn Cương và hằng ngàn trí thức đã lên tiếng cảnh báo những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước phải thức tỉnh. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, trong “Bài học bất ngờ từ Trung Quốc” đã viết: “Năm 2008, tập đoàn Tân Tạo đưa Trung Quốc vào quần đảo Nam Du xây dựng cảng than. Cũng năm 2008, Đài Loan thành công với dự án xây dựng khu luyện thép bên vịnh Sơn Dương. Cuối năm 2008, việc xây dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai, Nhân Cơ giúp Trung Quốc gài quả bom bùn độc trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nếu một ngày nào đó thực hiện kịch bản chiến tranh bất ngờ như năm 1979, họ sẽ nổ quả bom bùn đã gài sẵn ở Tân Rai làm các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh chết khát. Họ chiếm Sơn Dương-Hà Tĩnh, chặn cả đường biển lẫn đường bộ từ Nam ra Bắc. Họ chiếm quần đảo Nam Du cắt đường biển quốc tế đến Việt Nam. Một tình huống vô cùng nguy khốn đang hiện ra trước mắt ta đó!”

Báo chí và người phát ngôn Việt Nam không dám nêu tên tàu Trung Quốc mà gọi là “tàu lạ”. Trong khi đó, báo mạng Hoàn cầu thuộc Tân hoa Xã bình luận rằng: Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp biển đảo bằng biện pháp quân sự! Vậy mà Nhà nước Việt Nam vẫn sợ mất lòng Trung Quốc, không dám đưa vụ bắt ngư dân của mình ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Dư luận trong và ngoài nước đều chê trách những người lãnh đạo Việt Nam quá ngờ nghệch đã tự chui vào thế kẹt rồi đâm ra hèn nhát trước sức ép của Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc có bài viết tựa đề “Sao bỗng dưng họ lại hèn vậy?” trong đó ông nhắc lại nhiều hành xử anh hùng của người cộng sản Việt Nam trước đây, nhưng không lý giải câu hỏi mới đặt ra.

Ở những cuộc chiến tranh cứu nước trước đây, chúng ta luôn luôn có đồng minh thân thiết và được nhiều quốc gia khác ủng hộ. Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc 1979, chúng ta còn có đồng minh Liên Xô. Trái lại trong cuộc đối đầu với bọn bành trướng Bắc Kinh hiện nay, Việt Nam hoàn toàn không có đồng minh chiến lược! Tiến sĩ Storey chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại cho rằng: “Vấn đề Biển Đông là chủ đề nan giải” (ý nói đối với Việt Nam) và nhận định: “Các nhà lãnh đạo Ba Đình không thể dựa vào một quốc gia nào khác ngoài bản thân mình trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không thể dựa vào Mỹ, không thể dựa vào Nga và càng không thể dựa vào khối ASEAN”. Tại sao ông nhận định như vậy? Bởi vì chúng ta đã tự xếp mình là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc. Khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, cám ơn họ đào tạo cán bộ cho Việt Nam thì cơ quan an ninh Việt Nam bắt luật sư Lê Công Định. Khi Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đến Hà Nội thì Đài Truyền hình Việt Nam phát lời thú tội của bốn nhà hoạt động dân chủ, trong đó lời khai bổ sung của Lê Công Định là có gặp nhiều quan chức Mỹ, đại sứ Mỹ cho rằng tổ chức tư pháp cần tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều tờ báo và đài truyền hình bình luận rằng, những người hoạt động dân chủ bị bắt đều có liên hệ với các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Các động thái kể trên đã cho thế giới hiểu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng về phía nào trên bàn cờ khu vực và toàn cầu!

Ông Lê Tuấn Huy trong bài “Bài ngửa ở Biển Đông và bài bản về tư duy”, đã nhận xét rất đúng rằng: “Trong tương quan Biển Đông đã bị đặt vào thế phải tranh chấp, Việt Nam lại không có đồng minh cơ hữu lẫn đồng minh thể chế, khi mà đồng minh lớn nhất về chính trị lẫn văn hóa chính là chủ thể muốn tước đoạt biển đảo. Việt Nam cũng hầu như không có được sự hậu thuẫn cuả công luận thế giới trong vấn đề này và đó cũng là một phần hậu quả từ việc thiếu vắng tương tác đồng minh”. Ông nhận định: “Chần chừ, với Việt Nam lúc này đồng nghĩa với việc tiếp tục đẩy mình vào cảnh thân cô thế cô!”.

Tổ quốc cấp thiết đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lựa chọn giữa hai con đường: Tìm đồng minh cho dân tộc hay là giữ “đồng chí” cho Đảng. Thật ra thì bọn bành trướng Bắc Kinh đâu có xem Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí. Cách hành xử trịch thượng của họ đối với ta giống như minh chủ đối với chư hầu! Nếu không mau chóng trả lời dứt khoát câu hỏi trên, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ càng ngày càng bị mất niềm tin của dân tộc và càng lâm vào thế kẹt.

2. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa chỉ thích hợp cho một xã hội có nền kinh tế công hữu và tập thể, phân phối bao cấp từ hạt gạo đến bó rau và đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đổi mới kinh tế đã làm cho hệ thống chính trị không còn tương hợp, trở thành chiếc áo cũ rách. Các giá trị hôm qua đặt vào thực tế hôm nay hóa ra khôi hài.

Suốt 20 năm đổi mới, các kỳ Đại hội Đảng cứ khất lần khất lữa việc định nghĩa ”Cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” có nội dung gì? Và “Vai trò vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng” có gì thay đổi? Nếu chỉ nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì không có gì khác các quốc gia dân chủ, nhưng so ra họ còn làm tốt hơn mình! Đến khóa 10 này, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thấy không thể kéo dài mãi, đã tìm cách giải đáp ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 từ ngày 14 đến 22 tháng 1 năm 2008 như sau:

“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội” (Tài liệu học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa 10, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2008, trang 33). Các nhà lý luận của Đảng quên rằng: “Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội ra đời và bắt đầu phát sinh tác dụng cùng với việc xây dựng thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; phạm vi hoạt động của nó được mở rộng theo đà củng cố và phát triển thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tư liệu sản xuất trở thành sở hữu công cộng làm cho nền sản xuất không phải để phục vụ cho việc phát tài và làm giàu của cá nhân hay một giai cấp…” (Từ điển kinh tế, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1976, trang 455). Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân phát triển, xung khắc với quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội như nước với lửa, làm sao chịu được sự chi phối của nó?

Giai cấp công nhân đang nơm nớp lo bị mất việc làm. Nghe nói mình có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, họ bảo nhau: “Mấy ông này hay thiệt, vừa đại diện cho công nhân lại vừa là tư bản đỏ!” Hơn 2500 cuộc đình công (chỉ tính đến giữa năm 2008) của công nhân không có sự chỉ đạo của tổ chức công đoàn do Đảng lãnh đạo, đã nói lên niềm tin của họ đang đặt vào đâu.

Nói về chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx Kornai János người Hungary cho rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc trình bày ý thức hệ giả mạo khi dẫn chiếu đến chủ nghĩa Marx. Cái hệ thống mà Đảng Cộng sản ngự trị về cơ bản mang tính tư bản chủ nghĩa, vì sở hữu tư nhân đã trở thành hình thức sở hữu áp đảo, và bởi vì cơ chế điều phối chính là cơ chế thị trường”. Nhận định đó hoàn toàn đúng đối với đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do không chịu công nhận Đổi mới là vứt bỏ những nguyên lý về kinh tế của chủ nghĩa xã hội và do tiếp tục duy trì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin, Đảng đã làm cho xã hội đầy dẫy những hiện tượng thực giả lẫn lộn, nói một đằng hiểu một nẻo, đạo đức xuống cấp trầm trọng!

Nói “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, người dân thắc mắc: ”Trong lịch sử chưa có ai làm chủ mà không được lãnh đạo, lại còn bị người khác lãnh đạo!”

Nói “thông qua dân chủ bầu cử Quốc hội”, người dân bảo: “Lâu nay vẫn là Đảng cử, Dân bầu!”

Nói “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, người dân bảo: “Quốc hội bao giờ cũng họp sau khi Đảng đã họp và đề ra nghị quyết chỉ đạo cho Quốc hội phải làm gì. Vừa qua Bộ Chính trị quyết định đại dự án Bauxite đâu có cần thông qua Quốc hội!”

Nói đảng viên cán bộ là đày tớ của nhân dân, mấy ông hai lúa cười: “Cả đời mình làm chủ mệt mỏi quá rồi, cầu mong mấy đứa nhỏ sau này có đứa được làm đày tớ cho cả dòng họ được nhờ!”

Nói “Sống và làm việc theo pháp luật”, “Mọi người bình đẳng trước pháp luật”, người dân bảo: “Pháp chế xã hội chủ nghĩa, tư pháp do Đảng lãnh đạo. Người có chức có quyền mới tham nhũng, mà có chức có quyền thì phải là đảng viên, vậy tư pháp làm sao dám xét xử tham nhũng? Hãy coi Tòa án Hà Nội, rồi Tòa án Tối cao cứ như gà mắc tóc trước vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì biết tư pháp Việt Nam được độc lập cỡ nào!”

Nói chúng ta đã thực hiện tốt quyền tự do báo chí, người dân hỏi: “Không nghe ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông bảo: ‘Phải đi đúng lề phải mới có tự do báo chí’ đó sao?”. Mới đây ông Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng giao cho nhiệm vụ vận động nhân dân phản biện các chính sách của Đảng, nhưng suốt mấy năm, Mặt trận vẫn chưa làm tốt. Xin hỏi, có cách nào để làm tốt được đây, khi mà phản biện chỉ được phép nói trong cái “vòng kim cô” của nghị quyết Đảng? Ai chẳng sợ lỡ miệng ra ngoài vòng sẽ bị thiệt thân? Các ông Nguyễn Mạnh Tường luật sư Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kim Ngọc Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, Trần Xuân Bách Ủy viên Bộ Chính trị, là những nhà phản biện dũng cảm đã bị trừng phạt như thế nào ai chẳng biết!

Mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS do giáo sư Hoàng Tụy làm Chủ tịch Hội đồng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng, đã phải tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ hạn chế quyền được nghiên cứu và phản biện. Ngày 15 tháng 9 năm 2009, Mặt trận Tổ quốc họp báo về Đại hội lần thứ 7, có nội dung “tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng đại đoàn kết toàn dân”. Làm sao đồng thuận được khi không có phản biện dân chủ mà chỉ có quyết định từ trên dội xuống?

Các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân loại tiến bộ khi vào Việt Nam đều phải co lại cho vừa cái khung xã hội chủ nghĩa. Cách hiểu, cách làm của Việt Nam trái với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết thực hiện. Năm nào Việt Nam cũng bị lên án vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và bị xếp hạng vào cuối bảng của các nước trên thế giới. Phản ứng của Nhà nước Việt Nam luôn luôn là “Nhận thông tin sai lạc với thực tế Việt Nam”, hoặc “can thiệp vào nội bộ Việt Nam”, nặng nề hơn nữa là “âm mưu của các thế lực thù địch hòng chống phá Việt Nam”. Chúng ta chấp nhận hội nhập với cộng đồng nhân loại, làm bạn với tất cả các nước, nhưng lại không đồng ý với người ta về những giá trị phổ biến của nền văn minh nhân loại là: xã hội công dân, sở hữu tư nhân, nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ đại nghị. Chủ nghĩa xã hội thế giới đã thất bại vì phủ định những giá trị phổ biến đó, cố tìm những giá trị khác (xã hội toàn trị, công hữu, kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung xã hội chủ nghĩa) hòng thay thế, rồi lâm vào ngõ cụt và bị sụp đổ!

Trong bài phát biểu với Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 30-6-2009) ông Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Quá trình cầm quyền với hình thức quản lý chuyên chính vô sản, với nguyên tắc tập trung dân chủ, xã hội chưa bao giờ được hưởng quyền tự do dân chủ đích thực”. Và ông xin phép lưu ý: “Nếu xã hội… họ cảm thấy áp lực chuyên chế nặng nề lắm thì không thể tránh được những biến động xấu, rất xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Chính hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin đã làm suy yếu các khả năng chống tham nhũng, hiểm họa nội xâm của đất nước.

3. Nhiều người già ở Sài Gòn cho rằng tham nhũng hiện nay đã vượt xa chế độ Sài Gòn cũ. Có thể bào chữa rằng tham nhũng là vấn đề toàn cầu chứ có riêng gì mình. Vâng, nhưng tham nhũng ở các quốc gia dân chủ có nhiều thứ thuốc trị mà ta không có. Khi báo chí đưa tin Hoa Kỳ vừa bắt 44 người tham nhũng thì các ông già thạo tin bảo: “Nếu nước ta có cơ quan tư pháp độc lập như họ thì chỉ riêng quận mình thôi, số tên tham nhũng bị bắt cũng vượt xa con số của cả nước Mỹ!”

Có lẽ trên thế giới không nước nào có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng bằng nước ta. Đảng có Ủy ban Kiểm tra, Nhà nước có Tổng Thanh tra, các Bộ, các ngành, các đoàn thể, ở từng cấp đều có tổ chức thanh tra, kiểm tra. Có rất nhiều nghị quyết chỉ đạo chống tham nhũng. Một ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng làm Trưởng ban Chống Tham nhũng Trung ương. Các Đảng ủy được nhắc nhở phải coi chống tham nhũng là trách nhiệm lớn. Thế nhưng, tham nhũng đã xảy ra ở ngay các Đảng bộ đạt tiêu chuẩn “4 tốt”, danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” như: Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải, Đảng ủy PM18, Đảng ủy dự án Đại lộ Đông-Tây… Vì sao tham nhũng ở Việt Nam “kháng thuốc” ghê gớm vậy?

Có 3 nguyên nhân:

(a) Ở các quốc gia dân chủ họ có nền tư pháp độc lập, có thể buộc tội cả Tổng thống, còn pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tay này sao nỡ chặt tay kia!

Trả lời sao đây khi bao nhiêu vụ án lớn không nhúc nhích:

- Vụ PMU 18 còn đó mà các nhà báo viết về nó đã phải đi tù;

- Vụ PCI dù người Nhật đã khai hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng sau nửa năm, Sĩ chỉ bị khởi tố về tội cho thuê nhà! Dư luận tin rằng Sĩ không thể nuốt trôi khối đô la khổng lồ nếu không chia cho các vị thượng cấp có liên quan trách nhiệm đối với công trình này;

-Năm 2006, cảnh sát Đức phát hiện Siemens chuyển hơn 241.000 Euro vào tài khoản ở Singapore của một quan chức Việt Nam. Đến nay cảnh sát Việt Nam chưa động đậy;

- Năm 2008, một Việt kiều bị truy tố “hối lộ 150 nghìn đô la để bán được thiết bị cho một dự án ở Vũng Tàu”. Đến nay phía Việt Nam chưa có ý kiến gì;

- v.v…

(b) Ở các nước dân chủ có hệ thống báo chí được gọi là “quyền lực thứ tư”. Báo chí “lề phải” của chúng ta luôn luôn phải chờ được phép mới dám đưa tin. Trước đây các phóng viên viết bài chống tham nhũng cứ chờ cơ quan điều tra của Bộ Công an cung cấp tài liệu. Từ khi hai phóng viên của báo Tuổi trẻ và báo Thanh niên dùng tài liệu của công an để viết bài mà vẫn bị xử tù thì những cây bút chống tham nhũng của báo chí Việt Nam càng co lại giữ mình.

(c) Các quốc gia dân chủ đều có các đảng đối lập luôn luôn săm soi mọi hành vi sai trái của đảng cầm quyền. Do đó các đảng cầm quyền phải có nhiều biện pháp quản lý đảng viên giúp họ tránh các cạm bẫy. Còn ở nước ta, Đảng một mình một chợ, đảng viên chẳng cần giữ ý, không sợ bất cứ ai!

Tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 7 năm 2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có nhận định rất đúng rằng: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”. Từ đó đến nay, ba năm đã trôi qua, tham nhũng không hề nao núng bởi nhận xét của ông. Vậy thì liệu rằng sẽ có lúc chính chế độ phải nao núng bởi tham nhũng?

IV. Nêu bốn câu hỏi, trước khi trình giải pháp

1. Ông Lý Quang Diệu cho rằng năm 1975, Sài Gòn có tiềm lực kinh tế ngang với Băng Cốc, nhưng 20 năm sau Sài Gòn tụt hậu so với Băng Cốc 20 năm. Vì sao? Có phải chỉ vì Băng Cốc có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công thương nghiệp tư bản, trong khi đó Sài Gòn ra sức cải tạo công thương nghiệp tư bản? Nhìn rộng ra, tại sao tất cả các nước theo chủ nghĩa xã hội đều nghèo đói so với các nước phát triển tư bản? Nhiều nhà lý luận Mác-Lê sang các nước tư bản phát triển thừa nhận rằng ở các nước này ”có nhiều xã hội chủ nghĩa” hơn Liên Xô, Đông Âu! Cứ xem hai quốc gia bị chia cắt là Đức và Triều Tiên, bên theo chủ nghĩa xã hội thì nghèo đói, bên phát triển tư bản chủ nghĩa thì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh. Nước ta từ khi Đổi mới, tức là từ bỏ những nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa tự do kinh tế thì sức sản xuất được giải phóng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Như vậy làm sao có thể nói đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa là ưu việt? Lenin từng cho rằng trong cuộc cạnh tranh “ai thắng ai”, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào có năng suất lao động cao hơn. Nếu chủ nghĩa xã hội có năng suất cao hơn thì đâu đã bị “hạ gục” (chữ của Tổng thống Mỹ Obama)? Có phải chế độ công hữu triệt tiêu động lực cá nhân trong lao động sáng tạo làm cho năng suất lao động xã hội sa sút?

2. Ngày nay, toàn thế giới đều biết trước đây ở Liên Xô, chính quyền Xô-viết đã thủ tiêu hằng vạn cán bộ cao cấp, hằng triệu dân lành, cấm phát hành nhiều tác phẩm tiến bộ và đày ải các tác giả của nó, kể cả những người đoạt giải Nobel. Ở Trung Quốc, Đại Cách mạng Văn hóa vô sản đã giết hằng triệu người, trong đó có cả Chủ tịch Nước, nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng và các nhà văn hóa lớn. Ở Campuchia, Đảng Cộng sản (từng là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời chống Mỹ) đã gây ra họa diệt chủng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tất cả các đảng cộng sản ở Đông Âu, Cuba, Bắc Triều Tiên đều có những trang sử đen về nhân quyền. Có lẽ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam mềm hơn tất cả? Nhưng dù vậy, chúng ta cũng đâu có thiếu những ngày tháng nhắc tới không khỏi đau lòng: Cải cách Ruộng đất, chống Nhân văn – Giai phẩm, Cải tạo Công Thương nghiệp ở miền Bắc, Chỉnh đốn Tổ chức, Thanh trừ bọn xét lại chống Đảng, Cải tạo Tư sản miền Nam và những cán binh của chính quyền Sài Gòn, gây ra cảnh hàng triệu người vượt biển, một thảm họa “thuyền nhân”!

Có phải vì ý thức hệ cộng sản, độc quyền tư tưởng, triệt tiêu tư duy độc lập tự do sáng tác, phát minh, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực tiến bộ, coi lập trường giai cấp, một khái niệm rất mơ hồ là nền tảng đạo đức, từ đó đẻ ra tình trạng tay phải chặt tay trái, đồng chí giết nhau, lương giáo nghi kỵ, con tố cha, vợ tố chồng?

3. Qua hơn 20 năm đổi mới, một lớp doanh nhân (Đảng muốn gọi tránh, chứ đúng ra phải gọi đúng tên là giai cấp tư sản) đã hình thành, trong đó có khá đông đảng viên cộng sản và con em họ.

Dù cho rằng phải đổi mới nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng đổi mới thế nào cũng không thể vượt khỏi các nguyên lý của nó. Trước Đổi mới, chỉ cần diễn đạt khác các với các nguyên lý giáo điều chút xíu đã bị lên án là xét lại, chống Đảng, đã phải đi tù. Đó là tội của các đồng chí Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang… Đổi mới đến mức không còn các nguyên lý cũng tức là từ bỏ chủ nghĩa xã hội! Đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ Đại hội 6 đến nay thực sự đã từ bỏ hết các nguyên lý về kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Bởi vì Marx và Engels đã viết: “Chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ chế độ sản xuất tư sản, xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nhà xuất bản Sự Thật năm 1974, trang 70) và “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước” (Sách trên, trang 78).

Vậy nếu không phải là từ bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa xã hội mà chỉ là sách lược, cho phép giai cấp tư sản tồn tại trong “giai đoạn quá độ” thì có nghĩa là rồi đây Đảng sẽ có chính sách “từng bước một đoạt lấy” như đã từng làm trong quá khứ? Nhưng lần này liệu những đảng viên cộng sản (số rất đông) và con em họ, những “tư sản đỏ” có chấp nhận chính sách đó hay chống lại? Và toàn dân Việt Nam liệu có đồng ý thực hiện cái chính sách từng kéo lùi Sài Gòn tụt hậu 20 năm so với Băng Cốc? Nếu tính chung cả nước ta thì sự tụt hậu và nỗi đau đớn do chủ nghĩa xã hội theo mô hình Stalin gây ra còn ghê gớm hơn nhiều!

4. Vậy thì vì lý do gì Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết kiên trì chủ nghĩa xã hội?

Rốt lại, chỉ vì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản! Nhưng giữ nó thì phải gánh chịu “3 điểm yếu” từng ngày bào mòn “3 thế mạnh” của Đảng, còn bỏ nó liệu có phiêu lưu như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết từng cảnh báo: “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”?

Không! Tôi cho rằng trái lại, bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa sẽ đem lại rất nhiều điều thần kỳ cho Đảng và cho Đất nước.

Tháng 7 năm 2009, ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, có 4 bài viết và trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, nêu những tiêu đề: “Giờ là lúc phải đổi mới toàn diện”; “Tôi mong lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn Lý Quang Diệu” (Ông Lý Quang Diệu từng có ý kiến cho rằng việc hoạch định chính sách phát triển đất nước đừng để ảnh hưởng của ý thức hệ); “Dân là gốc, pháp luật là tối thượng”; “Dân là gốc thuộc phạm trù vĩnh viễn, Đảng và Nhà nước thuộc phạm trù lịch sử”; “Không ai độc quyền chân lý”, “Qua tranh luận, thử thách trong cuộc sống… có khi phải thay đổi nhận thức tới 180 độ”. Những ý kiến trên đây của ông Nguyễn Văn An gợi ra nhiều điều quan trọng cho nội dung Đổi mới toàn diện.

Trong bài phát biểu nhân Kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Chúng ta đã đổi mới ngoạn mục về kinh tế, nay “Đổi mới toàn diện” như Tổng Bí thư tuyên bố chính là yêu cầu cấp thiết của toàn dân tộc. Tiếc rằng, Tổng Bí thư chưa nói rõ thế nào là Đổi mới toàn diện.

Chúng tôi nghĩ rằng Đổi mới toàn diện cần theo những nguyên tắc sau đây:

“Đổi mới phải phù hợp với trào lưu thời đại của nhân loại ở thế kỷ 21; phải có tác dụng tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải Đổi mới tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và chính trị”.

V. Bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa: Một mũi tên trúng nhiều đích

1. Từ đây, Đảng và dân tộc ta thực sự trở lại với tư tưởng Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh (như giáo sư người Nhật Yoshiharu Tsuboi nhận định) đã được thực thi sau Cách mạng tháng Tám: Một chính phủ liên hiệp thể hiện quyền làm chủ rộng rãi của toàn dân Việt Nam đoàn kết; một bản Hiến pháp 1946 tiến bộ, quy định rõ tổ chức quyền lực Nhà nước và các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong xã hội dân sự.

Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng Hồ Chí Minh là một người không giáo điều, ý tưởng nào có thể áp dụng để đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc thì người chấp nhận. Người chịu theo Quốc tế 3 chỉ vì bản Cương lĩnh của Lenin ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1930, “Chánh cương đoàn kết dân tộc” do người soạn thảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm Stalin nổi giận: đó là chủ nghĩa dân tộc, không phải cộng sản! Năm 1945, người tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương để có thể tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, tránh cho dân tộc không phải gánh chịu cuộc chiến tranh tái xâm lược của thực dân Pháp. Chính các thế lực đế quốc của Pháp và Mỹ đã buộc cụ Hồ phải dựa hẳn vào phe cộng sản.

Tư tưởng chủ yếu của Hồ Chí Minh là:

“Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam!”

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.”

“Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”

“Nếu nước đã được độc lập mà nhân dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.”

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Chính vì thế mà một nhà sử học Anh cho rằng, từ những ứng xử của người trong lịch sử có thể tin chắc, nếu còn sống Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là người khởi xướng đổi mới một cách sớm sủa và mạnh mẽ.

Trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là “Đảng Việt Nam” sẽ được toàn dân tộc vui mừng, tin tưởng. Một chính quyền thực sự là của Dân, do Dân, vì Dân, rũ bỏ được các khuyết tật đã kể ở trên. Một xã hội dân sự, người dân có đầy đủ tự do, dân chủ, nhân quyền như các nước tiên tiến. Nước ta thực sự hội nhập với thế giới trong mọi giá trị văn minh của nhân loại. Từ nay không còn mang nỗi lo quái gở là sợ bị “diễn biến hòa bình”! (Gọi là quái gở bởi vì toàn nhân loại tiến bộ không có ai lo như thế. Trái lại ở nước Singapore, người ta còn cho rằng “Thế giới đã thay đổi, nếu chúng ta không thay đổi là chết!”). Từ nay không còn nơm nớp lo “Các thế lực thù địch phương Tây can thiệp vào nội bộ”. Và quan trọng hơn là từ nay ở vị thế mới trong cộng đồng các quốc gia tiến bộ văn minh của nhân loại, chúng ta mặc nhiên có những đồng minh chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Có đồng minh chiến lược không phải để gây chiến với bọn bành trướng mà là để có đủ sức mạnh nói chuyện hòa bình, buộc chúng thực thi công lý, đòi lại biển đảo bị chúng chiếm đoạt bất hợp pháp.

Với Nhà nước pháp quyền, với lực lượng truyền thông “đệ tứ quyền”, có sự phản biện của xã hội dân sự, “giặc nội xâm” cũng sẽ bị đẩy lùi.

2. Đổi mới Đảng, từ bỏ ý thức hệ cộng sản sẽ là phép màu san bằng rào cản, hòa giải hòa hợp với 3 triệu đồng bào ở nước ngoài, những người yêu nước, có tri thức, có tấm lòng, nhưng không tán thành chủ nghĩa cộng sản và bị ám ảnh rất nặng nề bởi nỗi oán hận từ quá khứ. Từ đây sẽ không còn những cuộc biểu tình chống đối chính quyền trong nước, ngăn cản bà con muốn về xây dựng quê hương. Từ đây các em sinh viên ưu tú du học ở các nước tiên tiến, tiếp thụ các lý tưởng dân chủ không còn nỗi bức xúc, quay ra hoạt động chính trị đối lập với Nhà nước rồi lâm vào cảnh tù tội oan uổng.

Sức mạnh toàn dân tộc sẽ tăng lên gấp bội giúp cho sự nghiệp canh tân đất nước có hiệu quả hơn bao giờ hết. Lịch sử sẽ ghi nhận hành động dũng cảm triệt để đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là mở ra con đường đại phúc cho dân tộc!

3. Đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên, liệu sự chọn lựa này có làm mất quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau khi đã là Đảng của dân tộc) hay không? Đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên thì không nên tính toán hơn thiệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng không có một đảng nào có thế mạnh từ lịch sử như Đảng Cộng sản Việt Nam (tiền thân của một Đảng dân tộc được kế thừa Đảng Cộng sản Việt Nam). Là một Đảng lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, rồi chủ xướng đổi mới, cuối cùng dám từ bỏ ý thức hệ lỗi thời để tự biến mình hoàn toàn thành Đảng của Dân tộc. Vậy thì trong tâm tưởng người Việt Nam yêu nước còn có thế lực nào đáng gửi gắm niềm tin là có đủ tài, đủ đức lãnh đạo đất nước hơn một Đảng như thế?

4. Khi đã có Cương lĩnh đề ra mục tiêu và nội dung đổi mới, Đảng sẽ định một lộ trình thật khoa học để từng bước thực hiện sự nghiệp trọng đại này một cách chắc chắn.

(a) Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: Nên trở về với Hiến pháp 1946, đó là Hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất từ trước tới nay ở Việt Nam; nên trở về với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của người lao động cũng là của nhân dân Việt Nam. Như vậy không phải tạo ra đảng mới nào cả mà vẫn là mới so với hiện nay. Nên khôi phục lại hai Đảng Xã hội và Dân chủ đã từng có, để tập hợp những người trí thức yêu nước và giữ vai trò phản biện dân chủ (Thư gửi Thiện Ý).

(b) Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng nên từ thực tế hôm nay mà tìm lối ra thích hợp hơn là quay lại cái cũ. Ví dụ, bắt đầu luật hóa Điều 4 để sự lãnh đạo của Đảng không là đảng trị. Xây dựng luật bầu cử đảm bảo quyền tự do ứng cử bầu cử của nhân dân, để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hệ thống chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân. Xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập để Chính phủ điều hành việc nước bằng pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân theo pháp luật. Cuối cùng khi đến lúc đủ điều kiện sẽ soạn lại Hiến pháp theo đúng tinh thần Dân chủ Cộng hòa, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân và phù hợp với lương tri của đa số các dân tộc trong thời đại ngày nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam có thể theo cách của Đảng Xã hội Pháp hồi 1920: Những người muốn đảng trở thành Đảng của dân tộc và những người muốn giữ nguyên Đảng Cộng sản tách nhau ra thành hai đảng. Sau đó, tổ chức trưng cầu ý dân bằng một cuộc bỏ phiếu kín chọn đảng lãnh đạo từ hai đảng này. Đảng không được nhân dân chọn làm lãnh đạo sẽ trở thành đảng đối lập.

Tôi muốn nhắc lại bài học của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia trước đây để càng thêm tin tưởng việc triệt để Đổi mới Đảng:

Khi chấp nhận hình thức Chính phủ Liên hiệp, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đã mở Đại hội đề ra Cương lĩnh mới, tuyên bố từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, đổi tên đảng thành Đảng Nhân dân Campuchia (bỏ từ Cách mạng với ngụ ý trở thành Đảng của dân tộc). Đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam dự Đại hội này là ông Lê Đức Anh, nguyên cố vấn cho đảng bạn, đã tức giận cho rằng “Chưa thua mà đã cuốn cờ!” (ý nói cờ cộng sản). Lúc ấy thế và lực của Đảng Nhân dân Campuchia rất yếu so với Đảng Bảo hoàng của Ranariddh được uy tín của Sihanouk và Nhà nước Vương quốc yểm trợ. Vậy mà từ vị thế phải chia đôi quyền lực Nhà nước (2 ông Thủ tướng, 2 ông Bộ trưởng, cho tới các cấp dưới…) Đảng Nhân dân Campuchia đã vượt lên sau mỗi nhiệm kỳ và ngày nay hoàn toàn ở thế thượng phong so với các đảng đối lập.

Đảng Cộng sản Việt Nam có những ưu thế tuyệt đối mà Đảng Nhân dân Campuchia ngày ấy không thể sánh. Do đó giải pháp triệt để đổi mới Đảng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, trở thành Đảng của dân tộc, không hề là phiêu lưu mà là một hành động sáng suốt, bắt đúng nhịp của thời đại, đáp ứng đúng nguyện vọng của dân tộc, nhất định Đảng sẽ cùng Dân tộc đồng hành tới tương lai vô cùng xán lạn!

© 2009 Thiện Ý

© 2009 talawas blog


(theo http://www.viet-studies.info/

Bài này đang được chuyền tay nhau giữa nhiều người trong nước. Vì bài có ghi là "Góp ý với Đại Hội XI ĐCSVN”, không có tính tư riêng, viet-studies xin mạn phép tác giả (không biết là ai) đăng lại đây để mọi người được đọc. (Ghi chú ngày 17-9-09)

Cập nhật: Ngày 19-9-09, trang mạng talawas blog có đăng bài này. Theo lời giới thiệu của Hoàng Hưng thì tác giả Thiện Ý chính là nhà báo Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập của một số tờ báo (như Lao động Mới, Công nhân Giải phóng, Lao động) và bản đăng trên talawas mới là bản chính thức, do tác giả chịu trách nhiệm. Do đó, viet-studies xin thay thế bản đã đăng ngày 17-9-09 bằng bản mới này. )

Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió's Blog
Jun 17, '09 1:51 AM

Lẽ đời có hợp ắt có tan. Trong cõi càn khôn có sinh ắt có diệt. Số phận con người hay muôn vạn sinh linh đều không tránh khỏi lẽ sinh tồn ấy. Nếu như có âm đức để lại thì cơ nghiệp kéo dài như nhà Chu , còn dẫu thống lĩnh thiên hạ, giết thư sinh, đốt sách như nhà Tần bất quá cũng chỉ vài chục năm.

Xưa tiên đế nước Vệ lúc hàn vi có lần đi ngoài bể Đông, thấy có một vật hình tròn màu trắng to bằng quả dưa, lấy làm lạ mới hỏi người đi cùng đó là vật gì. Kẻ đó nói rằng.

- Đó là vật do sóng biển tạo bọt mà thành, thường gọi là quả bọt, tụ được một ít lâu lại tan theo sóng. Cũng như lẽ đời có hợp thì có tan vậy.


Tiên đế Vệ trầm ngâm lắm, sau này dựng cơ nghiệp lòng cứ canh cánh nỗi niềm mong sao cho triều đại của mình trường tồn đến muôn đời. Nhất là từ khi Tiên đế lên ngôi báu ,nước Vệ chinh chiến liên miên, phân chia Nam Bắc điêu linh vô cùng. 34 năm Tiên đế ở ngôi cao là 34 năm nước Vệ đầy biến động đau thương. Sau trận chiến năm Mậu Thân ở thành Quảng , sinh linh bị tàn sát nhiều vô kể, Tiên Đế nghĩ ngợi mà lâm bệnh, biết số mình như Khổng Minh bên Tây Hán dù có lập đàn cầu thọ cũng không nổi với mệnh trời. Tiên đế gọi quần thần đến căn dặn phải thật đoàn kết, gắn bó mới giữ nổi triều đại. Còn chỉ kẻ kế vị xong xuôi. Lùi về dinh gọi con là Cường đến bảo.


- Ta thấy con tướng mạo khá hơn các anh em, nước Vệ lúc này đang là lúc chiến tranh. Nay ta gửi ngươi sang nước Lỗ học.Nước Vệ ta chỉ có dựa vào Lỗ và Tề mới trường tồn được. Lúc này Lỗ đang thịnh, nhưng vận số xoay vần ắt có ngày Tề hùng cường. Ngươi thân bên Lỗ nhưng dạ hãy để bên Tề. Ấy mới là chỗ dựa muôn đời.


Cường nắm tay tiên đế khóc mãi một hồi, sau lau mắt mà hỏi


- Vua cha có mệnh hệ gì, liệu giao ước với bọn họ còn giá trị không. Lúc đấy nước Vệ biết dựa vào đâu để giữ hương hoả thái miếu. Con nghĩ ngày thái miếu tan hoang mà lòng đău thắt, nghĩ mình bất tài không giữ nổi vương triều muôn phần đắc tội.


Tiên đế gọi Cường sát lại bên mình, lấy dưới đệm ra một cuộn da lừa nói.


- Nay với Lỗ không có gì đáng ngại, còn với Tề sau này, nếu con cần gì cứ giở cái này ra xem.Lúc ấy khắc biết cách.


Năm sau tiên đế thác, thọ 79 tuổi. Nước Vệ xây lăng uy nghi để quàn tiên đế, lấy thứ đá tốt xứ Thanh, lại chọn những cây cối khắp miền trồng chung quanh, bên ngoài đúc chữ vàng. Tuyển một đội quân canh giữ nghiêm trang.


Trải qua hơn 30 năm sau khi tiên đế mất, nước Vệ kết thúc nhiều cuộc chiến tranh liên miên. Nước Lỗ vì thay đổi vương triều nên không còn mật thiết với Vệ. Vệ vốn không quen tự chủ lâm vào thế rối loạn, trong triều các phe cánh cát cứ nhăm nhe đòi ngai vàng, có phe chủ trương thay đổi triều đại để phù hợp với Lỗ, phe thì nhất quyết không. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, vua quan nước Vệ bấy giờ kéo nhau sang Thành Đô nước Tề xin trợ giúp. Hai bên bàn mãi không đi đến đâu, đột ngột Tề Bá Vương hỏi.


- Con trai của Vệ tiền nhân giờ làm gì trong triều ?



Chả ai biết buổi ấy thế nào, nhưng Vệ và Tề giao hảo, lệ cũ thực hiên lại như xưa, còn Cường tiến thân vùn vụt. Mấy chốc nghiễm nhiên nắm giữ vương triều nước Vệ.


Vệ Cường Vương nắm ngôi, nước Vệ biến động. Quần thần bàn bạc mãi không xong, tinh thần quan lại, dân chúng dao động. Cường Vương sang Tề xin giúp đỡ, Tề Bá Vương nghe Vệ Vương trình bầy, mặt lanh tanh ngáp dài chả nói câu gì. Cường Vương hiểu ý rút cuộn da lừa vẫn hay mang bên mình trải ra trình trước mặt Tề Vương. Ngón tay trỏ cứ rê đi chầm chậm trên tấm da, đến một đoạn thấy mắt Tề Bá Vương bỗng long lanh. Vệ Vương dùng bút khoanh lại. Bấy giờ Tề Bá Vương mới mời Vệ Vương sang điện Thái Hoà hội đàm.



Vệ Cường Vương về nước, mặt mũi hớn hở, đăng đàn diễn thuyết ầm ĩ. Miệng nói uốn tròn vo. Tay chặt chém vào không khí mạnh mẽ. Lệnh truyền bắt vài kẻ làm gương. Thiên hạ khiếp sợ mà mọi việc mới tạm yên. Đất nước thanh bình.


Những kẻ làm quan trong triều trước có ý khác, giờ răm rắp thuần phục. Uy danh ngai vàng nước Vệ trọn về một mối.


Chuyện về cuộn da lừa là điều bí mật, không hiểu sao có vài kẻ sĩ nước Vệ biết được. Tin này thấp thoáng đồn đại ngoài chợ. Vệ Vương lo lắm mới cho người sang Tề cấp báo. Tề Bá Vương bèn sai đại thần cấp cao sang Vệ chấn chỉnh nội tình, dò xét những kẻ phao tin đồn ấy bắt vào ngục. Thiên hạ khiếp sợ mà mọi việc tạm yên. Đất nước lại...thanh bình.



Mỗ là kẻ lái buôn, thương hay lấy cá ngoài miền biển mang vào các chợ vùng trong bán. Năm nay thuyền chiến nước Tề tuần tiễu ngoài khơi, không cho ngư dân Vệ đánh cá nữa. Mỗ thất nghiệp trải chiếu ngồi ngoài chợ lấy sách cha ông để lại, xem bói kiếm miếng cơm qua ngày. Có kẻ hiếu sự đặt quẻ hỏi chuyện cuộn da lừa có thật hay không. Mỗ đáp.


- Chuyện này bảo là thật cũng không phải, vì chưa ai nhìn rõ tấm da đó đầy đủ của nó thế nào. Bảo là không thật cũng khó, vì không thật thì cần gì phải bắt người.


Kẻ kia bực quá, đập tan mai rùa và ống thẻ của mỗ trách rằng.


- Bậy bạ, thầy cũng chỉ là kẻ ăn tiền nói kiểu nước đôi. Cái thứ đồ để thầy dùng bịp bợp thiên hạ kiếm cơm này, đập đi cho kẻ khác khỏi bị thầy lừa.


Mỗ cúi đầu nghe lời trách mắng . Nghĩ đời có lúc hợp, lúc tan. Vận con người có lúc lên lúc xuống. Trong lòng không dám nghĩ lời phân giải, lặng lẽ xếp cất đồ rồi lủi thủi mà đi. Xảy có kẻ thư sinh bám tay níu lại hỏi.


- Thầy cho hỏi, khoá thi công chức năm nay liệu có những chữ gì phạm huý.?


Mỗ nhìn quanh, thấy chả có ai, trông lại thấy kẻ kia hỏi cũng thật lòng bèn ghé tai hắn thì thầm.


- Những chữ có trong cuộn da lừa.


Thư sinh nài nỉ mỗ nói rõ,mỗ chỉ lạnh tanh ngáp dài. Thư sinh móc túi lấy ra đống bạc, ngón trỏ cứ mân mê từng nén. Mỗ thấy bạc mắt long lanh.......

Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió's Blog
Jun 13, '09 12:27 AM

Nước Vệ đào tài nguyên bán rẻ cho nước Tề. Chuyện kinh thiên động địa ấy các bậc sĩ phu trong thiên hạ đều biết và phản đối. Tầng lớp nhân dân do sách vở bị chính sách cấm đoán hà khắc của triều đình, ít người biết đến. Thành ra chỉ có một nhóm sĩ phu biết mà cùng nhau phản đối mà thôi. Nhóm sĩ phu khác thì tranh thủ lấy lòng triều đình mạt sát nhóm kia. Chuyện này bung xung vô cùng. Nơi nào có phòng sách, nơi ấy người ta xôn xao chuyện bán tài nguyên. Triều đình nhà Vệ mới họp bàn. Vương nước Vệ là Cường gọi tể tướng Vệ là Bạo đến nói.


- Này anh Bạo, buổi thiết triều tới đây. Thế nào cũng có kẻ nhắc việc tài nguyên. Anh có cao kiến gì không?

Bạo vốn tính huênh hoang, nói nhiều mà chả làm được mấy. Nhiều lần điều hành chính sự nước Vệ chả ra đâu vào đâu, cải cách nửa vời làm giá cả ngoài chợ tăng vùn vụt. Khiến cho dân mất lòng tin, mà bọn gian thần trong triều cũng có cớ dèm pha. Vị thế lung lay lắm, qua mấy năm cầm chính sự Bạo già sọm hẳn đi. Mất hẳn tính cương cường như buổi đầu. Bạo tâu.

- Thưa đại vương anh minh, thần đã sắp xếp đâu vào đó.

Cường Vương không tin lắm, mới hỏi cặn kẽ. Bạo trả lời lưu loát trôi chảy. Cường Vương thở phào nhẹ nhõm nói.

- Thế thì ta yên tâm.

Buổi thiết triều nước Vệ. Có kẻ bước ra tâu.

- Thưa đại vương cùng bá quan văn võ, việc bán khoáng sản Tây Nguyên cho nước Tề khiến cho sĩ phu, cựu thần khắp nước cực lực phản đối. Việc này ngày càng lan rộng khắp nơi. Xin triều đình nghị luận.


Bạo đưa mắt nhìn Tôn Dưa, đại thần phụ trách văn hóa tư tưởng. Tôn Dưa lĩnh ý bước ra nạt to rằng.

- Tấu láo, không được gọi là cực lực phản đối. Phải nói là một số dư luận quan tâm.

Kẻ khác nói.

- Có đông đảo mọi tầng lớp nước Vệ phản đối việc bán tài nguyên này, không thể coi là việc nhỏ.

Quan phó bộ Hình bước ra chặn lời.

- Nói sai rồi, không thể gọi chung như thế. Nên nói là có một số tri thức góp ý triều đình vài vấn đề nhỏ liên quan đến việc khai thác tài nguyên, một số còn lại đa phần là thế lực thù địch lợi dụng phá hoại đường lối, chính sách xuyên tạc chủ trương triều đình. Phải tách rõ mới đấu tranh có hiệu quả.

Kẻ khác bước ra nói.

- Thưa đây là việc lớn, nên cân nhắc bàn ở đại hội đại biểu nhân dân.

Bạo ngồi im từ bấy giờ, mới nhỏm dậy khoát tay.

- Việc này không lớn, không lớn. Về ảnh hưởng với đất nước thì việc khai thác tài nguyên này trên núi không lớn lắm, không đáng bàn ở đại hội đại biểu nhân dân.

Kẻ khác thắc mắc.

- Sao nói là chủ trương lớn của triều đình, giờ lại bảo không lớn.?

Đưa mắt nhìn kẻ vừa nói, Bạo gằn giọng.

- Làm quan trong triều bao lâu rồi mà hỏi gàn vậy, chủ trương lớn của triều đình là để các quan trong triều biết ý mà thống nhất. Chủ trương lớn của đất nước mới cần nhân dân thống nhất.

Có kẻ lại hỏi.

- Thế cái gì là chủ trương lớn của đất nước mà cần đến nhân dân thống nhất, tham gia.?

Phó tể tướng Vệ là Trọng nói.

- Có nhiều cái, như đóng thuế để xây dựng quốc gia, học tập tấm gương đạo đức tiên đế, những việc đó đúng là việc lớn cần đến sự tham gia của nhân dân cả nước. Còn việc bán tài nguyên này là chỉ là lớn với triều đình thôi. Với nhân dân là việc nhỏ không đáng phải phiền họ tham gia.

Có kẻ người miền Nam bước ra, thái độ bứt rứt tâu.

- Thưa triều đình, khai thác quặng tài nguyên trên cao nguyên, chất thải hàng tỷ tấn. Dù chúng ta có đảm bảo rằng không có gì xảy ra. Nhân dân miền Nam thì tin hay buộc phải tin vì họ chả còn biết tránh đi đâu. Nhưng các thương gia ngoại quốc từ muôn phương nhìn thấy điều ấy, có lẽ họ không muốn đầu tư gì vào miền Nam nữa. Họ không dễ tin những điều chúng ta đảm bảo. Họ tất nhiên là không mạo hiểm đồng vốn và con người nước họ trước cả tỷ tấn chất thải treo lơ lửng, được một nước công nghệ yếu kém về môi trường như nước Vệ ta đảm bảo không vấn đề gì. Đến những vấn đề môi trường như khí thải trong thành phố, chất thải, rác thải còn ngập cả đô thị trung tâm không giải quyết được, nói gì đến giải quyết chất thải quặng trên rừng. E rằng nếu cho khai thác quặng trên núi, thương gia ngoại quốc sẽ rút hết.

Vệ Cường vương ngôi trên ngai yên lặng từ này đến giờ, bỗng cười ha hả nói.

- Khá khen cho ngươi lo xa, không có nước nào đầu tư thì để đó cho nước Tề họ đầu tư. Lo gì chuyện đó. Người Tề họ luôn có ý muốn đầu tư vào nước ta, chỉ cần bản vương gật đầu chỗ nào là họ đầu tư lâu dài chỗ đó. Cần chi đế bọn ngoại quốc vừa muốn làm ăn sinh lợi, vừa muốn xỉa xói chuyện nước Vệ . Khai thác tài nguyên còn có cả những cái lợi mà bọn người tầm thường không thể thấy hết.

Cả triều thần nước Vệ kinh ngạc trước tầm nhìn xuất chúng của Vệ Cường Vương, đồng loạt đứng dậy cùng nhau hô vang.

- Đại vương anh minh, Đại Vệ đời đời hưng thịnh.

Sau đó triều đình đưa nhận định khai thác tài nguyên ra bá cáo với thiên hạ. Lời văn nhẹ nhàng khiến cho việc khai thác tài nguyên trở nên đơn giản, không có gì phức tạp. Trong đó có đoạn

“ để nhằm phát triển kinh tế nhân dân miền núi, cho khai thác quặng bán cho nước Tề cải thiện đời sống nhân dân. Chính sách này có nhận được sự quan tâm của một số sĩ phu, ý kiến đóng góp của họ triều đình sẽ lưu tâm. Ngoài ra một số phần tử quá khích như mọi khi lại ra rả xuyên tạc đường lối triều đình, luận điệu của chúng sẽ bị bác bỏ bởi triều đình phổ biến bằng hình ảnh hàng ngày, hàng giờ về Tây Nguyên xanh tươi, phồn vinh.Mời bà con đón xem vào các tối hàng ngày….’’

Tháng sau đại hội đại biểu nhân dân nước Vệ họp tại bộ Binh, do nhà đại lễ đường đang xây nên các cuộc họp đại hội đại biểu đều họp trong phủ quốc phòng. Lính gác lăm lăm gươm dáo sáng quắc quây mấy vòng quanh nơi họp. Có chín phần quan lại nước Vệ lại làm đại biểu nhân dân. Bởi thế chuyện khai thác tài nguyên tuy ngoài dân bàn luận gay gắt nhưng bên trong vẫn êm đềm, có mấy vị đại biểu chỉ nói sơ sơ qua việc đó rồi chuyển sang việc khác vì không đủ thời gian thảo luận.

Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió's Blog
Jun 13, '09 12:26 AM

Vệ Vương là Manh lên ngôi được 8 năm, đất nước thanh bình. Bốn phương phẳng lặng. Khắp nơi vang lên câu hát ca ngợi ơn đức triều đình. Biểu từ các trấn báo về kinh toàn điều phồn vinh, an lạc. Mạnh Vương đến ngày giỗ tiên đế dẫn quần thần vào thái miếu làm lễ , ra cửa thấy trời đất an hòa, cỏ cây xanh tốt bèn hứng khởi làm thơ.

Từ khi ta có chủ trương
Hướng về Tần Quốc, Vệ hưng thế này
Muôn nơi no ấm đủ đầy
Yên bình, phát triển ngày ngày một cao

Quần thần đi theo, ai cũng vỗ tay tán thưởng. Mạnh Vương chợt nhớ điều gì, gọi đại thần bộ Lễ là Khiêm đến dặn.

- Đối với nước Tần phải tuyệt đối trung thành

- Đối với quan Tần phải tuyệt đối lễ phép

- Đối với dân Tần tuyệt đối ưu ái

- Đối xử chủ quyền tuyệt đối nhún nhường

- Đối với vua Tần tuyệt đối nghe lời.



- Có 5 điều ấy, ngươi chớ quên.



Khiêm vâng dạ ghi nhớ trong lòng lời dạy của Vệ Vương. Mấy ngày sau có hội nghị các đại thần bộ Lễ các nước về tụ tại kinh thành nước Vệ. Khiêm thấy đại thần bộ lễ nước Tần đi dạo ngoài hiên lúc ngoài giờ công, mặt đại thần Tần lạnh tanh như có vẻ bực tức.Khiêm rón rén đến gần nói.

- Dạ thưa đại nhân, ban nãy trong phòng tiểu nhân không tiện hỏi. Ngài có điều gì không vừa lòng ạ.

Đại Thần bộ Lễ nước Tần là Khiết Trì, cau mày hỏi.

- Việc Tây Nguyên các ông lo đến đâu rồi, đã có tiến triển quan trọng gì để chứng minh tinh thần hợp tác toàn diện theo chủ trương 5 điều Vệ Vương dạy chưa ?

Khiêm cung kính tâu rằng.

- Thưa đại nhân, từ khi thiết lập trạm thông tin nóng thông suốt từ thiên triều về đây, nước Vệ không bao giờ dám lơ là ạ. Nay đã cho khai thác rồi ạ.

Khiết Trì phất tay áo đến ''xoạch'' một cái. Tiếng kêu như có kim khí bên trong. Khiêm cúi thấp người vẻ tránh đòn. Trì hỏi.

- Còn chuyện biên giới và hải đảo, bàn đến đâu rồi.?

Khiêm lễ phép thưa.


- Dạ biên giới cơ bản đã hoàn tất, chỗ nào Thiên triều nói là của thiên triều nước Vệ không dám trái mệnh ạ.

Khiết Trì cau mày.

- Thế còn biển đã bàn đến đâu rồi, thống nhất chưa. Sao dùng dằng mãi thế.?

Khiêm gãi đầu thưa.

- Cái này trong nước Vệ còn nhiều ý kiến, xin thiên triều mạnh tay thêm tí nữa để hạ thần dễ nói. Dân Vệ chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chưa thấy máu gà mấy con khỉ nước Vệ còn chưa sợ.

Khiết Trì quay sang tùy tùng, gọi một kẻ đến bảo.

- Việc bên hải quân làm đến đâu rồi.

Kẻ kia thưa.

- Ngày X..bắn chết 9 ngư dân Vệ, ngày ...đánh đắm 3 tàu đánh cá Vệ, ngày ..gần đây đánh đắm một tàu có 26 thằng Vệ, nhưng bọn chúng tình cờ được cứu hết.Nên hiệu quả răn đe chưa cao.


Khiết Trì mắng.

- Thế nào mà để nó cứu được nhau, xưa ở Tam Sa quân ta thảnh thơi vừa hút thuốc vừa ngắm bắn. Giết 78 quân Vệ một cách nhàn nhã. Thanh thế lớn vô cùng, nay phái cho hải quân tàu lớn như Ngư Chính, sao để 26 thằng nó thoát.? Người cần gấn rút làm triệt để hơn.

Khiêm nghe từ nãy mới nói vào.

- Đấy tại ông phối hợp không chặt chẽ, tôi không có cớ để làm dân Vệ sợ, thành ra mới nhùng nhằng đến giờ.


Khiết Trì căn dặn cả hai phải phối hợp đồng bộ, tích cực hơn nữa.Bên phải ra sức tấn công ngoài biển, bên phải nhân thế mà phủ dụ bên trong giữ lấy quan hệ , tránh đối đầu.....giải quyết nhanh chóng chuyện biển đảo trong thời gian sớm nhất.


Khiết Trì lại hỏi Khiêm.

- Về văn hóa Tần, các ngươi truyền bá đến đâu rồi.? Năm tới là năm hữu nghị hai nước, đã chuẩn bị gì chưa?


Khiêm hớn hở đáp

- Dạ cái này nước Vệ làm kỹ lắm, ngày nào cũng có những trương trình văn hóa Tần phổ cập khắp nơi. Thanh niên Vệ giờ coi tướng quân Hứa Thế Hữu là tướng có tài, có tâm. Khác hẳn năm xưa mắng tướng quân là xâm lược dã man. Công này do bọn Kinh Kỳ Mới. Còn các bậc tiên vương Tần như Càn Long, Ung Chính đến Phúc An Khang, Tôn Sĩ Nghị đều được dân Vệ coi là anh minh, sáng suốt, tài năng đức độ. Công này do bọn VTV. Còn nhiều nữa ạ, như bọn nhà xuất bản VH gọi Tiền Anh Hào là một tấm gương anh hùng nữa...không kể hết. Tóm lại thưa đại nhân là thành công mỹ mãn.

Trì hỏi.

- Phải khen những đứa có công ấy. Cho đứa khác học.

Khiêm tâu.
- Dạ việc này thì rất chu đáo, bên tư tưởng văn hóa Vệ đã tuyên dương và trao giải thưởng cho Kinh Kỳ Mới và VTV rồi ạ. Sắp tới định trao giải cho bộ phận tuyên truyền của Bộ Công Thương Vệ đã quảng bá chủ quyền thiên triều ngoài biển đảo.

Trì hỏi.

- Thế có bọn nào ý định phản đối không?

Khiêm.

- Số này không nhiều, đa phần là bọn phản động, thế lực thù địch, bọn có thù hằn với nhân dân, bọn muốn phá hoại cuộc sống hòa bình , bọn cơ hội chính trị, bọn mục đích cá nhân, bọn lợi dụng tư do dân chủ, bọn quá khích gây rối, bọn bè phái chia rẽ, bọn dân đen đòi đất, bọn khiếu kiện kéo dài, bọn khoác ao tôn giáo, bọn dán mác sinh viên tri thức, bọn đội lốt tinh thần dân tộc, bọn tướng lĩnh, quan chức về hưu đóng góp ý kiến, bọn bất mãn chế độ, bọn khoa học phản biện...

Trì gật gù.

- Ừ cũng không nhiều lắm. Chủ trương của chúng ta là đúng đắn nên số phản đối cũng ít thế thôi.Ở bên Công Gô ta vừa đi qua, bọn nó phản đối còn nhiều hơn thế nữa chứ. Thế xử lý ra sao.?


Khiêm

- Đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ giải quyết triệt để. Giữ vững tính ổn định và đồng thuận cao trong nhân dân.

Trì khen.
- Tốt cứ thế phát huy, làm sao cho năm tới nhân dân hai nước hoan hỉ đón ngày hữu nghị. Tin tưởng nhất quán vào chủ trương hợp tác toàn diện chiến lược trên tinh thần anh em hai nước. Còn một số việc mà ủy ban đại thần hai nước song phương bàn bạc thống nhất cần phải triển khai toàn diện sớm. Nhất là giáo dục các quan lại địa phương phải thấm nhuần tư tưởng 5 điều răn của Vệ Vương, nhận thức thuần phục nước Tần ta là con đường sáng lạn, đi đến phát triển phồn vinh, hòa bình, ấm no, thịnh trị.

Nói xong Khiết Trì phủi tay áo quay đi. Khiêm lên kiệu hối hả thúc quân hầu đi nhanh về để làm thông cáo báo chí. Vừa đi vừa trách mình, quên không nhắc Khiết Trì bảo đảm kỳ tới mình vẫn có chân trong hội đồng cơ mật tối cao nước Vệ.