Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Việt Nam luôn ám ảnh giới lãnh đạo Mỹ

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101001-viet-nam-luon-am-anh-gioi-lanh-dao-my

MỸ - VIỆT -
Bài đăng : Thứ sáu 01 Tháng Mười 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 01 Tháng Mười 2010

Việt Nam luôn ám ảnh giới lãnh đạo Mỹ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tham dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức vào tháng 7/2010 tại Hà Nội.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tham dự Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN lần thứ 17 tổ chức vào tháng 7/2010 tại Hà Nội.
Reuters
Thụy My

Ba mươi lăm năm sau chiến tranh, cuộc chiến Việt Nam tiếp tục đè nặng lên nước Mỹ, lên các quyết định của những nhà lãnh đạo nước Mỹ. Đó là nhận định của đặc phái viên Le Figaro tại Washington, trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam luôn ám ảnh các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ».

Tác giả bài báo viết tiếp, có thể nhận thấy ngay điều đó khi nghe phát biểu đầy xúc động hôm thứ tư 29/9 của Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, trong buổi họp hạn chế của ban lịch sử thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cuộc họp này được tổ chức nhân dịp cho công bố 24 000 tài liệu được giải mã, nói lên lịch sử phức tạp của thời kỳ đó.

Bà Clinton nói : « Đối với thế hệ của tôi, cuộc chiến này đã làm thay đổi cái nhìn của chúng tôi về thế giới », gây nên « những cuộc đối thoại đớn đau » làm chia rẽ các gia đình. Bà nhìn nhận : « Các bài học của thời kỳ này tiếp tục ảnh hưởng đến quyết định của chúng tôi » - ý nói tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay tại Afghanistan. Bà Hillary Clinton cũng cho rằng tiến trình hòa giải Mỹ - Việt là một kiểu mẫu cần phải noi theo. Bà nói : « Chúng ta đã biết để lại phía sau một quá khứ mà chúng ta không thể thay đổi được, để cùng nhau xây dựng tương lai ».

Le Figaro nhận xét, cho đến nay mặc dù đã có hàng ngàn cuốn sách và bộ phim ra đời, nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục không kém phần quyết liệt đối với câu hỏi, liệu có thể thắng được cuộc chiến Việt Nam hay không. Và hai phe với hai cách nhìn trái ngược vẫn tiếp tục đối đầu nhau trong cuộc họp hôm thứ tư, một cách tuy lịch sự nhưng kiên quyết.

Một bên là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người kiến tạo chính sách Mỹ đối với Việt Nam trong thời kỳ các Tổng thống Johnson và Nixon cầm quyền. Ông Kissinger tin rằng « Lẽ ra đã có thể thắng được trong chiến tranh Việt Nam » nếu nước Mỹ đã không bị chia rẽ trầm trọng. Ông Kissinger nói : « Tôi cho rằng điều chủ yếu làm cho mọi việc xấu đi ở Việt Nam, là do chính chúng ta đã tự hại mình. Thay vì những lời phê bình thông thường về các quyết định có thể bàn thảo được ở mỗi giai đoạn của tiến trình, thì lại biến thành các cuộc tranh cãi về mặt đạo đức của chính sách ngoại giao Mỹ nói chung… ». Ông Henry Kissinger không ngần ngại đả kích vai trò thường là « thù địch »« phá hoại » của các báo đài Mỹ.

Ông Richard Holbrooke, nhà ngoại giao Mỹ đã từng phục vụ tại Saigon từ năm 1963 đến năm 1966, hiện là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Afghanistan, đã phản đối lại nhận xét của ông Kissinger. Theo ông Holbrooke thì thế nào cuộc chiến tại Việt Nam cũng dẫn đến thất bại. Ông nhấn mạnh : « Đây không phải là chuyện thiếu kiên nhẫn, là vấn đề nguồn lực hay tại các nhà báo tỏ ra thù nghịch…Đôi khi ngay cả các cường quốc mạnh nhất cũng không thể thực hiện được mục đích ».

Ý kiến này cũng được ông Rich Rush, con trai của ông Dean Rush, cựu Ngoại trưởng thời Tổng thống Kennedy, chia sẻ. Ông nói với Le Figaro là : « Thất bại là từ chiến trường, từ khả năng chiến đấu mãnh liệt của Bắc Việt…Tôi rất tiếc phải nói như thế, vì cha tôi đã từng đóng một vai trò, nhưng chiến tranh Việt Nam rõ ràng là quyết định tồi tệ nhất về chính sách ngoại giao của chúng tôi xưa nay ». Ông Rich Rush nói thêm : « Ngay cả khi chúng tôi có khả năng hòa giải với người Việt Nam, thì các vết thương nội tại – như sự chia rẽ, sự nghi ngại trước các chính sách – vẫn chưa liền sẹo ».

Lên tiếng kêu gọi rút ra bài học từ Việt Nam, ông Richard Holbrooke cũng kêu gọi nước Mỹ đừng cứng nhắc. Theo ông, có những « điểm tương đồng » giữa chiến tranh Afghanistan và Việt Nam, nhưng cũng có những «khác biệt về cơ bản ». Ông nhận định : « Chúng ta đi chiến đấu ở Afghanistan vì chúng ta đã bị tấn công khủng bố ngày 11/9…còn khi lao vào chiến tranh Việt Nam, chúng ta vẫn chưa ý thức được điều ấy. Hồi đó chúng ta không có cái nhìn rõ ràng về mục tiêu cuộc chiến ».

Tác giả kết thúc bài báo bằng câu hỏi : « Nhưng liệu các mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan có thật sự rõ ràng hay không ? ».

Chiến tranh mạng liệu có thể xảy ra ?

Cũng liên quan đến Hoa Kỳ và chiến tranh, nhưng là chiến tranh mạng, hồ sơ điều tra quốc tế của nhật báo Le Monde hôm nay đặt vấn đề, đâu là các loại vũ khí và cạm bẫy của chiến tranh internet ? Liệu có thể làm tê liệt một đất nước chỉ qua việc tấn công các máy tính hay không ? Làm thế nào để tổ chức đánh trả ?

Tờ báo nhận xét, cuộc chiến tranh muôn thuở giữa hai phe diều hâu và bồ câu ở Mỹ nay đã trải rộng ra trên một lãnh vực mới, đó là không gian ảo.

Các nhà lãnh đạo quân sự cho rằng Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ một trận « Trân Châu cảng kỹ thuật số » : đó là một cuộc tấn công bất ngờ từ các ê-kíp tin tặc, làm cho các hệ thống máy tính cả nước bị tê liệt. Theo họ thì nước Mỹ rất dễ bị tổn thương vì nền kinh tế và các cơ sở hạ tầng chủ chốt hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống vi tính. Trong khi đó hệ thống này không được bảo vệ đúng mức vì thường là của các công ty tư nhân, không có tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh đó, phe quân đội còn cho rằng các tin tặc nay không chỉ là các thanh niên thích phá phách, bọn lừa đảo hay các nhóm cực đoan nhỏ ; mà nay có thể là các ê-kíp thường trực, được tài trợ và trang bị từ các cường quốc là đối thủ tiềm năng của phương Tây, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.

Như vậy, không gian ảo sẽ trở thành không gian chiến trận thứ năm, sau đất liền, biển, không trung và vũ trụ. Và bao giờ cũng thế, cách tự vệ tốt nhất chính là tấn công. Không thể tự hài lòng với các bức tường lửa, phần mềm chống virus, mà nước Mỹ còn phải có được các đơn vị chiến đấu gồm các « tin tặc nhà nước », có quyền tấn công phòng vệ kể cả các mục tiêu dân sự. Một số khác đề nghị quân sự hóa hệ thống internet.

Ngược lại, phe bồ câu tố cáo giới quân sự đã phóng đại sự việc nhằm mục đích được Quốc hội mở rộng thêm hầu bao, và biện minh cho các dự án tiến công vào mục tiêu dân sự. Lý lẽ của phe bồ câu không kém phần vững chắc, vì đa số là các chuyên gia tin học nổi tiếng, nắm rất rõ về internet và an ninh mạng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tin tặc từ nước ngoài kiểm soát được mạng lưới điều hành công nghiệp chỉ có thể thực hiện nếu có tay trong. Phe bồ câu lên án Lầu Năm Góc trong 15 năm qua đã ba lần toan chuyển đổi mạng internet thành mạng tập trung do Bộ Quốc phòng kiểm
Soát, đồng thời cũng tố cáo các công ty vi tính tư nhân có ý đồ làm dư luận hoảng loạn nhằm bán các hệ thống bảo mật.

Ấn Độ chú trọng bảo vệ môi trường

Nhìn sang châu Á, nhật báo Le Monde cho biết chính quyền Ấn Độ đang tỏ ra kiên quyết hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều dự án công nghiệp gần đây đã bị tạm ngưng hoặc bác bỏ, nhất là đối với ngành khai thác quặng mỏ.

Thông tín viên của Le Monde tại New Delhi nêu ra một số trường hợp. Hôm thứ ba 28/9 vừa qua, tòa án Tối cao Madras đã ra lệnh đóng cửa một xưởng đúc đồng của tập đoàn Anh Vedanta, với lý do nhà máy này « thải vào không khí và nước những chất độc hại có tác động nguy hiểm ». Một tháng trước đó, Bộ Môi trường Ấn Độ cũng đã cấm tập đoàn này khai thác một mỏ bô-xít trên vùng đất mà các bộ tộc ở đây coi là linh thiêng. Còn tập đoàn xi-măng Pháp Lafarge cũng phải hai lần liên tiếp ngậm đắng nuốt cay, khi tòa án tối cao liên bang buộc phải tạm đóng cửa một mỏ đá vôi. Một dự án khai thác đá vôi khác cùng với việc xây dựng một nhà máy xi-măng dù đã được Bộ Môi trường bật đèn xanh, nhưng cơ quan cấp trên sau đó đã bác.

Le Monde thông tin thêm, đã có hơn một trăm dự án cơ sở hạ tầng đã bị bác bỏ kể từ giữa năm 2009. Chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn giữa các công ty khai thác quặng mỏ và dân cư địa phương, giữ cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đó là quan điểm mới về phát triển của Ấn Độ.

Pháp : 30 000 phụ nữ sửa ngực cần được theo dõi

Trên lãnh vực y tế, nhật báo công giáo La Croix cho biết, Bộ Y tế Pháp vừa quyết định sẽ thanh toán chi phí cho 30 ngàn phụ nữ đã đặt túi ngực silicone do công ty PIP sản xuất để lấy các túi này ra, nếu có sự cố.

Vào tháng ba, cơ quan y tế Pháp đã ra lệnh ngưng sử dụng loại túi nâng ngực bằng silicone lỏng của công ty trên, do không đạt yêu cầu chất lượng. Các phụ nữ sử dụng loại túi này, trong trường hợp túi silicone bị vỡ hay bị rò rỉ, có thể cảm thấy bỏng rát, đau nhức và đôi khi xuất hiện những khối u trên cánh tay ; và như vậy phải giải phẫu lấy túi ngực ra.

Cơ quan y tế khuyên nên đi khám nếu thấy có dấu hiệu bất thường, hoặc nếu cẩn thận hơn có thể lấy túi silicone ra cho yên tâm. Đương nhiên là cả việc đặt và tháo túi ngực đều có những rủi ro như bị máu bầm, nhiễm trùng, vết thương khó lành, tai biến gây mê… Chi phí lấy túi nâng ngực ra sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo tiêu chuẩn hiện hành. Còn nếu muốn đặt lại túi nâng ngực khác, thì chỉ thanh toán cho các phụ nữ bị ung thư vú với lý do thẩm mỹ, còn nếu để làm đẹp đơn thuần thì phải tự trả mọi chi phí.

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Hội chứng Một ngàn

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/10/101002_vo_thi_hao_hanoi.shtml

Hội chứng Một ngàn

Hà Nội đang làm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với các khoản chi phí khổng lồ, cùng hàng chục hoạt động rầm rộ.

Như thế là đã đến ngày kết thúc của cả một thời gian dài khoảng 8 năm chuẩn bị cho đại lễ một ngàn năm Thăng Long Hà Nội.

Một cuộc phát động lớn yêu cầu cả nước hướng tới kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội (TLHN) đã được khởi phát từ lâu nay.

Theo tư liệu mà báo chí công bố thì có tới 65 công trình thuộc về các lĩnh vực văn hoá xã hội, chính trị, lịch sử, giáo dục... được thực hiện để chào mừng đại lễ này.

'Đại lễ mừng cụ Thủ đô'

Khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày đại lễ. Bắn pháo hoa trên 29 điểm. Khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước...

Cuộc diễu binh lớn khoảng 30 ngàn người.

Cuộc múa hát của khoảng 10 vạn người và vô số cuộc khác. Các cuộc này, rất nhiều, rất lớn, rất tốn tiền, nhưng đều có nội dung na ná như nhau.

Đại loại là ca ngợi đảng, ca ngợi đất nước một cách rất hời hợt, ca ngợi TLHN, ca ngợi Lý Thái tổ sáng suốt dời đô về Thăng Long chứ không để ở Hoa Lư...

Đại loại là múa may quay cuồng na ná nhau. Thế nào cũng có hình tượng rồng rồi dải vải lượn rồi người nọ nâng người kia lên làm “hình tượng” trông rất sống sít...

Đại loại là để... ”cúng cụ”. Chắc chắn là không thể chệch định hướng. Mà cách gì cũng phải dính tới chữ “ngàn năm TLHN” để moi được tiền ngân sách. Càng hoành tráng càng được nhiều tiền.

Đồng nào lên rừng đồng nào xuống phố đồng nào vào túi ai thì là cái chuyện trời biết, dân biết, nhưng dân không được bàn mà dân cũng không được kiểm tra...

Là mừng tuổi cụ Thủ đô đấy.

'Sắc màu trong và ngoài biên cương'

Đại lễ ngàn năm TLHN trùng ngày quốc khánh TQ. Họng súng chinh phạt và chiếc lưỡi bò từ đại lục thì vẫn lăm le ngoài biển đông kia!

Cả Hà Nội đi đâu cũng rồng. Lắm rồng quá thể. Ngoài những con rồng nhan nhản đâu đó, trên nhiều cửa ngõ vào phố còn thấy lắp những con rồng mỏng dính bằng đèn nhấp nháy của Trung quốc (TQ) treo lên lưng chừng giời, hai con châu đầu vào nhau thi nhau khạc lửa đỏ loè như hù doạ..

Khắp Hà Nội đâu đâu cũng cờ hoa đỏ rực. Màu đó được giải thích chính thống là màu máu. Màu đó trông cũng đỏ rực giống như biển cờ hoa đại lễ đang diễn ra cùng ngày trên dải đất phương Bắc ngoài biên cương.

Đại lễ ngàn năm TLHN trùng ngày quốc khánh TQ. Họng súng chinh phạt và chiếc lưỡi bò từ đại lục thì vẫn lăm le ngoài biển đông kia!

Trang phục người Việt Nam thì 99% là mua giá rẻ từ người Trung Quốc rồi. Hoa quả VN cũng chủ yếu là của TQ. Hàng hoá cũng thế. Hội chợ xúc tiến thương mại mở ở các quận huyện cũng rất nhiều người TQ sang bán hàng TQ.

Trước cửa nhà tôi, có hội chợ thương mại, rất nhiều người TQ đứng bán hàng, thông thạo cả hai thứ tiếng. Có một nhóm người rao bán dao TQ. Vót gỗ như thái chuối. Anh ta hớn hở rao: Dao đặc biệt đây! Đặc biệt đây! Chặt thịt, chặt xương trâu, xương bò, xương ma cà rồng, xương người... đây...”.

Sắc màu Trung quốc đang ngập tràn nước Việt. Theo nhận định của nhiều người thì chưa bao giờ văn hoá Việt Nam lại lệ thuộc văn hoá Trung quốc như bây giờ.

Từ cách trang phục lễ hội, từ phim ảnh trên truyền hình cho tới các lễ rước, các pho tượng, cách hành lễ, cách cấu trúc đền chùa... Ngay cả cách khấn vái người ruột thịt cũng vậy.

Đã thoát Bắc thuộc từng ấy năm rồi, khấn cho ông bà, ông vải tổ tiên mà rất nhiều người lại cứ phải khấn bằng chữ Hán, đốt sớ bằng chữ Hán, trong khi ông bà, ông vải một chữ Hán bẻ đôi không biết!

Kìa nhìn xem con cháu tâm sự những điều thiêng liêng thành kính trứơc bàn thờ tổ tiên, thổ lộ những ước mong với đấng sinh thành mà lại chọn cái ngôn ngữ đánh đố ông bà tổ tiên, khen chẳng biết chửi không hay, như vậy có khác gì là vừa nô lệ, vừa bất kính hay không?!

'Một ngàn lẻ một cái ăn theo'

Ít nhất khoảng 94 ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân VN... đã được chi ra cho đám rồng rắn và đại lễ, cho cái hội chứng "một ngàn lẻ một cái ăn theo" ấy

Dù thế nào thì đại lễ cũng đã và đang diễn ra. Tận mười ngày. Hà Nội đã tắc đường từ nhiều ngày trước. Khi tôi viết bài này, mây đen sầm sì và trời đang mưa.

Lại nghĩ đến chuyện có người toan quyết định bắn mây, đuổi mưa để thực hiện đại lễ không phải chạy mưa. May mà một quan chức Chính phủ đã tuyên bố là hoãn cuộc bắn mây này lại. Có mưa thì dời vào sân Mỹ Đình. Dù có tốn kém thì cũng còn đỡ tốn kém hơn món bắn mây!

Dù thế nào thì, theo số liệu công bố trên báo chí, ít nhất khoảng 94 ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân VN – cái sắc dân vẫn đứng trong hàng những nước nghèo nhất trên thế giới - đã được chi ra cho đám rồng rắn và đại lễ, cho cái hội chứng "một ngàn lẻ một cái ăn theo"ấy.

Giả sử một phần trong số đó không phải là từ ngân sách, mà từ túi tiền cá nhân thì cũng vậy thôi, chung quy cũng từ ngân quỹ cộng đồng cả. Số tiền đó được chi để mừng TLHN ngàn năm tuổi.

Khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm đấy. Tám năm chuẩn bị với những cuộc phát động toàn quốc. Trên tượng đài thậm xấu xí ở gần bờ hồ Gươm có cái bảng điện tử đếm ngược thông báo từng ngày để giục giã mọi người.

Có vẻ trong mấy năm qua, không còn việc gì to tát đáng làm hơn kỷ niệm ngàn năm TLHN. Ít nhất đó là về mặt ấn tượng. Vì nó chiếm quá nhiều thời lượng trên các ngả phố, trên các phương tiện truyền thông và trên đầu lưỡi mọi người có quyền ăn, quyền nói.

'Lão làng là giá trị?'

Vấn đề phải là mừng cái gì đã đạt được trong một ngàn năm đó chứ không phải chỉ là mừng tuổi. Lão làng là một khái niệm, không thể nhầm với một giá trị

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không ngừng tự hỏi: ngàn năm là gì nhỉ? Tại sao lại có đại lễ mừng một ngàn năm? Ngàn năm được mừng thì một năm, hay trăm năm cũng đáng mừng chứ. Vấn đề phải là mừng cái gì đã đạt được trong một ngàn năm đó chứ không phải chỉ là mừng tuổi. Lão làng là một khái niệm, không thể nhầm với một giá trị.

Ngày dời đô có quan trọng đến thế không? Nếu Lý Công Uẩn không dời đô, mà kinh đô vẫn ở Hoa Lư, hay ở một nơi khác, thì chẳng lẽ nó không có giá trị sao...?

Có thể tôi là kẻ lẩn thẩn. Thì phải hiểu đại lễ là lễ mừng thọ một cụ. Đấy là cụ Thủ đô.

Cả một đại lễ tốn kém gần trăm ngàn tỉ đồng ấy, trong thời buổi đất nước đói khó, mà chỉ để mừng tuổi cho một TLHN thôi sao?

Có rỗng không? Nếu chỉ để mừng tuổi? Như câu khẩu hiệu đã đề ra.

Xét về mặt bình đẳng khái niệm, thì một kinh đô ngàn năm tuổi và một năm tuổi khác nhau chỗ nào? Một ngàn năm tuổi có quyền tự hào. Còn một năm tuổi cần phải hổ nhục vì sự kém già hay sao?

Cái làm nên giá trị của một vật, một người, không phải số tuổi của nó. Mà chính là giá trị của nó. Ai cũng biết điều đó.

Theo lẽ công bằng mà nói, thì cái để tự hào không phải là tuổi, mà là chất lượng.

Một thành phố mới hình thành một năm nhưng ở đó có những công trình kiến trúc nghệ thuật thẩm mỹ đẹp, có giá trị trường tồn theo thời gian, chất lượng sống của công dân cao cả về vật chất và tinh thần, có dân chủ và tự do, thì thành phố ấy hoàn toàn có quyền tự hào hơn một thành phố có cả năm ngàn năm tuổi mà hoang tàn, bẩn thỉu nhếch nhác, bị xoá đi mọi di sản văn hoá, chất lượng sống thấp kém...

Vì thế, nếu chỉ vì số năm mà tự hào, chỉ mừng tuổi thôi, thì là tự hào về một khái niệm rỗng.

Nhân dân chỉ được, khi có cơ sở để mừng về chất lượng sống cao và văn hoá cao được gói trong ngàn năm tuổi ấy kia.

Nếu không, càng chi nhiều tiền chỉ để mừng tuổi, nhân dân càng mất.

'Yêu nước? Không yêu nước?'

Tôi cất lá cờ đi và tự hỏi: lẽ nào cứ cắm cờ là yêu nước. Thế cái người xả thân bắt cướp, không kịp cắm cờ là không yêu nước sao?

Khắp nơi nơi là những biểu ngữ, khẩu hiệu đỏ chói đề: Mừng 1000 năm TLHN. Tại nhiều thôn xã phố phường, xã thôn có người đi hàn những cái ống cắm cờ trước cổng mỗi nhà, bằng một đoạn ống nứơc, không cần hỏi ý chủ nhà. Được giao tận tay một lá cờ và lời yêu cầu cắm, với một khoản tiền nộp để lấy cọc và cờ, ở cái nơi tôi biết, là 25 ngàn đồng.

Tôi cất lá cờ đi và tự hỏi: lẽ nào cứ cắm cờ là yêu nứơc. Thế cái người xả thân bắt cướp, không kịp cắm cờ là không yêu nước sao?

Lẽ nào cái cử chỉ yêu nước, nó vốn phải nằm trong trí tuệ, trong hành vi của mỗi người, thì lại chỉ cần cắm một lá cờ lên trước cổng là xong?

Nếu một người mà hành vi dối trá, tham lam, thô bỉ, vô văn hoá, ích kỷ, thiếu ý thức cộng đồng, nhưng chỉ việc cắm một lá cờ lên cái ống gang trước nhà, là được cấp chứng chỉ yêu nước, thì quá dễ đấy nhỉ?!

Thế nên, cả nước ngập cờ trong những ngày lễ lạt, thế mà dân vẫn nghèo khó, tham nhũng dối trá ngập tràn và bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Sự thờ ơ ích kỷ và vờ vịt thống lĩnh số đông.

Nếu chúng ta yêu nước bằng trí tuệ và hành vi, không phải chỉ bằng cách đối phó và giả dối, thực trạng đất nước chắc chắn sẽ khá hơn thế này.

Cái khó nhất là hành vi và tâm thức. Không phải là chuyện vờ vịt để đối phó. Cứ vờ vịt mãi, người Việt thành nạn nhân và thành vô cảm rồi thành nô lệ. Chẳng ai cứu được.

Ai dám bảo không cắm cờ có nghĩa là không yêu nước?

'Ta mạnh nhất thế giới'

Chẳng ai muốn và đầu tư cho văn hoá và tinh thần để nhất thế giới cả. Hình ảnh quan chức hầu hết chỉ là lễ lạt, là khởi công, động thổ và răn dạy điều gì đó mà rất nhiều khi là nói một đằng làm một nẻo

Tôi lại nhớ thời sau 1975, "thắng Mỹ", VN trong một thời gian dài đã công khai vỗ ngực: VN mạnh nhất thế giới.

Và thế là khởi đầu kỷ nguyên đói kém tụt hậu trong hoà bình, cho rằng bản thân ta là hoàn hảo, cho đến một ngày VN bên bờ nguy ngập, phải “đổi mới hay là chết”. Thời đó, vật vã lắm VN mới qua khỏi hội chứng “ta mạnh nhất thế giới”. Đổi mới đã cứu VN nhưng rồi đổi mới lại chững lại.

Bây giờ thì VN lại có hội chứng nhất thế giới. Từ những vật vặt vãnh như bánh chưng, chai lọ... cũng muốn nhất.

Chẳng ai muốn và đầu tư cho văn hoá và tinh thần để nhất thế giới cả. Hình ảnh quan chức hầu hết chỉ là lễ lạt, là khởi công, động thổ và răn dạy điều gì đó mà rất nhiều khi là nói một đằng làm một nẻo.

Quá hiếm hoi cái diễm phúc dân được thấy hình ảnh quan chức cầm quyển sách trên tay đọc. Nhà quan chức cũng không nêu gương những thú chơi tinh thần tao nhã đượm mùi trí tuệ thượng lưu mà tầng lớp cai trị xã hội tối thiểu phải có.

Thì thiên hạ cũng thế. Nhà giàu, có đầu tư thì đầu tư cho khởi công động thổ, mua quan bán tước, mua những kẽ hở, cho các cuộc thi hoa hậu, trăm ngàn kiểu gái ngon mắt... và cho... bóng đá. Còn thừa thời gian thì nói chuyện tục tĩu...

Thực ra bóng đá có những hấp dẫn, nhưng mặt trái của nó là ma túy của nhân dân để quên đi những sự không được phép quên trên đời này. Vì nếu những cái đó mà quên, e rằng con người không hơn gì con... muỗi.

Và nhân đại lễ ngàn năm TLHN, bao nhiêu là cái một ngàn ăn theo. Nào một ngàn trang sách, một ngàn hương vị, một ngàn góc nhìn, một ngàn con rồng... một ngàn nhà báo cũng đến Hà Nội nhân đại lễ. Vậy là hình thành hội chứng "một ngàn" và để cung ứng cho nó là số tiền được vung tay chi...

'Moi mắt rồng lấy ruby?'

Quà cáp như thế, ngoài việc moi mắt rồng lấy hai viên ruby đi đánh nhẫn (đại loại thế), thì đại biểu cũng không nhận được một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao

Vậy là hội chứng "một ngàn"xuất hiện với một ngàn lẻ một sự ăn theo hội chứng "một ngàn". Để thực hiện nó, để nó xuống phố, thật mới thấy một ngàn lẻ một cái tài của người VN, đặc biệt là của một số người có quyền lực định đoạt cái gì đó dính dáng đến cộng đồng.

Ai đó thật có sáng kiến hãm hại hoặc khai tử nốt chứng tích văn hoá TLHN bằng cách sơn vàng lên mặt nhà phố cổ, cậy gạch lên lát lại những vỉa hè và Hồ Gươm... Cái sáng kiến này về mức độ hữu ích cũng xứng đáng là sự hoàn tất cái đuôi của chiến dịch trùng tu các đền chùa miếu mạo cổ và kết quả là... xoá vết tích văn hoá để chứng tỏ có ngàn năm TLHN...

Hào phóng và giàu có quá. 2.000 viên ngọc rubi tự nhiên được nhập từ châu Phi về để gắn mắt cho lũ rồng đúc, làm quà lưu niệm cho các đại biểu mừng đại lễ! Khoảng 1.000 con và chi phí khoảng 800 USD/con.

Nhiều người nước ngoài nói các bác VN nghèo gần đội sổ thế giới mà vung tay quà cáp hào phóng quá nhỉ! Mà quà như thế, ngoài việc moi mắt rồng lấy hai viên ruby đi đánh nhẫn (đại loại thế), thì đại biểu cũng không nhận được một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.

Dư luận đã đặt nhiều dấu hỏi về hiệu quả và cách thức chi tiền cho đại lễ (mong rằng dư luận chỉ đa nghi, ngờ oan cho một số người có trách nhiệm chứ các bác ấy trong sáng lắm và yêu nứơc lắm?!).

Nhà giáo - nhân sĩ Phạm Tòan thốt lên: đây là một vụ tiêu tiền vô tội vạ. GS Tương Lai cảnh báo: hỡi công dân, văn hóa đang lâm nguy!

'Có ai hỏi dân không?'

Nếu TPHCM cũng đề nghị tổ chức một đại lễ mừng "Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh" chừng ấy năm tuổi và phải chi khoảng 1/10 GDP hoặc hơn, vì TP này đông dân hơn và đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước?

Nếu đã chi tới 1/10 GDP cả nước để mừng tuổi cho một thành phố, dù đó là thủ đô, thì đã tạo ra một tiền lệ để các tỉnh thành huyện quận trong nước noi theo để có thể tổ chức vô vàn những đại lễ. Không đại lễ thì cũng là trung lễ và tiểu lễ và vô số cách moi tiền ngân sách.

Vì cái gì mà chẳng có tuổi. Đã mừng tuổi này thì phải mừng tuổi khác. Thiếu gì cách để chi tiền dân.

Có ai đó đã đưa ra một phát kiến quan trọng dành cho các bậc tham nhũng sử dụng làm tuyệt chiêu trong mấy năm gần đây: để xoá chứng tích tham nhũng, cách hay nhất là đổ vào... những “trận cười”..., đại loại như những cuộc lễ hội, múa may, tiệc tùng... xong lễ hội, mọi chứng tích “tan xác pháo”, chẳng bắt tội được ai. Để “gió cuốn đi”.

Rồi mà xem. Thành phố một năm tuổi cũng đáng mở đại lễ lắm chứ. Sao lại không đại lễ? Sao lại bất công thế? Làm như trên đời chỉ có mỗi Hà Nội là thành phố thôi hử? Nào, mỗi làng mỗi xã, mỗi địa phương, dù ít tuổi, nhiều tuổi, đều có giá trị của nó. Đừng nói ai hơn ai. Làm sao không mừng tuổi?

Lấy chứng lý gì để bác bỏ, nếu TPHCM cũng đề nghị tổ chức một đại lễ mừng "Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh" chừng ấy năm tuổi và phải chi khoảng 1/10 GDP hoặc hơn vì TP này đông dân hơn và đóng góp GDP lớn nhất trong cả nước?

Chi từng ấy tiền chỉ cho dịp đại lễ mừng tuổi một thành phố, sao mà nhẹ tênh vậy? Có “đầy tớ” nào trưng cầu ý kiến “chủ” không? Có ai hỏi ý kiến những người dân nghèo đói ở vùng sâu vùng xa?

Có ai hỏi ý kiến những trẻ em phải bỏ học vì nghèo? Có ai hỏi ý kiến rất nhiều người bị ốm đau không dám bén mảng đến cổng bệnh viện, chịu chết khổ sở ở nhà vì không có tiền chữa bệnh?

Có ai hỏi những bệnh nhân nặng phải nằm chen chúc lên nhau trong một chiếc giường và thiết bị y tế thiếu đủ thứ, còn bị y bác sĩ tha hồ ‘hành” để phải lót tay hòng sống sót?

Trong khi đất nước còn nghèo, và ngay cả ở một nước đã giàu, cũng rất khó chấp nhận việc vén tay áo chi khoảng một phần mười GDP chỉ cho một dịp đại lễ!

'Nước mắt đã cạn'

Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi

Trong khi viết những dòng này, bóng của hàng ngàn dân Kontum gầy guộc phải đu dây qua sông Pôkô, cứ chao chát trước mặt tôi.

Dòng sông ấy nổi tiếng thời chiến tranh ở miền Nam, nơi có những đồng bào ngày đêm bớt miếng ăn liều mạng sống nuôi giấu cán bộ, đưa đò qua sông, góp phần làm nên "thắng Mỹ" và để nhiều cán bộ có được vị trí ngày hôm nay.

Họ vốn chẳng phải diễn viên xiếc. Xưa liều mạng sống để giúp cán bộ. Nay liều mạng sống vì chẳng có cầu. Đu dây như khỉ như vượn qua sông để đi học, để kiếm miếng ăn mà thôi.

Và những cô gái VN đang xếp hàng trước cửa một số trung tâm môi giới hôn nhân hoặc đợi được bán hoặc bị lừa bán ra nước ngoài thì sao? Chút nữa, họ sẽ gần như bị lột truồng ra trước các ông bà mối và những kẻ chọn lựa. Nhiều trai tráng VN cũng thế chấp nhà cửa, vay lãi nặng để được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.

Họ có thể làm nô lệ, bị đánh đập, bị bỏ đói hoặc không được trả lương. Họ có thể nhận lấy những ông chồng tâm thần đui què mẻ sứt. Cũng không loại trừ một số người và trẻ em người mất tích sau những cuộc xuất khẩu cho những lò mổ chuyên buôn bán phủ tạng người..

Gái điếm Việt rẻ. Giá người Việt xuất khẩu rẻ. Mà danh dự người Việt cũng chưa thấy đắt... Thế thôi.

Với phần lớn dân số VN, nếu có thêm một ít tiền đầu tư cho cuộc sống đỡ khốn khổ, nếu tăng cường việc làm và phúc lợi xã hội từ những việc tiết kiệm các khoản chi lãng phí, chắc chắn đời sẽ đổi khác...

Tất cả những hình ảnh đó chao qua chao lại trước mắt tôi, nhoà cái màu đỏ rực của đại lễ này.

Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi. Hình như đã cạn nước mắt.

Nhưng khóc là vẫn khóc. Không thể vì đại lễ mà hết khóc. Không thể cạn nước mắt mà hết khóc. Người ta bảo, hết nước mắt thì khóc ra máu đấy. Đừng vì đại lễ mà quên!

Bài viết nêu quan điểm riêng của nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, đang sống ở Hà Nội.

TỔ QUỐC NHƯ THẾ NẦY CHĂNG

http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/210/210

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến thành phố Thượng Hải xem Hội chợ Triển lãm thế giới Expo. Với hơn 200 nhà Triển lãm của hơn 200 quốc gia nằm trên diện tích 54ha dọc hai bên bờ sông Hoàng Phố, mỗi nhà Triển Lãm có một nhà chờ chứa khoảng vài trăm khách, lúc nào cũng đông nghẹt. Chỉ riêng nhà chờ của Việt Nam thì trống hoang, thỉnh thoảng có vài đoàn khách du lịch kéo vào nhà Triển lãm, không phải ngồi chờ bên ngoài.
Những hình ảnh dưới đây sẽ lý giải vì sao ? Liệu nó có đại diện cho thành tựu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của một đất nước hay không ?
Chúng tôi cố tìm những sản phẩm tốt hơn, có giá trị hơn nhưng không thể. Một phụ nữ người Đức gốc Việt dẫn đứa con gái vào xem, chị nói: "Buồn quá, tôi không biết giải thích với con tôi thế nào về Tổ quốc qua những hình ảnh nầy".











Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc quảng bá hình ảnh Đất Nước theo kiểu nầy ? Vậy mà, hôm khai mạc, vị đại diện cho Việt Nam nói rằng "Nhà triển lãm quốc gia Việt Nam tại Expo 2010 Thượng Hải mang chủ đề “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” hưởng ứng chủ đề chung của EXPO “Thành phố tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Chú ý, công trường phía trước

http://huyminh.wordpress.com/2010/10/01/chu-y-cong-truong-phia-truoc/

[Bài hay. Tựa do HuyBom & Sam đặt. Nguồn: Tạp chí Politique internationale – Số 127/2010]

Tháng 11/2008, Barack Obama đã kiêu hãnh đắc cử Tổng thống Mỹ. Nguồn gốc xuất thân, chặng đường sự nghiệp, tuổi trẻ và uy tín đặc biệt khiến ông đáng được hoan nghênh như một “tổng thống hàng đầu thế giới”. Người ta trông chờ ông thể hiện một tầm cao về các quan điểm đủ để vượt lên trên những lợi ích các quốc gia…và, trước tiên là những lợi ích của chính nước Mỹ. Nhưng dù những giấc mơ của ông được che giấu như thế nào thì trước tiên Barack Obama vẫn là Tổng thống Mỹ; ông đại diện cho đất nước mình và có bổn phận đầu tiên là phải giải trình với nhân dân Mỹ. Sự tỉnh ngộ là không thể tránh khỏi và càng lớn hơn vì những hy vọng quá mức.
Những cải cách lớn trong nước – sự phổ cập bảo hiểm y tế, hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – bị sa lầy trong tình trạng rắc rối phức tạp của những thủ tục của Quốc hội. Về chính sách đối ngoại, ông chủ Nhà Trắng đang lưỡng lự giữa những diễn văn vĩ đại (như bài diễn văn được đọc ngày 9/6/2009 tại trường Đại học Tổng hợp Cairo, khi ông chìa tay ra với thế giới Hồi giáo), những cử chỉ khiêu khích (cuộc gặp gỡ với Đạtlai Lạtma trong khi ông này công khai chống đối Bắc Kinh) và việc tiếp tục duy trì những hành động can thiệp tại thực địa mà Chính quyền Bush đã mở đầu (ở Iraq và Afghanistan). Hình ảnh quốc tế của Washington đã được cải thiện; tuy nhiên, những thách thức cơ bản vẫn luôn tồn tại. Mỹ muốn gì và sẽ đi đến đâu? Cường quốc Mỹ đang ở đâu?
Mỹ luôn là nước đứng ở vị trí hàng đầu thế giới – ít ra cũng trong một khoảng thời gian nữa. Nhưng họ không còn ở trên cùng nữa. Giờ đây, họ ở cùng vị trí với những nước khác. Họ không còn đứng trên bục giảng mà ngồi ở bên dưới, đằng sau một bàn học (đương nhiên là ở hàng đầu!). Mỹ vẫn gây ấn tượng, dù họ không còn ở vị trí riêng biệt nữa.
Ở tầm cỡ thế giới, thời đại đế chế Mỹ đã kết thúc. Liệu kết cục này có mang lại hạnh phúc hay không?
Bà đỡ của quá trình toàn cầu hóa
Trong vòng một thế kỷ (từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX), Mỹ đã trở thành cường quốc đứng đầu hành tinh. Vào thế kỷ XX, họ trở thành nước đại thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau đó là trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong một triển vọng hàng thế kỷ mới có một lần, theo tư tưởng triết học của Heghen, Mỹ là bà đỡ của quá trình toàn cầu hóa. Họ đã đạt tới vị trí số một vào thời điểm mà châu Âu – trở thành động lực của quá trình toàn cầu hóa từ thế kỷ 15 tới đầu thế kỷ 20 – đã tự hủy diệt trong hai cuộc chiến tranh tàn khốc (1914-1918, 1939-1945) và đánh mất quyền lực của họ. Mỹ giành lại ngọn đuốc mà châu Âu đã đánh rơi. Họ không những khuyến khích việc mở rộng tự do trao đổi buôn bán, chất kích thích quan trọng để tạo ra các nguồn của cải, mà còn thiết lập khuôn khổ thể chế đặt cơ sở cho một cơ cấu lãnh đạo toàn cầu. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ nghĩ ra và thậm chí áp đặt hệ thống LHQ: Tổ chức LHQ, Quỹ tiền tệ quốc tế… Năm 2003, trong khi xâm lược đất nước Iraq của Saddam Hussein, Mỹ hành động với tư cách là nước đại truyền bá về dân chủ và toàn cầu hóa.
Trong những năm 2000 này, như trút được gánh nặng, lẽ ra Mỹ có thể nói sứ mệnh đã hoàn thành! Tóm lại là gần như vậy! Nhưng, theo Kinh Thánh, kẻ nào gieo gió, kẻ đó sẽ gặt bão. Đối với Mỹ, thành công lớn trong vai trò lịch sử của họ dù sao vẫn có hai hiệu quả mơ hồ.
1) Sự hình thành một thị trường toàn cầu: những nước mới đến, đã đồng hóa những tham vọng “theo kiểu phương Tây”, tham lam chen nhau trong đó – điều này dẫn tới hậu quả toàn cầu hóa sự cạnh tranh. Tất nhiên, Mỹ vẫn giữ những quân chủ bài đáng chú ý. Từ 42 đến 68% (theo những bảng xếp hạng quốc tế) các trường đại học tốt nhất trên thế giới nằm ở nước này. Nước thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai: công nghệ nano, công nghệ sinh học… Các công ty đa quốc gia của nước này mở rộng một số hoạt động, điều này làm tăng thêm tính cạnh tranh của họ. Đồng thời, những yếu tố “cơ bản” – sự hiểu biết về các sản phẩm, marketing, các dịch vụ hậu mãi…- tiếp tục được phát triển trên lãnh thổ quốc gia. Nhưng kể từ giờ, công việc sản xuất với số lượng lớn sẽ diễn ra ở châu Á, trước tiên là ở Trung Quốc. Mỹ, cũng như tất cả các xã hội phát triển khác, bị bó buộc vào một nỗ lực thích nghi thường xuyên, điều này dẫn đến một sự cách tân thường kỳ toàn bộ hệ thống công nghiệp. Ở các nước mới nổi, các tầng lớp trung lưu tăng thêm nhiều và trở nên phát đạt; trong khi đó những người này phải chịu nhiều thiệt thòi ở những nước giàu có lâu đời, trong đó có Mỹ. Đàn ông mặc comlê màu xám – công chức kiểu mẫu, phụ nữ hoàn hảo, những đứa trẻ sạch sẽ và tươi cười – không còn nữa. Trong những hoàn cảnh này, trong khi việc tạo ra công ăn việc làm và sự hứa hẹn về thăng tiến xã hội trở nên không chắc chắn thì làm thế nào để giữ gìn được chủ nghĩa lạc quan nổi tiếng của Mỹ?
2) Trật tự thế giới trong hệ thống của Liên Hợp Quốc mang tính dân chủ: nguyên tắc cơ bản của nó là sự bình đẳng về các quyền và nghĩa vụ của các nước chủ chốt . Những quy tắc phổ biến mang tính dân chủ được chính Mỹ đòi hỏi. Kết quả là: họ bình đẳng về mặt pháp lý với bất kỳ nước nào – Campuchia, Libi hoặc một nước nào khác. Cho dù, cũng giống như các cường quốc khác (Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp), Mỹ được hưởng những đặc quyền (ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với quyền phủ quyết; là nước có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân căn cứ vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968), tuy nhiên không vì thế mà họ không phải là một trong số các ủy viên trong phần lớn các tổ chức liên quốc gia lớn (như Tổ chức thương mại thế giới). Đó là cái giá mà Mỹ phải trả để thực hiện mục đích lịch sử vĩ đại của họ: thiết lập một chế độ dân chủ liên quốc gia trên toàn cầu đảm nhận việc bổ sung đầy đủ cho các chế độ dân chủ nhà nước và mang lại cho các chế độ đó những sự đảm bảo. Nhưng liệu cường quốc đế chế này, sáng tạo ra chế độ dân chủ của Liên Hợp Quốc, có thể chấp nhận bị đặt ngang hàng với các nước khác hay không? Chẳng phải là Mỹ có nghĩa vụ và quyền được “tách riêng ra” để trở thành người canh gác và bảo vệ cho những giá trị dân chủ đó sao? Và nếu trường hợp này đúng như vậy, nếu thành viên đầu tiên của xã hội liên quốc gia thoát khỏi qui luật chung, thì làm thế nào để khẳng định rằng chế độ dân chủ vẫn là phổ biến? Những tình thế tiến thoái lưỡng nan này được minh họa một cách rõ ràng qua hai lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm:
- Hạt nhân: Liệu trật tự được thiết lập từ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 trong một triển vọng dân chủ có chính đáng, khi chỉ có 5 nước (trong đó có Mỹ) có quyền sở hữu vũ khí nguyên tử? Hơn nữa, những năm qua, đã có những sự dung thứ. Đây là một chế độ khác so với chế độ đã khiến cho mọi người cùng tồn tại với sự bình đẳng về nguyên tắc, trên thực tế đó là những đặc quyền và những sự vi phạm! Israel, Ấn Độ và Pakistan đều thận trọng không tham gia NPT; từ giờ, cả ba nước này đều có một kho vũ khí hạt nhân nếu không phải là được chấp nhận thì ít ra cũng là được dung thứ. Sức mạnh hạt nhân quân sự của Ấn Độ thậm chí còn được Washington ca ngợi (vào tháng 3/2006, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống George W.Bush, một sự hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân đã được bắt đầu giữa hai nước này). Liệu một trật tự pháp lý và thể chế có còn giá trị trong khi cảnh sát lại khen thưởng những kẻ đã khôn khéo đứng ngoài vòng pháp luật? Nước không lương thiện (Iran) tự nhủ: “Sao lại không phải là nước chúng tôi? Nếu chúng tôi khôn khéo thì cuối cùng họ cũng sẽ vui lòng chấp nhận những quả bom và tên lửa của chúng tôi!”
- Tòa án hình sự quốc tế. Mỹ không che giấu thái độ nghi ngờ quá mức đối với Tòa án hình sự quốc tế (CPI) được thành lập năm 2002. Rất nhiều can thiệp quân sự của họ ở đây đó trên khắp hành tinh có kèm theo những sơ suất không thể tránh khỏi. Từ đó, có nguy cơ là một ngày nào đó, các quan chức cao cấp Mỹ, thậm chí chính tổng thống, có thể bị truy tố trước CPI. Thủ tục phức tạp và luôn đi kèm với những chỉ dẫn nhưng việc khả năng bị truy tố không thể được loại trừ. Vì lẽ gì mà cảnh sát trưởng của cả hành tinh, luôn ngoan cố, lại chấp nhận nguy cơ bị bất cứ một nhà nước nào buộc tội tại CPI?
Một cường quốc trong số các cường quốc khác
Sự suy tàn của Mỹ liên tục được thông báo. Ngay từ đầu thế kỷ 20, “chế độ đầu sỏ tài chính tư bản chủ nghĩa” bị nhiều trí thức châu Âu, từ Charles Maurras tới George Bernard Shaw, tố cáo là đã bị biến chất và suy đồi không thể cứu vãn nổi. Trong những năm 1930, các chế độ cực quyền của tất cả các phe đảng (chế độ cộng sản Xôviết, chế độ quốc xã) đã cười nhạo: Chế độ dân chủ lớn nhất thế giới chỉ được người đứng đầu là một nhà quý tộc ngồi xe lăn. Trong nửa cuối của những năm 1950, việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên dường như đã báo hiệu thắng lợi áp đảo của tổ quốc của chủ nghĩa xã hội này; khoảng 30 năm sau, nền tảng vững chắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tan rã. Vào giữa những năm 1980, trong thời kỳ cách mạng của Tổng thống Reagan, nhà sử học người Anh, Paul Kennedy, công bố cuốn “Sự ra đời và suy tàn của các cường quốc lớn”, cuốn sách bán chạy nhất chứng minh rằng bất cứ cường quốc lớn nào – có nghĩa kể cả Mỹ – cũng buộc phải can dự quá mức, và sự tăng thêm những nghĩa vụ của họ đi kèm theo việc giảm các phương tiện cho phép đương đầu với điều đó. Vậy thì, liệu nước Mỹ của những năm 2000 có bị suy tàn hay không? Có 4 lý lẽ, tất cả đều rất cổ điển, đáng được xem xét.
1) Sự chín muồi không thể lay chuyển của sức mạnh . Mỹ là hiện thân của tính liên tục của những chu trình sức mạnh (giống như những chu trình của sự sống và cái chết), nhưng cũng thể hiện việc rút ngắn quãng đường không thể tránh được của họ trong một thế giới mà ở đó các xã hội đang biết và chiếm hữu những sự đổi mới của những xã hội khác càng ngày càng nhanh hơn.
Mỹ đạt tới đỉnh cao chỉ trong hơn một thế kỷ (cuối thế kỷ 18 đến năm 1914) và đứng vững vị trí đó trong gần một thế kỷ (từ Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất đến những năm 2000). Thành tích thật đáng chú ý: họ làm cũng tốt như nước Anh của nữ hoàng Victoria đã thống trị suốt thế kỷ 19 (từ 1815 đến 1914), thời kỳ trong đó Lịch sử dù sao cũng tiến triển chậm hơn. Trong những năm 2000 này, Mỹ với dân số chiếm 5% dân số thế giới, mỗi năm tiếp tục tạo ra hơn một phần tư của cải trên thế giới (theo giá trị hiện hành) hoặc gần một phần năm (so với sức mua).
Sự ổn định về sức mạnh kinh tế của Mỹ từ nửa thế kỷ nay chứng tỏ khả năng chống chọi và thích nghi của gã khổng lồ Mỹ. Nhưng nó không xóa được sự xói mòn của sức mạnh này, chỉ đơn giản là do sự vượt lên của các nước mới nổi và trước tiên là của các nước lớn trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và cả Brasil nữa. Trong vài thập kỷ, họ đã thực hiện một bước nhảy vọt gây ấn tượng mạnh. Đặc biệt đó là một bước nhảy vọt mà sự gia tốc của Lịch sử đã tạo điều kiện cho nó. Những người Trung Quốc, Ấn Độ và các dân tộc khác nắm bắt rất nhanh chóng những kỹ thuật tiến bộ. Những cường quốc mới này nhận thức rất rõ rằng họ có ít thời gian ở phía trước. Nhân dân họ đang bị phương Tây hóa: giảm tỷ lệ sinh đẻ, kéo dài tuổi thọ, tăng thêm những công vụ… Vì vậy, không thể kéo dài thời gian!
2) Sự can dự quá mức. Vào “thời đại hoàng kim” của cuộc Chiến tranh Lạnh, học thuyết phòng thủ của Mỹ, được đánh dấu bằng Chiến tranh thế giới thứ Hai và hai chiến trường của nó là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, chỉ rõ rằng các lực lượng Mỹ phải có khả năng tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh lớn cộng với một cuộc chiến tranh “nhỏ”. Trong những năm 2000 này, Mỹ khó mà đảm đương được hai cuộc chiến tranh “nhỏ” (ở Iraq và Afghanistan). Việc gọi nhập ngũ hàng năm, vẫn luôn là ngoại lệ ở Mỹ, đã bị bãi bỏ ngay sau cuộc chiến tranh Việt Nam . Nghĩa vụ quân sự bắt buộc thuộc về một thời kỳ đã qua, khi đó tổ quốc thật thiêng liêng và rất nhiều người sẵn sàng chết vì tổ quốc. Mỹ trở lại với những phương pháp được bất cứ một đế chế suy tàn nào sử dụng và trước tiên là đế chế Roma, sự xác nhận có mặt khắp nơi ở Washington: hứa hẹn nhập quốc tịch Mỹ cho những người nhập cư đã đầu quân một vài năm trong Quân đội Mỹ; nhờ vào các cơ quan tư nhân cung cấp các lính đánh thuê rẻ tiền, những binh lính không mặc quân phục và không có quyền gì…
Trong suốt những năm dưới thời Reagan (thập kỷ 1980), một số người tin chắc rằng sự can dự quá mức có thể được chế ngự bằng công nghệ. Những công cụ cực kỳ tinh vi sẽ làm cho con người trở thành thừa. Chiến tranh diễn ra từ xa, mọi sự hiện diện trên mặt đất đều trở nên vô ích. Trong những năm 2000 này, Iraq và Afghanistanđã làm tiêu tan thái độ lạc quan về công nghệ này. Không một nước nào có thể bị chiếm đóng chỉ với các người máy và máy bay do thám không người lái.
Sự can dự quá mức không chế ngự được. Việc xét lại những can dự ở bên ngoài luôn gặp khó khăn; những người được bảo vệ cảm thấy bị bỏ rơi, một số người thậm chí quay lại chống người bảo trợ trước đây của họ. Như vậy, ở Trung Đông, khu vực mà Mỹ đảm bảo an ninh từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các nước Arập – từ Ai Cập đến Arập Xêút – sẽ phản ứng thế nào nếu Washington tỏ ra không có khả năng ngăn chặn tham vọng hạt nhân quân sự của Iran?
3) Sự mắc nợ. Tiền bạc đang và vẫn còn là động lực của sức mạnh. Đồng thời, sức mạnh cho phép vay nợ một cách dễ dàng và hàng loạt. Theo quan điểm này, Mỹ xử sự giống như Tây Ban Nha của Charles-Quint sau đó là của Philippe II hoặc nước Anh của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Sự khác biệt duy nhất – và nó cũng quan trọng – nằm ở việc tăng lên đáng ngạc nhiên của lượng vốn lưu động. Tiền chảy như nước, cần phải đặt nó vào đúng chỗ; các ứng cử viên vay nợ, trước tiên là các nhà nước và nhất là nước mạnh nhất trong số họ, đến rất đúng lúc.
Vào đầu những năm 1970, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một người Texas xuất sắc, John Connally, khoe rằng: “Nếu tôi nợ ngân hàng 100 USD, thì đó là vấn đề của tôi. Còn nếu tôi nợ ngân hàng một triệu USD thì điều đó trở thành vấn đề của họ.” Theo công thức gây kinh ngạc này, sự mắc nợ đang tăng lên của người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu không còn là vấn đề của Mỹ nữa mà là vấn đề của những chủ nợ của họ, đứng đầu trong số đó là Trung Quốc. Những chủ nợ này, không chút quan tâm tới việc đồng đôla bị sụt giá, chỉ có thể giám sát chặt chẽ và đầy ghen ghét con nợ của họ. Quan hệ giữa các chủ nợ và con nợ luôn gay gắt. Liệu một ngày nào đó, Washington có bị xâm chiếm bởi các kiểm soát viên và các nhân viên kế toán có nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm Trung Quốc?
4) Giới tinh hoa không thích hợp chăng? Những chu trình lịch sử là điều không thể tránh khỏi: trước tiên là những kẻ đi chinh phục tham lam và tàn bạo; sau đó là thời đại hoàng kim của những người xây dựng có khả năng thiên cảm (trong những thập kỷ 1940 và 1950, nhóm chóp bu của Những người Khôn ngoan: George C.Marshall, Dean Acheson, Averell Harriman, George F. Kennan…); sau đó là những kẻ hãnh tiến vô liêm sỉ (Richard Nixon, Henry Kissinger…), rất tự hào về cường quốc Mỹ, nhưng có ý thức về sự cho vay nặng lãi nghiệt ngã của họ; sau đó là những nhà quản lý lạnh lùng và có phương pháp, quá thông minh nhưng cũng quá uyên bác để trở nên thực sự giàu trí tưởng tượng (Al Gore); tóm lại, trong số những ông chủ cuối cùng của đế chế này, một số quyết chiếm giữ nguồn của cải cuối cùng, một số khác nhằm vào công trình đang hấp hối mặc dù biết rằng con bệnh đó, dù có thể không cứu sống được, phải dựa vào sự giàu có của họ. Liệu nước Mỹ của Barack Obama có được những tinh hoa có khả năng đảm đương ván bài địa chính trị mới của thế giới hay không? Nhiều chính khách chỉ bộc lộ khả năng đó một cách rất từ từ. Franklin D.Roosevelt, người rất có sức cuốn hút nhờ tư chất thông minh của mình, tìm kiếm mọi cách, phá hoại ngầm Hội nghị Luân Đôn (âm mưu cuối cùng nhằm cứu vớt sự hợp tác quốc tế), tuân theo tính chính thống chặt chẽ về ngân sách và chỉ tự khẳng định như là “vị tổng thống của thế giới” kể từ năm 1939 khi dần dần, một cách kiên trì, ông tiết lộ với người Mỹ ý nghĩ sâu sắc của mình: dù bạn muốn hay không, bạn vẫn phải tiến hành chiến tranh! Như vậy, phải chăng Obama, giống như Roosevelt của những năm từ 1933 đến 1938, đang trong thời gian thử thách? Nhưng không chỉ có những tư cách của các cá nhân: liệu nước Mỹ của những năm 2000 còn có sự nhiệt tình, niềm tin vào chính mình và sự ngây thơ của nước Mỹ trong những năm 1930 hay không?
Phủ nhận hay chấp nhận sự suy tàn?
Phủ nhận sự suy tàn là câu trả lời thuộc về bản năng của bất kỳ cường quốc nào đang thu mình lại. Trong thời Đế chế La Mã đang tàn, phải chịu những thất bại nặng nề cả trước những kẻ ngoại xâm lẫn trước Ba Tư của triều đại Sassanides, sự hùng biện đã được xác lập là không thể đụng đến: Hoàng đế là và chỉ có thể là người chưa từng bị đánh bại và bất khả chiến bại. Nếu không bao giờ có một hiệp ước qui định trao những khoản tiền vàng lớn hoặc những nhượng bộ về lãnh thổ cho kẻ thù, thì những quyết định này không phải do sự yếu kém của Hoàng đế này mà trái lại chúng được giải thích bằng sức mạnh tuyệt đối của ông, điều này cho phép ông tỏ ra độ lượng và trao những món quà cho đối thủ. Ngày 14/7/1939, quân đội Pháp, khi diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées, tự cho mình là quân đội hàng đầu của thế giới thêm vài tháng nữa. Sự suy tàn không còn tồn tại chừng nào thử thách của chân lý không xảy ra: đó là sự đối chiếu với thực tế.
Có cả nghìn cách rất được biết đến để quản lý sự suy tàn: tập hợp kẻ thù thông qua mọi đặc ân (kẻ dã man nào lại không cảm thấy vinh hạnh khi kết hôn với một công chúa thuộc dòng dõi cao sang?); tuyển mộ các cường quốc yếu thế dự khuyết gửi quân đội của họ chống lại kẻ thù, đổi lại những nước cộng tác này tiếp nhận những đền bù tài chính; tìm kiếm các đồng minh (nếu trong tình trạng khẩn cấp thì sẽ không ai có thể bị loại trừ!) Người đang cầm quyền không thể đành lòng ghi nhận và giải thích sự suy tàn. Ông luôn phải đề ra một lối thoát, một tương lai, một dự kiến, một điều gì đó để làm. Trong những năm 1950-1960, với việc xây dựng châu Âu, Pháp vượt qua sự biến mất của đế chế thực dân và Đức vượt qua những thảm họa trong nửa đầu của thế kỷ 20. De Gaulle đã nói: “Pháp phải xử sự như một cường quốc lớn vì họ không còn là cường quốc lớn nữa.” Trong những năm từ 1969 đến 1972, cuộc Chiến tranh Việt Nam thật uổng phí đối với Mỹ, cặp đôi Nixon-Kissinger đưa ra cuộc đối thoại với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Hai ông này biến đổi một cách tuyệt diệu thời điểm thất bại của cường quốc Mỹ thành một giai đoạn khẳng định lại huy hoàng của cường quốc này.
Liệu Chính quyền Obama có thể suy ngẫm và giải thích cấu trúc mới của thế giới hay không? Trước mắt, không có hoặc gần như không có gì gợi lên điều đó. Barack Obama đòi hỏi các đồng minh của mình phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, nhưng khi người đứng đầu nhà nước suy yếu, những người dưới quyền ông không bao giờ vội vàng thỏa mãn những yêu cầu của ông. Ở hai khu vực trọng yếu nhất đối với Mỹ, sự mơ hồ đã chiến thắng.
Trước tiên, là khu vực Trung Đông. Ở khu vực này, một sự xét lại đau lòng rất có khả năng xảy ra. Sau những sa lầy ở Iraq và Afghanistan, không một bên liên quan nào ở khu vực – từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Iran, từ Arập Xêút tới Ai Cập – có thể tin tưởng vào một cam kết nặng nề về quân sự của Mỹ. Chẳng còn điều gì gợi lên sự thám hiểm và sự ngờ vực hơn một nhà bảo trợ chỉ có thể tin được một nửa. Nhưng liệu Chính quyền Obama có thể chấp nhận rằng Mỹ không che đậy và sẽ không bao giờ gây chiến để ngăn cản Teheran đạt được các vũ khí hạt nhân hay không? Liệu Chính quyền Obama có sự táo bạo, ý chí và khả năng để tổ chức một ván bài mới ở Trung Đông – một ván bài trong đó sự bảo trợ của Mỹ có thể được thay thế bằng sự trở lại của “hệ thống cân bằng”, “những nước lớn” ở Trung Đông được thúc giục để triệt tiêu lẫn nhau dưới sự giám sát ngày càng mang tính tượng trưng của Washington?
Sau đó, là châu Á-Thái Bình Dương. Theo quan điểm của một nhà địa chính trị giàu kinh nghiệm, một sự quản lý chung Washington-Bắc Kinh được coi là thể thức rõ ràng nhất của tương lai để quản lý khu vực Thái Bình Dương rộng lớn và bờ biển châu Á. Nhưng thế giới của những năm 2000 không phải là thế giới của thế kỷ 19, cũng không phải là thế giới của cuộc Chiến tranh Lạnh. Một cuộc chơi tay đôi liệu có thể được chấp nhận đối với tất cả những “người khổng lồ nhỏ bé” (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…) buộc phải lùi lại vị trí của những khán giả khâm phục hay không? Thêm vào đó, một sự quản lý chung là không ổn định về mặt cơ cấu. Mỗi nước trong số hai nước chủ chốt đều khát khao được “bình đẳng” hơn nước kia. Những nước khác, những “nước nhỏ”, kẹp giữa hai “nước lớn”, tất yếu cảm thấy lo ngại. Họ đang tìm cách tránh những điều bất lợi và lợi dụng sự chia rẽ của những gã khổng lồ. Sự song quyền Washington-Bắc Kinh chỉ có thể trở thành một tiến trình tỉ mỉ, đa dạng, lâu dài, phức tạp và được kiểm soát chặt chẽ. Trước mắt, những tấm biển báo: “Chú ý, công trường phía trước” thậm chí còn không được dựng lên!
Sau Mỹ có phải là Trung Quốc?
Sau Tây Ban Nha của Charles-Quint và Philippe II là Hà Lan của những kho giữ hàng ở Amsterdam. Sau Hà Lan là nước Anh, bà chủ của các đại dương. Sau nước Anh là Mỹ. Và sau Mỹ có thể là…Trung Quốc.
Sự tăng cường của quá trình toàn cầu hóa được ghi nhận trong vòng những thập kỷ gần đây có thể làm xuất hiện một cường quốc đế chế tối cao. Cường quốc này, nối tiếp Mỹ, có thể hoàn thành điều mà Mỹ đã bắt đầu: thiết lập một quyền cai trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong một tương lai có thể dự kiến, Mỹ sẽ không có nước nào thay thế. Nước thay thế phải thỏa mãn 3 điều kiện mà Mỹ đã thỏa mãn một cách chính xác.
- Một sự kết hợp giữa những quân chủ bài, những thành công, những thắng lợi có thể biến nước thay thế đó thành cường quốc mới không thể khác được. Mỹ đã leo lên vị trí hàng đầu bằng những tư chất trời phú cũng như bằng những hành động của họ. Hiện nay, không một cường quốc nào có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn tương đương. Trung Quốc có thể trở thành quốc gia lâu đời nhất trên thế giới; dân số Trung Quốc vẫn đông nhất… Nhưng xét về mặt uy tín, Trung Quốc không có những thắng lợi ở quy mô toàn cầu; họ đã không làm đổi mới được thế giới; mức tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng mạnh của họ không đủ để nâng họ lên thành nước khổng lồ về địa chính trị. Cho đến nay, chiến tranh sẽ trở lại khi chỉ định kẻ, sau thắng lợi của họ, chịu trách nhiệm cho ra đời trật tự tương lai. May sao, một cuộc xung đột tương tự với hai cuộc chiến tranh thế giới dường như bị loại trừ, các nước đều biết rằng cái giá phải trả có thể quá lớn. Vậy thì điều gì có thể trở thành thử thách thật sự sẽ lựa chọn ông chủ mới của hành tinh?
- Một vị trí trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu. Sức mạnh tối cao, ít ra cũng kể từ khi có những phát minh vĩ đại, đòi hỏi nằm ở trung tâm của những mạng lưới tạo ra của cải: Amsterdam vào thế kỷ 17, Luân Đôn từ thế kỷ 18 đến Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, New York kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới. Phải chăng thủ đô sắp tới sẽ là Bắc Kinh – hay, đúng hơn là Thượng Hải, trung tâm tài chính mới của thế giới? Hẳn là giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng họ có khả năng nhận lời thách thức này. Triển vọng đó không thể bị loại trừ. Nó đòi hỏi Trung Quốc phải có một sự lao động kiên trì sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Hơn nữa, Trung Quốc lại đang giữ một con bài quyết định: cộng đồng Hoa Kiều ở nước ngoài. Trở ngại lớn hơn đến từ thế giới giống như trong những năm 2000: các nguồn của cải tăng lên và có ở khắp nơi; những người điều hành ước tính tới con số hàng tỷ; cuộc cạnh tranh xung quanh những nguồn của cải này thật ác liệt và hỗn độn. Bất cứ trung tâm mới xuất hiện nào cũng chỉ có thể gây ra một sự cạnh tranh hết sức mãnh liệt nhằm chặn đứng sự phát triển của nó.
- Một thông điệp toàn cầu. Kể từ khi đang được thai nghén, trước cả khi giành được độc lập, Mỹ đã tự cho mình là một phòng thí nghiệm của nhân loại. Thông qua thuyết ý chí của họ, Mỹ đã cụ thể hóa ý tưởng về một mảnh đất dân chủ. Và Trung Quốc, thuộc về thuyết phổ độ nào? Đạo Khổng chăng? Kể từ khi xuất hiện vào thế kỷ thứ 6, nó đã tồn tại trong tâm hồn Trung Quốc. Liệu đạo Khổng có thể được toàn cầu hóa, được xuất khẩu tới tất cả các khu vực không có người Trung Quốc trên thế giới hay không? Trong những năm 1990, một đạo Khổng hiện đại, với thuật ngữ “những giá trị châu Á”, trở thành ngọn cờ của phong trào phục hưng châu Á. Những người phát ngôn chủ yếu của đạo này chính là người sáng lập của Singapore, Lý Quang Diệu và Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mohamad Mahathir. Để vượt qua phương Tây, châu Á phải phát triển một chủ nghĩa tư bản đặc thù, “mang tính hữu cơ”, tất cả các nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế và xã hội hội nhập trong một cơ cấu duy nhất, cha mẹ và con cái, ông chủ và công nhân cùng hoàn thiện trong sự hài hòa của những cân bằng vĩnh cửu. Những giá trị này gợi lại chủ nghĩa tư bản sông Ranh trong đó các nhà công nghiệp và chủ ngân hàng có một cuộc hôn phối vĩnh cửu và tất nhiên là hạnh phúc. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở châu Á vào cuối những năm 1990 đã biểu lộ một bức tranh hoàn toàn khác: với những “sự hài hòa tuyệt vời”, người ta đặc biệt chứng kiến những sự đoàn kết đã được thiết lập – của các gia đình và tổ chức mafia… – thù địch với bất kỳ sự thay đổi nào.
Một kết cục tốt đẹp chăng?
Không còn là cường quốc số một nữa! Liệu Mỹ có thể chấp nhận điều đó hay không, trong khi họ vẫn luôn là nước đứng hàng đầu? Liệu cường quốc lớn nhất thế giới có thể đạt tới sự khôn ngoan và khiêm tốn? Như Cincinnatus, vị tướng-dân thường người, sau khi đánh bại những kẻ thù của thành Roma, đã trở lại với đồng ruộng, liệu Mỹ, với sứ mệnh đã hoàn thành, có sẽ trở lại với số phận chung để trở thành một quốc gia trong số các quốc gia khác hay không? Giống như MacArthur đã nói về những người lính vĩ đại, những cường quốc ngoại lệ, cũng vậy, họ không biến mất mà tan biến trong sự vĩnh cửu. Dù sao, trở thành một trong số những cường quốc khác, chẳng phải đó là dự định của Mỹ ngay từ năm 1945, khi họ tổ chức hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc tại San Francisco đó sao?
Bất kỳ một cường quốc số một nào đều biết rằng đến một ngày nào đó, họ tất không còn là như vậy nữa. Một nhà vô địch có thể ra khỏi trường đấu hoặc về hưu khi anh ta có cảm giác không còn là người giỏi nhất nữa. Một cường quốc thì không có sự lựa chọn này.
Một ngày nào đó, liệu một tổng thống có can đảm và những lời lẽ cho phép nghĩ và giải thích về sự giáng cấp không thể tránh khỏi này không? Roosevelt , với tài thuyết phục của mình, đã phải mất nhiều năm tháng để làm cho dân tộc Mỹ chấp nhận rằng họ phải gây chiến. Vả lại, ông có may mắn được kẻ thù giúp đỡ (sự tấn công bất ngờ ở Trân Châu Cảng). Liệu Barack Obama có thể trở thành vị tổng thống nhận thức được về một thế giới hậu nước Mỹ hay không? Cho đến nay, chưa có điều gì gợi ra điều đó.

Bí mật sự khác biệt giữa hai giới tính

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=214685

Bí mật sự khác biệt giữa hai giới tính

Sự khác biệt của hai giới không chỉ gây tò mò đối với mỗi người, mà từ lâu, nó đã trở thành đề tài thu hút đối với giới khoa học. Vì sao phụ nữ không thể đọc được bản đồ, vì sao nam giới không thể cùng lúc thực hiện được nhiều động tác, vì sao các bé gái thích chơi với búp bê, trong khi các bé trai thích súng hơn... chính là câu hỏi lớn mà khoa học đang dần khám phá.


Bí mật sự khác biệt giữa hai giới tính
ảnh minh họa

Lý giải cho sự khác biệt

Nam giới theo bản năng tự nhiên của mình luôn thể hiện sự phân tích và tính cạnh tranh nhiều hơn, trong khi đó phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và thiên về sự chăm chút tỉ mỉ cho những người xung quanh. Có nhiều giả thuyết và lý giải khác nhau cho sự khác biệt độc đáo này. Theo tiến sĩ người Mỹ Cordelia Fine, đồng thời là tác giả cuốn Ảo giác về giới tính (Delusions of gender), sự khác biệt giữa hai giới không chỉ xuất phát từ cấu tạo tự nhiên khác nhau của não hay sứ mệnh sinh học của mỗi giới mà còn là do yếu tố tác động của xã hội và môi trường sống.

Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của khoa học, sự khác biệt chủ yếu là do sự khác biệt trong cấu tạo của não bộ của nam giới và phụ nữ. Trong khi các hoạt động của nam giới phần lớn do não phải chi phối, thì ở phụ nữ các hoạt động này lại chủ yếu được kiểm soát bởi bán cầu não trái.

Đặc điểm đặc trưng của não bộ ở nam giới khiến cho hoạt động của não bộ phần lớn thiên về lý giải một cách tập trung và xây dựng mọi thứ một cách hệ thống. Trong khi đó hoạt động não bộ của phụ nữ phần lớn lại thiên về hoạt động cảm xúc. Các nghiên cứu mới nhất về tâm lý học và khoa học thần kinh cũng chỉ ra rằng, chính cấu tạo phức tạp của não bộ dẫn tới nhiều vấn đề, trong đó có sự khác nhau giữa đặc điểm, khả năng của nam giới và phụ nữ, đây là kết quả của một quá trình tiến hoá lâu dài của loài người.

Kích thước não bộ của nam giới trung bình lớn hơn phụ nữ khoảng 8%. Một nhóm các tế bào trong vùng não điều khiển thân nhiệt, đói, khát... có tên khoa học là hypothalamus ở nam giới có kích thước và số lượng lớn hơn ở nữ giới.

Ngoài ra, do tác động của yếu tố hormon giới tính tự nhiên, các tác động của các hoạt động xã hội và môi trường sống, các phản ứng và biểu hiện bên ngoài của phụ nữ và nam giới đương nhiên có những khác biệt.

Một số khác biệt do não kiểm soát

Đối với các hoạt động mang tính kết hợp nhiều thao tác cần sự tỉ mỉ và khéo léo, phụ nữ luôn thực hiện tốt hơn rất nhiều so với nam giới. Nghiên cứu của chuyên gia tâm lý học Keith Laws tại Trường đại học Herfordshire - Anh, đã chứng minh rằng: khu vực não kiểm soát việc thực hiện đồng thời nhiều thao tác ở phụ nữ hoạt động tích cực hơn nhiều so với nam giới.

Khả năng phân tích tập trung và hiểu được thông tin của nam giới và phụ nữ có những điểm khác biệt cơ bản, điều này thể hiện rất rõ khi nghiên cứu một bản đồ. Não của người đàn ông có thể tập trung một cách cao độ và rất nhạy, đặc biệt trong hoạt động xử lý các vấn đề rắc rối.

Kết quả một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal Neuroimage tại Anh đã cho biết: trong một thử nghiệm chỉ số thông minh, não nam giới có thể huy động và sử dụng lượng chất xám tại vùng não tư duy cao gấp 6,5 lần so với não của phụ nữ trong khi giải quyết các vấn đề phức tạp. Trong khi đó ở phụ nữ, hoạt động của vùng não trắng - white matter lại tích cực hơn. Đây là vùng não chủ yếu kiểm soát cảm xúc và khả năng làm nhiều việc trong cùng lúc.

Tỷ lệ phạm tội và vấn đề giới tính: Nhiều người thường nghĩ rằng: nam giới với bản tính cạnh tranh và hiếu chiến hơn hẳn có tỉ lệ phạm tội cao hơn phụ nữ. Song theo số liệu thống kê được đăng trên tạp chí tâm lý của Tây Ban Nha (Spanish Journal of Psychology) cho thấy: nữ ở tuổi vị thành niên và phụ nữ tuổi từ 25 - 33 tuổi có tỉ lệ phạm tội cao hơn nam giới. Phần lớn các trường hợp phạm tội ở nữ giới có liên quan đến tình trạng cảm xúc thái quá và các vấn đề mất kiểm soát cảm xúc ở phụ nữ.



Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=214685#ixzz11GzTFMJF
Đăng rao vặt mua bán free

ngổn ngang vui buồn

http://chungdokwan.wordpress.com/2010/09/28/ng%E1%BB%95n-ngang-vui-bu%E1%BB%93n/

Trong những ngày này,ngổn ngang vui buồn tôi bỗng tự hỏi

-tại sao người Việt không bài Tây ,bài Mỹ mà bài Tàu đến thế.từ trong tiềm thức?

Cả ngàn năm Bắc thuộc.người Tàu [ Trung Quốc] chỉ có đồng hóa mà không bao giờ khai hóa..người Tàu đốt sách từ thời Tô Định.xóa bỏ phong tục tập quán ,bắt theo phong tục của họ.gọi dân tộc phía Nam Thái Bình Dương tất thảy là “Nam Man” mọi rợ cả.

-người Việt nói riêng chống lại không phải văn hóa Trung Quốc mà là chống lại sự ngạo mạn của trung quốc. coi dân tộc khác là man di tất thảy.chính sách,cái nhìn đó chưa từng khác đi đến tận hôm nay

Trung Quốc không khai hóa.kẻ khai hóa chúng ta lại là kẻ thực dân chúng ta.người Pháp vẫn dạy học ,mở trường.phong trào Đông Du không từ Trung Quốc.chống lại người Pháp không ai khác chính là những người hấp thu nền Tây học: Phan Chu Trinh,Võ An Ninh,Nguyễn Ái Quốc,Phạm văn Đồng,Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp….

Viễn Đông bác cổ.Mỹ Thuật Đông Dương v v…từ người Pháp.những ngôi trường của cái nôi của trí thức Việt nam.ông Năm Yersin.nhà bác học,ngườikhám phá,hình thành Đà Lạt.người mà người dân Nha Trang nói riêng .người Việt nói chung yêu mến,biết ơn đến mức thần thoại hóa : khi sóng thần tràn vào,ông Năm chỉ cần chỉ một ngón tay là đẩy lui thảm họa.[ truyền khẩu dân gian]

Khai hóa ,mang chữ và văn minh đến cho người Việt để chính người Việt hiểu ra mình là kẻ bị trị.cầm súng đứng lên đánh đuổi chính kẻ khai hóa lẫn kẻ thực dân nước mình.chỉ có thể là người Pháp.không bao giờ là Trung Quốc- kẻ chỉ muốn đồng hóa,ngu dân.học hành ,thi cử ,đỗ đạt kiểu Trung Quốc mục đích cuối cùng chỉ để làm quan.không phải để hiểu thân phận kẻ bị trị.

Tôi nhớ Ca Khúc Da Vàng [Trịnh Công Sơn] một thời bị qui kết đủ thứ quan điểm.nhưng hãy lắng nghe ca từ của nó “ người nô lệ da vàng…ngủ quên…ngủ quên trong căn nhà nhỏ…đèn thắp thì mờ…ngủ quên…quên nước quên non…ngủ quên…quên đã bao năm…”

Khi ý thức mình là nô lệ.

Cũng chính là thái độ của một người đã nhận thức…

…Mình không muốn,không thể làm nô lệ nữa…

Ý thức tự do khởi phát.một đất nước độc lập hình thành.

tôi hiểu vì sao tôi không bao giờ ngửi được mùi [ chính sách ] Trung Quốc hôm nay…

Và những gì phảng phất thứ mùi trong ngày kỷ niệm nghìn năm Thăng Long.kinh đô đất nước tôi.

1000 Năm Thăng Long: Tìm giải pháp Cứu Nước

http://ukdautranh.com/2010/10/1000-nam-thang-long-tim-giai-phap-cuu.html

2.10.10

1000 Năm Thăng Long: Tìm giải pháp Cứu Nước

Posted on 21:31 by ukdautranh


Trong kho tàng văn hóa Việt Nam có nhiều truyện tích đặc biệt, phần cốt truyện lại hay nhắc tới thời các Vua Hùng với nhiều chi tiết kỳ lạ nhưng vẫn được lưu truyền, và cưu mang ý tưởng dựng nước, mở nước, mất nước, cứu nước, giữ nước của tổ tiên giống dòng. Một trong những tích làm nổi bật vấn đề bán nước cầu lợi của giới quyền chức, mà chúng ta cần tìm hiểu, nhận định rõ chánh nghĩa và gian tà. Những hành động như xây thành/ lập đảng rồi xa dân; cậy bạo lực nỏ thần/ chế độ công an trị mà hành dân; cầu người ngòai Kim Quy/ Mác Lê mà quên dân… Xin hỏi thành vững/ đảng mạnh có ích chi, khi chính người con gái yêu của mình đã gả cho giặc, nàng lọt vào tay giặc, làm giặc? Và phải chăng quê hương mình cũng bán cho giặc, lãnh thổ lãnh hải đã thuộc về tay giặc, do giặc khai thác, giặc quyết định mọi việc?

Tiếp đến, đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhẫn tâm xóa tan Hồn Nước bằng cách chọn ngày Quốc Khánh của Trung Cộng để tổ chức cùng với Ngày Kỷ Niệm 1000 Năm Thăng Long, để gởi điện mừng quan thày, và dẫn đưa dân nước trở về thời kỳ “1000 Năm Đô Hộ” khi xưa: “Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 61 Quốc khánh nước CHND Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2010), ngày 29/9/2010, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng tới Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa Ngô Bang Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Ôn Gia Bảo.” Ngàn đời trước sau như một! Truyền thuyết kể rằng:

Vào thời Hùng có Triệu Đà mang quân xâm lấn nước ta. An Dương Vương xây thành phòng thủ nhưng bị xập nhiều lần, sau phải nhờ thần Kim Quy tới giúp mới xây xong Loa Thành, và Kim Quy còn tặng cái móng làm lãy nỏ, bắn một phát giết vạn địch. Thấy vậy, Triệu Đà cho con là Trọng Thủy sang cưới công chúa Mỵ Châu. Trong thời gian ở Loa Thành chàng được Mỵ Châu cho coi chiếc nỏ thần, rồi đánh tráo lãy nỏ. Lấy được nỏ thần, Trọng Thủy về nước cùng cha mang quân qua đánh Cổ Loa. Khi biết nỏ thần hết linh, An Dương Vương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn, dọc đường nàng nhổ lông ngỗng trên chiếc áo của mình đang mặc làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Thấy thế An Dương Vương rút gươm chém Mỵ Châu, máu nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai. Chiếm được Loa Thành nhưng Trọng Thủy thương nhớ vợ, rồi nhảy xuống giếng tự tử. Từ đó lấy nước giếng ấy mà rửa thì ngọc trai thành sáng đẹp hơn. (Phỏng theo Kinh Việt của Nam Thiên Nguyễn Đức Sách, nxb. Hoa Tiên Rồng, Úc Châu 1990).

I. Nhận Định Thời Cuộc

1. Ngày 19 tháng 9 năm 1954 tại Đền Hùng, HCM tuyên bố với cán binh sư đoàn Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” Lời nói ngạo nghễ, khẩu khí hào hùng, tưởng đâu ông cũng là người giữ nước, để tiếp nối truyền thống xây dựng và bảo vệ di sản của Các Vua Hùng. Nhưng chỉ vỏn vẹn năm sau, ông đã làm theo lệnh của người ngoài – Mao Trach Đông, Trung Quốc vốn là một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta – mà thực thi cải tạo ruộng đất. Ông nhẫn tâm xóa bỏ định chế làng nước, nguyên là tuyệt tác chính trị sẵn có từ thời của các Vua Hùng để lại tới nay, hệ thống làng nước, là tổ chức giữ nước hoàn chỉnh nhất, hữu hiệu nhất, thành công nhất mỗi khi có giặc xâm phạm. Làng Việt Nam là trung tâm sinh hoạt tự lập tự chủ của người dân, mà cũng là sức mạnh của dân tộc. Do đó hành động đầu tiên, HCM phản bội Các Vua Hùng.

2. Thứ đến, HCM cướp đoạt tài sản bằng cách truất phế quyền tư hữu đất đai, và làm cuộc đấu tố giết người long trời lở đất. Theo tài liệu phát thanh: Cải cách ruộng đất 50 năm trước đây tại miền Bắc của Phóng viên Nguyễn An Đài Á Châu Tự Do (RFA), Thống kê chính thức của nhà nước được đăng trong cuốn Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam Tập II cho biết là đã có 172, 008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông, là những người bị xếp vào loại kẻ thù của nhân dân, bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” nghĩa là không bị bắn tại chỗ thì cũng bị lãnh án tù rồi chết trong nhà giam… Năm 1956 cũng là năm mà ông HCM và đảng Lao động công khai lên tiếng nhận sai sót trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, rồi thực hiện một số biện pháp kỷ luật và tiến hành sửa sai. Bản thống kê chính thức cho biết là trong số 172, 008 người bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123, 266 người bị quy sai, tức là bị oan. Tính theo tỷ lệ là 71.66%. Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu tỷ lệ giữa số bị oan và nạn nhân lại cao đến như thế.

3. Ngày 14 tháng 9 năm 1958, HCM lại ra lệnh cho Phạm Văn Đồng, Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tiền thân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ký công hàm bán nước gởi Thủ tướng Chu Ân Lai, dâng những hải đảo Vạn Lý Trường Sa, Hoàng Sa… cho Trung Quốc. Công cuộc giữ nước, thay vì HCM phải bộc lộ rõ ràng trong việc bảo vệ từng tấc đất của quê hương, thì ông đã bỏ mất dần.

Bởi thế lời tuyên bố tại Đền Hùng của ông năm xưa, cần được nhận định đúng đắn nhằm làm sáng tỏ chính nghĩa dân tộc, thực ra HCM cũng không có “đủ tài đủ trí” của người làm việc nước: Tài biết tin tưởng vào dân nước, tài giúp dân sống thực truyền thống dân tộc, tài thấu hiểu nhu cầu thực tế của dân, tài cải tiến cuộc sống người dân. Do không đủ tài trí thông suốt việc nước, nên ông đã phải xử dụng thủ thuật chính trị để mị dân và mị cán bộ bằng cách nâng mình sánh với các Vua Hùng, mặt khác, ông cũng tự đặt mình ngang hàng với Đức Thánh Trần Hưng Đạo, như lời ông nói: “Bác anh hùng tôi cũng anh hùng…”

Vậy thì “anh hùng HCM” được so sánh với người cũng thuộc dòng họ Hùng (Hùng gia chi phái) là An Dương Vương. Tiểu sử An Dương Vương được Hán sử gọi là Thục Phán dòng tộc Việt, chiếu theo thần phả ở đền Cổ Loa thì ông cũng thuộc Hùng gia chi phái. Vì không làm ích cho dân, mà còn làm mất nước, cho nên An Dương Vương không được kể vào số 18 Vị Quốc Tổ mà dân tộc ta kính thờ.

Giờ đây người hùng HCM là hiện thân của vua Hùng An Dương Vương!

II. Bài Học Dân Nước

Muốn giữ nước, người dân phải giữ hồn nước, giữ dân nước, giữ sức nước. Hồn nước được giữ bằng việc mọi người biết sống thực, và phát huy truyền thống bất khuất của tiền nhân, của giống nòi. Dân nước được giữ là nhờ chính quyền biết chăm lo đời sống toàn dân, và giúp dân chia sẻ trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Sức nước được mạnh là nhờ chính quyền biết tổ chức các cơ cấu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quân sự một cách hợp thời, hữu hiệu và thích nghi. Không sức mạnh lấy gì giữ nước?

1. Mất Hồn Nước

Việc xa lìa hồn nước luôn kéo theo việc bỏ dân, hành dân, xa dân, khinh dân. Khi giới quyền chức đã tin tưởng và ỷ lại vào người ngoài, thì người dân trong nước sẽ bị khinh khi rẻ rúng, bị coi là phương tiện phục dịch cho quyền lợi riêng của nhóm cầm quyền bóc lột (nhóm đặc quyền hay nhóm duy lợi). Bất cứ thể chế nào, hễ có nhóm đặc quyền là có bất công; đặc quyền càng lâu bất công lại càng tăng. Vì tất cả mọi quyền hành, kể cả quyền tuyển chọn người đại diện trong những cuộc phổ thông đầu phiếu cũng đều nằm trong tay nhóm đặc quyền. Hơn nữa, nhóm đặc quyền lại là những kẻ làm ra luật, sửa đổi luật, áp dụng luật để cho chính họ được vững thế mà hưởng lợi, duy lợi.

An Dương Vương lìa xa hồn nước chạy theo Kim Quy!
HCM lìa xa hồn nước chạy theo Mác Lê!

Mác Lê, Kim Quy là rùa vàng ngoại nhập, tự xưng là Thanh Giang sứ giả đến từ biển đông, chớ không mang dấu tích phát xuất trong nước, hoặc dấu chỉ Vua Hùng.

2. Mất Lòng Dân

An Dương Vương quyết định xây thành. HCM quyết định lập đảng – đảng cộng sản lại là một đảng đại chúng mang tính cách hồng hơn chuyên, và cán bộ cộng sản thực hành tổ chức như đạo giáo Mac xít… nên đã khác biệt với đảng cán bộ, chính trị chuyên nghiệp như chúng ta đang thấy ở các nước dân chủ hiện hành. Chính vì quan niệm tổ chức “hồng hơn chuyên” của đảng cộng sản từ nòng cốt ra tới ngoại vi, đều hưởng lương bổng do công qũy quốc gia đài thọ, đang khi các đảng chính trị dân chủ lại chỉ có hoạt động gây quỹ thiện nguyện mà thôi.

Rồi khi xây dựng được thành vững, đảng mạnh lại tạo thêm uy thế cho nhóm người duy lợi thống trị và bóc lột nhân dân. Vậy thì sự kiện xây thành/ lập đảng đã tố cáo An Dương Vương và HCM bỏ quên trách nhiệm chăm lo cho mọi người dân trong nước, mà chỉ lo cho nhóm đặc quyền. Hai ông bỏ dân!

Tiếp đến, thành xập đổ nhiều lần/ đảng đại chúng tốn hao ngân sách. Gánh nặng ấy lại đổ xuống đầu người dân, và dân phải chịu sưu cao thuế nặng, nắng mưa dãi dầu, gia đình ly tán, vợ con nheo nhóc. Hai ông hành dân!

3. Mất Sức Dân

Khi xây xong thành, An Dương Vương đã thực sự xa cách dân để hưởng thụ cuộc sống xa hoa – Cũng như sau chiến thắng Điện Biên, hay Tháng Tư Đen 1975, HCM cũng như nhóm người hậu duệ của ông đã sống vương giả và không còn gần gũi với dân chúng... Nếu trước kia, các Vua Hùng luôn sống với dân, hưởng với dân, và lo với dân, thì nay, các ông rút mình vào trong vỏ ốc Loa Thành, tức ốc đảo/ ốc đảng. Đối với dân chúng, các ông đã xem họ như đám nô lệ phục dịch cho các ông. Và so sánh với các nước Đông Nam Á, thì Việt Nam chỉ còn là mảnh đất để khai thác với số công nhân rẻ mạt, với lớp người duy lợi lãnh đạo sẵn sàng bán bất cứ thứ gì để vơ vét và mang tiền ra nước ngoài, chờ ngày đào thoát như An Dương Vương khi xưa. Các ông khinh dân!

Lại thêm thành vững/ đảng mạnh làm cho các ông xa dân hơn. Vì mọi người ngoài thành/ ngoài đảng đều nằm trong tầm kiềm tỏa, đàn áp, sát hại của nỏ thần/ hoặc chế độ công an trị, là di sản chất chứa những xảo thuật gian manh, ác độc, bạo hành của Kim Quy, Lenine, Staline, Mao Trạch Đông mà An Dương Vương và HCM du nhập vào Việt Nam đã làm cho dân chúng oán ghét. Các ông xa dân!

4. Mất Đất Nước

Từ chỗ đối xử với dân như giặc, An Dương Vương đem Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của giặc. Với việc xui gia giữa hai dòng vua, An Dương Vương đã tạo ra giai cấp đặc quyền. Ông muốn từ nay gia đình ông phải thành một dòng họ đặc biệt, không còn liên hệ với người dân. Ông hoàn toàn tách rời dân, tách rời truyền thống văn hóa đồng bào. Thế là An Dương Vương đã rước giặc vào cung. Ông hủy bỏ công dụng của Loa Thành, và bỏ quên những người trong thành.

Đất nước tồn tại hôm nay là do Tổ Tiên dày công xây dựng và truyền lại sản nghiệp chung cho toàn dân, chớ không phải là của riêng cho nhóm đặc quyền nào, dù là tư bản hay cộng sản, mà chúng ngang nhiên ăn cướp ruộng đất người dân để biến thành sân chơi, hay làm nơi giải trí cho tập đoàn công ty xí nghiệp nước ngoài. Tham nhũng và chiếm đoạt đất đai của các tôn giáo như nhà thờ, chùa miếu, nghĩa địa… và nhất là tội chúng đã lén lút bán đất, bán biển, bán đảo cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Bauxite Tây Nguyên, rừng trồng cây nguyên liệu ở các tỉnh miền Bắc, các hãng xưởng công ty xí nghiệp khắp nơi trải dài từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau… đã bán cho giặc, hoặc cho giặc thuê mướn khai thác. Tất cả đã nằm gọn trong tay giặc, và do giặc định đoạt số phận dân nước. Các ông có còn gì nữa đâu để mà giữ, mà mất?

Tóm lại, bài học dân nước thực thấm thía. Bỏ trách nhiệm chăm sóc dân, các ông dựa vào thành vững đảng mạnh, dựa vào bạo lực nỏ thần, dựa vào chế độ công an trị, thì việc giữ nước chỉ là để các ông thi thố những thủ đoạn tranh đoạt quyền lợi với nhau, và người dân trở thành mục tiêu đàn áp, bạo hành của các ông. Các ông đang muốn giữ nước mà lại trở thành cướp nước!

III. Ảo Tưởng Giữ Nước

An Dương Vương và HCM đều có chung ảo tưởng là mình còn đang giữ nước, đang thực hiện công cuộc cách mạng chuyên chính vô sản, mà người xưa lạc hậu, không thể làm được cho nên các ông mới dám sánh mình với các Vua Hùng? Nhưng hai ông lầm to, Tổ Tiên ta còn giỏi hơn, tinh tế hơn các ông rất nhiều. Bởi vì Các Ngài đã từng đánh thắng những loại giặc mạnh nhất, dữ nhất trong lịch sử. Thứ đến, các ông lại lầm tưởng “bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước” như An Dương Vương và HCM, để hoàn thành việc nước một cách tuyệt hảo? Nhưng sở dĩ hiện nay đất nước còn yên lành, là vì giặc chưa muốn chiếm, hoặc không cần chiếm về phương diện quân sự như ngày xưa, mà giặc đang chiếm về phương diện kinh tế như trong thời nay. Công chúa Mỵ Châu đã gả cho Trọng Thủy con giặc, thì nàng đã thuộc về giặc, và nàng thành ra người của giặc. Tất cả đã là của giặc!

1. Nhận Hồn Giặc

a. Đã xa lìa nếp sống người dân, đã chỉ cậy nhờ vào người ngoài, An Dương Vương lại đem công chúa Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy. Mỵ Châu là biểu tượng của tinh thần Việt. Trọng Thủy là con của giặc Triệu Đà Bắc Thuộc. Đang khi hắn là một tên xâm lăng khiến An Dương Vương phải xây thành chống cự. Trọng Thủy bỗng ngang nhiên được bước vào tung hoành tận thâm cung bí sử của Loa Thành. Đang là một tên giặc nguy hiểm, Trọng Thủy trở thành người đầu gối tay ấp với nàng tiên Việt Mỵ Châu. Từ chỗ tùy thuộc vào người ngoài, vua Hùng An Dương Vương bước sang giai đoạn rước giặc vào nhà, và nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng cho tâm hồn Việt, cũng đã nhận giặc làm chồng mà ôm ấp giặc.

b. Tương tự, người hùng HCM cũng khẩn khỏan cầu xin Mao Trạch Đông cử những đoàn cố vấn sang giúp Việt Nam giúp ông lập đảng và tạo dựng sự nghiệp cho nhóm đặc quyền. Năm 1950, sau khi tiến chiến Hoa Lục Mao chủ tịch đã cử hai tướng Trần Canh và Vi Quốc Thanh sang Việt Nam điều nghiên địa hình và chiến trường, có nghĩa là nước ta bị lọt vào vòng cương tỏa của Trung Quốc ngay từ ngày ấy. Năm 1951 – 1952, Mao Trạch Đông lại cử đại sứ Lã Quý Ba làm tổng cố vấn, với các cố vấn quân sự Vi Quốc Hân, cố vấn cải cách ruộng đất Triểu Hiểu Quang nguyên phó bí thư tỉnh ủy Quảng Tây… và nhiều cố vấn đoàn đông người ồ ạt sang huấn luyện đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Mọi người đã thành học trò của giặc! Mọi sự đều do giặc cố vấn!

Cũng thế, cớ sự lấy chồng là giặc/ bán đất bán biển đã rõ ràng như vậy, Mỵ Châu và đám hậu duệ của HCM vẫn chưa cho là đủ, mà còn tiến thêm bước nữa. Nàng yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa cả nỏ thần, vũ khí quan trọng tối mật của quốc gia, cho chàng coi. Tuy không hoàn hảo, nhưng đất nước tạm thời yên ổn là nhờ thành vững và nỏ thần. Thế mà cha con An Dương Vương, cũng như HCM đã rước giặc vào nhà và để cho giặc phá lũng thành, giờ đây, còn làm theo ý giặc là trao cho giặc luôn cả nỏ thần. Mỵ Châu đã coi ý giặc hơn cả sự an toàn của dân nước. Nàng đã yêu quý giặc hơn cả đồng bào quê hương mình, với 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.” Thế thì còn gì là nước, là dân?

2. Theo Ý Giặc

a. Khi Loa Thành thất thủ, và trên lưng ngựa cùng cha chạy trốn, Mỵ Châu còn nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo của mình đang mặc, tung xuống làm dấu chỉ đường cho Trọng Thủy tìm theo. Thực là chua chát, nàng Tiên đã hoàn toàn quên mình vì giặc! Giờ đây, nàng chỉ còn chiếc áo lông ngỗng, là hình ảnh cuối cùng của Tiên, mà nàng cũng nhẫn tâm rứt bỏ vì giặc, cho giặc!

Còn hình ảnh nào phũ phàng hơn, đau buồn hơn hành động của những kẻ lại mang chính máu huyết, chính hình hài của các Vua Hùng dựng nước, mà làm phương tiện lót đường cho giặc xâm lăng cướp nước? Như “bác cháu ta” An Dương Vương và HCM đã làm.

b. Lông đã nhổ, lớp áo tiên mỏng manh bên ngoài cũng đã nhổ, tinh thần Việt đã cạn, hồn nước đã mất thì Mỵ Châu, An Dương Vương cho tới HCM cũng phải gục chết. Lâu nay tuy tâm hồn đã đổi thay, nhưng các người vẫn còn mang mặc chiếc áo Tiên/ tinh thần dân tộc. Mỵ Châu là Tiên, là biểu tượng cho tinh thần, cho ý thức văn hóa trong việc Giữ Nước. Nay mất Tiên thì mất Nước! Giờ đây các người đã lộ nguyên hình là giặc!

Nhưng mất theo nàng, theo An Dương Vương, theo HCM, theo đám Cộng Sản hậu duệ lại là mất theo cả một đất nước, một dân tộc, lịch sử giống dòng. Quả thật là chua chát và đắng cay!

VI. Diễn Tiến Mất Nước

Trong truyền thuyết mất nước, tuy liệt kê nhiều nhân vật đã góp phần làm mất nước, nhưng mọi việc đều quy về cho An Dương Vương và HCM. Hai ông phải chịu trách nhiệm về sự việc làm mất nước, đã rước giặc về nhà, giúp cho giặc và tạo cho giặc mọi điều kiện để giặc đặt ách nô lệ lên đầu người dân. Trước diễn tiến mất nước, mọi sự kiện làm mất nước được thể hiện qua những giai đoạn cầu lợi, mà các ông đã quên những nhân tố Giữ Nước của mình:

1. Thân Phận Là Người

Từ chỗ không chăm lo cho cuộc sống an thịnh của dân nước, các ông để lộ tham vọng lẫn ảo tưởng giữ nước mình, bằng cách muốn hóa thân thành thánh thần siêu nhân/ cha già dân tộc buộc toàn dân suy phục tôn kính. An Dương Vương và HCM bỏ nguyên tắc nền tảng đầu tiên của Người Làm Việc Nước, là phải luôn xác tín Thân Phận Là Người. Khi quan tâm tới việc thờ kính Tổ Tiên, người trị nước luôn nhớ rằng mình không phải là chúa tể tối cao, vì cùng với ông, và trên ông, còn có những vị khuất mặt: Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi. Các vị khuất mặt ấy đã luôn luôn giám sát ông, xét đoán ông, khen thưởng hay trách phạt ông.

Chính cái nền tảng tinh hoa của văn hóa Việt, đã giúp cho Người Làm Việc Nước luôn nhớ tới thân phận Con Người của mình, nhờ đó, mà họ tránh được sự tự kiêu quá đáng và thoát khỏi ảo tưởng độc tôn, độc tài.

2. Mang Nặng Trách Nhiệm

Từ chỗ tự phong xem mình là cha già dân tộc, là “bác hồ” muôn năm hay là thần thánh siêu nhân thì An Dương Vương và HCM cũng bắt đầu khinh dân, xa dân, biến dân thành nô lệ phục vụ cho tham vọng của nhóm đặc quyền. Các ông đã bỏ nguyên tắc thứ hai của Người Làm Việc Nước, là Mang Nặng Trách Nhiệm. Thay vì cùng với toàn dân chia sẻ gánh nặng giữ nước, thì các ông lại dùng bạo lực ốc đảng/ nỏ thần, dùng chế độ công an trị mà uy hiếp và chiếm đoạt ruộng đất tài sản của dân nghèo, tham ô nhũng nhiễu, hối mại quyền thế, mãi quốc cầu vinh.

Đang khi văn hóa Việt, chẳng những nhấn mạnh tới điều kiện của người lãnh đạo đất nước, là phải nhận thực thân phận Con Người của mình, việc thờ kính Tổ Tiên lại đang nhắc nhở tới công ơn dựng nước của tiền nhân giống dòng. Đất nước hôm nay không phải do một người, một dòng họ, một nhóm người, hay đảng phái nào gầy dựng, mà là công lao xương máu của cả một dân tộc trải qua bao trăm đời liên tục.

Nhờ việc thờ kính Tổ Tiên mà người làm việc nước luôn ghi nhớ sự đóng góp của mọi người, và ý thức sứ mạng cùng với toàn dân nối tiếp, phát huy sự nghiệp của các Vua Hùng. Bởi thế lãnh đạo là người mang nặng: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm, chớ không để thao túng quyền chức hay vui chơi hưởng thụ.

3. Đủ Tài Đủ Trí

Từ chỗ coi dân như một lũ nô lệ, luôn cúi đầu khuất phục các ông. Thế là đối với dân nước, An Dương Vương và HCM không còn là người làm việc nước để giữ nước, mà đã thành những tên cướp nước. Các ông đã bỏ nguyên tắc thứ ba của Người Làm Việc Nước, là phải có Đủ Tài Đủ Trí trong việc vận dụng và tìm ra những phương thức, những luật lệ giúp mọi người dân trong nước biết san sẻ tài năng và của cải cho nhau, giúp nhau thăng tiến.

Do đó, người lãnh đạo tuyệt hảo là người có đủ tài đủ trí để cùng với toàn dân chia sẻ cuộc sống, để mọi người trong nước đều chung phần trách nhiệm giữ nước. Tuy ở tầm độ khác nhau, nhưng mọi chức vụ đều là trách nhiệm.

4. Phương Thức Giữ Nước

Trải qua bao ngàn năm dựng nước, giữ nước của Tổ Tiên, làng là đơn vị kinh tế vừa là đơn vị quốc phòng, là cơ sở sản xuất vừa là tiền đồn chống giặc, là cái nôi bảo bọc giúp mọi người no cơm ấm áo, thăng tiến cuộc sống toàn vẹn. Định chế làng nước đã trở thành tuyệt tác chính trị vô song, giữ nước hoàn chỉnh nhất, giữ nước hữu hiệu nhất, giữ nước thành công nhất mỗi khi có giặc xâm phạm. Ngay từ thời nhà Đinh và tiền Lê tới nay, vấn đề ruộng đất ở nước ta đã được mọi người thừa nhận là của công, của chung, của vua. Và theo chính sách “công điền công thổ và chia đất định kỳ,” vua có quyền sở hữu quân điền, nhưng trao cho làng cái quyền hưởng dụng để quân cấp cho toàn dân.

Thực tế, ruộng đất do dân cày cấy lâu ngày sẽ thành của riêng, tư điền. Và dân có quyền mua bán, đổi chác, kế thừa… rồi sẽ thành lãnh địa như các lãnh chúa bóc lột tá điền nô lệ trong các xã hội bất công khác. Bởi thế, sống trong xã hội đồng bào, xã hội Bọc Mẹ Trăm Con, và để giúp cho toàn dân có cơ hội an cư lạc nghiệp, triều đình ta đã luôn cải cách ruộng đất nhằm chia đều cho mọi người cùng hưởng – như trong sách Espuis Des Lois, Montesquieu nhận định, “Trong một nền dân chủ tốt chia đều đất đai chưa đủ, mà cần phải chia nhỏ ruộng đất cho mọi người...” Thật là đúng đắn, trong xã hội dân chủ Việt, vua đã trao cho làng giữ và cấm bán, trừ trường hợp ngọai lệ có thể cầm cố trong 3 năm, hết hạn giao nộp để làng quân cấp cho tráng đinh mới. Công điền công thổ và chia đất định kỳ của Việt Nam được gọi là phép quân điền (đất vua), khác biệt với tĩnh điền của Trung Quốc, mà có người lầm tưởng.

Theo truyền thuyết, nhà Thương chia ruộng cho thị tộc mạnh ai nấy hưởng, nhưng tới nhà Chu áp dụng phép tĩnh điền, là chia đất ra thành 9 khu hình chữ tĩnh, khu giữa là công điền và 8 khu kia chia cho thị tộc canh tác, nộp hoa lợi cho vua. Đời Xuân Thu, tướng nhà Tần, Thượng Ưởng bãi bỏ phép tĩnh điền và cho quyền tự do khai thác trở lại như thời nhà Thương, và chỉ nộp địa tô. Họ áp dụng chính sách này, gọi là trung ương tập quyền, tức quân chủ chuyên chế và bãi bỏ phép tĩnh điền, truất phế các lãnh chúa thị tộc đã từng khuynh đảo nền chính trị Đại Hán thời bấy giờ. Bởi thế họ khác biệt với định chế làng nước ta, cho nên xã hội Trung Quốc sinh ra quái thai bất công, ác thú đấu tranh, mạnh thắng yếu thua.

a. Chung Hưởng Lợi Ích

Công điền công thổ và chia đất định kỳ, thì việc cải cách ruộng đất là hữu sản hoá để toàn dân có cơ hội phát triển đời sống kinh tế của từng người, bắt đầu từ mảnh đất mà dân làm chủ (tư hữu). Thời nhà Trần, Lê Quý Ly đề xướng phép hạn điền, người có trên 10 mẫu nộp cho vua làm quân điền. Quân cấp cho dân, làng giữ lại số ruộng làm công quỹ như:

- Bút điền, ruộng dùng trong việc chi phí bút nghiên giấy tờ hộ tịch.
- Trợ sưu điền, ruộng được trích ra cho người nghèo giúp họ đóng thuế đinh.
- Học điền, ruộng để hội tư văn dùng thuê thày dạy học cho dân trong làng.
- Cô nhi quả phụ điền, ruộng dành để giúp cho trẻ mồ côi/ già góa phụ nghèo khổ.
- v.v…

b. Tự Ý Quy Tụ

Đặc tính nền tảng của làng, là dân tự ý tới ở và quy tụ thành làng. Tuy cách khởi lập làng có khác nhau, nhưng điều kiện dựng làng vẫn là lợi ích và tự quyết của những người quy tụ, không ai buộc ai. Làng được thành lập không chỉ vì lợi ích vật chất, biến những nơi khô cằn sỏi đá hoang vu thành miền đất trù phú phì nhiêu, mà còn mang mặc nhiều lợi ích tinh thần. Làng giúp dân thoát nạn bơ vơ không nơi nương tựa, giúp dân có cuộc sống ấm no an lành trong một xã hội đồng bào.

Nếu chỉ để thu tích của cải, hay lợi lộc vật chất, thì dù người ta sống dưới bất cứ chính thể nào, tư bản/ hay cộng sản đã không giúp ích gì vậy, vì đã biến dân thành lớp nô lệ, hay những con vật kinh tế. Bởi thế tụ họp thành làng, mọi người chia sẻ cảnh sống vui buồn có nhau, giúp nhau vượt thắng khó khăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cùng nhau xây đắp cho đời, cho làng, cho nước mỗi ngày một tăng tiến giầu đẹp. Trái lại, cũng không có ai bị buộc phải cư trú tại một nơi nhất định, mà người ta có thể tùy theo sở thích, đến ở hay bỏ đi, miễn sao chấp nhận lệ làng được lập thành văn. Hương ước/ hay khoán ước là bản ghi lệ làng, tức hiến pháp làng ấn định hệ thống tổ chức hành chánh, luật lệ, thưởng phạt, phân chia ruộng đất canh tác, thuế khóa. Cũng từ đó luật pháp của nước là thành tập hợp hương ước của các làng. Hội Nghị Diên Hồng đã mang được hình ảnh của các lệ làng ra ứng dụng ở cấp nước, do đó dân tộc ta đã thành công trong việc cứu nước và mở nước như trong giai đoạn của thời nhà Nguyễn sau này.

Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia, quyền hạn vua quan ta không can thiệp vào đời sống dân và cũng không xâm phạm vào sinh hoạt làng. Đối với triều đình, mỗi làng là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền; việc làng do dân làng tự quyết. Làng tự lập và có ban quản trị riêng do dân bầu, và điều lệ riêng cho hệ thống hành chánh làng. Làng có ngôi đình thờ vị thành hoàng riêng với nghi thức nghi lễ riêng. Làng có tổ chức trị an riêng, với tiêu chuẩn thưởng phạt riêng. Dĩ nhiên làng có tài sản riêng và có quyền xử dụng ngân sách theo nhu cầu. Trong phạm vi làng, phép vua thua lệ làng, bởi thế không một chế độ nào trực tiếp do dân, của dân và vì dân hơn định chế làng nước.

c. Đóng Góp Cho Nước

Theo định chế làng nước, quan chức của triều đình chỉ phân xuống tới phủ huyện, từ tổng trở xuống làng thuộc quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người đại diện và cử ban quản trị hành chánh địa phương. Tổng có vài làng/ xã, gồm cai tổng và phó cai tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra để điều hành quản trị việc thuế khóa, đê điều và an ninh. Thể chế làng nước đã ứng dụng hai nguyên tắc căn bản của chính thể dân chủ văn minh: tản quyền và phân quyền.

Nguyên tắc tản quyền: Trung ương/ nước dành cho địa phương/ làng một số quyền tự lập và tự quyết. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh làng qua chính thể Liên Bang tại nhiều quốc gia. Tiểu bang/ làng có quốc hội và ngân sách riêng, và người dân được quyết định một số quyền lợi mà họ có nghĩa vụ.

Nguyên tắc phân quyền: Cơ cấu tổ chức làng áp dụng nguyên tắc phân quyền, gồm có Hội đồng kỳ mục hay tiên chỉ, gồm những vị bô lão đại diện họ tộc trong làng. Hội đồng này quyết định những việc quan trọng của làng, tương đương như một quốc hội cấp nước. Ban lý dịch hay chức dịch là những người điều hành công việc hành chánh làng. Từ đó hình dung sự phân quyền trong làng, theo hai cơ cấu hành pháp và lập pháp của một quốc gia thu hẹp.

Tóm lại, với truyền thống ngàn năm của nếp sống dân Việt, với kinh nghiệm đau đớn của Loa Thành. Tổ Tiên ta quyết không xây thành/ dựng đảng cho vua chúa, không tập trung bạo lực. Mà lập làng làm hệ thống phòng thủ nơi toàn dân, và từ lòng dân, làng của dân trở thành một mạng lưới thành lũy tre xanh, và lực lượng thanh niên hào hùng trải rộng khắp đất nước.

Với thể chế làng nước, làng Việt chính là trung tâm sinh hoạt tự lập tự chủ của người dân, mà còn là sức mạnh của nước. Và trước mọi cuộc xâm lăng của mọi lãnh vực, trước mưu đồ thôn tính của mọi loại giặc, hệ thống tổ chức làng nước đã giúp dân tộc ta bảo toàn lực lượng, phục hồi sức mạnh, vùng lên phá giặc.

V. Kết Luận

Bi kịch Loa Thành thất thủ ngày xưa đã dẫn tới cái chết của người đẹp Mỵ Châu dưới lưỡi gươm oan nghiệt của An Dương Vương/ HCM, và tất cả phải chết trên đường trốn giặc. Nhưng oan nghiệt thay! Mất theo nàng, mất theo đảng Cộng Sản Việt Nam, mất theo nhóm đặc quyên... lại là mất cả một dân tộc, một đất nước, một lịch sử giống dòng!

Hôm nay, bao triệu con dân Việt Nam đang hớn hở chào mừng ngày Quốc Khánh Trung Cộng, cùng lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long qua hình ảnh Lý Thái Tổ được đảng Cộng Sản Việt Nam cho đúc tượng mặc quốc phục Đại Hán... Vậy 1000 Năm Thăng Long hay lại là trở về 1000 Năm Đô Hộ?

Phạm Văn Bản