Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

BBC chất vấn Ngoại trưởng Anh về TQ

Cập nhật: 13:03 GMT - thứ tư, 28 tháng 9, 2011

Nhà báo Jeremy Paxman nổi tiếng là hỏi khó khi chất vấn các chính trị gia ở Anh
Nhân chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc sang Anh, nhà báo kỳ cựu của BBC, Jeremy Paxman đã chất vấn Ngoại trưởng William Hague về 'đối thoại chiến lược' với Trung Quốc.
Chuyến thăm của nhân vật cao cấp nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đến London hôm thứ Hai 26/9, sau chuyến thăm tương tự tới Paris, có mục đích giúp Bắc Kinh nâng cao quan hệ với các nước châu Âu đang dính líu vào Trung Đông.
Được biết chủ đề Libya và Syria đều được cách lãnh đạo Pháp và Anh bàn với vị khách Trung Quốc.
Người dẫn chương trình TV Newsnight, Jeremy Paxman, đã ghi nhận ý tưởng từ các ban Tiếng Việt và Tiếng Trung của BBC World Service để đem câu chuyện ra hỏi Ngoại trưởng William Hague trước giờ ông Hague tiếp ông Đới Bỉnh Quốc.
Đầu tiên, Jeremy Paxman, người nổi tiếng có ngôn ngữ sắc bén, thậm chí áp đảo khi phỏng vấn chính giới Anh, đã hỏi liệu cách hành xử của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an có giúp ích gì cho Ngoại giao Anh không và được ông Hague trả lời:
William Hague: Trung Quốc thường cổ vũ cho chính sách không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác. Do đó họ thường bất đồng quan điểm về những chuyện như thế này với chúng ta. Tuy nhiên, mấy tuần vừa qua thì họ đã giúp trong chuyện Libya bằng cách tiến tới đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nước Libya mới. Tại New York, chúng tôi đang bàn tới chuyện Syria. Khi gặp ông Đới Bỉnh Quốc trong buổi đối thoại chiến lược tôi cũng sẽ nói thêm về vấn đề này nhằm tạo ra một số tiến triển.
Jeremy Paxman: (giọng ngạc nhiên) "Đối thoại chiến lược" là cái thứ gì thế?
William Hague: (cười hơi lúng túng) Thì như cái tên của nó đã nói rồi đó. Đó là hai quốc gia – Trung Quốc và Vương quốc Anh – nói chuyện với nhau về các vấn đề thế giới. Đó là mục tiêu của ngoại giao, đối thoại với người mình đồng ý và kể cả với người bất đồng với mình.
Jeremy Paxman: Nhưng họ là những kẻ tin vào cách chiều lòng các chế độ độc tài tay còn dính máu, những chế độ mà chính ông đã nói là ‘cần phải dẹp bỏ khỏi mặt đất này’?
William Hague: Dĩ nhiên là sẽ có bất đồng trong đối thoại chiến lược. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyện để mà đồng ý với nhau. Nếu anh ám chỉ chúng ta không nên có quan hệ ngoại giao, đối thoại với các quốc gia có quan điểm chính sách đối ngoại khác với chúng ta thì mình sẽ có nền ngoại giao khập khiễng.
Jeremy Paxman: Ông sẽ nói sao với những người đang lên tiếng rằng các chính phủ như Anh và Pháp nên nhanh chóng bỏ cái thói quỳ gối khi giao thương với các nước như Trung Quốc và Nga vốn đang tìm cách tạo tính chính danh cho những thể chế độc tài?
William Hague: Ồ, tôi không nghĩ nói như vậy là đúng đâu như điều chúng ta chứng kiến trong trường hợp ở Libya, và hiện tại là chế độ ở Syria, các nước Châu Âu có thể tạo ra áp lực đàn áp lớn. Trung Quốc và Nga thường cảm thấy họ phải tự vệ trước vấn đề này và cho rằng chúng ta thường muốn gì được nấy trong nhiều lúc.
Jeremy Paxman:Đúng rồi, nhưng họ đã ngăn chặn lệnh cấm vận áp dụng với Syria.
Ông Đới Bỉnh Quốc (trái) và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật (phải)
Trung Quốc bị phê là thường hỗ trợ các chế độ độc tài
William Hague: Đến bây giờ thì thế. Họ chống cấm vận nhưng chúng ta vẫn có thể gây áp lực, theo cách của mình. Họ vẫn chống nhưng dĩ nhiên tình hình đang ngày càng xấu đi ở Syria. Ai chống cấm vận thì sẽ ở vào thế càng ngày càng yếu thôi. Đấy là điều chúng tôi đang muốn chỉ ra cho lãnh đạo các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi. Điều quan trọng chúng ta phải nhận ra là chúng ta đang ở trong một thế giới mà không phải tự nhiên mà các nước đồng ý với nhau. Thế nên tạo ra áp lực lên các thể chế là điều đúng đắn cần làm.
Jeremy Paxman:Theo ông, bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi Trung Quốc và Nga thay đổi ý định của họ?
William Hague: Ông không phải hỏi câu đó, vì đây chính là lập luận mà tôi đang cố thuyết phục họ. Dĩ nhiên là có những quốc gia luôn nói rằng họ không muốn can thiệp vào nội bộ quốc gia khác, nhưng lập luận bắt bẻ lại lập trường đó là nếu chúng ta biết rằng sẽ có một trường hợp giống như chuyện Rwanda những năm 1990 làm hàng triệu người chết thì chúng ta phải can thiệp. Lập trường rõ ràng là phải can thiệp. Thế nên chúng ta phải đặt ra câu hỏi, phải đợi tình hình tệ đến mức nào mới hành động mạnh hơn? Đây là vấn đề đang được tranh cãi giữa các quốc gia hiện nay. Chúng ta đang dự phần vào tranh cãi đó. Chúng ta cần tăng cường tạo ra áp lực lên Syria, chúng ta cần Hội đồng Bảo an lên tiếng và hiện đang tiến hành thực hiện điều đó.
Jeremy Paxman:Như ông đã nói, câu hỏi trọng yếu là phản ứng của họ như thế nào khi được hỏi phải đợi cho bao nhiêu người nữa phải chết, họ đã nói gì?
William Hague: Nhiều nước cứ nói là họ không tin vào việc can thiệp nội bộ quốc gia khác. Họ sợ tạo ra tiền lệ làm bất ổn thêm tình hình khu vực này theo hướng không biết được. Tuy nhiên, tôi đáp lại rằng khu vực này đã bất ổn rồi và tình hình sẽ càng bất ổn thêm nếu để cho chế độ độc tài giết dân của họ. Ông thấy hướng tranh luận rồi đó. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là hướng chính sách đối ngoại sắp tới sẽ tiến triển. Có nhiều cường quốc mới nổi trên thế giới và họ không có chính sách đối ngoại giống như chúng ta. Họ không sẵn sàng can thiệp như chúng ta trong mấy thập kỷ qua. Tranh cãi sẽ còn diễn ra dài dài.

Nhật Bản theo dõi chặt chẽ Biển Đông

Cập nhật: 14:48 GMT - thứ tư, 28 tháng 9, 2011

Tướng Nguyễn Chí Vịnh tại cuộc đối thoại giữa Asean với Nhật Bản
Tướng Vịnh vừa đối thoại với Trung Quốc, Hoa Kỳ và bây giờ là Nhật Bản
Nhật Bản đã mời thứ trưởng Quốc phòng 10 nước thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (Asean) đến Tokyo hôm thứ Tư ngày 28/9 để bàn về an ninh hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Cuộc đối thoại hai ngày lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và một số thành viên Asean về tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.
Đây cuộc đối thoại quốc phòng thường niên lần thứ ba giữa Nhật và các nước Asean ở cấp thứ trưởng.
Nhật Bản đang tìm cách thống nhất các nỗ lực ngoại giao giữa các nước đang đối mặt với mối đe dọa từ phía Trung Quốc vốn đang ngày càng mạnh bạo trong cách hành xử ở Biển Đông.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe nói tranh chấp Biển Đông là một thách thức an ninh.
“Những vấn đề an ninh hàng hải như chống cướp biển và tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, cũng như việc xây dựng năng lực được đề cập đến trong các tài liệu liên quan của các hội nghị quốc phòng Asean ở cấp bộ trưởng, nằm trong số những thách thức an ninh khu vực mà chúng ta phải cùng nhau đối mặt,” ông nói.
Nhật Bản hiện cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở đảo mà phía Nhật gọi là Senkaku - Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - nằm ở biển Hoa Đông.
Quan hệ Trung - Nhật đã xấu đi trầm trọng vào năm ngoái sau vụ việc Nhật bắt giam thuyền trưởng tàu Mân Tấn Ngư từ Phúc Kiến đâm vào với tàu tuần tra Nhật Bản tại khu vực gần hòn đảo tranh chấp.

Thái độ mạnh mẽ

Ông Đỗ Thông Minh, nhà báo tự do ở Tokyo chuyên theo dõi các vấn đề Nhật Bản, cho BBC biết an ninh hàng hải là chủ đề bao trùm cuộc đối thoại giữa Nhật Bản và Asean bên cạnh lần này các vấn đề khác như chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Ông Minh cho biết lâu nay Nhật Bản vẫn luôn cảnh giác trước Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên Biển Đông.
Báo chí Nhật vẫn thường xuyên đưa tin về tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc và cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội trong thời gian vừa qua.
“Các nước [Asean] bị ức hiếp thì sẽ ảnh hưởng đến Nhật Bản,” ông giải thích về sự quan tâm của Nhật đối với Biển Đông.
Về lập trường chính thức trong tranh chấp Biển Đông, ông nói Nhật Bản ủng hộ tự do đi lại trên Biển Đông và không ủng hộ bên nào trong tranh chấp cả.
Tuy nhiên, “trong thâm tâm Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, Philippines và Nam Dương và ủng hộ Hoa Kỳ và Ấn Độ có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc,” ông nói.
Vụ va chạm của tàu Mân Tấn Ngư hồi tháng 9/2010 gần vùng biển đảo tranh chấp khiến quan hệ Trung - Nhật xuống thấp
“Khi Trung Quốc lên tiếng phản đối thì Nhật Bản lại ủng hộ [Ấn Độ hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam],” ông nói thêm.
Mục đích của Nhật Bản là muốn có thêm đồng minh để đối đầu với Trung Quốc bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ và Asean.
“Nhật Bản muốn có thêm thế lực khác can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, ngược lại lập trường của Trung Quốc là chỉ muốn nói chuyện tay đôi thôi,” ông nói.
"Theo dõi diễn biến tranh chấp trên Biển Đông trong nhiều thập niên qua, Nhật Bản nhận thức rõ là Trung Quốc nuốt trọn được Hoàng Sa và một phần Trường Sa là do Việt Nam yếu nên dễ bị ức hiếp,"
“Nhật Bản rất kiên quyết trong việc xử lý Senkaku,” ông Minh nói, “Họ tăng cường máy bay tuần thám, hạm đội [đến Senkaku].”
“Họ bắt ngư dân Trung Quốc xâm phạm nhưng không đưa ra tòa,” ông nói và giải thích đó là cách Nhật răn đe Trung Quốc trong khi vẫn cố gắng giữ hòa khí giữa hai nước.
“Nếu các tàu Trung Quốc dòm ngó đảo này thì Nhật Bản sẽ phản ứng mạnh mẽ chứ không chỉ dừng lại ở những lời nói ngoại giao,” ông Minh nói.

HN sẽ lấy một phần nhà của ông Hà Vũ?

Cập nhật: 15:47 GMT - thứ ba, 27 tháng 9, 2011

Ông Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm hôm 2/8
Quyết định của thành phố Hà Nội có từ trước khi ông Vũ bị bắt giữ và xét xử
Chính quyền Hà Nội muốn lấy lại một phần ngôi nhà hiện nay từ gia đình ông Cù Huy Hà Hà Vũ để lập nhà lưu niệm cố nhà thơ Xuân Diệu, theo như quyết định ra từ đầu tháng Chín năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên quyết định này chỉ được thông báo cho bà Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của ông Cù Huy Hà Vũ, cách đây vài hôm.
Bà Dương Hà đã có đơn khiếu nại quyết định mà bà nói có từ trước khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt hai tháng và "xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Cù Huy Hà Vũ".
Bà viết trong đơn khiếu nại: "Tại sao Quyết định số 4337/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội được ban hành từ ngày 06/9/2010 phần "Nơi nhận" của Quyết định không có tên người thừa kế duy nhất di sản của Nhà thơ Xuân Diệu là ông Cù Huy Hà Vũ và không thông báo ngay cho ông Cù Huy Hà Vũ biết để ông Vũ thực hiện kịp thời quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình?
Bà cũng nói với BBC bà mới lên gặp chồng bà hôm 27/9 nhưng không nói cho ông biết vì "sợ ông buồn".
Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhắc tới quyết định hồi năm 2003, cũng của thành phố Hà Nội về việc "thu hồi một phần diện tích nhà đất tại số 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, giao cho Sở Văn hóa thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) quản lý, sử dụng làm Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu.
Quyết định cũng có đoạn: "Giao UBND quận Ba Đình tổ chức bảo vệ cho các cơ quan đơn vị thực hiện việc xác định mốc giới và bàn giao mốc giới.
"Trong quá trình thực hiện, nếu tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND Thành phố, cản trở các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà đất tại 24 Điện Biên Phủ thì UBND quận Ba Đình xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền và đúng các quy định của pháp luật để thực hiện."
'Sung công' di sản?
Bản thân ông Hà Vũ và mẹ của ông, cũng là em gái nhà thơ Xuân Diệu, bà Ngô Thị Xuân Như khi còn sống đã mạnh mẽ phản đối quyết định ngày 11/12/2003 của thành phố Hà Nội nhằm thực hiện một quyết định từ năm 2002 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc lập "Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu".
Trong đơn khiếu nại hồi tháng Ba năm 2008 mà bà Dương Hà mới gửi cho trang boxitvn.net, ông Hà Vũ viết:
"Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập bảo tàng hay tôn vinh di sản thể hiện nhà nước công nhận giá trị của di sản trong phạm vi địa phương, quốc gia, thậm chí thế giới chứ tuyệt nhiên không đồng nghĩa với "quốc hữu hóa" hoặc xác lập quyền sở hữu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với di sản.
"Thật chưa từng có trên cõi đời này, danh nhân được chính quyền tôn vinh thì di sản bị sung công, gia đình danh nhân không những không được tham khảo mà còn bị thẳng thừng xóa sổ!"
Bà Ngô Xuân Như, em gái của nhà thơ Xuân Diệu và vợ đầu của nhà thơ Huy Cận, viết hơn một năm trước khi qua đời
"...Còn nếu tôn vinh di sản đồng nghĩa với truất quyền sở hữu của người chủ di sản thì có lẽ Vịnh Hạ Long, Huế...sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới hẳn đã không còn thuộc chủ quyền Việt Nam mà là của Liên hiệp quốc từ lâu rồi!"
Ông Vũ cũng viết thêm: "...Mục đích của việc thành lập Phòng lưu niệm Xuân Diệu không phải để tôn vinh Nhà thơ mà tạo cớ để chiếm đoạt nhà cửa, tài sản của gia đình nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội vì không có chính quyền nào trên thế giới này tôn vinh danh nhân bằng cách hất gia đình và con cháu của người ấy ra đường!"
Còn mẹ ông Vũ, bà Xuân Như, viết trong một đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hồi tháng Ba năm 2008, hơn một năm trước khi bà mất:
"Sau khi anh Xuân Diệu mất vào tháng 12/1985, Cù Huy Hà Vũ trở thành người thừa kế duy nhất di sản của anh Diệu, vẫn ở và sử dụng nhà đất thuộc quyền sử dụng của anh Diệu lúc sinh thời tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
"...Thật chưa từng có trên cõi đời này, danh nhân được chính quyền tôn vinh thì di sản bị sung công, gia đình danh nhân không những không được tham khảo mà còn bị thẳng thừng xóa sổ!"
Không di chúc
Biệt thự hai tầng ở số 24 Điện Biên Phủ, cũng nhìn ra cả đường Trần Phú, là nơi sinh sống của hai nhà thơ Cù Huy Cận và Ngô Xuân Diệu cùng gia đình.
Tầng một ngôi nhà này cũng có một người khác, ông Vũ Quang Triệu đang ở và sở hữu khoảng 100 m2 nhà và đất. Ông Cù Huy Hà Vũ, vợ và hai con sử dụng phần đất còn lại ở tầng một từ nhiều năm nay.
Toàn bộ tầng hai và một phần ngôi nhà phụ nhìn ra đường Trần Phú hiện do bà Trần Lệ Thu, người có hai con với cố nhà thơ Cù Huy Cận, sử dụng. Gia đình ông Hà Vũ nói bà Thu cũng sử dụng chung một phòng khách ở tầng một.
Quyết định hồi tháng Chín năm 2010 của thành phố Hà Nội nói sẽ "xác định mốc giới, bàn giao mốc giới và cấp trích lục bản đồ đối với diện tích 50m2 đất ở tại 24 Điện Biên Phủ cho bà Trần Lệ Thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2407/VPCP-KNTN ngày 24/4/2010 của Văn phòng Chính phủ".
Hồi đầu năm 2010, báo Thanh Tra cũng đã có bài nói "khi qua đời, nhà thơ Xuân Diệu không có vợ, không có con nên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo thành lập phòng lưu niệm nhà thơ, giao cho các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, quản lý".
Hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu đều không để lại di chúc khi qua đời, nhưng ông Hà Vũ cho rằng ông là người thừa kế duy nhất tài sản và di sản của nhà thơ Xuân Diệu.
Trong khi đó ông Huy Cận có năm người thừa kế gồm vợ và bốn con (hai người con của bà Xuân Như - Cù Huy Hà Vũ và Cù Thị Xuân Bích và hai người con của bà Lệ Thu - Cù Thu Anh và Cù Lệ Duyên).
Hiện văn phòng luật của ông Cù Huy Hà Vũ và bà Nguyễn Thị Dương Hà lấy địa chỉ 24 Điện Biên Phủ làm văn phòng giao địch.
Tại đây cũng có một cửa hàng kinh doanh điện thoại mà gia đình ông Vũ hợp tác cùng một cá nhân khác từ năm năm nay.
Ủy ban nhân dân phường Điện Biên hôm 23/9 cũng đã có văn bản yêu cầu cửa hàng này "dừng kinh doanh để xử lý vi phạm trật tự xây dựng".

Bộ Công an VN 'soạn luật biểu tình'

Cập nhật: 16:29 GMT - thứ tư, 28 tháng 9, 2011
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngồi cạnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thủ tướng Dũng đích thân đề xuất Luật biểu tình
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam chiều thứ Tư ngày 28/9, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đọc tờ trình đề nghị xây dựng Luật biểu tình.
Luật biểu tình là một trong 19 dự án luật về quyền con người và quyền tự do dân chủ của nhân dân mà Bộ trưởng Cường đề xuất lần này.
Trái với lệ thường là các dự án luật được các bộ, ngành liên quan đề xuất, ông Cường cho biết Luật biểu tình do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất.
Ông Cường còn nói thêm là ông Dũng giao cho Bộ Công an chuẩn bị dự luật này để trình Quốc hội xem xét.
“Khi Chính phủ bàn về những luật liên quan đến vấn đề này như Luật về Hội, Luật hội họp, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình,” báo mạng Dân trí dẫn lời Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
“Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi,” ông nói thêm.
"Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi"
Ý kiến trái ngược nhau
Tại phiên thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc xây dựng Luật biểu tình cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Những ý kiến tán thành cho rằng Luật biểu tình là cần thiết để đưa quyền biểu tình được quy định trong Hiến pháp thành hiện thực, theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng Luật biểu tình nếu được ban hành sẽ tạo cho Nhà nước cơ chế để kiểm soát các hoạt động biểu tình.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lý cho biết cũng có thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội phản đối dự luật này vì cho rằng nó sẽ “gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội” và “tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ.”
Do đó, Quốc hội sẽ làm việc thật kỹ về nội dung, thời điểm thông qua và điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc "quần chúng bị kích động gây mất an ninh trật tự", theo cách mô tả của báo chí Việt Nam.
Thời gian qua, hàng loạt vụ tuần hành chống Trung Quốc ở Hà Nội và một số ở TPHCM đã đặt ra câu hỏi cho việc đánh giá những sự kiện này về mặt pháp lý.
Ngoài ra, một số trí thức tham gia xuống đường cũng phản đối một số tờ báo chính thống và truyền hình Hà Nội quy kết hành động của họ.
Bà Đặng Phương Bích, một người biểu tình đã kiện công an Hà Nội
Cuộc tranh luận cũng xảy ra quanh cách gọi đây là "biểu tình yêu nước" hay "gây rối trật tự".
Hiện chưa rõ giới vận động dân chủ tại Việt Nam bình luận thế nào về chuyện Thủ tướng Dũng cho chính ngành công an soạn thảo luật biểu tình.
Một số người biểu tình đã đòi kiện công an Hà Nội vì bắt giữ họ sau khi tuần hành ôn hòa, phản đối Trung Quốc "xâm phạm lãnh hải Việt Nam".
Một trong các nội dung của dự luật này sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng là các điều kiện đăng ký biểu tình, bao gồm nội dung, thời gian và địa điểm biểu tình.
Tổng cộng trong tờ trình, ông Cường đã đề xuất 115 dự án bao gồm bộ luật, luật và pháp lệnh để Quốc hội xây dựng trong khóa 13 này.
Bên cạnh Luật biểu tình, ông Cường cũng đề xuất xây dựng các dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Tiếp cận thông tin trong lĩnh vực quyền con người.
Ngoài ra, các dự luật về đầu tư công, luật Biển Việt Nam cũng được đưa vào chương trình. Các dự luật này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mạnh mẽ qua nhiều kỳ họp.
Hai đại biểu Quốc hội cũng tự đề xuất dự luật: bà Đặng Thị Hoàng Yến đề xuất Luật bảo vệ quyền riêng tư, còn bà Nguyễn Minh Hồng đề xuất Luật nhà văn.

Thuyết trình về Biển Đông lại bị gây rối

2011-09-27
Thêm một buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông bị gây rối tại Hà Nội vào ngày 24/9.
Courtesy NguyenTuongThuyBlog
TS Nguyễn Nhã tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9.

Những vị khách không mời

Được biết, buổi nói chuyện do một số trí thức và những người yêu nước tổ chức tại một nhà hàng và mời TS. Nguyễn Nhã - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông - đến thuyết trình. Tuy nhiên, thông tin trong nước cho biết công an đã yêu cầu nhà hàng cắt điện và ngưng phục vụ buổi thuyết trình trên. Ngoài ra, còn có một số vị “khách không mời” mặc thường phục đến quấy nhiễu buổi thuyết trình.
Khánh An có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Nhã và được ông cho biết sự việc như sau:
Đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn.
TS Nguyễn Nhã
TS. Nguyễn Nhã: Tôi được đài VTV6 – Đài Truyền hình Việt Nam – mời tôi ra (Hà Nội) để ngày 25 có buổi giao lưu với thanh niên. Trong thời gian đó thì có một số người biết tôi như ông tiến sĩ ca trù Nguyễn Xuân Diện có mời tôi đến nói chuyện với các anh em bên Viện Hán Nôm cùng với một số các bạn trẻ. Tôi thấy việc này rất tốt, nhưng địa điểm không như hồi đầu, tức là các anh em tổ chức tại một nhà hàng. Tôi cũng không ngờ là số (người tham dự) lại đông như vậy. Tôi tưởng chỉ khoảng vài chục người thôi, thì cũng có một sự việc xảy ra nhưng tôi thấy cũng vui, bởi vì tuy không có điện nhưng mọi người lại chăm chú hơn và hỏi tôi nhiều câu hỏi mà tôi trả lời và thấy vui lắm, cho nên tôi thấy không sao.
Đề tài tôi nói là về Chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi đã thuyết trình (đề tài này) ở thư viện ở San Jose rồi với đề tài y hệt như vậy. Trong nước thì tôi cũng đã dự rất nhiều hội thảo về Biển Đông. Tôi cũng có viết bài, ngay cả báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân, cũng đã đăng bài của tôi nói về Chủ quyền không thể chối cãi được. Kỳ này đặc biệt khi cúp điện, tôi lại đưa cả tờ báo giấy ra và tôi nói kỹ hơn về cái này.
img_0056-250.jpg
Các cử tọa tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. Courtesy NguyenTuongThuyBlog.
Cuối cùng thì dù thế nào đi nữa, khi trao đổi thì tôi lại thích thú vì các bạn hỏi nhiều câu hỏi hay lắm. Không sao cả! Sau đó anh em cũng rất vui, vì nhiều khi nó cũng giống như ở Biển Đông vậy, có những sự kiện, thách thức thì nó lại là thời cơ đấy.


Khánh An: Được biết trong thời gian vừa rồi, khi tiến sĩ cùng với một số người khác đi trình bày về vấn đề Biển Đông thì đã gặp khó khăn. Đối với những nơi chính thống, do nhà nước tổ chức thì không sao, nhưng ở những nơi như CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình chẳng hạn, hay như hôm 24/9 ở Hà Nội thì lại gặp khó khăn. Vậy việc đi thuyết trình, phổ biến kiến thức cho người dân Việt Nam mà lại gặp khó khăn như vậy thì tiến sĩ có thấy bị chùn bước không, hay phải lựa chọn địa điểm và nơi mời để thuyết trình không?
TS. Nguyễn Nhã: Tôi lại thấy bất cứ ở đâu mà người ta chăm chú nghe và nhiều người được biết tới thì tôi thấy là tốt quá. Cho nên tôi không quan tâm chỗ nào (mời). Cũng giống như ở Biển Đông, nhiều cái thách thức thực ra tốt cho mình bởi vì như vậy mình có dịp được nhiều người biết hơn, đúng không? 
Khánh An: Dạ. Nhưng dù sao đi nữa, trong những lần đi mà gặp sự kiện bất thường như thế, thì ông có sợ trong tương lai nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đi thuyết trình hay không, chẳng hạn như họ sẽ hạn chế những lần đi thuyết trình của ông hoặc kiểm tra kỹ lưỡng hơn?
Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ.
TS Nguyễn Nhã
TS. Nguyễn Nhã: Không. Tôi tin tưởng rằng bởi vì tôi chỉ nói về học thuật thôi mà thì ai mà chả nghe được. Tôi cũng nói với các anh em rằng khi mà mình đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không kể chính kiến, tôn giáo, sắc tộc thì tôi đâu có sợ. Và như vậy thì tôi nghĩ rằng khi mọi người biết như vậy thì cũng tạo điều kiện cho tôi thôi, chứ ai ngăn làm chi?
Khánh An: Nhưng trên thực tế thì người ta đã ngăn cản rồi phải không?
TS. Nguyễn Nhã: Ngăn cản thì tôi nghĩ cũng do một cái gì đấy, quy định nọ kia để mình phải làm đúng quy định. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi nghĩ đến vấn đề hiệu quả. Cái gì có hiệu quả tốt thì mình phải trân trọng nó chứ, đúng không?

Chính thức công khai

Khánh An: Dạ. Trở lại với đợt đi thuyết trình vừa rồi ở Hà Nội, giữa hai nhóm thính giả của hai lần thuyết trình ở VTV6 và nhóm của TS. Nguyễn Xuân Diện cùng những người bạn và những người quan tâm khác, thì tiến sĩ có một so sánh nào không?
TS. Nguyễn Nhã: Có chứ. Ngày 25 (ở VTV6) thì tôi nói có mấy phút thôi vì thời giờ dành cho nó ít quá, còn cái này thì tới 2 tiếng cơ mà. Ngay cả thời giờ và nội dung thì nó phải hơn nhiều chứ. Khi tôi nói có thể thuyết phục được mọi người và đi cặn kẽ hơn thì dĩ nhiên tôi thấy hiệu quả nó cao hơn. Tôi thấy những người ở VTV6 đâu có được nghe tôi nói nhiều đâu.
img_0059-250.jpg
TS Nguyễn Nhã tại buổi thuyết trình về vấn đề Biển Đông tại Hà Nội vào ngày 24/9. Courtesy NguyenTuongThuyBlog.
Có một nhóm đi theo tôi đi dự (ở VTV6) thì khi về tôi có trao đổi thì các em nói là “được” cũng có vì đây là cái đầu tiên chính thức công khai quảng rộng. Bước đầu như vậy rất là hay, nhưng các em không thỏa mãn. Tinh thần là các em muốn trao đổi thì lại không được thỏa mãn. Còn cái vừa rồi thì các em thích thú quá thì tôi cho đó là hiệu quả.
Khánh An: Vâng, một câu hỏi cuối thôi, nếu nói thật thì ông thấy việc ông đi thuyết trình mà gặp những sự việc bất thường như vậy thì cảm nghĩ của ông như thế nào?
TS. Nguyễn Nhã: Tôi thì ngay cả ở bên San Jose, đối tượng như vậy thì tôi cũng rất thích thú, mặc dù có những ý kiến cực đoan nọ kia. Ở đây thì tôi lại thấy thích thú hơn nữa là vì tôi thấy ở tuổi trẻ cái lòng, cái tâm hồn yêu nước rõ quá. Tôi nói tới đâu thì tôi thích tới đó. Các bạn thì chăm chú và có vẻ sôi nổi, được như vậy là quá hay rồi, còn gì mà trách ai nữa, phải không? Tôi lại cám ơn.
Ngay ở Biển Đông, tôi cũng cám ơn Trung Quốc vì cơ hội như thế. Tôi bảo là nếu không có đường lưỡi bò thì làm gì (Việt Nam) có thế như hiện nay. Tôi cũng nói ở bên San Jose là người Việt phải bình tĩnh. Khi bình tĩnh rồi thì biết đâu nước mình mấy chục năm nữa nó khác đi. Nó không tụt hậu, không yếu kém như hiện nay bởi vì đất nước hùng cường. Tôi có nói thời cơ giống như người Nhật, sau chiến tranh thế giới thứ hai thì thế toàn cục thay đổi hoàn toàn, người Nhật khai thác được và cuối cùng họ là người thua trận mà có ai bắt nạt được đâu? Tôi thấy biết đâu bây giờ lại là thời cơ tốt cho Việt Nam. Người Việt nên bình tĩnh, đúng không?
Khánh An: Vâng, rất thú vị được nói chuyện với tiến sĩ. Cám ơn tiến sĩ rất nhiều về buổi nói chuyện này.

Báo Trung Quốc lại đe dọa Việt Nam và Philippines về vấn đề Biển Đông

Trọng Nghĩa
Vào hôm nay, 26/09/2011, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lại nhất loạt hù dọa Việt Nam và Philippines, hai nước đang bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Các tờ báo đả kích Hà Nội và Manila về điều mà họ cho là mượn tay « thế lực nước ngoài » để chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Một bài bình luận trên tờ China Daily lên án Việt Nam và Philippines là đã cố tình làm tình hình rắc rối thêm trong thời gian gần đây khi « nuốt lời cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua đối thoại giữa các bên có liên can », tức là song phương với Trung Quốc.
Thay vào đó thì theo tờ báo này, cả Việt Nam lẫn Philippines đều tỏ rõ ý muốn mời các thế lực bên ngoài can dự vào hồ sơ Biển Đông để làm phương tiện mặc cả. Đối với tác giả bài xã luận, « Các mưu toan kể trên chắc chắn phải chịu số phận là thất bại », và hai nước này sẽ bị mất uy tín và nhất là – xin trích – « làm xói mòn lòng tin chính trị giữa họ và Trung Quốc ».
Nguyên nhân gây bất bình là cuộc hội thảo của các chuyên gia trong vùng Đông Nam Á về Biển Đông tại Manila hôm thứ năm tuần trước, một hành động bị coi là nhằm « quốc tế hóa » vấn đề Biển Đông, coi thường điều mà tờ báo cho là chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.
Còn Việt Nam, theo tờ China Daily, thì đã lôi kéo Ấn Độ vào vòng tranh chấp, thông qua một dự án đồng thăm dò khai thác nguồn dầu khí trong vùng biển tranh chấp.
Cùng một lời lẽ như tờ China Daily, nhà bình luận Lý Hồng Mai của Tân Hoa Xã cũng đả kích kế hoạch đồng thăm dò khai thác giữa Việt Nam và Ấn Độ tại vùng Biển Đông mà theo tác giả đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc vì khu vực thăm dò thuộc « thẩm quyền pháp lý » của Bắc Kinh.
Quay sang Philippines, cây bút của Tân Hoa Xã chỉ trích cố gắng của Tổng thống Aquino, muốn lôi kéo Nhật Bản can dự vào hồ sơ Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường tiềm năng hải quân và không quân của Manila. Đối với tờ báo, cho dù Philippines gắn kết được với Nhật Bản và Việt Nam lôi kéo được Ấn Độ, các «bên thứ ba » này không thể sánh được với uy lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng tấn công Philippines về cuộc hội thảo hôm thứ năm tuần trước, bị tờ báo cho là nhằm liên kết ASEAN thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Theo tờ báo, mưu toan của Manila như vậy là đã hoàn toàn thất bại, và « Không hề có một mặt trận thống nhất của ASEAN » tựa của bài xã luận. Tờ báo nêu ra nhiều lập luận, trong đó có sự kiện là có đến hai thành viên của Asean là Lào và Cam Bốt « không thèm gởi đại biểu đến Manila ».
Vào lúc báo chí Trung Quốc lớn tiếng đe dọa Việt Nam và Philippines, thì ngành ngoại giao Trung Quốc lại tỏ vẻ hòa hoãn. Theo Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa tiếp xúc với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hoa Kỳ bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo hãng tin Trung Quốc, thì hai bên đã có đề cập đến vấn đề Biển Đông, và ông Dương Khiết Trì đã cho rằng : « Hai bên cần có cái nhìn chiến lược trong việc xử lý các mối quan hệ, cần hàn gắn các bất đồng, tích cực thực thi bản Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông DOC và phát huy hợp tác thiết thực ».
Cũng theo Tân Hoa Xã, Ngoại trưởng Việt Nam đã đồng ý là sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để "tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.

Không nhất thiết làm tượng đài mới là tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng

Anh Vũ
Dự án lập tượng đài tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam gây tranh luận trên nhiều phương diện. Sau đây là ý kiến của nhà báo Thanh Thảo, tại Quảng Ngãi.

Những ngày gần đây, dư luận tại Việt Nam đặc biệt quan tâm đến dự án xây tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam, bị mất mát nhiều trong chiến tranh và hiện tại vẫn là một tỉnh nghèo của miền Trung.
Mô hình phác thảo của công trình đã được dựng, dự kiến tỉnh sẽ có một tượng đài hoành tráng nhất cả nước nhưng với kinh phí lên tới 410 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương xây dựng công trình vì nó mang ý nghĩa nhân văn nhằm tôn vinh và tri ân các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam.
Thế nhưng, đa số dư luận đều bị sốc trước số tiền dự chi cho quần thể tượng đài này. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra có nên tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng bằng một công trình tốn kém đến như vậy, trong khi tỉnh Quảng Nam vẫn là một tỉnh nghèo ? Liệu đó có phải là cách thiết thực để bù đắp những mất mát, đau thương và sự hy sinh thầm lặng của hàng trăm ngàn bà mẹ Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh vừa qua và cho cả đến bây giờ ?
Để tìm hiểu thêm ý kiến về dự án xây dựng tượng đài của tỉnhQuảng Nam, RFI phỏng vấn nhà thơ Thanh Thảo tại Quảng Ngãi.

Việt Nam tìm mua thêm vũ khí từ Cộng hòa Séc và Ấn Độ

Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam đang tăng tốc độ tìm mua thêm vũ khí. Theo ghi nhận của chuyên gia quốc phòng Robert Karniol trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 26/09/2011, ngoài nguồn cung cấp truyền thống là Nga, Việt Nam đã đặt mua thêm thiết bị quân sự từ Tiệp. Báo chí Ấn Độ hồi tuần trước cũng tiết lộ tin Việt Nam sẵn sàng mua loại tên lửa hiện đại Brahmos.

Theo bài báo trên tờ The Straits Times, cho đến gần đây, công cuộc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Việt Nam được biết là bao gồm các tàu ngầm lớp Kilo của Nga, chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKK và loại thủy phi cơ Series DHC-6 400 dùng để tuần tra trên biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đặt mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn Extra của Israel và vào tháng trước, một tàu chiến Gepard thứ hai của Nga đã được chính thức tiếp nhận.
Bên cạnh đó, có hai đơn đặt hàng mới với Cộng hòa Séc chưa được công bố. Vào năm ngoái, Quân đội Việt Nam đã tiếp nhận ba dàn radar Vera thụ động tinh vi của Tiệp, sau khi Washington bãi bỏ quyết định cấm Praha bán thiết bị này cho Việt Nam.
Và trong một vài tháng gần đây, Cộng hòa Séc đã nâng cấp Prague chặn việc bán hàng, và trong vòng vài tháng qua, CH Séc đã giúp Việt Nam nâng cấp một loạt hệ thống radar P-18 do Nga chế tạo, từ việc sử dụng ký hiệu thông thông thường, lên thành dùng kỹ thuật số. Hệ thống radar Vera thay thế ba dàn radar thụ động Kolchuga của Ukraina mà Việt Nam đã bỏ ý định mua sau khi ba dàn đặt mua trước đó đã làm cho Việt Nam hoàn toàn thất vọng vì hiệu năng kém cỏi.
Hiện nay, theo chuyên gia Karniol, Hà Nội đang đàm phán để mua 12 vận tải cơ tầm ngắn Let L-410 của Cộng hòa Séc. Loại máy bay này chủ yếu sẽ được dùng để tiếp viện cho lực lượng Việt Nam đồn trú trên các vị trí tại quần đảo Trường Sa.
Ngoài việc tìm mua vũ khí từ Tiệp, quân đội Việt Nam cũng chú ý đến nguồn cung cấp từ Ấn Độ. Theo tờ báo Ấn The Asian Age, số ra ngày 20/09 vừa qua, Tập đoàn liên doanh Ấn - Nga BrahMos Aerospace chuẩn bị bán cho Việt Nam loại tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do tập đoàn này chế tạo.
Đây là loại hỏa tiễn được đánh giá là loại bay nhanh nhất thế giới hiện nay, có thể được phóng đi từ tàu ngầm, tầu thủy, phi cơ hay từ dàn phóng di động trên đất liền. Brahmos có thể được coi là vũ khí chống chống hạm rất hữu hiệu, vì có thể mang theo đầu đạn nặng 300kg, tầm bắn gần 300km, tốc độ gấp 3 lần âm thanh. Thậm chí, Tập đoàn Brahmos đang tìm cách nâng tốc độ tên lửa này lên thành Mach 5-7, tức là bay nhanh hơn tốc độ âm thanh từ 5 đến 7 lần.
Theo nguồn tin trên, có cả chục quốc gia – ngoài Nga và Ấn Độ - xếp hàng đặt mua loại tên lửa này từ khi công việc sản xuất khởi sự vào năm 2006. Việt Nam thuộc diện “quốc gia thân thiện” nên có thể được mua loại vũ khí này. Hiện thời các cuộc đàm phán đang được tiến hành, và nếu thương vụ bán tên lửa Brahmos cho Việt Nam được chính phủ Ấn Độ bật đèn xanh, thì Việt Nam sẽ là nước ngoài đầu tiên có loại vũ khí tối tân này. Một nguồn thạo tin xác định : « Các hợp đồng mua tên lửa BrahMos có giá trị to lớn trong việc nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam ».

Trung Quốc cảnh báo châu Á nên tránh núp bóng Hoa Kỳ

Trọng Nghĩa
Trong thời gian gần đây, báo chí Trung Quốc liên tục lên tiếng đe nẹt các quốc gia châu Á đang có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Bắc Kinh. Trong một bài xã luận công bố hôm nay, 28/09/2011, Nhân dân nhật báo Trung Quốc lại nhập cuộc. Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi các nước châu Á cẩn thận trước điều mà tờ báo gọi là “hiểm họa” của tâm lý cho rằng mình “có thể làm bất cứ điều gì” nhờ có sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Theo bài báo, việc một số nước châu Á cảm thấy bất an trước đà vươn lên của Trung Quốc là điều dễ hiểu, nhưng chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm một “giải pháp hòa bình” cho các tranh chấp, như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong bối cảnh các quốc gia như Việt Nam và Philippines đang ngày càng bày tỏ lo ngại trước các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc, tác giả bài xã luận than phiền rằng “châu Á vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ cho tâm lý chiến tranh lạnh”.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ Bloomberg, sự kiện Trung Quốc viện dẫn các yếu tố lịch sử để đòi hỏi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông căn cứ vào tấm bản đồ hình lưỡi bò, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á, có nguy cơ làm quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc với các thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Vào năm ngoái, Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc nổi giận khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại Hà Nội rằng giải quyết vấn đề Biển Đông là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu”. Ngay khi ấy, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã phản bác quan điểm của Washington, cho rằng quốc tế hóa vụ việc với sự can dự của Mỹ “chỉ làm cho vấn đề xấu đi thêm và khó giải quyết hơn”. Bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo hôm nay cũng đi theo chiều hướng đó.
Tuy vậy, giới phân tích đã ghi nhận một thay đổi trong giọng điệu của tờ báo, theo chiều hướng bớt cứng rắn hơn trong việc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông với các láng giềng. Trả lời hãng tin Bloomberg, giáo sư Hoàng Tĩnh - Đại học Quốc gia Singapore - cho là bài bình luận nói trên có thể là tín hiệu gợi ý rằng Trung Quốc sẵn sàng thỏa hiệp với các quốc gia Đông Nam Á về tranh chấp Biển Đông để tránh không cho Mỹ dấn thân sâu hơn vào khu vực.
Theo ông Hoàng Tĩnh, một thỏa hiệp có thể là việc Trung Quốc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển nằm bên trong 9 đường gián đoạn, mà chỉ tập trung vào chủ quyền trên vùng biển bao quanh các hòn đảo và bãi đá ngầm. Thỏa hiệp này có khả năng có thể xoa dịu Malaysia và Philippines.
Đối với giáo sư Hoàng Tĩnh : “Trung Quốc thừa biết là họ không có bất kỳ cơ sở nào để đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực bên trong chín đường gián đoạn”. Do vậy, theo chuyên gia này, Trung Quốc có thể nhượng bộ chút ít để Hoa Kỳ không còn lý do để can thiệp vào khu vực.

Tây Tạng: Bắc Kinh phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc

Thụy My
Hôm nay (28/09), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tuyên bố, Bắc Kinh không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề Tây Tạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra sau khi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm qua, đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền của người Tây Tạng.

Ông Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi phản đối tất cả quốc gia nào hay những người nào sử dụng các vấn đề có liên quan đến Tây Tạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, phá hoại ổn định xã hội và sự hòa hợp chủng tộc…Chính quyền Trung Quốc luôn bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của các dân tộc thiểu số”.
Hôm qua, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố bày tỏ “hết sức quan ngại” sau vụ hai nhà sư Tây Tạng tự thiêu ngày 26/09 tại tu viện Kirti, tỉnh Tứ Xuyên. Thông báo này yêu cầu Trung Quốc cho phép các nhà báo và các nhà ngoại giao quan sát tình hình tại Tứ Xuyên, nơi cư dân người Tây Tạng vẫn tố cáo Bắc Kinh đàn áp họ.
Bản thông báo của bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Trước những lời ta thán liên tục của người dân Tây Tạng tại Trung Quốc, một lần nữa chúng tôi đòi hỏi những người có trách nhiệm ở Bắc Kinh cần tôn trọng các quyền của người Tây Tạng”.
Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh “từ bỏ các chính sách gây ra căng thẳng tại khu vực Tây Tạng; bảo vệ đặc thù tín ngưỡng, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng”.
Ngày 26/09, hai nhà sư trẻ đã châm lửa tự thiêu tại tu viện Kirti, và theo Tân Hoa Xã thì công an đã cấp cứu họ. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn cho biết, hai nhà sư này đã hô to “Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế” trước khi tự thiêu.
Hãng tin AFP nói thêm, một trong hai nhà sư này có thể là em ruột của Phuntsog, một nhà sư trẻ đã tự thiêu phản kháng hôm 16/03 cũng tại tu viện Kirti, dẫn đến cuộc nổi loạn quy mô tại đây. Theo tổ chức nhân quyền The International Campaign for Tibet, thì các nhà sư ở tu viện trên thường xuyên bị tra tấn.
Nhiều người dân Tây Tạng phẫn nộ vì bị đàn áp tôn giáo, văn hóa truyền thống bị xói mòn, cũng như sự thống trị của người Hán. Tuy vậy Bắc Kinh nói rằng mức sống của người Tây Tạng đã được nâng lên nhờ chính quyền Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô la vào đây. Khẳng định rằng đã “giải phóng Tây Tạng một cách hòa bình” vào năm 1951, Bắc Kinh hiện kiểm soát rất chặt chẽ vùng tự trị này và các tỉnh lân cận kể từ sau vụ nổi loạn năm 2008.

Trung Quốc bị nghi ngờ mua đất ở Iceland để khai thác vùng Bắc Cực

Trọng Nghĩa
Dự án mới đây của một nhà đầu tư Trung Quốc muốn thành lập một khu nghỉ mát rộng lớn tại Iceland, đã gây ra một luồng dư luận phản đối. Rất nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang âm mưu thiết lập đầu cầu tại một khu vực chiến lược để có thể sẵn sàng khai thác nguồn tài nguyên rất dồi dào dưới Bắc Băng Dương, cũng như tuyến hàng hải rất ngắn nối liền châu Âu với châu Á qua ngã Bắc Cực có trong thời gian tới đây.

Khai thác tài nguyên và mở tuyến giao thông hàng hải mới, đây là hai khả năng ngày càng hiện thực với đà tan chảy ngày càng nhanh của lớp băng bao phủ Bắc Cực do hiện tượng khí hậu bị hâm nóng.
Trung Quốc được cho là đang có mưu toan " tiên hạ thủ vi cường ", khi tìm cách chen chân vào Iceland, một quốc gia châu Âu nằm sát Bắc Cực. Vì không thể lộ mặt với tư cách Nhà nước để mua đất, Bắc Kinh bị tình nghi là đã thông qua một tỷ phú Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Iceland để làm việc này.
Cuối tháng 8 vừa qua, ông Hoàng Nộ Ba, một tỷ phú Trung Quốc, đã loan báo ý định bỏ ra gần 10 triệu đô la mua một khu đất rộng 300 km2, tương đương với 0,3% diện tích của Iceland. Khu đất mà nhân vật này muốn mua, tọa lạc ở vùng Fjöllum Grimsstadir, miền đông bắc Iceland.
Mục tiêu được ông Hoàng Nộ Ba, một ông trùm địa ốc chủ nhân tập đoàn Trung Khôn tại Bắc Kinh, loan báo mang tính chất thuần túy thương mại. Đó là thành lập một khu du lịch sang trọng, bao gồm một khách sạn, sân golf và một khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất ở châu Âu.
Thế nhưng, nhiều quan sát viên người Iceland nghĩ rằng qua dự án gọi là du lịch đó, Bắc Kinh muốn chen chân vào khu vực, thiết lập cơ sở, chuẩn bị tranh giành các mối lợi nẩy sinh từ việc Bắc Cực không còn bị đóng băng thường xuyên.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, bà Embla EIR Oddsdottir, một chủ nhiệm dự án tại Viện Bắc Cực Stefansson, xác định : " Chính phủ Trung Quốc dường như đang tìm mọi cách để giành phần trong công cuộc xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tương lai " ở Bắc Cực. Viện Stefansson là một tổ chức khoa học thuộc bộ Môi trường Iceland, chuyên trách vấn đề nghiên cứu và phát triển ở Bắc Cực.
Theo các chuyên gia hàng hải, vào mùa hè, khi băng tan, các tuyến hàng hải nối liền Thượng Hải với châu Âu đi qua Bắc Cực sẽ tiết kiệm được khoảng 6.400 km đoạn đường so với tuyến truyền thống xuyên qua kênh đào Suez.
Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Quốc hội Iceland, ông Arni Thor Sigurdsson tiết lộ : "Khi thảo luận với chính quyền Iceland, (Trung Quốc) đã công nhận rằng rất có thể " họ sẽ sử dụng Iceland như một hải cảng trên tuyến vận tải hàng hóa xuyên Bắc Cực.
Ngoài mối lợi về hàng hải, Trung Quốc cũng ngấp nghé nguồn dầu khí tiềm tàng ở Bắc Cực. Theo ông Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Victoria thủ đô Wellington của New Zealand, trữ lượng dầu hỏa ở Bắc Cực có thể lên đến 160 tỷ thùng dầu, và đó cũng là điều hấp dẫn Trung Quốc.
Trong một công trình nghiên cứu của mình, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) từng xác định là Trung Quốc xem Bắc Cực là điểm đến đầu tư, và đã bắt đầu tìm cách thu vén lợi ích kinh tế từ hiện tượng băng tan ở khu vực này.
Câu hỏi đặt ra là các mối quan tâm của chính quyền Trung Quốc có liên can gì đến đề án của ông Hoàng Nộ Ba ? Theo giới phân tích, đó là vì bản thân nhân vật này bị cho là người của chế độ. Khu vực nhà tỷ phú Trung Quốc muốn mua lại rất gần một cảng nước sâu. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Marc Lanteigne, khẳng định là chính quyền Bắc Kinh luôn luôn duy trì “quan hệ chặt chẽ và nhiều khi mờ ám” với giới kinh doanh trong nước.
Là người giàu đứng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Forbes năm 2010, ông Hoàng Nộ Ba từng làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Trung Quốc và là cán bộ tại bộ Xây dựng Trung Quốc.
Nhìn chung, dư luận hoài nghi về dụng tâm của Trung Quốc đã khiến chính quyền Iceland phải thận trọng. Bộ trưởng Nội vụ Iceland Qgmundr Jonasson mới đây đã xác định rằng yêu cầu mua đất của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được xem xét rất cẩn thận.

Úc điều tra vụ bê bối tài chính dính líu đến tập đoàn Hàn Long - Trung Quốc

Thanh Hà
Ba nhân viên cao cấp tập đoàn khoáng sản Hàn Long của Trung Quốc bị nghi ngờ lợi dụng thông tin nội tuyến để làm giàu trái phép trên đất Úc. Tai tiếng xảy ra vào lúc Hàn Long đang có kế hoạch thâu tóm hai tập đoàn khoáng sản của Úc. Khác với vụ án nhắm vào tập đoàn Rio Tinto năm 2008, vụ điều tra liên quan đến tập đoàn Hàn Long, ít có khả năng đe dọa đến quan hệ kinh tế và thương mại hữu hảo Canberra-Bắc Kinh.
Ngày 13/09/11 Ủy ban Điều hành Chứng khoán và Đầu tư của Úc (ASIC) chính thức mở cuộc điều tra nhắm vào ba nhân vật cao cấp thuộc tập đoàn khoáng sản Hàn Long (Trung Quốc) đang hoạt động tại Sydney. Đó là các ông Steven Hui Xiao, giám đốc của tập đoàn ; phó chủ tịch Calvin Zhu và một nhân viên trong ban điều hành là ông Fan Zhang. Cả ba cùng bị nghi ngờ lợi dụng thông tin nội tuyến, Insider trading, qua trung gian các hoạt động của Hàn Long để nhanh chóng kiếm lời.
ASIC yêu cầu Tư pháp Úc cấm ba nhân vật nói trên xuất ngoại và phong tỏa luôn tài sản của họ. Vụ tai tiếng này xảy ra đúng vào thời điểm tập đoàn khoáng sản Hàn Long của Trung Quốc có trụ sở tại Tứ Xuyên qua trung gian chi nhánh tại Sydney đang đàm phán để mua lại tập đoàn thép Sundance Resources của Úc với cái giá 1,3 tỷ đô la và tập đoàn khai thác uranium Bannerman Resources với giá 145 triệu đô la.
Vụ tai tiếng nói trên liệu có nguy cơ đe dọa tham vọng của Trung Quốc làm chủ thêm hai tập đoàn khai thác uranium và thép của Úc đang hoạt động tại châu Phi hay không ? Bê bối của ba nhân viên cao cấp trong ban lãnh đạo của tập đoàn Hàn Long tại Sydney liệu có làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước vốn có nhiều quyền lợi chung trong lĩnh vực khai thác tài nguyên như là Úc và Trung Quốc hay không ? Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa trường hợp của tập đoàn Hàn Long với Rio Tinto trước đây ?
Nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney lần lượt phân tích về hồ sơ này.
Theo ông, việc ba nhân viên cao cấp của tập đoàn Hàn Long Trung Quốc đang trong tầm ngắm của Ủy ban Điều hành Chứng khoán và Đầu tư ASIC của Úc trước hết là một vụ bê bối tài chính liên quan đến các cá nhân của ban điều hành tập đoàn Hàn Long. Bản thân công ty Trung Quốc này cho đến giờ chưa vi phạm pháp luật của Úc.
Thêm vào đó, quyết định có để cho Hàn Long mua lại hai tập đoàn khoáng sản của Úc nêu trên hay không, điều ấy tùy thuộc vào hội đồng quản trị của bản thân SundanceBennerman Resources. Chỉ một khi được đồng thuận của hai công ty Úc thì thủ tục mới được trình tiếp lên Hội đồng về đầu tư của Úc. Như đối với tất cả các hồ sơ, cơ quan này sẽ duyệt xét trên cơ sở các « quyền lợi quốc gia ».

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Sức sống Sài Gòn từ những con hẻm nhỏ

Sunday, September 25, 2011 2:11:32 PM 

Nguyễn Ðạt/Người Việt

Hiển nhiên Sài Gòn là thành phố có nhiều ngõ hẻm nhất trong cả nước. Một nhà báo ngoại quốc tới Sài Gòn, đã xem những ngõ hẻm của thành phố này là “Hẻm phố thông ra thế giới.”
Hẻm phố bình dân ở đường Tôn Ðản, quận 4. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Trong bài viết ở tạp chí “Saigon City Life,” nhà báo cảm nhận những ngõ hẻm của Sài Gòn là những nguồn lạch chảy ra sông ra biển; ngõ hẻm chi chít chảy ra đường phố, ra các đại lộ, nơi những công trình kiến trúc tổng hợp những nét văn hóa của thế giới.
Những ngõ hẻm của Sài Gòn chứng kiến bao thay đổi của lịch sử, để Sài Gòn có được một một bảng màu sinh động trên con đường đi tới thế giới bao la.
Sài Gòn chi chít hẻm và hẻm; hẻm phố Sài Gòn đa hình đa dạng, muôn vẻ muôn màu.
Có thể nêu hình ảnh tiêu biểu cho các ngõ hẻm khu phố bình dân, với hầu hết cư dân thuộc giới lao động nghèo, là thành phần chiếm đa số ở Sài Gòn.
Lối hẻm chỗ rộng chỗ chật, có nhiều cua quẹo chỉ lọt một chiếc xe đạp đi qua; cửa nhà nhấp nhô xô lệch, có nhà bóng lộn có nhà xám xịt, có nhà không số có nhà số hai ba lần “xuyệt”; họp chợ ngay trước hai bên nhà cửa: quang gánh thúng mủng chen chúc, cá tôm nhảy quẫy trong chậu bắn nước tứ tung...
Hẻm còn là quán tiệm giải khát điểm tâm, hàng quà bánh đủ loại; tiệm làm tóc, trang điểm cô dâu và các cô gái hành nghề lúc tối đêm; hộp đồ nghề làm “nails,” móng tay móng chân được cắt giũa sơn xanh đỏ tím ngay trước cửa một căn nhà nào đó.
Chiếc máy may đặt ngoài hiên nhà, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu chưng diện để các cô gái đi “shopping” siêu thị, xem hát ở tụ điểm ca nhạc, đi hát karaoke và tân cổ nhạc giao duyên, hát với nhau tại các quán văn-nghệ-có-ăn-nhậu-kèm-theo; âm thanh hỗn độn: tiếng gây gổ đòi nợ đóng hụi, tiếng chửi thề, tiếng xe gắn máy chạy đầy ngõ hẻm, tiếng con nít kêu la, tiếng tivi mở hết vô-lum; mùi vị xào nấu từ cửa các nhà, các quán nhậu...
Hẻm phố nhậu ở đường Hồ Thị Kỷ, quận 10. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Trong tiệm cà phê hẻm phố bình dân đó, những ông già ở trần say mê đọc-nhựt-trình hoặc nghe tin tức từ cái máy phát thanh nhỏ xíu như một món đồ cổ; những bà móm mém hút thuốc luôn miệng như lính lê-dương thuở xưa; những cô cậu trẻ tuổi bàn tán về sự kỳ diệu của xe hai bánh tay ga Air Blade - Click Nhật Bản, điện thoại di động đa chức năng, ngoài gọi và nghe còn chụp hình quay phim truy cập mạng...
Hẻm phố Sài Gòn thật lạ. Có những hẻm phố như ở vùng Phú Lâm-quận 6, đêm nghe tiếng ếch nhái tiếng côn trùng kêu rả rích như ở miền quê; có những hẻm phố ở quận Bình Tân - tách ra từ huyện Bình Chánh - tiếng động của sắt thép vang dội suốt đêm ngày, lấn át mọi âm thanh; có những hẻm phố ở quận 11, tiếng chó tru liên hồi trong đêm như tiếng sói hú giữa rừng hoang.
Có những con hẻm thuộc quận Phú Nhuận, như ở đường Huỳnh Văn Bánh - gần cổng xe lửa số 6 - đường Nguyễn Thị Huỳnh... vào sâu trong hẻm bình dân chợt gặp công trình kiến trúc đẹp lộng lẫy, như tách vỏ một loài sò thấy hạt ngọc trai. Có những con hẻm ở đường Hai Bà Trưng-Tân Ðịnh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đường Công Lý cũ - đường phố và hẻm phố đều đẹp, như viên ngọc được tách ra để thấy cả bên trong. Lại có những hẻm phố ở khu xóm bình dân như chỉ để chứa rác rến, phơi đầy lối đi những chai lọ túi bịch ni-lông và các phế phẩm linh tinh khác.
Có những hẻm phố Sài Gòn nổi tiếng khắp nước, như hẻm “Quán cơm Bà Cả” tại hẻm số 53 đường Nguyễn Huệ, quận 1. Quán cơm Bà Cả mà nhiều người gọi là Bà Cả Ðọi, có mặt tại Sài Gòn từ những năm cuối thập niên 1940, hầu như các nhà báo và văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 30 tháng 4, 1975 cũng ưa lui tới.
Có thể không phải vì quán cơm này ăn ngon hay giá rẻ, mà vì nó lạ, nó toát ra một vẻ thân mật giản dị rất “miền Bắc” thuở xưa. Ði vào hẻm số 53, cuối hẻm là bậc cấp dẫn lên quán cơm Bà Cả. Bậc cấp này cũng là một sức thu hút những người có máu me văn nghệ; như thể con ngõ chỉ là lối đi, để tới bậc thang dẫn lên quán cơm Bà Cả. Từ nhiều năm nay, bà Cả già yếu không đứng bán cơm nữa, chuyển cho người em trai và hai con gái; hiện là các quán cơm mang biển hiệu Ðồng Nhân - ghi kèm thêm là Cơm Bà Cả - mở tại các đường Tôn Thất Thiệp, Trương Ðịnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh (phía dưới chân cầu Thị Nghè).
Hẻm số 47 đường Phạm Ngọc Thạch (đường Duy Tân cũ) nổi tiếng là “cà phê hẻm Trịnh.” Hẻm là lối đi giữa hai bờ tường của những biệt thự, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở biệt thự cuối hẻm. Nhiều văn nghệ sĩ được/bị xem là “văn nghệ ngoài luồng” như nhóm Mở Miệng của hai nhà thơ Bùi Chát-Lý Ðợi, những người bất đồng chính kiến như Blogger Ðiếu Cày-Nguyễn Hoàng Hải, Thạc sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, trước đây thường xuyên uống cà phê tại hẻm 47. Buổi sáng, khách uống cà phê ngồi dài bờ tường con hẻm, trong đó hẳn nhiên có công an chìm theo dõi những người bất đồng chính kiến, những người hay tham gia biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa-Trường Sa... Buổi chiều vắng khách, thường gặp nhiều khách phương Tây tới cà phê hẻm 47; có lẽ tiếng tăm của “cà phê hẻm Trịnh” đã vang dội khắp nơi.
Hẻm phố Sài Gòn thật lạ, chất chứa bao tình. Chúng tôi đã gặp một hẻm phố thuộc đường Nguyễn Trãi (đường Võ Tánh cũ), con hẻm rất giống hình chai rượu: đáy chai là đầu hẻm, cuối hẻm thắt lại y hệt cổ chai. Một gã bụi đời nghiện rượu đã chọn đầu hẻm giống đáy chai rượu này làm nơi cư ngụ. Bà con hẻm phố bình dân Sài Gòn thì không khác nào bà con ở làng xóm thôn quê. Mỗi khi nhà ai có đám ma đám cưới thì gần như bà con cả hẻm phố tham gia, chia sẻ. Bà con xăng xái phụ dựng lều dựng rạp, tham gia hát hò giúp vui lên cho đám ma, góp mừng thêm cho đám cưới; nhà ai có người đau ốm cần cấp cứu, sản phụ sắp sinh, bà con luôn nhanh lẹ góp bàn tay đưa đi bệnh viện...
Và những đêm khuya hẻm phố, âm thanh ngắn gọn của hai thanh tre đập cóc cóc vào nhau từ tay chú bé rao bán hủ tíu gõ; tiếng lóc xóc từ dây xâu những miếng kim loại của chàng dáng vẻ thư sinh thuở xưa, thay tiếng rao ai đau lưng nhức mỏi để chàng vào đấm bóp, ngó và nghe sao buồn bã thê lương.
Sức sống từ hẻm phố làm nên Sài Gòn, một Sài Gòn mà nhà văn Bình Nguyên Lộc đã hình dung là một thanh niên đầy sức sống, có thể tiêu hóa bất cứ thứ gì, kể cả sắt. Sự cuốn hút của bất cứ một hẻm phố nào lúc khuya khoắt, có phải sức cuốn hút của hư vô, của đêm tối? Ðể nhiều lần, trước 30 tháng 4, 1975, đạo diễn phim Hè Muộn đứng sững hàng giờ trước những con hẻm dẫn vào sâu hun hút, dưới ánh đèn đêm tư lự hắt hiu.
Hẻm phố Sài Gòn vẫn sống giữa lòng thành phố, lại thêm nhiều tâm sự hơn xưa. Nhưng bây giờ có đạo diễn phim ảnh nào như Ðặng Trần Thức, cảm nhận đến sững sờ nhịp đập của trái tim Sài Gòn?

Việt Nam: Tượng đài, cây cầu "biểu tượng", và con người

Nhà Giáo... Bỏ Nghề (danlambao) Cả tuần lễ rồi, toàn nước rộ lên những lời ta thán, phê phán rất nặng nề đối với giới cầm quyền! Những lời lẽ biểu lộ sự bức xúc cùng độ này phát ra từ mọi nơi, mọi người: nông thôn đến thành thị, ngoài đường, ngoài chợ, trong quán, nơi công sở, tư sở…; từ người trí thức đến nông dân, công nhân, nhà báo, dân thường, và cả đám trẻ con mới lớn vừa biết suy nghĩ cũng nêu nhận định.
Có lẽ sự kiện này đã đụng chạm đến mọi người, mọi giới, khi mà họ đã quá căng thẳng vì cuộc sống bất ổn do vật giá leo thang, làm ăn khó khăn, thu nhập không đáp ứng chi tiêu, và tình trạng mất an ninh trật tự xã hội đã …đạt đáy: trộm cướp, đinh tặc, cẩu tặc, dâm tặc, và muôn vàn thứ TẶC ở khắp mọi nơi, nhất là bạo lực lan tràn, đến cả nơi sơn lâm cùng cốc, vùng thượng du vốn hiền hòa, đe dọa sự an ninh của mọi người, mà nguồn gốc từ bọn bất lương cho đến chính quyền bất chánh, từ kẻ côn đồ trấn lột, đến công an hăm he đe dọa, bắt nóng bắt nguội người biểu tình yêu nước, người tham gia tọa đàm về an ninh biển đảo, người bất đồng chính kiến, còn gắt gao hơn cả họ truy lùng những kẻ bất lương! 
Do đó mà khi cái tin chính quyền tỉnh Quảng Nam, một tỉnh còn nghèo nàn, quyết định xây tượng đài Bà Mẹ VN Anh Hùng với kinh phí 410 tỷ đồng, đã giống như một gáo nước lạnh tạt vào mặt người dân, như những giọt cuối cùng làm tràn ly nước đã đầy! Và mọi nơi, mọi người mặc sức tuôn ra những lời chỉ trích thậm tệ không còn chút kiêng nể, kềm chế, trong rất nhiều các comments ở các trang tin Yahoo, BBC…, như muốn đấm thẳng nắm tay vào kẻ đã gây nên tội: cái tội HẠI DÂN HẠI NƯỚC, VÔ CẢM, THAM LẬM, Ỷ QUYỀN, VÔ TRÁCH NHIỆM trước nỗi cùng khổ của người dân, trước một đống nợ quốc gia không trả nổi vì ngân quỹ rỗng trống, mà vẫn nhập siêu nhiều ngoaị phẩm, đặc biệt từ Trung quốc, kẻ thù số 1 của dân ta. Nguồn tài nguyên quốc gia thì cạn kiệt, mạnh ai nấy đào bới, khiến đất nước tan hoang, ô nhiễm môi trường sống của người dân, như vụ khai thác bauxite ở Lâm Đồng: vừa đi vào hoạt động thì cả một vùng ở Bảo Lộc đã chết cây, chết cá hàng loạt vì nước nhiễm độc! Ấy thế mà những kẻ cầm quyền vẫn chưa chịu ngừng cái tội ác ham danh, hám lợi, vẽ vạch ra những loại dự án hàng ngàn tỷ đồng để ngắm chơi, để lấy danh, và để rút ruột công trình bỏ bào túi riêng! Dân chúng hoàn toàn có lý, và rất đáng được sự đồng cảm, đồng thuận của cả nước, khi mà báo chí đưa ra những bức hình chụp từng tốp trẻ em đang ngụp lặn giữa dòng sông để…đến trường học! Vì thế mà mọi giới đều phẫn uất và phản kháng, lên tiếng mạnh mẽ chưa từng thấy. 
Hai trách nhiệm chính của nhà cầm quyền: Một là lo cho dân an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc; hai là lo bảo toàn, xây dựng đất nước, thì cả hai trọng trách này, kẻ cầm quyền hiện tại đều VI PHẠM NẶNG NỀ! Vi phạm không phải ở mức độ không làm xong, mà ở tình trạng hoàn toàn làm phản ngược lai: HẠI DÂN, BÁN NƯỚC, PHÁ TAN TIỀN ĐỒ TỔ QUỐC DO TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI ! Vì thế, họ đã trở thành kẻ nghịch thù của dân, và là kẻ PHẢN QUỐC, không còn thể chối cãi! 
Chối cãi thế nào đây? Làm sao các người lý giải được trước những hình ảnh trái ngược đến gây sốc trên mặt báo, báo “lề phải” của các người đó: mô hình tượng đài Bà Mẹ VN Anh Hùng to như một quả núi, giữa nhô lên một cái đầu, hai bên “cánh” là hình “gương mặt những người con”, mà một số phản hồi tôi đọc được trên Yahoo: “Lại cướp tiền của dân!”, “Phải vẽ ra chứ, có VIỆC LÀM mới có CÁI ĂN!”, “Eo ơi! Sao không giống hình ảnh bà mẹ, mà giống như QUỶ, vì chỉ có một cái đầu, không có tay, hai cái cánh xòe ra với một lũ đầu người”!... Tôi ngồi chung với một số bạn bè cùng đọc các comments đó, họ bình luận rằng: “Có lý! Vì cái tượng đài này ngốn hết BAO NHIÊU LÀ CƠM GẠO CỦA DÂN NGHÈO, và CHẶN ĐƯỜNG TƯƠNG LAI CỦA BAO NHIÊU TRẺ EM đang phải vượt qua sông nước cuồn cuộn chảy để đi học, vì không có được một cây cầu dù chỉ đáng hơn một tỷ đồng! “BÀ MẸ VN” mà như vậy sao?”. 
Nghe xong tôi sững sờ tê tái! Kẻ chủ trương xây tượng đài này vô tâm đến thế sao? Thử tưởng tượng cảnh các cháu trai gái đã lớn khôn, đã hiểu biết, ngày ngày cùng nhau trần trụi lội sông, liệu có chấp nhận được không? Ngày nắng đã đành, ngày mưa gió nước lũ giá rét phải trầm mình trong giòng nước lạnh, các cháu có chịu nổi không? Nếu chẳng may một vài cháu bị dòng nước cuốn trôi, thì trách nhiệm về ai, hay lại “tại dòng nước”?! Chúng ta hãy ngẫm xem: cái tượng đài này chỉ dành cho những đối tượng là mẹ của những người lính phục vụ và bảo vệ cho chế độ CS, chứ không bao gồm tất cả các bà mẹ chiến sĩ VN nói chung, của mọi thể chế, mọi thời đại. Còn mẹ của các chiến sĩ VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 thì sao? Vậy nó chỉ có ý nghĩa cho một thời, chứ không mang giá trị phổ quát bất biến, và vì thế sẽ phải ĐẬP BỎ sau khi chế độ CS không còn. Đó là điều tự nhiên, vì chẳng có chế độ nào, con người nào mà tồn tại mãi cả. Hãy nhìn các chế độ CS ở Liên Xô, Đông Âu, Libya sau khi sụp đổ, thì những tượng đài mang tính chế độ đều bị dân chúng lôi đầu kéo cổ xuống hết!. Vả lại, ngay những vị anh hùng cứu quốc mà mọi thời đều kính tôn, hay Mẹ Âu Cơ của giòng giống Việt cũng chưa từng được tạc tượng lớn đến như vậy! 
Thật ra các bà mẹ VN anh hùng của chế độ CS này, hiện còn sống đi nữa, quý vị cứ công tâm mà nghĩ xem có bà mẹ nào ham thích hay thấy cần thiết phải có cái tượng đài này không? Một ngàn lần không! Trên tám chín chục tuổi đầu gần đất xa trời, bản thân còn chưa lo nổi, đi đứng không xong, nhiều khi cơm cháo, thuốc thang còn không có đủ, thậm chí mất cả nhà cửa, ruộng vườn, không nơi nương tựa vì các DỰ ÁN nọ kia của kẻ cầm quyền, mắt đã mờ, chân đã chậm, liệu có bao nhiêu cụ còn cơ hội mà đi nhìn thấy cái “tượng đài” của mình?! Đúng với câu cổ nhân nói: “Khi sống thì chẳng cho ăn, đợi đến khi chết làm văn tế ruồi!”. Hầu hết các cụ đã chết, hoặc đang “chờ ngày sum họp với các con” là những người lính đã bỏ mình trong các trận chiến bảo vệ non sông, hay tệ hại và đau đớn hơn, là bị mất mạng trong các trận chiến “nồi da xáo thịt” phi nghĩa, BẢO VỆ CHO MỘT CHẾ ĐỘ BẤT XỨNG HIỆN NAY, để nó tồn tại mà hại dân hại nước! Đừng “mượn đầu heo nấu cháo”! Cái lý do chính xác thì chính “kẻ chủ mưu” đã thốt ra rồi: “Nhìn tượng đài này cả ‘thế giới’ sẽ nể phục ta”?! “TA” đây là AI? Có phải là các bà mẹ? Vì các bà mẹ hay vì các người, những con người đầu nhỏ nhưng bụng to, HÁO DANH, HÁO LỢI? Với các dự án này, sau cái danh, các người còn có lợi, là rút ruột công trình bỏ túi riêng! Đó là cái BỆNH mãn tính của các người, ai mà chẳng biết! Đến cái “công trình ngàn năm” của các người ở Điện Biên Phủ, mới vài năm mà nó đã muốn sụp, và chờ trở thành đống đổ vụn! Đừng có lấy các người mẹ khổ đau và bất hạnh này ra mà gánh tội cho các người! 
Đây! Nếu muốn thì tôi sẽ chứng minh tại sao tôi gọi họ là những kẻ khổ đau và bất hạnh, chỉ một vài trường hợp điển hình thôi (tôi không hề dám xúc phạm đến những người mẹ các chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc, trong các trận chiến chống ngoại xâm!): Một bà mẹ của 5 bộ đội đã cùng tử vong trong trận Mậu Thân ở chiến trường Miền Nam, khi CS miền Bắc xua quân vào tấn công mong chiếm trọn miền Nam đang dưới chế độ Cộng Hòa, bà sống ở Thanh Hóa. Khi đó bà cũng như những người dân miền Bắc, được tuyên truyền là ở miền Nam đồng bào “ruột thịt” đang bị sống lầm than dưới ách kìm kẹp của “Mỹ Ngụy”, cần phải “hạt gạo cắn làm đôi” để cứu đồng bào miền Nam đang đói khổ và cần được “giải phóng”! Thế là những người mẹ có con trai, con gái sẵn sàng hy sinh cho con đi “giải phóng”, vì nhà nào mà chả có thân nhân xa gần di cư vào Nam? Sau khi đã nếm mùi “thiên đường XHCN” do mình dầy công xây dựng, nhìn cảnh quê hương tan nát tiêu điều, ngư dân bị Tàu giết, đất cảng được dâng cho Tàu, bà đau khổ hao mòn mà chết, chết trong cô quạnh vì chẳng còn con cháu ngó nhìn! 
Còn miền Nam như thế nào tôi miễn nói. Chỉ vì “giải phóng” mà ngày nay Bắc Nam cùng khổ, cùng “hưởng” địa ngục trần gian như nhau, để cho một số kẻ thời cơ trồi lên làm “tư bản đỏ”, thu tích của cải tài sản của dân nước, cỡi đầu toàn dân. Chúng cấm biểu tình chống ngoại xâm theo lệnh của giặc, và bắt bớ tiêu diệt những người không chấp nhận “thiên đường CS”, như mọi người từng thấy! Nhưng không gì uất ức cho bằng cảnh mà cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên báo cho dân ta cái thời đại CS: “Người khôn uất ức, kẻ ngu cỡi đầu!” như hiện giờ! 
Trường hợp của hai bà mẹ VN anh hùng ở làng tôi, một bà có 3 người con trai tử trận vì đi “giải phóng miền Nam”, đến khi Saigon vừa bị chiếm, bà được vào thăm anh em, chứng kiến thực cảnh ở miền Nam, bà về lại quê và phát bệnh rồi chết, vì thương tiếc con, và trách mình mê lầm để con phải chết oan! Còn cụ kia có 4 con trai, hai người đang dậy học thì phải đi lính, và một con rể nữa là 5, cùng chết trong trận Mậu Thân. Khi được tin báo, mọi người trong thân tộc khóc than đau đớn vì tuyệt giòng, người dì ruột của các tử sĩ đã xỉu lên xỉu xuống, riêng bà mẹ “anh hùng” thì tỉnh queo, còn có vẻ hãnh diện và hân hoan khi “lãnh” hình 5 người con tử trận đem treo đầy nhà, với một số tiền mấy chục triệu, và một bộ đồ cho bà mặc để nhận huy chương “mẹ VN anh hùng”! Bà được đưa lên thủ đô Hà Nôi tham quan, và được các “đồng chí cán bộ” đến “tôn vinh”, khiến bà luôn kiêu hãnh vì những “danh vọng” đạt được do hiến cho Đảng 5 người con thân thương. Cho đến khi nằm bệnh lúc tuổi già cô quạnh không ai chăm sóc, trước khi lâm chung, bà đã khóc suốt mấy đêm ngày và thốt ra những lời đã từng giấu kín trong lòng bao chục năm: “Vì tôi ngu nên đã… giết hết các con của tôi”, và bà quyết… ra đi để tìm con chuộc lỗi! 
Những người mẹ như vậy hỏi có ai biết tới? “Tượng đài” kia có khiến họ khuây nguôi?! Cũng đừng nói khi xây tượng đài với kinh phí hơn 4 trăm tỷ là cử chỉ đền ơn của các người nhé, tiền của các người không bỏ ra một cắc, hoàn toàn đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân đóng góp vào ngân sách nhà nước mà các người trọn quyền làm chủ và vung tay phung phá, trong khi trẻ em ở vùng sâu phải hàng ngày 2 buổi trần truồng ngụp lặn dưới dòng nước sâu lạnh giá, gái như trai, đầu đội quần áo và cặp sách, tay bơi lội vượt sông đi tìm “cái chữ”! Khi nghe tin về dự án này, nhiều phản ánh trên báo nói rằng có nhiều bà mẹ VN anh hùng đã phản đối mạnh mẽ, vì không cam lòng nhìn thấy trẻ thơ phải vượt sông đi học, mà dùng quá nhiều tiền để xây tượng đài như vậy! Tôi nghĩ phải chi họ chỉ cần lấy 1 phần mười số tiền đó để chăm lo cho các bà mẹ côi cút là “tượng đài sống” này, thì có lẽ các bà đã thật sự hạnh phúc. Nói tới đây lòng tôi đau như cắt, nghẹn tắc nơi cổ họng, cố nuốt hận vào lòng mà không trôi! 
Lại còn tiếp thêm một tin mới trên mặt báo ngày hôm qua: “Cải tạo cầu Long Biên (Hà Nội) làm “cầu biểu tượng”, chỉ dùng để …đi bộ cho nó “hết sức lãng mạn, như một số cầu ở các nước phương Tây” (lời của người đề xướng dự án), với kinh phí chỉ… 4.860 tỷ đồng! (tin trên Yahoo). Số tiền này mới chỉ bằng...gần BỐN NGHÌN CÂY CẦU vô cùng cần thiết cho các trẻ nhỏ vùng sâu xa, như ở bản “ông Tú”, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang mơ ước mà không có, để tránh nguy cơ bị chết trôi chết chìm cho bao trẻ nghèo cần đi học hàng ngày! Số tiền ấy cũng có thể xây dựng tương lai cho nhiều thế hệ trẻ, chứ không chỉ sửa chữa cải tạo có một cây cầu Long Biên! Đó là Ý TƯỞNG TÁO TỢN của một nữ kiến trúc sư (không thấy nêu tên trong bài báo), vừa mới “vạch đường” cho các quan chức Hà Nội, mà chắc chắn nếu Ý TƯỞNG GIẾT NGƯỜI này được thực hiện, bà ta “khó tránh khỏi được… hậu tạ” hàng trăm hay nhiều chục tỷ đồng cho cái tư tưởng QUÁI THAI VÔ NHÂN TÍNH nói trên! Tôi nói “giết người”, là chính xác, vì 4.860 tỷ đồng LÀ XƯƠNG MÁU CỦA BAO DÂN LÀNH! 
Nhân đây xin nhắn “mẹ-đẻ-của-cây-cầu-Long-Biên-với-kinh-phí-4.860-tỷ-để-đi-bộ-cho-lãng-mạn” rằng: Cây cầu của bà chắc chắn chưa ĐẠT LÃNG MẠN bằng các bức hình chụp TRẦN TRUỒNG GIỮA THIÊN NHIÊN của mấy cô cậu nghệ sĩ vô văn hóa, kém giáo dục đăng trên các báo, nhất là cảnh SỐNG THỜI TIỀN SỬ với những màn TẮM TIÊN của các quan chức nhà nước mới đây đâu bà ạ! Dù sao nó cũng không cướp của dân nhiều tiền như “cây cầu biểu tượng” con đẻ của bà, và nó còn “nhân đạo” hơn gấp bội, vì các cảnh “lãng mạn” bẩn thỉu kia nếu có gây cho người ta bức xúc đến sinh bệnh mà chết, thì “con số tử vong” của nó cộng lại, cũng không thể cao bằng con số tử vong do đói, hay do bất mãn và uất ức bởi cái DỰ ÁN HẠI NGƯỜI của bà đâu, thưa bà kiến trúc sư… bệnh hoạn! (Bệnh hoạn vì trong tình thế này mà dám ngồi rỗi đẻ ra cái quái thai đó, để “hiến kế” cho bọn tham quan hút máu mủ của dân!). Nếu chỉ vì muốn nổi danh thì xin bà hãy lựa con đường khác “nhân đạo” hơn, kẻo bà lại có thể trở thành kẻ tiếp tay cho quỷ mà hại dân đấy bà ạ! Hoặc giả bà tự thấy có khả năng và dư giờ, xin bà hãy cố động não vẽ “truyền chân” dùm cho nhà cầm quyền VN một “biểu tượng” chính xác và thích hợp hơn: đó là MỘT BÀY KHỈ ĐANG CƯỜI NHE RĂNG BÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI CHẾT KHÔ! 
Nói thay cho dân,

“2 tàu cá VN bị tàu Trung Quốc đuổi bắn khi tránh bão” - Luật Quốc Tế có đứng cùng Ngư Dân?

Đặng Thanh Chi (danlambao)  - Luật hàng hải quốc tế đã quy định quá rõ ràng sự đặc miễn xâm phạm sinh mạng, hàng hoá, tàu bè của ngư dân vô tội ngay cả trong thời gian giao tranh, thế thì tại sao câu hỏi của Mẹ Nấm nêu ra “Ai đang bám biển cùng ngư dân?” và “Ai đang bảo vệ ngư dân?” đến nay vẫn không có câu trả lời thoả đáng và chưa có một hành động bảo vệ chính thức nào từ những kẻ lãnh đạo đất nước này? Phải chăng đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam muốn 86 triệu dân phải xuống đường để tự bảo vệ lấy đất nước của chính mình trước sự hung hãn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ?!!! Ngày xuống đường ấy của đại khối dân tộc gần hay xa là tùy vào mức độ vô năng và bất xứng của những người lãnh đạo !!! ...


*

Ngày 24 tháng 9 năm 2011, lúc 13 giờ, 2 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngải bị tàu Trung Quốc tấn công, đuổi bắn trong nhiều giờ, nhiều ngày khi đang trú bão tại đảo Trụ Cẩu, thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai tàu cá mang biển số QNg 95337TS và QNg 95850TS. Chủ nhân kiêm thuyền trưởng là ngư dân Trương Văn Đức và ngư dân Trương Tài. 
Điều khoản 3 của Công Ước Quốc Tế “The Hague” (“The Hague Convention”1907) có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1910, quy định “Những Giới Hạn Liên Quan Đến Quyền Bắt Giữ Trong Chiến Tranh Hải Quân”[1]: “những tàu chuyên dùng cho việc đánh cá dọc theo bờ biển được miễn trừ ... không được bắt giữ...”. Luật này được quốc tế quy định và áp dụng trong thời chiến giữa các quốc gia tranh chấp và sau đó trở thành tập quán luật pháp chung (“customary law”) áp dụng cho tất cả các nước trong cộng đồng “văn minh” thế giới (“civilized nations”).[2]
Điều khoản này sau chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến đã được các nước đồng quy định lần nữa trong các Công Ước Geneva (Geneva Conventions) 1949, được thông qua năm 1977. Điều khoản 48 của Công Ước yêu cầu lực lượng vũ trang của các quốc gia tranh chấp trong vùng phải “phân biệt giữa dân thường và chiến binh; và giữa các đối tượng dân sự và các mục tiêu quân sự”.[3]
Điều khoản 54 của Công Ước Geneva cũng quy định lực lượng vũ trang của các nước không được quyền tấn công, không được quyền huỷ hoại mà còn “phải bảo vệ những phương tiện không thể thiếu cho sự sống còn của người dân”.[4]
Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm trầm trọng tất cả các điều khoản trên. Việc tấn công, truy đuổi, bắn, đốt các tàu cá ngư dân với mục tiêu hủy hoại phương tiện “không thể thiếu” cho sự sống còn của gia đình các ngư dân, trong vùng biển không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, lại không phải trong lúc đang có chiến tranh với Việt Nam, và nhất là trong lúc hai tàu cá vô tội chỉ đang tránh bão, cho thấy tính chất dã man, hung hãn đầy thú tính của Trung Quốc. 
Các luật sư Việt Nam có thể nêu câu hỏi mang tính “kỹ thuật pháp lý” rằng nếu Việt Nam không thuộc các quốc gia thành viên đồng ký tên trong các Công Ước quốc tế nêu trên, thì liệu ngư dân Việt Nam thấp cổ bé miệng có được luật công ước thế giới bảo vệ hay không trước sự tàn ác ngày càng quá khích của Trung Quốc? Câu trả lời là có; dựa trên hai điểm chính: 
1) Thứ nhất, Việt Nam không cần thiết phải là thành viên ký kết của các công ước trên vì các công ước ấy chỉ nhằm áp dụng trong thời chiến. Việt Nam và Trung Quốc đang không có chiến tranh với nhau. Nguyễn Tấn Dũng và Đới Bỉnh Quốc gần đây nhất vẫn ôm nhau hôn thắm thiết. Do đó, ngư dân Việt Nam lẽ ra không cần đến các công ước trên mới được bảo vệ vì ngay cả nếu Trung Quốc và Việt Nam đang ở trong tình trạng chiến tranh thì Công Ước The Hague và Geneva 1949 cũng quy định “những tàu chuyên dùng cho việc đánh cá dọc theo bờ biển được miễn trừ ... không được bắt giữ...”. Nếu trong chiến tranh đã thế thì trong thời bình lại càng không thể tấn công ngư dân. Trong luật pháp, đây gọi là quy tắc có thể được giả định (presumptive rule). 
2) Thứ hai, những điều khoản trong các công ước trên được các quốc gia trong thế giới văn minh ngày nay công nhận như luật nhân đạo trong chiến tranh” (“the humanitarian laws of war”) và mang tính phổ quát cho cộng đồng nhân loại. Việt Nam không nhất thiết phải là đối tác ký kết trong các Công Ước này mới nhận được sự ủng hộ của công pháp quốc tế. Nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc đang trong “thời bình” nên việc Trung Quốc vô cớ xâm phạm với mục tiêu huỷ diệt sinh mạng, tài sản, tàu bè ngư dân đã là vi phạm công pháp quốc tế. Và nhất là không phải một lần, mà là nhiều lần, trong nhiều năm!!! 
Tuy nhiên, trong chúng ta, ai cũng hiểu vấn đề ngư dân được bảo vệ hay không, đầu tiên trách nhiệm phải do chính những người lãnh đạo Việt Nam có dám “đặt vấn đề” với Trung Quốc hay không? Có dám truy tố Trung Quốc trước toà án tư pháp quốc tế để đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân mình hay không? Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hung hăng đuổi bắn tàu ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước. Qua những cuộc tiếp xúc, phỏng vấn và thông tin trên báo chí qua các phóng sự thực hiện bởi Phạm Thanh Nghiên can đảm nhiều năm trước và Mẹ Nấm lúc gần đây, cho chúng ta thấy không chỉ những phương tiện tàu bè, lưới, chài của ngư dân bị tiêu huỷ, mà máu và sinh mạng của nhiều ngư dân đã bị huỷ hoại bởi lực lượng hải quân và tàu vũ trang của Trung Quốc. Việc Trung Quốc cắt cáp tàu Viking I & II cũng đã vi phạm trầm trọng Công Ước “The Hague”: “ngoài tàu đánh cá ven biển của ngư dân, các tàu thuyền hoạt động mang tính chất khám phá khoa học đều được miễn trừ không được bắt giữ hay huỷ hoại”, (“immunity for “coastal fishing boats” and vessels engaged in scientific discovery”). Điều khoản 22 của công ước Geneva Convention 1949 cũng miễn trừ cho các tàu bệnh viện quân đội không phải bị bắt giữ (“military hospital ships”), dù là trong lúc giao tranh. 
Việc các quốc gia trên thế giới lên tiếng bảo vệ đến cùng các tàu đánh cá của ngư dân họ khi bị “tàu lạ nước khác” tấn công đã có từ những năm xa xưa 1898. Ngày 27 tháng 4 năm 1898, hai tàu đánh cá của ngư dân Tây Ban Nha bị tàu chiến của Hoa Kỳ bắt giữ trong vùng hải phận ven biển Cuba. Lúc đó Hoa Kỳ và Tây Ban Nha đang trong thời kỳ giao tranh. Sau khi bắt giữ hai tàu cá có treo cờ Tây Ban Nha, (chủ nhân gốc Tây Ban Nha sinh sống tại Cuba), Hoa Kỳ đã tuyên bố hai tàu đánh cá này là “chiến lợi phẩm” chiến tranh, và đã bán đấu giá tàu “Paquette Habana” với giá $490 và tàu “Lola” với giá $800 đô. Chính phủ Tây Ban Nha kiện quân đội Mỹ và đòi bồi thường tổn thất cho ngư dân họ. Toà án tối cao của Hoa Kỳ đã phán quyết quân đội Hoa Kỳ phải hoàn trả toàn bộ những của cải, tài sản đã tịch thu của hai tàu ngư dân, đồng thời phải bồi thường thêm tất cả những tổn phí, thiệt hại do việc bắt giữ và đấu giá hai tàu ngư dân ấy.[5] Đấy là trong thời chiến tranh đang diễn ra giữa hai nước Hoa Kỳ và Tây Ban Nha và vụ án lại xẩy ra khi “văn minh nhân loại” còn ở thập kỷ 1900; và các công ước quốc tế The Hague và Geneva còn chưa ra đời. Thế thì hôm nay những người lãnh đạo Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân mình khi họ bị xâm phạm? 
Ngay cả Đế chế Nhật Bản trong thời kỳ giao tranh với Trung Quốc, tháng 8 năm 1894 đã ban hành pháp lệnh: “những loại tàu bè sau đây của “kẻ thù” được miễn trừ không bắt giữ, tịch thu, bao gồm tàu đánh cá và những tàu đang trên đường hải hành với mục tiêu khám phá khoa học, hoạt động từ thiện hay mang nhiệm vụ tôn giáo” [6]. Tưởng cũng nên nói thêm là Nhật Bản vào thời điểm ấy, là nước cuối cùng (nhưng đầu tiên trong vùng Á châu) được cộng đồng quốc tế công nhận vào hàng “các nước văn minh” (“ranking of civilized nations”) và qủa là xứng đáng! Việt Nam học được gì và Trung Quốc có biết “xấu hổ” chăng khi hành xử thiếu “văn minh” và man rợ như dã thú ? 
Gần trăm năm trước đó, tháng 4 năm 1798, vụ Anh quốc bắt giữ các tàu cá nhỏ của ngư dân Pháp và Hoà Lan, theo đúng pháp lệnh của Toà án Tối Cao của Hải Quân Anh (High Court of Admiralty of England) cho phép bắt giữ các tàu ngư dân Hoà Lan trên biển làm chiến lợi phẩm chiến tranh. Tuy rằng trong thế kỷ 17 khi văn minh nhân loại và pháp luật quốc tế còn sơ khai, toà án Anh quốc cũng đã công nhận trong phiên toà xét xử vụ bắt giữ các tàu cá “the Young Jacob and Johanna” rằng quyền miễn bắt giữ các tàu ngư dân dù không được quy định trong bất cứ văn bản pháp lý nào giữa các nước liên hệ, tuy nhiên, đây là một đặc quyền miễn trừ được công luận quốc tế công nhận từ lâu, và được dựa trên quy tắc giao tế hữu nghị giữa các nước.[7] Ngày 16/03/1801 khi chính phủ Addington lên nắm quyền tại Anh, đã rút lại các pháp lệnh ban hành trên của toà án tiền nhiệm, và quyền tự do đánh cá đã được tái lập giữa Anh và Pháp. Những năm sau đó, 1806 và 1810, chính phủ Anh đã ra lệnh cấm tàu vũ trang quân sự tuyệt đối không được xâm phạm các tàu đánh cá của ngư dân các nước khác. Trong đặc tập “Luật Hàng Hải Về Việc Bắt Giữ và Tịch Thu Chiến Phẩm”, xuất bản 1815, của Wheaton, đã ghi rõ: “Đây là một quy định đã được bình thường hóa trong luật chiến tranh hàng hải để miễn trừ không bắt giữ các tàu đánh cá và hàng hoá của họ. Quy định này phát xuất từ cả hai quan điểm: tương ứng có lợi cho các nước láng giềng đang giao tranh, và từ sự quan tâm đến những người dân nghèo khó và cần cù”.[8] Nguyễn Tấn Dũng có biết nghĩ đến sự “nghèo khó” và “cần cù” của ngư dân nước ta để mỗi sáng thành phố có cá tươi làm thực phẩm, và nhà nước có cá để xuất khẩu chăng ? 
Quy luật bảo vệ tàu đánh cá của ngư dân cũng đã được Pháp và Ý tôn trọng trong thời gian giao tranh the Crimean war năm 1859, và sau đó giữa Pháp và Đức năm 1870. Trong Công Ước Hoà Bình (Treaty of Peace) giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ năm 1846 khi 2 nước này đang giao tranh còn quy định rõ hơn rằng ngay cả việc bắt giữ ngư dân, hay gây bất kỳ khó khăn nào cho việc theo đuổi nghề nghiệp trên biển của họ, xâm phạm hàng hóa hay nhà cửa của ngư dân đều bị nghiêm cấm tuyệt đối.[9] Thế thì sinh mạng của các ngư dân Việt Nam đã bị giết, bị bắt cóc, giam tù, thân thể tàn phế, bệnh tật, tàu bè bị huỷ hoại, phương tiện và vốn liếng kiếm sống duy nhất của cả gia đình họ đều bị tàu vũ trang của Trung Quốc chiếm đoạt, đòi chuộc ... liệu những kẻ cầm quyền Việt Nam có dám yêu cầu Trung Quốc ký “công ước hoà bình” cam kết tôn trọng và bồi thường tổn thất nếu xẩy ra, như Mễ Tây Cơ đã làm với đại cường quốc láng giềng Hoa Kỳ không ??? 
Luật hàng hải quốc tế đã quy định quá rõ ràng sự đặc miễn xâm phạm sinh mạng, hàng hoá, tàu bè của ngư dân vô tội ngay cả trong thời gian giao tranh, thế thì tại sao câu hỏi của Mẹ Nấm nêu ra Ai đang bám biển cùng ngư dân? và “Ai đang bảo vệ ngư dân?” đến nay vẫn không có câu trả lời thoả đáng và chưa có một hành động bảo vệ chính thức nào từ những kẻ lãnh đạo đất nước này? Phải chăng đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam muốn 86 triệu dân phải xuống đường để tự bảo vệ lấy đất nước của chính mình trước sự hung hãn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ?!!! Ngày xuống đường ấy của đại khối dân tộc gần hay xa là tùy vào mức độ vô năng và bất xứng của những người lãnh đạo !!! 
Chú thích:
[1] The Hague Convention of 1907, Article 3 on Certain Restrictions with Regard to the Exercise of the Right to Capture in Naval War, 36 Stat. 2396, T.S.No.544. 
[2] Steiner et al, “International Human Rights In Context: Law, Politics, Morals”, 3rd ed. Oxford. 
[3] Article 48 of Protocol No. 1 to the Geneva Conventions, adopted in 1977. 
[4] Article 54 entitled “Protection of Objects Indispensable to the Survival of the Civilian Population”. 
[5] The Paquette Haban, Supreme Court of the United States, 1900. 175 US 677, 20 S.Ct 270. 
[6] Takahashi, International Law, 11, 178. 
[7] Lord Stowell’s judgment in “the Young Jacob and Johanna”, 1 C.Rob20. 
[8] Wheaton, “Digest of the Law of Maritime Captures and Prizes”, Captures, chap. 2, 18, 1815, England. 
[9] Treaty of Peace between the United States and Mexico, 1848, 9 Stat. at L.939, 940.