Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Cái chòi vịt gây “nguy hiểm cho xã hội”(?!)

Hữu Danh Chủ Nhật, ngày 24/04/2016 17:16 PM (GMT+7)

(Dân Việt) “Hành vi của bị can gây nguy hiểm cho xã hội, phá vỡ quy hoạch tổng thể địa phương, xâm phạm đến tình hình trật tự quản lý đô thị… cần phải xét xử trước pháp luật để giáo dục chung”. Đó là nội dung trong kết luận điều tra của CA huyện Bình Chánh về việc ông Nguyễn Văn Bỉ cất cái chòi vịt mà không xin phép.

   
Rốt ráo xử lý
Theo Kết luận điều tra do đại tá Nguyễn Văn Quý ký, để có được chứng cứ chứng minh ông Quý gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ có các cơ quan tố tụng ở Bình Chánh tham gia xử lý mà còn có sự góp sức tích cực của chính quyền địa phương, từ cấp thị trấn (Tân Túc) đến cấp huyện (Bình Chánh) và các phòng, ban liên quan.
Theo hồ sơ, “bị can” Nguyễn Văn Bỉ là người sống tại địa phương. Năm 2005, vợ chồng ông Bỉ mua miếng đất rộng gần 4.000m2 ở thị trấn Tân Túc (mua trước khi có trụ sở công an huyện Bình Chánh).Tháng 7.2015, ông Bỉ cất cái chòi nuôi gia cầm và chứa vật tư trồng cây, kết cấu cột cây, vách lá, mái lá.
Ngay lập tức, ngày 14.7, UBND thị trấn Tân Túc vào cuộc, một nhóm cán bộ đến chòi vịt lập biên bản vi phạm hành chính hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”. Hồ sơ vi phạm của ông Bỉ ngay sau đó được chuyển về UBND huyện Bình Chánh.
Ông Bỉ (trái) bên mảnh đất đã tháo dỡ cái chòi vịt.
Trong vòng 7 ngày, UBND huyện ra ngay quyết định xử phạt, buộc ông Bỉ ra kho bạc nộp tiền (6 triệu đồng).
Không có chỗ chứa vật tư trồng cây, bầy ngỗng lại chạy tứ tung, kêu quang quác, đẻ lung tung, sợ ảnh hưởng môi trường làm việc của công an huyện nên ngày 17.11.2015, ông Bỉ dùng vật liệu cũ, dựng tạm cái chòi lá để nhốt ngỗng - cái chòi dựng chỉ trong vài giờ là xong.
Ngay lập tức, cán bộ của UBND thị trấn Tân Túc phát hiện, cấp báo về cấp trên. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc  - đồng chí Ngô Công Minh tức tốc cho cán bộ lập ngay biên bản trong ngày, xác định ông Bỉ cất cái chòi ngỗng là hành vi “xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị mà không có giấy phép”.
Hồ sơ này, lại được chuyển ngay về cho huyện. Cũng trong vòng 7 ngày, huyện ra quyết định xử phạt nhưng lần này ông Bỉ không nộp tiền.
Ngay sau đó, Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Phạm Quang Vinh đã phải ký giấy tờ, cử hai cán xuống tham gia xử lý vụ việc trên. Các cán bộ này tống đạt quyết định xử phạt nhưng ông Bỉ không nhận.
Chủ tịch thị trấn Ngô Công Minh xác định ông Bỉ là “chủ đầu tư” cái chòi vịt (từ dùng trong văn bản hẳn hoi), ông Bỉ lại không tự tháo dỡ nên chủ tịch Minh phải ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình chòi vịt.
Trong thời gian này, điều tra viên Lương Anh Tuấn - Công an huyện Bình Chánh nhiều lần mời ông Bỉ đến làm việc. Đến ngày 14.12.2015, Công an huyện Bình Chánh có Công văn gửi UBND huyện, đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bỉ để công an điều tra.
Vài ngày sau, Phòng quản lý đô thị huyện cũng có tờ trình đề nghị tạm hoãn, để công an làm. Sau đó, Chủ tịch Bình Chánh Võ Văn Quận ký quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định phạt ông Bỉ. Ông Quận giao Chánh Văn phòng UBND huyện, trưởng phòng quản lý đô thị thi hành quyết định này.
Công an huyện phối hợp với UBND thị trấn Tân Túc đi kiểm tra hiện trường thì cái chòi đã tháo dỡ. Tại Cơ quan CSĐT, ông Bỉ khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Chòi vịt phá vỡ quy hoạch của địa phương?
Theo Kết luận điều tra do Đại tá Nguyễn Văn Quý ký, hành vi của bị can Nguyễn Văn Bỉ gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung.
Trong vụ án này, một kiểm sát viên của Viện KSND huyện Bình Chánh đã tham gia tố tụng. Ông Viện phó Lê Thanh Tòng là người ký tá các văn bản liên quan đến vụ án.
Như vậy, để xử lý ông Bỉ, cán bộ ở Bình Chánh đã thực hiện quy trình rất chặt chẽ với hơn chục cán bộ tham gia: cán bộ và chủ tịch thị trấn Tân Túc (3 người); cán bộ và trưởng phòng quản lý đô thị (3 người); cán bộ và chủ tịch UBND huyện, chánh văn phòng UBND huyện; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…
Điều làm dư luận bức xúc là, huyện Bình Chánh nổi tiếng cả nước về tình trạng xây dựng không phép. Liên quan đến việc xây dựng không phép, trong năm 2014, có 11 tổ chức và gần 50 cán bộ của huyện này bị xử lý kỷ luật khi để hàng ngàn căn nhà không phép kiên cố mọc lên.
Trong số này, chòi vịt của ông Bỉ là “công trình không phép” nổi tiếng nhất.
Và ông Bỉ đã phải đóng phạt 6 triệu đồng, trong khi công trình của ông chỉ trị giá... 600.000 đồng.

http://danviet.vn/ban-doc/cai-choi-vit-gay-nguy-hiem-cho-xa-hoi-675854.html

http://thanhnien.vn/doi-song/chu-dat-quan-xin-chao-dung-choi-nuoi-vit-cung-bi-khoi-to-694962.html

http://www.sggp.org.vn/phapluat/2016/4/418927/

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Công an Bình Chánh khởi tố cả người dựng chòi vịt!

(ĐTTCO) -Việc xây nhà không phép ở Bình Chánh lâu nay được xem là “đại dịch”, với hàng ngàn căn nhà không phép, sai phép. Vừa qua, nhiều dãy nhà đình đám mọc lên ở Bình Chánh, biệt thự không phép của nguyên tướng công an ở Quảng Nam, rồi tòa nhà 8B Lê Trực xây vượt nhiều tầng ở ngay thủ đô… sau khi bị dư luận phản ứng, đã được xử lý tháo dỡ. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Bỉ (sinh năm 1968) chỉ dựng cái chòi trông coi vịt lại bị Công an huyện Bình Chánh ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 Bộ luật Hình sự!
Xây chòi là… nguy hiểm cho xã hội!
Ông Nguyễn Văn Bỉ (làm nghề mai táng) cùng mẹ (là mẹ liệt sĩ) sống trong căn nhà tình nghĩa do chính quyền tặng nhiều năm nay. Gia đình ông sở hữu khu đất nông nghiệp có diện tích hơn 3.600m2 tại thửa 355, tờ bản đồ 13, khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Bây giờ khu đất ấy là “đất vàng”, một bên là khu hành chính, một bên kia là dân cư.
Đất không nằm trong quy hoạch, nhưng nhiều lần ông Bỉ lên chính quyền làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất thổ cư nhưng không được xã chấp nhận. Trong khi đó, cái chòi cũ đã mục, sập đổ.
 
Tháng 7-2015, ông Bỉ mua tre, lá về định dựng cái chòi rộng hơn để làm nơi chứa vật tư trồng cây và nuôi gia cầm, gà vịt, ngan, ngỗng, nhưng khi vừa lợp lá thì cán bộ đô thị huyện đến lập biên bản, xử phạt ông 6,25 triệu đồng và buộc tháo dỡ.
Ông đã thực hiện quyết định và tháo dỡ. Khoảng 3 tháng sau, ông nghĩ bụng rằng chòi cũ đã sập thì dựng lại như chòi cũ. Không ngờ, ông vừa mua cây, tầm vông, lá về dựng trên nền cũ với diện tích 35m², thì ngay hôm sau cán bộ quản lý đô thị gọi điện thoại yêu cầu tháo ngay. Sợ bị phạt đến hơn 6 triệu đồng như trước nên ông tháo xuống.
Thế nhưng, vài ngày sau công an mời ông lên làm việc, thì đến ngày 19-1-2016 ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh ký quyết định đề nghị truy tố ông Bỉ về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo Điều 270 Bộ luật Hình sự. Ngày 26-1-2016, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can (ông Quý và ông Tòng cũng là người ký hồ sơ khởi tố vụ ông Tấn, chủ tiệm phở - người thuê đất của ông Bỉ - về tội kinh doanh trái phép cùng thời điểm).
Tại Kết luận Điều tra của Công an huyện Bình Chánh cũng ghi nhận, ông Bỉ dựng chòi chứa vật tư nuôi trồng, với “kết cấu là cột cây, vách lá, mái lá”. Việc xây dựng chòi lần 2 cũng cột cây, vách lá, mái lá nhưng diện tích nhỏ hơn, chỉ 35m², thế nhưng, trong kết luận điều tra lại nhận định: “Hành vi của bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tình hình quản lý trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, do đó cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung”!
Đã vậy, nhìn lại hồ sơ vụ án, không ai không đặt vấn đề tại sao Trưởng Công an huyện Nguyễn Văn Quý “hăng hái” trong việc truy tố đến vậy. Chính ông là người chủ động gửi Công văn số 227/CV-CSĐT đề nghị UBND huyện tạm đình chỉ quyết định thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để chuyển hồ sơ sang xử lý hình sự đối với ông Bỉ (?!)
Hình sự người xây chòi, có đúng luật?
Không nhắc lại những lời ca thán của người dân địa phương rằng người nghèo sống trong nhà tình nghĩa, chỉ xây cái chòi lại bị xử lý hình sự thì có đáng không, chúng tôi chỉ tập trung phân tích vấn đề dưới góc độ pháp luật. Điều 270 Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” quy định “Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này… mà tái phạm thì bị xử phạt…”.
Theo Luật sư Trần Hải Đức, việc khởi tố tội này đối với ông Bỉ là không có căn cứ vũng chắc. Bởi vì, khách thể phải là “nhà ở”, mà khái niệm này theo Luật Nhà ở “là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”. đằng này ông Bỉ dựng chòi để “làm nơi chứa vật tư trồng cây” (điều này đã được ghi nhận trong Kết luận Điều tra của Công an huyện Bình Chánh). Nếu không phải là nhà ở, tức không đúng khách thể của tội phạm quy định tại điều 270 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng phân tích thêm, đặt vấn đề nếu có là nhà ở thì cũng còn phải xem xét nhà đó có thuộc đối tượng buộc phải xin phép xây dựng hay không. Nếu không thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng thì việc xây dựng không phép tái phạm không bị xem là phạm tội theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Hình sự.
Tức nếu khu đất của ông Bỉ dựng chòi lá thuộc khu vực nông thôn chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, thì căn cứ điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Theo đó, cần làm rõ khu đất mà ông Bỉ dựng chòi có thuộc trường hợp này hay không? Nếu có, thì việc xử phạt vi phạm hành chính là trái luật, và các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính này phải chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình.
Ngoài ra, đi sâu vào quy trình xử lý vi phạm của huyện Bình Chánh cũng có vấn đề. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 470 ngày 24-7-2015, áp dụng điểm b, khoản 6 điều 15 Nghị định 121/2013/NĐ-CP, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, vì hành vi này chỉ bị phạt với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị, trong khi đó công trình được xây lần 1 này không phải là nhà ở lại được dùng làm “tiền sự” để làm căn cứ xử lý hình sự ông Bỉ là sai. Tiền sự bị vô hiệu thì quyết định khởi tố cũng không có giá trị…
Việc Trưởng Công an huyện Bình Chánh  khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn Bỉ đã diễn ra nhiều tháng qua, nhưng ông Bỉ nói: “Tôi không ngờ mình bị xử hình sự, là người dân thấp cổ bé họng, tôi biết kêu ai bây giờ! Nay đọc thông tin, hay tin người thuê đất của tôi là ông Nguyễn Văn Tấn, chủ tiệm phở đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng hình sự hóa vụ án, tôi mới mạnh dạn mang đơn tìm nhà báo kêu cứu”.
HÀN NI

http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160423/cong-an-binh-chanh-khoi-to-ca-nguoi-dung-choi-vit.aspx

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt lo ngại bản dịch 'The Sympathizer' bị kiểm duyệt


Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt. EPA/PULITZER BOARD
Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt. EPA/PULITZER BOARD

Mặc dù rất bận rộn với chuyến đi quảng bá sách tại Cambridge, bang Massachusetts, cũng như vẫn chưa hết sửng sốt về việc được trao giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” của mình, song Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt cũng đã cố gắng dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đài VOA về vinh dự của ông khi nhận giải thưởng danh giá này. Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn do An Tôn thực hiện.
VOA: Xin chào giáo sư và chúc mừng ông về giải Pulitzer. Triết lý của cuốn tiểu thuyết là gì, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Triết lý của cuốn tiểu thuyết là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là thế nào. Tôi lớn lên với tư cách là một người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng, còn những người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng khác.
Khi tôi nhiều tuổi hơn và đọc thêm về cuộc chiến từ góc nhìn của những người Việt Nam đã chiến thắng, tôi thấy họ cũng nhìn cuộc chiến theo một cách riêng. Và những cách nhìn này đều hoàn toàn khác nhau, và mọi người đều gắn chặt với thế giới quan riêng và những nỗi đau của họ.
Triết lý của cuốn tiểu thuyết là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là thế nào. Tôi lớn lên với tư cách là một người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng, còn những người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng khác...
Tôi cho rằng điều đó là một vấn đề rắc rối, vì đó là cách người ta nghĩ về chiến tranh, nhớ về chiến tranh, và đó chính là cách chúng ta cài đặt bản thân mình cho những cuộc chiến trong tương lai bằng việc chỉ nhớ về những nỗi đau, những vấn đề của riêng chúng ta.
Vì vậy, tôi đã muốn sáng tác ra một cuốn tiểu thuyết về một người đàn ông mà mặc dù ông ta mạnh mẽ tin tưởng vào một điều song cũng bị giằng xé, bị mắc kẹt giữa các bên vì ông có thể thông cảm với những người có các quan điểm khác nhau. Đó là đức tính nhưng cũng là bi kịch của ông, vì ông có đức tính đó trong một thế giới mà mọi người vẫn muốn nhìn mọi sự việc chỉ theo một cách thôi. Do đó, người ta có thể làm những điều kinh khủng, và đó chính là điều xảy ra với ông.
Nhưng tôi hy vọng cuốn tiểu thuyết sẽ kích thích người ta phải nghĩ vì sao lại chỉ nhìn thế giới theo một cách, và liệu có thể nhìn thế giới theo nhiều cách thì sao.
VOA: Ông đã lấy cảm hứng từ ai để viết cuốn tiểu thuyết, nếu như có một nhân vật như vậy?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Chắc chắn tôi biết có một gián điệp ở Nam Việt Nam đã rất thành công và leo lên vị trí rất cao trong bộ máy Nam Việt Nam. Nhưng khi viết tiểu thuyết, tôi muốn viết về một tay gián điệp hư cấu gây lôi cuốn mọi người, một phần vì chuyện lịch sử, một phần vì tôi muốn cuốn tiểu thuyết có tính giải trí, giống như các tiểu thuyết bán chạy.
Và tôi muốn gặp các độc giả ở giữa chừng với việc kể câu chuyện có cốt truyện thuyết phục song cũng đòi hỏi độc giả phải gặp tôi ở giữa chừng trong việc đối đầu với những vấn đề rất khó khăn mà cuộc đời của một tay gián điệp là biểu tượng cho những điều tôi cho là gắn trực tiếp với thảm kịch của cuộc chiến này đối với mọi người.
VOA: Ông đã thu thập các thông tin, chất liệu như thế nào để viết?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Khi tôi lớn lên, tôi đọc rất nhiều sách về lịch sử của cuộc chiến. Tôi đọc nhiều tiểu thuyết về cuộc chiến, xem nhiều phim Mỹ về cuộc chiến, và nghiên cứu về nó. Rồi khi tôi trở thành một giáo sư, tôi có cách nhìn học thuật về điều này, và tôi đã đi tới Việt Nam, Campuchia và Lào, dành một năm ở 3 nước.
Nhưng lo ngại lớn của tôi là việc kiểm duyệt. Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người – người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng.
Từ chuyến thăm đó, và những tiếp xúc với những người tị nạn Nam Việt Nam, và với những người ở Việt Nam đã mang lại cho tôi đủ cảm nhận về lịch sử, về đất nước, về cảm xúc của con người để tôi có thể viết cuốn tiểu thuyết.
Có hai sự kiện tôi nhấn mạnh trong tiểu thuyết là lúc Sài Gòn thất thủ, hay giải phóng Sài Gòn theo cách gọi của bên kia, và việc làm bộ phim Apocalypse Now. Có hai trường đoạn về cái kết của cuộc chiến và về việc sản xuất một bộ phim có vẻ giống Apocalypse Now.
Tôi đã đọc tất cả những gì có thể đọc về Apocalypse Now cũng như về ngày Sài Gòn thất thủ. Đó là những trang đầu của tiểu thuyết. Tôi rất chú tâm bảo đảm viết đúng về lịch sử, về những gì diễn ra hàng tuần, hàng ngày, và ở những trang cuối là hàng phút, đối với thành phố vào cuối tháng 4 năm 1975.
VOA: Ông từng nói ông viết cuốn tiểu thuyết chỉ dành cho bản thân. Nhưng giờ đây nó trở nên rất nổi tiếng, ông có muốn in nó ở Việt Nam không?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi đã có hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết, và tôi cho là việc giành giải Pulitzer sẽ tăng tính cấp bách cho công việc dịch [cười]. Người ta hứa với tôi là bản dịch sẽ tốt. Nhà xuất bản cũng có danh tiếng.
Nhưng lo ngại lớn của tôi là việc kiểm duyệt. Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người – người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng.
Vì vậy, có điều khoản trong hợp đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch. Nếu quả thực xảy ra việc kiểm duyệt, tôi sẽ làm hết sức mình để công bố bản dịch chính xác và cung cấp cho mọi người Việt Nam hoàn toàn miễn phí.
VOA: Trên Facebook, trên mạng xã hội, người ta nói là báo chí ở Việt Nam được đề nghị không đề cập đến ông khi đưa tin về giải Pulitzer. Ông nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Quả thực tôi không nghĩ gì về chuyện đó. Giờ đây, khi nghe về điều đó, trong mấy ngày qua, là tên tôi không được nêu ra trong các tin [ở Việt Nam] về giải Pulitzer, tôi không thấy ngạc nhiên, tôi hơi thất vọng, và cũng rất buồn cười, bởi vì đó chính là kiểu tình huống mà tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết.
...Tên tôi không được nêu ra trong các tin [ở Việt Nam] về giải Pulitzer, tôi không thấy ngạc nhiên, tôi hơi thất vọng, và cũng rất buồn cười, bởi vì đó chính là kiểu tình huống mà tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết.
VOA: Nếu chính quyền ngăn cản việc xuất bản cuốn tiểu thuyết, ông sẽ cảm thấy thế nào, ông có thể bình luận gì?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi sẽ không ngạc nhiên. Thực ra tôi ngạc nhiên khi có nhà xuất bản muốn in cuốn tiểu thuyết. Không phải vì chuyện tại sao họ muốn in. Tất nhiên có nhiều người ở Việt Nam rất muốn đọc. Mà tôi ngạc nhiên là có nhà xuất bản lại nghĩ họ có thể đưa ra thị trường cuốn tiểu thuyết không bị kiểm duyệt. Tôi không rõ tình hình hiện như thế nào, đằng sau hậu trường, ở Việt Nam.
Tôi dự liệu rằng bản dịch sẽ bị kiểm duyệt, và tôi sẽ phải tự mình xuất bản nó, nhưng tôi sẵn sàng làm như vậy.
VOA: Xin cảm ơn ông và chúc ông có thành công to lớn hơn!

 http://www.voatiengviet.com/content/nha-van-nguyen-thanh-viet-lo-ngai-ban-dich-the-sympathizer-bi-kiem-duyet/3295491.html

VN truy tìm thủ phạm vụ lừa 17 tỷ đồng để có quốc tịch Mỹ


Hai trong số 3 nghi can mà công an TP.HCM đang truy tìm liên quan đến vụ bị tố lừa gần 17 tỷ đồng, gồm: Trần Văn Tam (trái) và Tạ Văn Thảo (phải). Ảnh chụp từ trang Vietnamnet.
Hai trong số 3 nghi can mà công an TP.HCM đang truy tìm liên quan đến vụ bị tố lừa gần 17 tỷ đồng, gồm: Trần Văn Tam (trái) và Tạ Văn Thảo (phải). Ảnh chụp từ trang Vietnamnet.

Công an TP.HCM vừa phát lệnh truy nã 3 người đàn ông bị tố giác lừa đảo gần 17 tỷ đồng (khoảng 753.000 đôla) của một người dân thành phố để giúp gia đình người này có quốc tịch ở Mỹ.
Ba nghi can bị truy nã là Trần Văn Tam (sinh năm 1976), Tạ Văn Thảo (sinh năm 1974) và Nguyễn Thành Trí.
Theo tố cáo của nạn nhân, vào tháng 10/2015, 3 nghi can đó tự xưng là cán bộ công an và cán bộ của văn phòng chính phủ và nói có mối quan hệ để giúp cho gia đình bà được định cư và nhập quốc tịch ở Mỹ. Nhóm này nói họ được giao nhiệm vụ đặc biệt ở nước ngoài nên có thể giúp đỡ cho gia đình bà.
Nạn nhân cho biết bà tin lời nhóm này vì họ luôn xuất hiện trong sắc phục công an và còn đi xe ô tô có gắn còi hụ, thậm chí có lần bà còn thấy cả bao tiền đôla trong xe ô tô của Trần Văn Tam ‘để chuyển ra nước ngoài, phục vụ công tác đặc biệt’, theo giải thích của nhóm này.
Giá tiền nhóm này thỏa thuận với gia đình nạn nhân là 16,8 tỷ đồng, gồm 16 tỷ đồng để mua nhà ở Mỹ và 800 triệu đồng là chi phí để lo các thủ tục. Nhóm này cho biết số tiền của gia đình nạn nhân đưa sẽ được chuyển qua đường của Tổng cục Hầu cần-Kỹ thuật , do công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Hậu Cần làm đại diện, là công ty mà Thảo làm giám đốc và Trí là kế toán trưởng. Nhóm này còn dặn gia đình nạn nhân không được tiết lộ vụ việc với ai vì đây là ‘bí mật quốc gia’.
Số tiền thực hiện phi vụ trên đã được chuyển cho nhóm này 7 lần trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 11/2015.
Sau khi nhận đủ tiền, nhóm lừa đảo đã biến mất và gia đình nạn nhân mới biết công ty Hậu Cần chỉ là một công ty tư nhân và không có trụ sở ở địa chỉ đã được đóng dấu trên phiếu thu tiền mà gia đình bà nhận được.

Theo Thanh Niên, Vietnamnet.

http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-truy-tim-thu-pham-vu-lua-tien-de-co-quoc-tich-my/3296824.html
=======================================
http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/300588/lua-dao-nhap-quoc-tich-my-chiem-doat-gan-17-ty-dong.html

Lừa đảo nhập quốc tịch Mỹ chiếm đoạt gần 17 tỷ đồng

- Nhóm đối tượng bị nạn nhân tố cáo, đã xưng danh là cán bộ Bộ công an, Văn phòng Chính phủ để lừa đảo nhập quốc tịch Mỹ nhằm chiếm đoạt số tiền lên đến gần 17 tỷ đồng.
Công an TP.HCM vừa phát đi thông báo truy tìm 3 nghi can liên quan đến vụ tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 3 nghi can này gồm: Trần Văn Tam (SN 1976, ngụ quận 12), Tạ Văn Thảo (SN 1974) và Nguyễn Thành Trí (cùng quê Tây Ninh).
quốc tịch Mỹ, lừa đảo, xuất cảnh, Bộ công an
Hai trong số 3 nghi can mà công an TP.HCM đang truy tìm liên quan đến vụ bị tố lừa gần 17 tỷ đồng, gồm: Trần Văn Tam (trái) và Tạ Văn Thảo (phải)
Nạn nhân N.T.N (ngụ Q.6) tố cáo, thông qua quan hệ xã hội bà quen biết Tam, lúc đó xưng là cán bộ công an. Sau đó Tam lần lượt giới thiệu bà T quen với 3 người bạn của mình, gồm: Thảo, Trí đều xưng là cán bộ Tổng cục Hậu cần – Bộ công an và Tôn Đức L, đang công tác tại Văn phòng Chính phủ.
Sau một thời gian qua lại, Tam rỉ tai bà T rằng, Tam và nhóm bạn trên có mối quan hệ giúp gia đình bà định cư, nhập quốc tịch Mỹ. Tam “nổ” rằng, nhóm của mình được Chính phủ giao nhiệm vụ đặc biệt ở nước ngoài nên giúp gia đình bà rất dễ dàng.
Bà T cho hay sau một số lần gặp nhau, bà thấy Tam mặc sắc phục CAND, đi xe ô tô gắn còi hụ. Ngoài ra, có lần bà T thấy trong xe ô tô của Tam có cả bao tiền USD, được Tam giải thích là "chuyển ra nước ngoài, phục vụ công tác đặc biệt".
Tin tưởng Tam, bà T bàn với gia đình đưa 2 đứa con sang Mỹ định cư, để có điều kiện học hành, sinh sống tốt hơn...
Gia đình bà T và Tam bàn bạc, đi đến thống nhất giá cả là 16,8 tỷ đồng; gồm: 16 tỷ đồng Tam giúp bà T mua nhà ở Mỹ, 800 triệu đồng là chi phí lo thủ tục. Tam còn chỉ dẫn đường lối, nói rằng tiền bà T giao sẽ được chuyển qua đường của Tổng cục Hậu cần- Kỹ Thuật, do công ty TNHH DV TM XNK Hậu Cần làm đại diện. Đây là công ty do Thảo làm giám đốc, còn Trí là kế toán trưởng.
Trong khoảng thời gian ngắn, từ cuối tháng 10/2015 đến cuối tháng 11/2016, bà T có 7 lần chuyển tiền cho nhóm của Tam, tổng cộng hơn 16,8 tỷ đồng và nhận được lời hứa trong vòng 1 tháng sẽ đưa 2 con bà đến Mỹ định cư.
Tuy nhiên, sau đó Tam và các đối tượng trên thất hứa liên tục, sau đó lánh mặt luôn, cắt điện thoại liên lạc. Bà T xác minh thì được biết công ty TNHH DV TM XNK Hậu Cần chỉ là công ty tư nhân; không có trụ sở ở đường Phạm Hùng, huyện Nhà Bè như trong phiếu thu tiền mà đóng tại đường Hậu Giang, Q.6.
Từ tố cáo của bà T, cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã vào cuộc xác định, nhóm đối tượng trên đã giả mạo cán bộ CAND, có mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà T.
Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Đàm Đệ

Cảnh sát VN bị tố cáo xịt hơi cay vào nhà báo đang tác nghiệp

Một nhà báo Việt Nam vừa gửi đơn tố cáo nói đã bị một người đi nghi là cảnh sát đi xe mô tô dọa đánh và xịt hơi cay vào mặt trong khi đang đi tác nghiệp vào ngày 20/4.
Theo đơn tố cáo của nhà báo Trần Đại của báo Pháp Luật Xã Hội, khi anh và một đồng nghiệp đang ghi hình trên đường phố về tình trạng nhiều thanh niên lạng lách, đánh võng, gây mất an toàn giao thông ở thành phố Thanh Hóa, thì có một người mặc sắc phục màu xanh điều khiển phương tiện lạng lách qua nhiều con đường cũng bị ghi hình. Sau đó, anh và đồng nghiệp đã bị một người đi xe mô tô mang biển số 36B4-665.88 dọa đánh và dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt.
Nhà báo Trần Đại cho biết anh không quen biết, cũng không có mâu thuẫn với người đi xe mô tô trên.
Sau khi đơn tố cáo của nhà báo Trần Đại được gửi cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa, chiếc xe mô tô trên đã được xác minh là của ông Nguyễn Ngọc Cường. Ông Cường hiện mang quân hàm thượng sĩ, đang công tác tại đội đặc nhiệm tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động tỉnh Thanh Hóa.
Vào chiều 21/4, Phòng Cảnh sát cơ động cho biết vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác 7 ngày đối với ông Nguyễn Ngọc Cường và tạm giữ xe mô tô, bình xịt hơi cay để điều tra vụ việc.

Theo Pháp Luật TP.HCM, Lao Động

 http://www.voatiengviet.com/content/canh-sat-vn-bi-to-cao-xit-hoi-cay-vao-nha-bao-dang-tac-nghiep/3297308.html

=====================

Đình chỉ cảnh sát cơ động xịt hơi cay vào nhà báo đang tác nghiệp

 http://plo.vn/thoi-su/dinh-chi-canh-sat-co-dong-xit-hoi-cay-vao-nha-bao-dang-tac-nghiep-624703.html
 ĐẶNG TRUNG - Thứ Năm, ngày 21/4/2016 - 21:15

(PLO)- Nhà báo Trần Đại, báo Pháp Luật Xã hội, khi đang ghi hình thanh niên điều khiển phương tiện lạng lách gây mất ATGT cho người đi đường thì bất ngờ bị xịt hơi cay vào mặt.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, nhà báo Trần Đại thường trú tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết trước đó, vào khoảng 21 giờ 45 ngày (20-4) khi đang cùng một đồng nghiệp ghi hình cảnh nhiều thanh niên điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông trên đường phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), anh bất ngờ bị một người đi xe máy biển số 36B4-665.88 dọa đánh rồi dùng bình xịt cay xịt vào mặt.
Theo nhà báo Trần Đại, bản thân anh và người lạ mặt này chưa từng quen biết và không có mâu thuẫn gì trước đó. Khi sự việc xảy ra anh Đại điều khiển phương tiện còn đồng nghiệp ngồi sau ghi hình. Trong cảnh quay này, anh đã ghi được hình một người mặc áo sắc phục màu xanh điều khiển phương tiện lạng lách qua đường.

Nhà báo Trần Đại trong một lần tác nghiệp tại huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp
“Có thể người xịt hơi cay và dọa đánh chúng tôi có quan hệ với người chúng tôi đã ghi hình. Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trình báo lên cơ quan chức năng liên quan đề nghị điều tra, làm rõ vụ việc này” - anh Đại cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa, xác nhận: “Chúng tôi đã tiếp nhận được đơn trình báo về thông tin sự việc nhà báo Trần Đại bị xịt hơi cay và đang giao cho cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ”.
Theo ông Hiếu, bước đầu cơ quan điều tra đã xác minh chiếc xe máy biển số 36B4 -665.88 chủ phương tiện là Nguyễn Ngọc Cường, ngụ ở Phù Hưng 1, Yên Thái (Yên Định, Thanh Hóa). Ông Cường hiện mang quân hàm thượng sĩ, công tác tại Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an tỉnh Thanh Hóa.
Ông Cường sau đó đã có bản tường trình, thừa nhận mình là người điều khiển chiếc xe trên vào ngày hôm đó và đã xịt hơi cay vào anh Đại.  
Cùng lúc, Thượng tá Lê Văn Lý - Phó phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Thanh Hóa) xác nhận với báo chí cơ quan này đã ký quyết định đình chỉ bảy ngày đối với thượng sĩ Cường, người xịt hơi cay vào mặt nhà báo Trần Đại khi đang tác nghiệp. Thượng tá Lý cho biết vào ngày mai (22-4), cơ quan này sẽ họp và có hình thức xử lý nghiêm.
ĐẶNG TRUNG
 =========================

Phóng viên đang tác nghiệp bị tấn công bằng bình xịt hơi cay

 http://www.vietnamplus.vn/phong-vien-dang-tac-nghiep-bi-tan-cong-bang-binh-xit-hoi-cay/382400.vnp
Trịnh Duy Hưng (TTXVN/Vietnam+)
Ngày 21/4, Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa cho biết Công an thành phố nhận được Đơn trình báo của phóng viên Trần Đại, Báo Pháp luật và Xã hội, đang trên đường đi tác nghiệp đã bị đối tượng lạ mặt xịt hơi cay.

Công an thành phố đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh đối tượng tấn công phóng viên Trần Đại. Sự việc trên cũng đã được phóng viên Trần Đại báo cáo với tòa soạn báo Pháp luật và Xã hội.

Theo Đơn trình báo của phóng viên Trần Đại, anh cùng một đồng nghiệp điều khiển môtô đi trên nhiều tuyến đường của thành phố Thanh Hóa để ghi lại hiện tượng nhiều thanh niên điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông cho người đi đường.

Đến khoảng 21 giờ ngày 20/4 anh Đại cùng đồng nghiệp đang ghi hình trên trục đường Bà Triệu thuộc phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, phóng viên Trần Đại bị một đối tượng lạ mặt điều khiển môtô biển kiểm soát 36B4-665.88 chèn ép, dọa đánh và sau đó xịt hơi cay vào mặt.

Phóng viên Trần Đại cho biết anh không quen biết và cũng không có mâu thuẫn với thanh niên này.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ./.
 =================

2 phóng viên bị đối tượng dùng xe của Cảnh sát cơ động tấn công

 http://vntinnhanh.vn/tin-24h/2-phong-vien-bi-doi-tuong-dung-xe-cua-canh-sat-co-dong-tan-cong-98216


Thứ Năm, 21/04/2016 20:20:00

Vntinnhanh.vn - Đang trên đường tác nghiệp tại thành phố Thanh Hóa, PV Trần Đại và một PV khác đã bị một đối tượng lạ mặt dọa đánh rồi dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mặt. Sự việc này khiến 2 PV hoang mang, lo sợ.

Đơn trình báo của PV Trần Đại gửi tới cơ quan Công an TP Thanh Hóa (Ảnh: Phong Trần)
Chiều ngày 21/4, trao đổi với Vntinnhanh, ông Nguyễn Xuân Hiếu - Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa cho biết, phía cơ quan Công an TP Thanh Hóa vừa tiếp nhận đơn trình báo về vụ việc PV Trần Đại của báo Pháp luật & Xã hội bị xịt hơi cay. Hiện cơ quan đang giao cho đội điều tra hình sự Công an thành phố điều tra làm rõ.
Theo thông tin ban đầu được biết, vào khoảng 21h45 ngày 20/4, anh Trần Đại - PV báo Pháp luật & Xã hội (thường trú tại TP Thanh Hóa) đang trên đường tác nghiệp cùng đồng nghiệp thì bị một đối tượng đi xe mô tô BKS 36B4- 665.88 dọa đánh rồi dùng bình xịt cay xịt thẳng vào mặt hai phóng viên này.
Anh Đại cho biết, vào thời điểm trên, anh cùng một đồng nghiệp của khác điều khiển xe mô tô đi trên nhiều tuyến đường của TP Thanh Hóa để ghi lại tình hiện tượng nhiều thanh niên điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp trên trục đường Bà Triệu, thuộc phường Trường Thi, TP Thanh Hóa thì PV Trần Đại đã bị đối tượng điều khiển phương tiện trên máy mang biển số 36B4- 665.88 chèn ép, dọa đánh và xịt hơi cay.
Trao đổi với Vntinnhanh anh Trần Đại cho biết, giữa anh và đối tượng trên không hề có mâu thuẫn gì với bất cứ ai. Trước khi sự việc xảy ra, anh điều khiển phương tiện còn một đồng nghiệp báo khác ngồi sau ghi hình thì có một người mặc sắc phục màu xanh điều khiển phương tiện lạng lách qua nhiều tuyến đường đã bị ghi hình.
Qua xác minh từ phòng đăng kiểm xe mô tô tỉnh Thanh Hóa được biết chủ phương tiện trên là Nguyễn Ngọc Cường (trú ở thôn Phù Hưng 1, xã Yên Thái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Được biết, chủ phương tiện này hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa.
Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an TP Thanh Hóa đang điều tra làm rõ.
Phong Trần


 

Shop TIN 22/4: "Móng tay" của tướng Minh - Chợ thần chết - Nước xả Vũng Áng giết cá? (3 tin gôp lại!)

Ý của tướng Minh vụ án này nhỏ xíu phải không ạ? Chỉ là thân phận của một người dân chủ quán cà phê thôi mà, to tát gì đâu, nhỏ xíu, chỉ là cái móng tay ông nhỉ, thích thì cho cái móng tay ấy tồn tại, ngó chơi, không thích thì bấm phát, đứt....
1.
"CÁI MÓNG TAY" CỦA TƯỚNG MINH
Hôm qua, báo chí và dư luận xã hội phát sốt với câu nói của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh:"Theo tôi vụ án này không đáng mất nhiều công sức, không đáng tốn nhiều bút mực. Tôi đánh giá vụ án này nhỏ xíu như cái móng tay".
Thiếu tướng Phan Anh Minh
 Bị cáo Nguyễn Văn Tấn
Ý của tướng Minh vụ án này nhỏ xíu phải không ạ. Nhỏ xíu cho nên khởi tố đúng càng tốt, không đúng thì rút  kinh nghiệm phải không ạ. Chỉ là thân phận của một người dân chủ quán cà phê thôi mà, to tát gì đâu, nhỏ xíu, chỉ là cái móng tay ông nhỉ, thích thì để móng tay tồn tại ngó chơi, không thích thì bấm phát, đứt.
Ông đã nói rất đúng như ông đang nghĩ, đây không phải là câu nói nhỡ miệng cho nên ông không cần áy náy, một khi thân phận chính trị một người dân các ông xem như cái móng tay thì việc xảy ra hành vi lạm quyền, coi thường dân, xô đẩy quyền sống, quyền kinh doanh của dân, gây ra cả sự hàm oan...đều xảy ra là chuyện dễ giải thích.
Nhưng vì sao thế nhỉ, vì sao vụ án "cái móng tay" của tướng Minh lại khiến lãnh đạo cấp cao nóng ruột vào cuộc chỉ đạo như thế: Bí thư thành phố, chủ tịch thành phố, Bộ trưởng công an, Chủ nhiệm uỷ ban pháp luật của quốc hội, và người ra mệnh lệnh cuối cùng yêu cầu dừng xét xử ngay lập tức là Thủ tướng Chính phủ.
Vì sao thế thưa thiếu tướng Phan Anh Minh? Ông có ngạc nhiên không khi một vụ án được các ông nhận định với  qui mô "cái móng tay" mà hàng loạt các công điện, chỉ thị của nhiều cán bộ cấp cao phải can thiệp không? Đó là phận người thưa ông, sinh mệnh chính trị một công dân tự do và lương thiện đang bị chà đạp thưa ông, môi trường kinh doanh thưa ông, khát vọng vươn lên của thành phố đang bị chính những việc làm lạm quyền này cản đường thưa ông. Hành động kịp thời của các cấp lãnh đạo ngăn chặn nhanh một vụ án đầy tính cưỡng hiếp và hồ đồ là cách để gửi một thông điệp rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động kinh doanh, không ai với bất cứ lý do gì ngáng trở, nhiễu loạn, bóp nghẹt quyền và nghĩa vụ đó.
Có lẽ lúc này lại phải cần một vụ án về tội lạm quyền.
 Thông tin sối nổi, bức xúc, phản đối, bất đồng, cau có, làu bàu về "cái móng tay" của tướng Minh có hết ở đây:
BIỂN NHIỄM ĐỘC, CÁ CHẾT, NHƯNG TẮM BIỂN ĐƯỢC KHÔNG?
Bắt đầu sau 15 ngày cá chết trắng bờ biển, bao nhiêu tin tức, phản ánh,kêu thét...hôm qua ào ào nhiều Bộ, ban ngành vào cuộc, nghiên cứu, xem xét, kết luận, thông báo...
Nhưng có một câu hỏi rất lớn, biển nhiễm độc, cá chết, thì người tắm biển được không? Mùa nghỉ lễ sắp tới, hàng triệu người sẽ tắm biển miền Trung, ai cam kết tắm biển an toàn? Phải xác định và thông báo điều này khẩn cấp vì nó ảnh hưởng đến sinh mạng sống của hàng triệu du khách và hoạt động của các khu du lịch biển.
Chưa thấy báo chí, các chuyên gia nào khuyến cáo, thông tin về sự an toàn của các bãi tắm?
Và cuối cùng nguyên nhân gây nhiễm độc để giết biển từ nước xả của Khu công nghiệp Vũng Áng.
Và nghe Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) trả lời:"có những nhận định ban đầu được họ đưa ra như có thể yếu tố gây độc trong môi trường nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết, còn phía người dân rất hoang mang và lo lắng, họ cho rằng ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh xả thải gây độc. Còn đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy sản đang nắm bắt tình hình và đang làm rõ nguyên nhân.Việc kiểm tra các nhà máy khu công nghiệp Vũng Áng chúng tôi không thể vào được, một là phải có ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hai là phải có công an vào cuộc, chứ đoàn chúng tôi không thể vào được khu công nghiệp. Vì đây là khu công nghiệp lớn của quốc gia, phải có chỉ đạo từ Trung ương xuống hoặc có sự chỉ đạo từ ngành dọc..."
Một khu công nghiệp mà muốn vào lại phải chờ...Trung ương?
Cá thì chết, dân ngộ độc, người tiêu dùng bỏ cá, dân đau đớn quay thuyền bỏ biển, còn cái nơi phát xuất chất xả độc đó đáng ra phải kiểm tra ngay, phải đình chỉ sản xuất ngay...thì gần như chả ai "dám "vào, trên đất nước mình mà còn phải chờ Trung ương....
Báo chí phản ánh ở đây:
 3.
CHỢ THẦN CHẾT?                    
 Với đủ loại hóa chất từ tẩy công nghiệp đến hương liệu, tinh chất chế biến thực phẩm, cà phê, nước giải khát được mua bán dễ dàng, Kim Biên lâu nay được gọi là chợ “thần chết”. Biết vậy nhưng quản lý chợ này không dễ dàng.
Dễ dàng mua bán hóa chất độc hại ở chợ Kim Biên, TPHCM. Ảnh: PV
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM cho biết, qua các đợt kiểm tra về thực phẩm bẩn ở TPHCM, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bẩn như ngâm thịt heo vào hóa chất để biến thành thịt bò, ngâm măng chua vào chất vàng ô để tạo màu bắt mắt… khai rằng, họ mua các loại hóa chất này ở chợ Kim Biên. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ khai mua ở chợ Kim Biên chứ không khai rõ mua ở sạp nào, ai là chủ.
“Họ làm ăn đã móc nối hết với nhau rồi, không bao giờ khai ra chủ cơ sở bán hóa chất cho cơ quan chức năng mà chỉ khai chung chung như mua ở chợ Kim Biên, khu vực Chợ Lớn… Hơn nữa, cơ quan thú y không có chức năng xử lý cơ sở kinh doanh hóa chất mà chỉ tập trung vào thú y nên việc kiểm soát hóa chất đưa vào chế biến thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn” ông Nguyên nói.
Đọc thêm ở đây:Bất lực nhìn chợ 'thần chết'

4.
THƯ GỬI THỦ TƯỚNG.
Khi bà Ngọc ngăn chặn ghe hút cát, nhiều người lạ mặt đe dọa bà Ngọc trước mặt lực lượng công an (ảnh cắt từ clip do gia đình bà Ngọc cung cấp quay vào tháng 9-2015). Bà Ngọc bị tạm giam vì bị cho rằng có hành vi chống người thi hành công vụ
Sau khi Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ông Trần Quốc Bảo - trưởng phòng quản lý môi trường Cục Môi trường miền Nam - đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Được sự cho phép của ông Bảo, Tuổi Trẻ trích đăng:
... Kính gửi: Anh Nguyễn Xuân Phúc
Tôi xin mạo muội gửi anh lá thư này vì một lý do cấp thiết vì có một vụ việc xảy ra như sau:
Tháng 5-2015, Cục Môi trường miền Nam nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ngụ tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cáo giác việc Công ty Nhân Thiện Hòa thực hiện nạo vét luồng rạch, kết hợp tận thu khai thác cát tại khu vực đã gây ô nhiễm đến môi trường, gây thiệt hại cho tôm nuôi.
Cục Môi trường miền Nam đã phân công tôi tìm hiểu xử lý đơn thư này.
Sau 6 tháng điều tra nghiên cứu theo dõi vụ việc, tôi đã nắm rất rõ các vấn đề có liên quan đến vụ việc và vừa có báo cáo hệ thống hóa toàn bộ vụ việc gửi cho lãnh đạo cục, trong đó có đề cập đến những vấn đề nhạy cảm có liên quan đến sự tiếp tay cho tiêu cực của các cán bộ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Tôi xin phép được gửi đến anh nội dung của bản báo cáo (kèm theo) để anh có được thông tin về những vấn đề có liên quan đến vụ việc này (nói riêng) và tình hình xã hội hóa nạo vét luồng rạch kết hợp khai thác cát tận thu sản phẩm ở phía Nam (nói chung), và nếu được, để có những chỉ đạo kịp thời.
Lẽ ra tôi chưa gửi đến anh bức thư này nhưng có vụ việc đau lòng xảy ra ngày 19-4-2016 khi Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vì tội chống người thi hành công vụ cho một vụ việc xảy ra vào ngày 5-9-2015.
Vụ việc này tôi được chứng kiến cụ thể (vì tôi được cục cử xuống nắm tình hình). Về vụ việc xảy ra mà dựa vào đó bên công an bắt bà Ngọc thì tôi cũng đã có báo cáo tường thuật sự việc gửi lãnh đạo cục (nội dung báo cáo xin được gửi kèm theo thư).
Tóm tắt là bà Ngọc yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ về hành vi vi phạm của các phương tiện khai thác cát, công an từ chối lập biên bản tại chỗ mà kéo ghe đi, bà Ngọc có hành động tìm cách giữ ghe lại để đòi lập cho được biên bản tại chỗ, bên công an không thực hiện mà đưa ghe đi, hai bên nhùng nhằng với nhau một lúc lâu nhưng không có xô xát gì và bây giờ (sau hơn 6 tháng kể từ lúc xảy ra vụ việc) họ bắt bà Ngọc vì hành vi chống người thi hành công vụ.
Trong khi bà Ngọc cho rằng nếu không lập biên bản tại chỗ thì sự việc lần này sẽ dần dần chìm xuồng giống như những lần trước đã từng diễn ra như vậy.
Tôi không có liên quan lợi ích gì đến vụ việc này (thậm chí tôi còn có lợi ích nếu đứng về phía nhóm khai thác cát) nhưng vì đã tìm hiểu và biết quá rõ mọi việc liên quan nên nhận thấy phải hết sức giúp đỡ người dân.
Chính vì vậy tôi xin phép được sử dụng tư cách cá nhân (nhưng với công vụ đã được cơ quan giao điều tra kỹ lưỡng vụ việc này) gửi đến anh các bản báo cáo để anh nắm rõ sự việc (vì tôi được biết bà Ngọc cũng đã gửi đến anh một lá đơn kêu cứu).
Vì sự nhạy cảm, phức tạp của vụ việc này và tính khẩn cấp liên quan đến sự an toàn của người dân yếu thế trong nỗ lực bảo vệ lẽ phải nên tôi xin phép được gửi đến anh lá thư cá nhân này trong khi chờ đợi các thủ tục báo cáo, xử lý theo trình tự hệ thống của Tổng cục Môi trường.
Tôi cảm ơn anh rất nhiều”.
TRẦN QUỐC BẢO
ĐỌC TỪ FACEBOOK:
*Việt Thắng:
VỤ CÁ CHẾT HÀNG LOẠT- HÀ TĨNH TỪNG TỪ CHỐI ĐỀ TÀI CỦA PGS
PGS,TS. Nguyễn Quốc Thắng, công tác tại Đại học Hà Tĩnh đã nhiều năm liền đề xuất đề tài đánh giá tác động môi trường và xác định một số nguyên tố độc hại trong một số hải sản ở vùng biển Vũng Áng - Kỳ Anh.
Theo đó, kinh phí mà PGS đề xuất cho đề tài này chỉ có 200 triệu đồng, một con số rất nhỏ, có khi chỉ bằng vài bữa tiếp khách của các quan. Tuy nhiên tỉnh này đã từ chối đề tài của PGS.
Nực cười hơn, một cán bộ có bằng thạc sỹ còn đưa ra lí do từ chối là: nếu có ô nhiễm thì khi thải ra biển coi như nước biển đã xử lí rồi.
  *Nguyen Luong:
 NGUY CƠ ĐÃ RẤT GẦN
- Ngư dân mất dần động lực ra khơi bám biển, dân biển Bắc Trung Bộ là một trong những lực lượng kiên cường nhất trong việc duy trì ngư trường truyền thống của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.
- Mất khách du lịch là nguồn thu "xanh"
- Ngư dân bãi ngang Bắc Trung Bộ bị xáo trộn khi nghề cá bị ảnh hưởng, xã hội dễ bị thao túng.