Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Xuất khẩu gian lận

 https://vnhacker.substack.com/p/xuat-khau-gian-lan


Ít người biết Microsoft, Google và Meta có một điểm chung: họ đều có đội dành riêng chống gian lận từ người Việt.

Cách đây vài năm tôi kêu gọi các công ty ở Silicon Valley tài trợ tổ chức một hội thảo an ninh mạng. Khi tôi vừa nhắc hai chữ Việt Nam, Microsoft cho ngay 20.000 USD, cử đại diện từ Seattle sang dự.

Gặp ở Sài Gòn, tôi tò mò hỏi sao họ cho nhiều tiền, còn cất công đến dự. Đại diện Microsoft trả lời: "We want to know the enemy", tức chúng tôi muốn biết kẻ thù là ai.

Trong phút chốc, tôi bần thần ngỡ Việt Nam và Mỹ lại sắp chiến tranh, nhưng không, họ giải thích vì có quá nhiều gian lận từ Việt Nam nên họ muốn đến tận nơi tìm hiểu.

Đó là chuyện 10 năm trước. Mới đây, Microsoft thông báo phát hiện ba người Việt tạo hơn 750 triệu tài khoản giả, gây thiệt hại hàng triệu USD.

Bạn tôi, không phải dân máy tính, nhắn tin hỏi, “Sao tụi nó có thời gian tạo nhiều tài khoản vậy, chắc mỏi tay lắm?”.

Giả sử mất một phút để tạo một tài khoản. Nếu học hết cấp hai (tôi có nhiều bạn là dân vô học giống tôi nên phải giả sử cho chắc ăn), bạn tôi có thể làm một phép tính đơn giản để thấy tạo 750 triệu tài khoản sẽ mất 1.426 năm.

Tức ba người Việt kể trên phải bắt đầu tạo tài khoản từ khi mới đẻ, tạo liên tục, không có thời gian bú sữa mẹ nên bị suy dinh dưỡng, chết yểu, đầu thai lại tiếp tục tạo tài khoản, lập đi lập lại 10 kiếp người thì mới mong hôm nay có đủ 750 triệu tài khoản.

Làm vậy hơi khó và cần một tầm nhìn xa ngàn năm. Người Việt chúng ta khôn hơn nhiều. Tôi đoán ba anh bạn ở trên viết chương trình máy tính để tạo tài khoản tự động. Mỗi giây tạo 100 tài khoản, chừng 100 ngày là xong.

Tạo từng ấy tài khoản để làm gì? Gian lận. Click quảng cáo giả, nhận tiền khuyến mãi, phục vụ nền kinh tế ảnh hưởng (influence economy) như cày view giả, bán like giả, bán người theo dõi giả, bán đánh giá, bầu chọn giả. Nếu giao cho người Việt quản lý, Michelin sẽ không chỉ có ba sao, mà phải có tám chục sao.

Tôi từng gặp đội chuyên chống gian lận từ Việt Nam ở Google, nghe họ kể khả năng lách luật của người Việt mà thấy hết sức thân thuộc. Chẳng hạn công ty khuyến mãi 100 USD cho khách hàng mới, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt tài khoản giả.

Tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến khả năng "sáng tạo" của người Việt. Hồi tháng trước, một khách hàng của tôi đã tốn hàng trăm ngàn USD phí SMS vì ai đó từ Việt Nam lừa hệ thống của họ nhắn tin hàng loạt đến các đầu số trả phí (SMS pumping).

Một người bạn kể trong lúc phỏng vấn, đại diện Meta rất phấn khích khi biết anh ấy là người Việt. Họ nói có dự án rất phù hợp. Khi vào làm, bạn tôi mới biết đó là dự án chống gian lận từ Việt Nam.

Năm 2018, khi nhiều nhà báo và người có ảnh hưởng bị Facebook khóa tài khoản, tôi có tìm hiểu các thủ thuật lừa Facebook khóa tài khoản bất kỳ.

Tôi rất bất ngờ khi các "tài năng" Việt Nam đã nghĩ ra những 5 cách khác nhau, với những "chiêu" khó đỡ như nộp giấy chứng tử giả, khiến Facebook tưởng nạn nhân đã qua đời, không cho cập nhật trang nhà nữa.

Voltaire sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của người khác, còn Facebook không thể ngờ, để ngăn người khác nói, một số người Việt dám cả gan làm giả cả hộ khẩu của Diêm Vương.

Ngoài gian lận bằng tài khoản giả, người Việt cũng khét tiếng thế giới với những mánh khóe cướp tài khoản (account takeover). Những ngày cuối năm 2021, Facebook khởi kiện bốn người Việt đã chiếm tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, gây thiệt hại 36 triệu USD.

Tháng 7 năm 2022, hãng bảo mật WithSecure công bố một nghiên cứu cho thấy một nhóm người Việt đã dày công "nghiên cứu" trong vài năm để tạo ra một mã độc có tên rất cắt tóc là ĐUÔI VỊT (DUCKTAIL). Để làm gì? Chiếm tài khoản Facebook để cướp tiền quảng cáo.

Hồi tháng 9 năm 2023, nhà báo Amanda Florian ở tạp chí Vox đã thực hiện một điều tra bỏ túi với gần 100 nạn nhân mất tài khoản Facebook từ 14 quốc gia. Các bằng chứng cho thấy thủ phạm là một nhóm người Việt tuổi đôi mươi từ Việt Nam.

Người bạn ở Meta của tôi nói: "Bọn nó giỏi thật anh à, nghĩ ra bao nhiêu cách mà chính tụi em cũng không nghĩ ra được. Mình mới sửa hôm nay, hôm sau chúng lại nghĩ ra cách [gian lận] mới".

Những người Việt bị Microsoft hay Facebook điểm mặt chỉ tên có chút khả năng, nhưng họ không phải tài năng, những gì họ làm không phải sáng tạo. Tài năng thật, sáng tạo thật phải tạo ra giá trị thật cho thế giới.

Chiếm đoạt tài khoản người khác rõ ràng là phạm pháp. Tạo và dùng tài khoản giả để trục lợi bản thân cũng không đem lại ích lợi gì cho thế giới, ngoại trừ khiến chi phí làm ăn với Việt Nam cao hơn so với các nước, vì làm gì cũng phải tiền kiểm, hậu kiểm. Chi phí này cuối cùng đổ xuống đầu người dân và doanh nghiệp trong nước.

Gần đây khi tôi gửi một kiện hàng về Việt Nam, hải quan Mỹ buộc tôi phải trình hóa đơn, khiến công việc trễ nãi, việc trước đây chưa từng xảy ra. Lý do? Có quá nhiều giao dịch gian lận từ Việt Nam. Cũng vì lý do an ninh, nhiều tập đoàn công nghệ lớn thế giới cấm nhân viên làm việc từ Việt Nam. Ngồi ở đâu trong Đông Nam Á cũng được, trừ Việt Nam.

Tôi tin không ai thích đất nước mình bị thế giới e ngại. Ai cũng muốn Việt Nam giàu mạnh, được thế giới tin tưởng, nể trọng. Muốn vậy, Việt Nam phải tạo ra thứ thế giới cần, tức phải trở thành một phần của giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Lừa đảo, gian lận trực tuyến là một vấn đề nhức nhối, nhưng Việt Nam không những chưa giúp được gì, mà còn đang làm mọi việc tệ hơn.

Tôi không có giải pháp, chỉ có vài suy nghĩ.

Tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề trước tiên cần phải thừa nhận có vấn đề: Việt Nam đang xuất khẩu gian lận, nếu không sớm giải quyết, uy tín quốc gia càng suy giảm, chi phí giao thương làm ăn với các nước càng tăng.

Để hiểu gian lận từ đâu ra, chúng ta cần nhìn vào lịch sử. Vì vị trí địa chính trị, người Việt buộc phải rất giỏi chiến tranh. Không quốc gia nào khác từng đánh thắng ba thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Mà Tôn Tử đã nói, "All warfare is based on deception", tức chiến tranh là lừa dối. Thành ra, dẫu thích hay không, chúng ta phải thừa nhận với nhau người Việt thạo và dễ chấp nhận những trò mánh mun, gian dối.

Thực tế cuộc sống hàng ngày cũng khiến người Việt phải rất linh hoạt. Một người bạn kinh doanh lâu năm tâm sự ở Việt Nam làm sai dễ hơn làm đúng. Câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn "Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi" về đến Việt Nam đã trở thành "Trên đời làm gì có đường không được đi, chỉ có đường không đi được". Khi lách luật, mánh lới là cách sinh tồn, gian lận đã âm thầm trở thành phản xạ.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ một chút về bản thân, vì tôi nghĩ câu chuyện của tôi có thể là một gợi ý.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quận 4. Bây giờ quận nhà đã khác, nhưng, nhiều năm trước, đây là vùng đất mà nhiều người Sài Gòn không dám lui tới. Thầy giáo dạy văn cấp hai của tôi kể chuyện cười khách đi máy bay thò tay qua cửa sổ, thụt tay vào thấy mất chiếc đồng hồ thì biết đang bay ngang qua quận 4.

Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, nhưng từ nhỏ tôi đã quen biết nhiều người làm những "nghề" không giống ai như móc túi, giật đồ, ăn trộm vặt, cờ bạc bịp. Ở đấy, lúc bấy giờ, không có khái niệm gian lận, chỉ có khôn và ngu. Ai khôn thì được, ai ngu thì mất, ráng chịu. Lừa được người khác là một thành tích.

Tôi lớn lên với một "background" như vậy, nên mọi thứ luật lệ đều chỉ là "opt-in". Tôi may mắn chọn được một nghề (hay nghề chọn người?) mà tôi được trả tiền để nghĩ ra những ý tưởng xấu xa nhất. Công việc hàng ngày của tôi là tìm cách lừa người khác, để giúp họ không bị lừa. Đội của tôi nghĩ ra những cách đánh lừa hệ thống phần mềm, để giúp thế giới xây dựng những hệ thống vững chãi hơn.

Gian lận và chống gian lận kỳ thực là hai mặt của một vấn đề. Không thể chống gian lận, nếu không biết cách gian lận. Vậy thì Việt Nam đang sở hữu những bộ não chống gian lận thuộc hàng tốt nhất thế giới. Đây là thứ mà nhiều người cần, là giá trị thật mà Việt Nam có thể đem lại cho cả thế giới.


Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

Giới tài phiệt Việt Nam và chiến lược bảo vệ tài sản

 Giới tài phiệt Việt Nam và chiến lược bảo vệ tài sản (voatiengviet.com)


Các tỷ phú Việt Nam, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng được xem là những "tài phiệt" khi tích lũy được tài sản của họ hầu hết từ bất động sản và ngân hàng.

Vào năm 2013, Forbes lần đầu tiên đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới một tỷ phú của Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, số lượng các tỷ phú Việt Nam tăng lên trong danh sách này. Họ là những nhà tỷ phú tiền đô đầu tiên của quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền sau nhiều năm chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế với thế giới.

Người đầu tiên trở thành tỷ phú Việt Nam trong danh sách của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vingroup mà sau này mở rộng sang nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Sau đó vài năm, Việt Nam đã có thêm các tỷ phú khác lọt vào danh sách của Forbes vốn đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác. Đến năm ngoái, Việt Nam đã có tới 7 tỷ phú trong danh sách này.

Khi giới thiệu về ông Vượng lúc ông trở thành tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes vào tháng 3/2013, tờ tạp chí kinh doanh hơn 100 năm tuổi của Mỹ viết rằng “câu chuyện của ông Phạm (Nhật Vượng) đã nhân cách hóa câu chuyện hậu chiến tranh của (Việt Nam), một thành tựu tư bản ở một đất nước trên danh nghĩa vẫn là cộng sản.”

Ngoài ông Vượng, các tỷ phú khác trong danh sách của Forbes còn gồm có Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Sovico kiêm CEO của hãng hàng không VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Nova Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.

Những tỷ phú này đều tích lũy của cải từ bất động sản và ngân hàng, đồng thời tích cực xây dựng các mối quan hệ chính trị cũng như bảo vệ của cải của mình nên họ được xem là những tài phiệt, theo ông Nguyễn Xuân Thành, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Rajawali về châu Á tại trường Harvard Kennedy của Đại học Harvard ở Mỹ.

“Một mặt, bạn thấy những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng, người đã đưa hãng xe VinFast của mình lên sàn Nasdaq, và mặt khác bạn cũng thấy việc bắt giữ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam và sự sụp đổ sau đó của một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam,” ông Thành nói tại một buổi tọa đàm về cuốn sách mới ra mắt “Việt Nam - Định hướng trong một nền kinh tế, xã hội và trật tự chính trị đang thay đổi nhanh chóng” (Vietnam - Navigating a Rapidly Changing Economy, Society, and Political Order) do Trung tâm Ash của Đại học Harvard tổ chức.

Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đều bị bắt giữ vào năm ngoái trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam.

Theo ông Thành, đồng tác giả của cuốn sách kể trên và cũng là giảng viên của Trường Chính sách công và Quản lý tại Đại học Fulbright Việt Nam, những nhà tài phiệt này đang có những chiến lược để bảo vệ tài sản của mình trước chiến dịch “đốt lò”, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, trong đó tỷ phú có thể trở thành tội phạm bị kết án tù.

Họ từ đâu ra?

Tại Việt Nam, cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên, chủ nghĩa xã hội đã dẫn tới việc giới doanh nhân giàu có trong nước bị tiêu diệt và nền kinh tế thị trường bị thay thế bằng thệ thống kế hoạch hóa tập trung. Sau năm 1975, các nhà lãnh đạo chính trị ở miền Bắc đã thay thế nền kinh tế thị trường ở miền Nam bằng nền kinh tế chỉ huy và kiểm soát theo kiểu Lê Nin, dẫn đến sự chậm lại đáng kể trong phát triển kinh tế ở đây vào nửa cuối thập niên 1970.

“Tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc các nhà lãnh đạo Cộng sản phải nhanh chóng từ bỏ nỗ lực tập trung hóa hoàn toàn nền kinh tế miền Nam,” ông Thành, người từng làm việc tại Ủy ban Nhân dân TPHCM trước khi giảng dạy và nghiên cứu tại trường Fulbright Việt Nam, nói và cho biết tàn dư của nền kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại ở TPHCM giai đoạn này.

Cuối những năm 1980 và đầu 1990, trước sự sụp đổ của Liên Xô cùng sự giảm sút về lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng cùng sự điều hành của Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định mở cửa. Chính sách “Đổi mới”, được bắt đầu thực hiện vào năm 1986, cho phép thực hiện kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chuyển sang “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.”

“Nhiều cơ sở kinh doanh gia đình ở TPHCM đã tận dụng việc mở cửa này và đó chính là nguồn gốc những doanh nhân giàu có đầu tiên ở Việt Nam,” ông Thành, người có hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy và triển khai chính sách về tài chính và đầu tư công, cho biết.

Bà Lan, người sáng lập ra Vạn Thịnh Phát, là một trong số những doanh nhân của thế hệ tài phiệt đầu tiên ở Việt Nam. Khởi điểm của bà là ngành kinh doanh nhà hàng và thương mại. Sau đó bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và khách sạn. Nữ doanh nhân gốc Hoa này từng sở hữu nhiều bất động sản sang trọng ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, đưa gia tộc của bà trở thành một trong những gia đình giàu có nhất Việt Nam.

Đến cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, Việt Nam chứng kiến làn sóng doanh nhân giàu có thứ hai đến từ Đông Âu. Họ là những sinh viên được chính phủ Việt Nam cử sang Liên Xô và các nước Đông Âu học đại học và sau đại học từ thập niên 70 và 80. Theo ông Thành, sự chuyển đổi của các nền kinh tế Đông Âu mang lại cơ hội cho nhiều thanh niên Việt Nam sau khi tốt nghiệp và thậm chí trong quá trình học tập lúc đó để bắt đầu kinh doanh riêng. Sau đó, họ chuyển tài sản của họ ra khỏi Đông Âu và quay trở về Việt Nam để bắt đầu kinh doanh riêng.

“Điều đó xảy ra khi Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tin tưởng hơn vào các chính sách cải cách kinh tế và có lột trình cho phép khu vực tư nhân chính thức tồn tại và sau này chấp nhận khu vực tư nhân chính thức làm động lực phát triển kinh tế thay cho doanh nghiệp nhà nước,” ông Thành, người có các nghiên cứu về ngân hàng, đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng, nói.

Tờ VietNamNet, trong một bài viết vào tháng 3/2017, nói rằng Đông Âu là “cái nôi” của các tỷ phú Việt Nam và cho biết nhiều đại gia tên tuổi trong giới kinh doanh hiện nay ở Việt Nam từng học tập và lập nghiệp ở Đông Âu rồi khi trở về Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực mà họ theo đuổi. Trong số họ có ông Vượng – người lập ra Vingroup, bà Thảo – người lập ra VietJet Air, và ông Quang – người lập ra Masan.

Bà Thảo từng du học tại Moscow cuối thập niên 1980 và đã sớm bước chân vào thương trường khi mới là sinh viên năm thứ 2, khởi nghiệp với việc kinh doanh hàng điện tử và nông sản. Ở tuổi 21, bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD và sau đó trở về Việt Nam đầu tư bất động sản và tài chính ngân hàng, trở thành cổ đông sáng lập Tập đoàn Sovico cùng 2 ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là Techcombank và VIB.

Trong khi đó, ông Vượng lập nghiệp tại Ukraine sau khi hoàn thành việc học tập ở Moscow. Tại Kharkov, ông mở một nhà hàng với số vốn 10.000 USD rồi sau đó cùng một người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để sản xuất mỳ ăn liền. Dưới sự điều hành của ông Vượng từ 1993 đến 1999, tập đoàn này trở thành “đế chế” số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine và được định giá lên tới 1 tỷ USD. Vào năm 2001, ông Vượng đưa phần lớn lợi nhuận về đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản qua 2 công ty Vinpearl Land và Vincom. Kể từ khi Forbes đưa ông vào danh sách tỷ phú cách đây 10 năm, ông Vượng luôn dẫn đầu nhóm các tỷ phú Việt khi là người giàu nhất ở quốc gia Đông Nam Á.

Bất động sản và ngân hàng

Hầu hết các tỷ phú được công nhận ở Việt Nam đều có tài sản từ phát triển bất động sản hoặc ngân hàng nhưng, theo ông Thành, phần lớn trong số họ thường tham gia vào cả hai lĩnh vực này.

“Sự kết hợp giữa bất động sản và ngân hàng đã dẫn tới sự phát triển của cơ cấu sở hữu chéo phức tạp, cho phép những doanh nhân này tích lũy tài sản ở Việt Nam với quy mô chưa từng có,” ông Thành, từng là thành viên của tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói.

Tuy nhiên, ông Vượng là người không “lấn sân” vào lĩnh vực ngân hàng mà chỉ tập trung vào phát triển bất động sản.

Một điều khác biệt giữa Việt Nam và các nền kinh tế chuyển đổi khác, như Nga hay Trung Quốc, về sự nổi lên của giới doanh nhân giàu có, theo ông Thành, là ở quốc gia Đông Nam Á không có “những nhà tài phiệt là những nhà lãnh đạo chính trị trước đây hoặc hiện tại” hay là “giám đốc điều hành cấp cao của các SOE (doanh nghiệp nhà nước).”

“Lý do chúng ta không thấy các tài phiệt là những lãnh đạo hay từ các doanh nghiệp nhà nước trước đây là vì các lãnh đạo Đảng luôn quan ngại những người giàu, đặc biệt là những tài phiệt có quan hệ chính trị đặc biệt trở nên quá quyền lực,” ông Thành giải thích. “(Lãnh đạo Đảng) sợ rằng đó là một trong những nguồn gốc của cái mà họ gọi là ‘diễn biến hòa bình’ dẫn đến sự phá hủy quyền lực của Đảng Cộng sản.”

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đưa ra những cảnh báo để ngăn chặn và đẩy lùi “diễn biến hòa bình” và “cách mạng màu” mà họ gọi là “những âm mưu, thủ đoạn chiến lược rất nguy hiểm của các thế lực thù địch” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Do đó, theo giải thích của ông Thành, các nhà lãnh đạo chính trị biết rằng họ có thể tích lũy của cải nhưng không thể tích cực kiểm soát các doanh nghiệp lớn và sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để tích lũy của cải một cách công khai.

“Khi bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào được cho là đang làm điều đó, họ sẽ bị bộ máy Đảng hùng mạnh trừng trị và điều tương tự cũng xảy ra với các giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước,” ông Thành nói.

Nhưng các lãnh đạo chính trị trong những năm qua thường bị báo chí phanh phui là có nhiều “biệt phủ” với khối tài sản giàu có hơn người dân bình thường trong nước dù chỉ nhận mức lương công chức bình thường. Báo Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 9/2017 đã nói hình thức móc ngoặc giữa các quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, thông qua những công ty “sân sau” hoặc “chống lưng” cho các doanh nghiệp.

Đến năm 2015, Đảng Cộng sản nhận thấy nguy cơ tham nhũng vượt tầm kiểm soát nên đã tiến hành nhiều cuộc điều tra do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.

“Tất cả những cuộc điều tra này nhanh chóng dẫn đến nguồn gốc của sự giàu có được nhiều nhà tài phiệt sử dụng,” ông Thành nói và cho biết rằng các tài phiệt trong nước “trở nên dễ bị tổn thương” và “tích cực theo đuổi các chiến lược khác nhau để bảo vệ tài sản” của mình.

Đầu tư ra nước ngoài

Một dạng chiến lược bảo vệ tài sản về cơ bản là tăng gấp đôi số tài sản đang có – bằng việc xây dựng các mối quan hệ chính trị hiện có, đầu tư thêm tiền vào phát triển bất động sản và ngân hàng, theo ông Thành.

“Nhưng càng ngày, những chiến lược truyền thống đó càng trở nên rủi ro hơn,” nhà nghiên cứu của Viện Rajawali nói.

Những tài phiệt đầu tiên bị ‘trảm’ trong bối cảnh có sự “đấu đá nội bộ gay gắt và cạnh tranh công khai giữa các lãnh đạo và các thể chế chính trị khác nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam, theo ông Thành, gồm có Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là “Bầu Kiên”, Trầm Bê và Hà Văn Thắm.

Ông Kiên, thành viên hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu kiêm chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ABC, bị tuyên án tù 30 năm vào năm 2014 với 4 tội danh, gồm kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái. Còn ông Trầm Bê, từng là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, phải thi hành 2 bản án hình sự tổng cộng 7 năm tù trước khi mãn hãn đầu năm nay. Ông Thắm bị tuyên án chung thân trong vụ đại án OceanBank cách đây 2 năm.

“Hầu hết các vụ bắt giữ và truy tố gần đây đều liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng xảy ra do những tài phiệt này đã thất bại trong việc thực hiện các chiến lược bảo vệ tài sản của mình.”

Bà Trương Mỹ Lan, dù có những mối quan hệ thân thiết với các quan chức tại TPHCM, đã bị công an Việt Nam bắt vào ngày 8/10/2022 vì bị cáo buộc phát hành trái phiếu bất hợp pháp để huy động 25 nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư.

Trước đó trong năm vào tháng 3, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam và khởi tố với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán.” Vài tuần sau đó, ông Đỗ Anh Dũng cũng bị bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau một loạt các cuộc bắt giữ các tỷ phú này, mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện thông tin ông Phạm Nhật Vượng “bị cấm xuất cảnh.” Tuy nhiên không lâu sau đó, Bộ Công an Việt Nam lên tiếng xác nhận rằng chủ tịch Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh.

Cũng trong năm ngoái, hãng xe VinFast của ông Vượng đã chuyển trụ sở pháp lý và tài chính sang Singapore, vài tháng sau khi Vingroup chuyển toàn bộ cổ phần VinFast sang công ty con ở quốc gia Đông Nam Á này với lý do nhằm tái cấu trúc đợt IPO tại Mỹ.

Sau nhiều lần trì hoãn, hãng xe của ông Vượng đã khởi động việc xây dựng nhà máy ở Mỹ và niêm yết trên sàn chứng khoán ở New York thông qua một công ty séc khống. Công ty này cũng đang xem xét việc mở nhà máy ở Ấn Độ và dự tính đầu tư 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia.

Theo ông Thành, đây là những chiến lược “thành công hơn” mà các tài phiệt ở Việt Nam đang áp dụng trong việc bảo vệ tài sản của họ.

“Các nhà tài phiệt mời các nhà đầu tư chiến lược tham gia, tận dụng các hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện hơn của Việt Nam cũng như sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn,” ông Thành nói và cho rằng điều này khiến “Đảng ít xem họ là mối đe dọa hơn đối với hệ thông chính trị.”

Sẽ có thêm nhiều công ty lớn của Việt Nam theo đuổi việc niên yết ở nước ngoài, theo ông Thành. Gần đây nhất, công ty VNG của Việt Nam đã có kế hoạch chào bán cổ phiếu phổ thông trên sàn chứng khoán Nasdaq nhưng hoãn đợt phát hành cho đến năm sau do điều kiện thị trường không ổn định.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, các công ty lớn này đang cho Chính phủ thấy rằng họ có thể trở thành công cụ mới về chính sách công nghiệp trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả ở Việt Nam.

Nhưng liệu những tài phiệt và các doanh nhân giàu có của Việt Nam có thành công trong việc theo đuổi tham vọng mở rộng toàn cầu và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược quốc tế hay không và liệu họ có thể thành công trong việc thay thế các doanh nghiệp nhà nước truyền thống làm công cụ mới trong chính sách công nghiệp của Chính phủ hay không, theo ông Thành, điều đó còn phải chờ xem.

“Cho đến nay nó đã được chứng minh là rất khó khăn,” ông Thành nói. “Rất nhiều trong số họ hiện đang phải chịu áp lực tài chính rất lớn.”

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Ân oán Thích Minh Hiền và điệp vụ HV20

 Ân oán Thích Minh Hiền và điệp vụ HV20 phần 1.

 Nếu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại  Đức là điệp vụ quốc tế mang tên TV 17, như người ta dịch là '' vồ Trịnh Xuân Thanh năm 2017 '' thì chuyên án bắt bà Hồ Thị Kim Thoa có lẽ là tên gọi của nó là điệp vụ HV20 tức '' vồ Hồ Thị Kim Thoa năm 2020 ''.

Các nguồn tình báo xác định bà Thoa ở Paris năm 2020, bộ công an quyết định đưa bà Thoa về nước theo đường chính thức dẫn độ ký với Pháp. Việc này thành công sẽ mang lại ý nghĩa lấy lại sự hoành tráng cho Bộ Công An ở vụ bắt cóc TXT. Tiếng tăm sẽ vang dội, đấy nhé, an ninh Việt Nam có đủ mọi cách để bắt bất cứ kẻ nào trốn ra nước ngoài, đưa về đường hoàng.

Hiệp định dẫn độ với Pháp có hiệu lực bắt đầu vào ngày 1 tháng 5 năm 2020.

Một tốp an ninh được lệnh lên đường sang Pháp, trong một chuyến bay cứu trợ người Việt đang kẹt ở Pháp. Nhiệm vụ lần này ai cũng nghĩ nhẹ nhàng, một chiến thắng vang dội trước trung ương 14, trung ương cuối cùng của khoá 12. Sự ăn mừng còn chuẩn bị kỹ đến mức bên an ninh đã chuẩn bị cho các phóng viên Mạnh Quân báo Dân Trí sẵn tin tức đưa loạt bài khởi động. Gắn liền với vụ xử Vũ Huy Hoàng.

Hẳn các bạn còn nhớ lúc đó tôi đã đưa ảnh ngôi nhà bà Thoa ở với tin nhắn bài hát số 33 bản Người Về nên tắt đi.

33 là mã vùng của Pháp, bản Người Về tức điệp vụ HV20.

Cảnh sát Pháp hay nói khác hơn là chính phủ Pháp họ không truy bắt người họ an ninh Việt Nam, tuy nhiên nếu an ninh đưa được người về sứ quán Việt Nam, họ đồng ý cho phía Việt Nam đưa người về theo dạng dẫn độ, đường máy bay.

Bởi thế dù nhiệm vụ đơn giản là có quyền dẫn độ, nhưng phía Việt Nam vẫn chuẩn bị chu đáo từ những người giỏi võ thuật, ngoại ngữ, người đánh thuốc mê (  có hộ chiếu của nữ bác sĩ này ), người gây chia rẽ nội bộ và sự phối hợp của lãnh sự Việt Nam tại Pháp. Một sự phối hợp tổng hợp toàn diện nhiều mảng khác nhau.

Phía Việt Nam bao vây ngôi nhà bà Thoa để quan sát, họ thuê nhà đối diện để đặt máy quay, ngồi trong xe ô tô để theo doi ghi hình. Những thông tin liên tục được cập nhật gửi về Việt Nam.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2020 bà Thoa và một đội nam nữ trẻ đi đến một tỉnh lẻ của Pháp. Khi chiếc xe của chở bà Thoa đang trên đường cao tốc, y như phim hành động, một chiếc xe khác vượt lên chặn đầu rải đinh, ngay tức khắc chiếc xe bà Thoa bị nổ lốp. Hai chiếc xe khác áp lên buộc xe bà Thoa ép vào lề đường. Trong phút chốc cả ba người trong xe đều mê man bất tỉnh không biết chuyện gì.

Thế nhưng khi giam giữ cả ba người, cơ quan an ninh Việt Nam mới nhận ra một điều , bà Thoa không mang hộ chiếu Việt Nam , bà nhập cảnh vào Pháp bằng hộ chiếu nước khác. Đôi nam nữ đi cùng bà là người nước ngoài, người đàn ông kia là một nhà tài phiệt châu Á tầm quốc tế, có ảnh hưởng quan trọng đến chính phủ nhiều quốc gia.

Việc bắt đầu nghiêm trọng hơn là chính phủ một vài quốc gia vào cuộc, phía Việt Nam dở khóc, dở cười. Lúc này chỉ mong sao thả người ra và xin mọi chuyện được giữ kín.

19 tháng 11 ông Tô Ân Xô lên báo Dân Trí, trả lời rằng bộ công an chưa có thông tin gì về bà Thoa.

Bà Thoa được an ninh Việt Nam thả ra tại một điểm, có người nhận là những người của quốc gia khác.

Điệp vụ VH20 đổi sang hướng khác là thuyết phục, mặc cả và gây sức ép, chia rẽ nội bộ nhóm bà Thoa tại Pháp. Dẫn đến việc đưa bà Thoa về vào giữa tháng 1 năm 2021, lần mà nhà báo Hương Trà khẳng định bà Thoa đã về Việt Nam. Lần này báo Dân Trí ăn mừng rõ rệt bằng loạt bài đón sẵn, cơ sở giam giữ cách ly bà Thoa ở Trà Vinh khẩn trương giăng tôn quây kín. Trong Bộ Công An người ta mở sẵn sâm panh để ăn mừng.

Tại sao việc đưa bà Thoa về lần này lại dễ dàng và trót lọt như vậy?

Câu hỏi này xin để đến phần sau, trong khi chờ đợi Bộ Công An làm việc với Thích Minh Hiền...


Điệp vụ HV20-phần 2.

Phần 2

Cuộc đời thay đổi mỗi người một phương, Thích Minh Hiền vẫn trụ trì chùa Hương và vẫn sắm đều đều những thứ xa xỉ, vẫn sống trong sự trọng vọng của đám con nhang đệ tử không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Minh Hiền đi sang châu Âu nhiều chuyến, ngoài hoằng pháp vài ba bữa , chủ yếu còn lại Minh Hiền đi các hãng đồng hồ sang trọng nhất thế giới để sắm cho mình những phiên bản giới hạn.

Còn tôi, kẻ ất ơ năm nào viết trên yahoo đã sang Đức theo học bổng văn hoá của thị trưởng thành phố Weimar.

Một ngày trên tin nhắn Facebook có người hỏi tôi.

- Anh Hiếu ở Phất Lộc phải không, nhận ra em không?

Tôi nhận ra thằng đàn em từ thời tôi 20 tuổi ( tính đến giờ đã 29 năm ). Chúng tôi ôn lại chuyện cũ từ thơì trai trẻ. Đó là thằng Hiệp ở Gia Lâm. Vài bữa sau Hiệp từ Ba Lan sang thăm tôi cùng một thằng nữa. Đêm ấy chúng tôi ôn lại những kỷ niệm xưa, cuối cùng thì cả hai thằng đều ơn trời đất đã sống được đến bây giờ, sau khi điểm danh những anh em ngày ấy đều đã chết cả, không chết vì ma tuý thì cũng chết vì tù tội, đâm chém, tự vẫn hay bệnh tật.

Hiệp bấy giờ buôn đồng hồ, nó lấy hàng từ châu Âu đánh về Việt Nam. Một tháng sau hôm gặp lại ấy, nó gọi điện nói tôi nhận giúp một số tiền rất lớn.

Người ta mang đến đưa cho tôi một số tiền lớn đến nỗi chưa bao giờ trong đời tôi cầm được. Hai hôm sau Hiệp nhắn tôi mang số tiền đấy đến một khách sạn, gặp một người Tây Ban Nha, đưa cho họ và họ đưa lại 9 cái đồng hồ và một cái điện thoại Vertu.

Một tuần sau Hiệp mới sang lấy chỗ đó về. Tôi hỏi nó.

- Sao mày không nhờ thằng A.

Hiệp nhoẻn miệng cười.

- Một đống tiền, nhờ người khác, họ kêu bị mất, bị cướp thì làm gì được họ.

Tôi nhìn thằng đàn em, sau hơn hai mươi năm không gặp, ngày gặp lại nó nhờ tôi cầm hộ khoản tiền trị giá bằng mấy căn hộ tôi đã ở Việt Nam, không một tờ giấy xác nhận, chỉ có người đưa và người nhận biết với nhau.

Từ đó tôi theo nghề buôn đồng hồ, tôi chỉ chọn phân khúc tầm trung như Longines, Omega, Poljot và Rolex loại rẻ nhất. Người hâm mộ của tôi nhiều, họ tin tưởng chất lượng cũng như giá thành, rất nhiều người muốn mua làm kỷ niệm. Tôi bán đến hàng rổ đồng hồ, có tuần bán đến 30 cái. Có những cái chỉ đăng lên chưa đầy 2 phút đã có người mua, không ai mặc cả gì hết.

Tiền lời tôi bỏ ra sưu tầm đồng hồ Poljot. Vì sao tôi sưu tầm loại này, hẳn các bạn biết ở thế hệ tuổi của tôi sinh ra ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, loại đồng hồ ấy là thời thượng của những người khá giả tại miền Bắc vào những thập kỷ 80 đổ về trước. Trong góc sâu tiềm thức nào đó của tôi, cái tên Poljot như là một dấu ấn. Một phần lớn tôi mua lại của thằng Hiệp, phần còn lại nó săn hộ tôi và bản thân tôi cũng săn lùng thêm.

Một ngày có một ông bạn già đến chơi, ông nhiều năm sống ở Đức, cũng có đam mê chơi đồng hồ. Ông nói với tôi.

- Chú không nên sưu tập nhiều đồng hồ như thế này, tại chú bán toàn Omega, Rolex. Thiên hạ sẽ nghĩ tất cả chỗ đồng hồ của chú đều đắt tiền như thế,  lỡ bọn nào nó đến cướp thì sao ?

Lúc đầu tôi cũng không nghĩ ông bạn già nói đúng, nhưng dần dần về sau tôi bán những chiếc đồng hồ đắt tiền hơn như JL, Vacheron, AP, PP....tôi thấy cũng chột dạ, mỗi cái đồng hồ ít cũng hơn 10 nghìn euro. Thiên hạ ai đó đồn nhau chỗ đồng hồ Poljot của mình sưu tầm cũng đắt như thế thì đúng là hậu quả khó lường.

Người kinh nghiệm giang hồ là ngừa nguy hiểm  đến, chứ không phải đợi đến lúc nguy hiểm đến đối phó với nó để thể hiện bản lĩnh. 

Tôi tính chuyện bán bộ sưu tập đồng hồ Poljot của mình đi, đem ý đấy nói với thằng Hiệp.


Điệp vụ HV 20 -phần 3

Quảng Châu lúc 11 giờ tối ngày 16 tháng 1 năm 2021.

Trên sân bay vắng lặng, vắng từ ngoài bãi đậu máy bay đến hành lang. Một chiếc phi cơ hạ cánh, những người ra khỏi máy bay với tâm trạng hoảng hốt, hoảng loạn, tuyệt vọng...đầy những sắc thái khác nhau. Bà Hồ Thị Kim Thoa không biêủ hiện vẻ sợ hãi, chỉ đượm nét u buồn. Một số người khác thì ngơ ngác như muốn hỏi - đây là đâu, tại sao lại xuống đây.

Tất cả được đón về một khu cách ly, không chừa một ai kể cả nhà tài phiệt.

Không ai biết bước tiếp theo sẽ thế nào, bà Thoa và những người an ninh Việt Nam áp giải bà vẫn nghĩ chắc việc dẫn giải và về Việt Nam sẽ theo đường bộ.

Ở Việt Nam người ta nghẹt thở, không rõ chuyến bay đến điểm nào. Phải hơn một ngày sau nữa, phía Việt Nam mới biết nơi chiếc máy bay đã dừng.

Những đòn chia rẽ, hứa hẹn được đưa ra, đủ các áp lực khác nhau. Một lần nữa việc đưa bà Thoa trở về Việt Nam lại trở nên chắc chắn như hai lần trước đó. 

Gã tài phiệt vẫn để ngỏ chuyện đưa bà Thoa về,  mọi thứ chỉ có vẻ là tự nhiên như việc cách ly, việc bàn bạc hành trình trao trả tiếp tục bằng đường bộ ở cửa khẩu nào. Đấy là 14 ngày cực kỳ căng thẳng, phía Việt Nam nỗ lực từng giây phút, hối thúc, kích động mâu thuẫn, đẩy gã tài phiệt lên đỉnh điểm cơn tức giận sẽ quyết định đưa bà Thoa cho phía Việt Nam nhanh hơn.

Bạn đã bao giờ tiếp xúc với cơ quan công an hay cơ quan an ninh điều tra chưa ?

Phần lớn trong các bạn đọc ở đây sẽ chưa tiếp xúc, nhất là trong cảnh bị động. Cơ quan an ninh vờn bạn như người câu cá vờn con cá, họ nới dây cho bạn bơi xa, tưởng như bạn đã thoát, rồi họ kéo bạn lại một ít, bạn lại vùng ra, mỗi lần như thế bạn mệt dần đi và họ lôi bạn sát bờ, lấy vợt múc lên nhẹ nhàng, khi bạn kiệt sức nổi trắng bụng.

Ví dụ với cảnh sát điều tra hình sự,  bạn phạm một tội gì đó như bạn gọi ba ông hàng xóm đến nhà đánh bào, đầu tiên hình sự nói với bạn cái tội bốn thằng đánh tá lả thế này thì thiên hạ nhà nào chả có, có cái gì đâu mà lo. Phạt vi cảnh , nhắc nhở cho về thôi. Thế là bốn thằng ký nhận có đánh bạc ăn tiền mang tính chất cò con. Các bạn tưởng xong đợi nộp phạt về, nhưng mãi người ta không làm giấy phạt. Bạn hỏi thì họ cười tươi, thân thiện nói chờ tí, cái ông làm biên bản phạt đang xuống địa bàn về bây giờ.

Các bạn chờ một lúc thì cái tay công an được cho là làm biên bản phạt về, hắn sẽ đọc hồ sơ rồi nhíu mày một cái nhẹ, thốt lên một câu. 

- Cái này sao mà có căn cứ phạt, phải có mức tiền chơi chứ, cò con cũng phải có con số chứ thì mới làm được biên lai.

Các bạn xoa tay, gãi đầu lí nhí.

- Cò con đáng bao nhiêu đâu anh.

Hắn hỏi

- Các ông chơi nhì mất 10 nghìn à?

Các bạn rối rít cười bả lả.

- Vâng, vâng, bọn em cò con mà sếp, có 10 nghìn thôi.

Hắn cầm bút,vẻ mặt không có gì quan trọng, thậm chí là còn hỏi đùa các bạn.

- Chơi này chốt 40, ù 50. Thế lúc công an vào, thằng nào đang thắng ? 

Các bạn lại xun xoe, trong lòng mong cho anh ấy lập biên bản nhanh còn về.

- Mới có một tí các anh đã vào, nào đã ai ù đâu.

Anh cán bộ cự.

- Các ông chả thật gì, chơi bao lâu thì nói là chơi bấy lâu, ông có thấy vụ đánh bạc nào người ta nhắc đến chuyện tội nặng là chơi một ngay với chơi nửa ngày không. Chúng tôi còn được tin báo chính xác giờ các ông chơi cơ, hỏi thế chứ ai ghi biên bản là chơi từ giờ nào đâu, chỉ ghi bắt quả tang là đủ rồi.

Các bạn thấy anh ấy giải tích tận tình, mới ờ ra một cái, đúng là chả có vụ bắt bạc nào mà người ta xét cái tội chơi từ lúc nào đến lúc nào cả. Anh ấy nói đúng chứ chẳng phải buộc tội gì.

Thế là các bạn nói lúc 8 giờ, lúc 9 giờ. Anh ấy khoát tay dễ dãi nói.

- Thôi 9 giờ đi cho xong, chơi vui thì ai mà nhớ chính xác được, tụ lại còn chén trà, điếu thuốc lào , còn hỏi chuyện lô đề hôm qua, bóng bánh đêm qua.. ai mà chơi ngay luôn được. Các ông đâu phải bọn chuyên nghiệp gì.

Các bạn cảm động quá,  một người công an quá tâm lý, quá gần gũi với đời sống bà con quần chúng nhân dân. Các bạn đồng ý với anh ấy 9 giờ, trong lòng các bạn còn thấy vui khi ăn gian, qua  mặt anh ấy được 1 tiếng đồng hồ.

Anh ấy hỏi tiếp.

- Đánh lâu thế mà không ai ù được ván nào, đến lúc bắt là 12 giờ, nói thế chả ai tin. Ông nào ù ít nhất thì nhận tôi xem nào.

Đến câu này thì một trong bốn thằng các bạn, thằng ù ít nhất sẽ lanh chanh giơ tay.

- Em, em tại thằng C ngồi trên nó đánh rắn, em chỉ ù được có ba ván, thua gần sạch.

Cán bộ cười ngất nói.

- Trông mặt ông là thấy đen rồi, ù được ba ván mỗi ván ra hồ mất mẹ 10 nghìn,  đen thì về  bét 4 ván là xong chỗ ù đấy.

Tay kia được cán bộ thấu hiểu nỗi lòng, hắn sẽ ra vẻ ngậm ngùi.

- Vâng, em còn bét đến 6 ván luôn chứ lại.

Tay cán bộ ghi anh C ù 3 ván, mỗi ván còn mất 10 nghìn tiền hồ.

Ghi xong anh ấy vất biên bản mới bổ sung cái toẹt trước mặt bạn, rồi nói như chuyện vặt.

- Lần sau nhớ chơi thì đóng cửa bé mồm thôi nhé, không hàng xóm người ta báo lên đây.

Cả hội mừng rúm, vâng vâng , dạ dạ và ký vào biên bản bổ sung. Cái câu '' lần sau '' ấy các bạn đã nhầm là câu tha, thực ra lần sau ấy người kinh nghiệm như anh em giang hồ chúng tôi biết là đéo biết đến bao giờ.

Thế rồi các bạn lại chờ trong sốt ruột, vì đợi ông trưởng phường về.

Đến tối ông trưởng phường về, ông ấy xem hồ sơ rồi nói, vụ này đưa lên quận giải quyết,  tuần trước họp giao ban, quận người ta bảo mấy vụ cờ bạc phạt vi cảnh thì để trên ấy phạt cho họ có ngân sách. Dưới phường phạt hàng rong là quá nhiều rồi.

Công an phường còn quen biết với các bạn, chứ trên quận họ biết bạn là ai.  Bạn ở trong nhà giam của quận một đêm, sáng sau người hỏi cung bạn với vẻ mặt đanh thép, lúc này bạn hoang mang giữa cái được về hay là không được về, những câu hỏi bổ sung được đặt ra cho từng đối tượng riêng rẽ, không có cái kiểu hỏi một lúc bốn thằng như dưới quận nữa.

Thế rồi đến ngày kia , ngày kìa bạn vẫn trong buồn giam của quận, rồi một chuyến xe sớm nào đó trong tuần đưa bạn đi hoả lò.

Các  bạn đánh bạc có tổ chức, có thu tiền hồ, mức sát phạt lên đến 50 nghìn, chiếu theo nghị định, thông tư mới ban hành ngày a, b, c các bạn phải ra toà.

Ở trạng thái này người ta dẫn dắt bạn từng bước, đến khi bạn nhận ra cái thông cảm ù có ba ván mà mỗi ván mất 10 nghìn tiền hồ, cái nhắc nhở lần sau chơi bé bé cái mồm...tất cả chỉ là cái bẫy thì đã muộn.

Trở lại chuyện bà Hồ Thị Kim Thoa, tuy không đón được bà Thoa về như dự tính. Nhưng mọi trao đổi, tác động cho thấy việc đưa bà ấy về vẫn còn trong tầm tay của an ninh Việt Nam. Những thoả thuận và những diễn tiến sự việc vẫn hướng có lợi cho việc đưa bà Thoa về..


Điệp vụ hv20-phần 4.

Cơ quan an ninh Việt Nam vẫn hy vọng chuyện đánh phá, chia rẽ nội bộ nhóm bà Thoa thành công. Họ đã dùng đến những biện pháp cực kỳ vô nhân tính.

Những biện pháp này rất tiếc chưa kể được hết vào lúc này.

Sau 14 ngày cách ly, 6 chiến sĩ an ninh Việt Nam được di chuyển ra đảo Hải Nam, ở một khách sạn cao cấp, họ hàng ngày được ăn 4 bữa ăn sang trọng của khách sạn. Còn nhà tài phiệt cùng vợ và bà Thoa về quê hương của nhà tài phiệt.

Đó là một làng quê cổ kính của Trung Quốc.

Nhà tài phiệt đã vẽ dựng lên một kịch bản không tưởng, chỉ vì một mục đích mà cho đến hôm nay, chắc tất cả những ai tham gia hay liên quan hoặc biết đến điệp vụ VH20 đã hiểu.

Cũng như người Việt Nam, đến Tết cổ truyền, con cháu trở về quê nhà sum họp với ông bà, bố mẹ. Dù có là tài phiệt hay có là uỷ viên bộ chính trị gì đi nữa,  người TQ hay người VN vẫn cố gắng ngày Tết về bản quán sum họp với gia đình.

Vì sao anh ta phải dày công, tốn sức như vậy ?

Những ngày tháng sống ở Pháp, xung quanh cửa nhà là an ninh Viêt Nam phục sẵn. Nếu anh ta và vợ đi khỏi nhà chỉ có sự theo dõi, nhưng nếu anh ta đi cùng bà Thoa, lập tức đến đoạn đường nào đó, những cán bộ an ninh Việt Nam lao ô tô gây ra vụ va chạm. Cảnh sát đến lập biên bản, phía gây ra tai nạn nhận lỗi để bảo hiểm của họ đền, những chiếc xe Skoda mới cứng vừa được mua phục vụ cho điệp vụ VH20.

Việc đụng xe như thế đã ba lần xảy ra, anh ta hiểu rằng không thể nào mà đưa được tất cả nhóm người của mình về quê hương ăn Tết. Xuất phát từ mẫu thuẫn nội bộ do một người gây ra, nhóm bà Thoa chạy trốn vào một khu nhà của lãnh sự của nước lớn, quyết không nhìn mặt nhà tài phiệt nữa.

Kẻ tạo nên được mâu thuẫn ấy suýt làm điệp vụ VH20 ấy thành công tên là K.

K đã hai lần sa vào tay nhóm nhà tài phiệt ở hai quốc gia khác nhau, bị giam giữ, bị tra hỏi . Cả hai lần cấp trên của K đều bỏ bẵng không nhắc đến, coi như không biết đến sự tồn tại trên đời của K. Hẳn lúc đó nếu như K bị mất tích khỏi cuộc đời này cũng không ai biết đến.

Cả hai lần ấy, một người đồng hương của K đã xin cho K được thả về nước. 

Thế nhưng lần nào cũng vậy,  thoát thân được an toàn, K lại tiếp tục theo đuổi việc chia rẽ, kích động  mà chính người đã xin tha cho K về lại là đầu mối để K gây nên sự chia rẽ nội bộ nhóm bà Thoa.

K có nỗi niềm riêng, có sự uất hận riêng. Điều đó khiến K theo đuổi việc giúp sức cho cơ quan ninh Việt Nam trong điệp vụ VH20 này một cách tận tâm. Hay nói một cách khác là đầy khát khao trả thù.

Nhưng đó là một câu chuyện khác, một câu chuyên mà tính hoang đường của nó còn hơn cả câu chuyện điệp vụ VH20 đang kể ở đây.

Về tấm hộ chiếu Trung Quốc của bà Thoa. Rất nhiều người Việt đã sang châu Âu bằng hộ chiếu Trung Quốc, chỉ với 20 nghìn usd, bất cứ người Việt nào đều có thể đến châu Âu bằng hộ chiếu Trung Quốc. Có một đường dây đưa người vào châu Âu từ Trung Quốc. Đây là việc của hội kín, nước sông không phạm nước giếng, vấn đề này chỉ nói qua đến đây cho các bạn đọc hiểu phần nào. 

Báo chí Việt Nam nhiều lần cao giọng là phải làm rõ đối tượng Y đi bằng con đường nào, thật đáng thương hại  cho sự ngô nghê và thiển cận của báo chí nước nhà. Muốn làm rõ thì trước hết về viết di chúc rồi hãy đi làm rõ với làm ra. Đến con đường người Việt đi sang Nga, rồi băng rừng vào châu Âu từ hàng chục năm nay còn không ai dám làm rõ, đến khi xảy ra vụ chết 39 người trong xe công từ Pháp qua Anh, chấn động cả thế giới về nạn buôn người, thử hỏi báo chí Việt Nam vụ đấy làm rõ được đến đâu rồi ?

Có lẽ đến phần này, việc đòi Thích Minh Hiền trả nợ 50 nghìn usd chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Mặc dù đã gửi đi nhiều thư nhẹ nhàng, lễ phép xin sư Hiền trả tiền hay đồng hồ, đã vài lần sư Hiền hứa trả. Nhưng năm này qua năm khác lại lơ đi. Mặc dù đã thông báo rằng nếu như sư Hiền không trả tiền hay đồng hồ, nhiều thứ sẽ bị phơi bày.

Nhưng Tô Lâm và Thích Minh Hiền đều đạt đến ngưỡng cao nhất của Thiền, đó là mặc kệ,

Tô Lâm mặc kệ lính của mình đang bị câu lưu ở nước ngoài, còn Thích Minh Hiền thì mặc kệ món nợ mà y phải trả.

Các bạn đọc sẽ thắc mắc Thích Minh Hiền sao lại liên quan đến vụ này, nếu tôi nói rằng ngay từ đầu Thích Minh Hiền trả nợ tôi 50 nghìn usd đấy, những người an ninh Việt Nam kia sẽ được về nước, các bạn sẽ bảo chuyện hoang đường, tôi bịa ra để đòi tiền thầy Hiền đúng không?

Hẳn các bạn sẽ nói như thế, đó là phản ứng tự nhiên của bất cứ ai khi nghe những câu chuyện hoang đường nào đó.

Nếu có một thằng điên bỏ cả chuyến máy bay, vẽ ra một kịch bản đưa cả cơ quan an ninh, ngoại giao của một đất nước từng đánh thắng các đế quốc, thực dân vào tròng chỉ để về quê ăn Tết thì cũng có thằng điên đòi lại món nợ nhỏ với cái giá đưa ra quá hời.

Nhưng cơ quan an ninh Việt Nam không điên, họ quá lý trí, họ sẽ đặt những câu hỏi nghi ngờ như các bạn, rằng làm gì có nếu ai đó đòi được 50 nghìn usd tiền nợ của Thích Minh Hiền mà những chiến sĩ an ninh của họ sẽ được về.

Chỉ có Thích Minh Hiền là không điên, hắn đủ biết rằng nếu có chuyện gì, cơ quan an ninh, nhà nước Việt Nam sẽ bảo vệ hắn, bởi Phật Giáo đang là một trụ cột để giúp đảng CSVN thống trị tư tưởng người dân, là phó trưởng ban văn hoá Phật Giáo hắn quá hiểu điểm yếu của chế độ độc tài này là gì, hắn đang là người đang ngày đêm trấn giữ một trong những yếu điếm đó cho chế độ. Những đồng tiền hắn kiếm được dùng vào những thứ xa xỉ như những chiếc đồng hồ trị giá vài trăm nghìn usd, đó là phần thưởng của hắn trong công cuộc bảo vệ tư tưởng cho chế độ cộng sản VN.  Những đồng tiền đó là thu nhập được bảo kê của chế độ...

Phần sau là cuộc đón người không thành ở Lạng Sơn.....


Điệp vụ HV20-phần 5.

Trong những ngày cách ly ở Quảng Châu, 6 chiến sĩ an ninh lờ mờ hiểu ra rằng không có chuyện họ áp giải bà Thoa về Việt Nam như dự định mà cấp trên đã phổ biến cho họ. Họ không có sóng internet, giả sử nếu có chưa chắc họ đã dám sử dụng liên hệ về cơ quan của mình.

Phía Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng công an cố gắng tìm kiếm kênh liên lạc với giới chức chính phủ Trung Quốc để tìm kiếm một thoả thuận là đưa bà Thoa và nhóm người áp giải về.

Ngày 4 tháng 2 năm 2021, tròn 20 ngày sau chuyến bay kỳ lạ kia, những người đang chăm lo đời sống cho 6 chiến sĩ an ninh Việt Nam nhận được một ngỏ ý từ một người Việt Nam, anh ta mong muốn 6 chiến sĩ an ninh được về vào ngày 6 tháng 2.

Lời ngỏ ý của anh ta được chấp nhận, nhưng bên chấp nhận nói rằng có thể phải sang ngày thứ hai, tức ngày 8 tháng 2 năm 2021. Bởi việc di chuyển người từ đảo Hải Nam về trong lúc dịch bệnh e rằng khá mất nhiều thời gian vì đi đường bộ, đường thuỷ. Cùng lúc ấy một thông báo của họ gửi đến lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thông báo về dự định trao người và đề nghị phía Việt Nam phối hợp.

Thế nhưng ngay hôm sau, trong Bộ Công An đã tiết lộ ra ngoài một tin tức, những người phụ trách điệp vụ VH20 đã hân hoan thông báo rằng do họ có những biện pháp tâm lý chiến, đối thoại mềm dẻo đã dẫn đến việc bên kia phải trao trả 6 người về Việt Nam.

Sự hân hoan quá sớm này thành tai hại, phía những người chăm sóc 6 chiến sĩ an ninh đã xác minh lại với người Việt ngỏ ý xin cho 6 người về. Rằng có phải anh ta được phía an ninh Việt Nam tác động để nhờ xin người về. Câu hỏi ẩn chứa đằng sau dĩ nhiên không nói trắng ra, nhưng ai cũng hiểu, đó là anh ta có phải làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam không?

Người xin hộ về tự nhiên tai bay vạ gió, mua dây buộc mình. Anh ta thanh minh, có thể phía công an Việt Nam họ thấy tin thả người về, họ tự nhận công lao như thế để cứu vãn phần nào về điêp vụ VH20 bất thành. Còn nếu anh ta là người của an ninh Việt Nam,  điệp vụ VH20 có khi đã sang chiều hướng khác.

Ngày 8 tháng 2 năm 2021,  thành phố Lạng Sơn tiếp đón những đoàn xe khác nhau, của nhiều cơ quan khác nhau đổ  về. Nhưng không có sự trao trả người nào diễn ra.

Vài ngày sau đó, bộ trưởng Công An Tô Lâm gửi lời mời thiết tha đến bộ trưởng Công An Trung Quốc Triệu Khắc Chí sang Hà Nội để dự hội nghị  hợp tác phòng chống tội phạm giữa hai nước. Ngày 19 tháng 2, tại hội nghị, Tô Lâm kể công lao đã thực hiện nhiều yêu cầu của Trung Quốc như bắt các tội phạm TQ lẩn trốn tại Việt Nam và khẩn khoản yêu cầu phía công an Trung Quốc hợp tác xác minh các vụ mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và việc giải cứu phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc.

Tất nhiên mục đích chính mà Tô Lâm đề cập là vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa, vừa nhờ cậy vừa tung ra đòn đe nẹt cho nhóm những người đang chăm sóc bà Thoa và 6 chiến sĩ an ninh Việt Nam.

Dư luận hôm đó cho rằng phía TQ cứ quan khâm sai sang nghe báo cáo nhân sự mới của khoá 13 đảng CSVN, thực sự thì chuyến đi của Triệu Khắc Chí không phải mục đích như vậy. Nhân sự nội bộ đảng CSVN đã được thống nhất và tham khảo ý kiến trong nội bộ đảng và  các lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu từ trước trung ương 14 cả chục ngày, tức từ đầu tháng 1. Triệu Khắc Chí sang với mục đích yêu cầu phía công an Việt Nam  tiếp tục làm mạnh những đường dây ma tuý từ Lào vòng qua  Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu các bạn chú ý theo dõi, trong những năm vừa qua, công an Việt Nam phá rất nhiều vụ ma tuý lớn, đặc biệt là Heroin, hầu hết những đường dây này đều hướng về nơi tiêu thụ ở biên giới phía Bắc.

Đáp lại yêu cầu của Tô Lâm về vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, phía Trung Quốc trả lời không biết.

Không biết đó là câu trả lời hữu nghị nhất Triệu Khắc Chí có thể dành cho Tô Lâm.

Bởi nếu biết, phải đi ngược lại vụ an ninh Việt Nam bắt giữ ba người Trung Quốc tại Pháp lúc trước. Vụ nhầm lẫn tai hại ấy vì bắt giữ một nhà tài phiệt, một công dân có vị trí quan trọng của Trung Quốc, trong khi giam giữ còn xảy ra xô xát, hành vi bắt giữ thô bạo như rải đinh, đánh thuốc mê, giam giữ nơi bí mật. Lúc ấy phía Việt Nam đã thoả thuận với Trung Quốc xin thả nhà tài phiệt và cô gái đi cùng, chỉ giữ bà Thoa để tiến hành thủ tục với Pháp đưa về. Nhà tài phiệt được người của chính phủ Trung Quốc hộ tống ra sân bay về nước, nhưng đến sân bay anh ta lộn ngược lại Paris, những người hộ tống anh ta không ai dám ngăn cản vì biết cá tính ngang tàng của một võ sĩ trong con người anh ta, hơn nữa là ảnh hưởng của anh ta , nếu ngăn cản chuyện xảy ra ẩu đả ở sân bay là điều không thể tránh khỏi, khống chế và dùng vũ lực với anh ta thì những người hộ tống không được phép làm. Lệnh trên là bảo vệ anh ta về an toàn chứ không phải là áp giải. 

Chỉ hai tiếng sau khi rời khỏi sân bay, anh ta đưa ra thông điệp, bọn tao đi ba về phải ba. Trả nốt bà Thoa lại cho tao, nếu không chỉ ngày mai tao tổ chức họp báo mời cảnh sát Pháp, đại diện ngoại giao các nước, truyền thông quốc tế đến để nói về hành vi khủng bố, bắt cóc người của cơ quan an ninh Việt Nam xảy ra tạị Pháp.

Phía Việt Nam lúc ấy đã phải cầu cạnh Trung Quốc xoa dịu anh ta và đồng ý trao trả bà Thoa lại cho người của lãnh sự Trung Quốc, để họ bàn giao lại cho anh ta.

Với diễn biến trước đó như thế, câu trả lời không biết của Triệu Khắc Chính là không thể nào khác được. Ông ta muốn nhắc phía Việt Nam, nếu khơi lại chuyện này thì sẽ không chừng chuyện bên Pháp cũng bị khơi lại. Tóm lại ông ta không muốn dây vào việc mà bộ công an Việt Nam đã làm đầy tai tiếng do sự bất cẩn trước kia.

Điều ấy có nghĩa, không có con đường chính thức nào để làm cơ sở đưa 6 người an ninh Việt Nam kia về nước, nó cũng có nghĩa việc đưa bà Thoa về từ Trung Quốc là điều không thể thống nhất trong hội nghị hợp tác giữa hai bộ công an an hai nước lần này.

Lúc chưa xảy ra vụ rải đinh, ép xe bắt bà Thoa. Tôi đã viết trên facebook của mình, bài hát số 33 có tên Người Về của Phạm Duy hay tắt đi, vì có thể làm hàng xóm phiền.

Sau khi bà Thoa được trao trả lại, tôi viết một stt nữa ý nói hãy để những người xa nhà trở về ăn Tết, không thành được đâu, đêm hôm giá lạnh của tháng 12 xứ trời âu, nhìn họ nhấp nhổm ngồi trong xe ô tô ngoài đường tội lắm.

Nếu không cay món nợ với Thích Minh Hiền, có lẽ chẳng bao giờ tôi viết ra câu chuyện này, có rất nhiều tình tiết tôi còn chưa nói hết, những tấm hình chẳng hạn như lúc trao trả bà Thoa và nhiều tấm hình, clip khác tôi chưa thấy cần thiết phải đưa ra.

Người ép tôi viết ra câu chuyện này, không ai khác, chính là trụ trì chùa Hương, đại đức Thích Minh Hiền, kẻ chơi hàng hiệu toàn loại phiên bản giới hạn,  độ ăn chơi của Hiền nếu xếp hạng trong các sư sãi Việt Nam phải đứng tốp đầu, câu nhất Quyết, nhì Nghiêm, tam Hiền, tứ Nhã là chỉ xếp hạng về thế lực trong giáo hội Phật Giáo. Còn về độ ăn chơi, xa xỉ và mất phẩm chất Thích Minh Hiền phải đứng đầu.


Điệp vụ HV20-phần 6.

....................

6 chiến sĩ an ninh Việt Nam trong điệp vụ VH20 chỉ tiếp xúc với những người như dân thường, họ không hề bị canh giữ, họ theo sự chỉ dẫn của phiên dịch là người Trung Quốc nói tiếng Việt lơ lớ. Người phiên dịch bảo họ đi đến đâu, ở đâu họ chỉ biết vậy nghe theo.

Họ được ở khách sạn cao cấp gần biển, hàng ngày được ăn những bữa ăn khá sang trọng, có bác sĩ đến khám ngay khi họ cần.

Nhưng họ không dám liên lạc về nhà, đó là điều đương nhiên, vì họ không biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào. Thậm chí dù được tự do đi lại, họ cũng không bao giờ đi quá xa khỏi khách sạn, họ hạn chế đến những nơi tàu xe.

Không ai xét hỏi công việc cũng như nhân thân của họ. Ngày lại ngày cứ thế trôi đi, thoắt cái đã qua một tháng. Một tháng đối với những người không biết số phận của mình sẽ thế nào, ở nơi đất khách quê người, nhất là trong dịp Tết. Thực sự nó là nỗi khắc khoải, nhớ nhung và lo lắng.

Cả 6 người nhập cảnh vào Trung Quốc bằng cách xin visa ở sân bay TQ, tức họ tự nguyện đến TQ bằng những tấm hộ chiếu Việt Nam không mang tên thật, ngày tháng năm sinh thật.

Ngày 19 tháng 2,  ngày mà bộ trưởng công an TQ sang thăm Việt Nam một ngày. 6 chiến sĩ an ninh ở điệp vụ VH20 tên thật là.

Phan Đỗ Lợi

Trần Linh Phan

Lê Thành Vinh

Dương Văn Nam

Bùi Văn Tố

Lê Hải Anh

Họ đang ngồi ăn cơm thì có người phiên dịch đến hỏi.

- Trong số các anh, ai ở ngõ Phất Lộc ?

Trần Linh Phan giơ tay trả lời, tôi có vợ ở ngõ Phất Lộc.

Người phiên dịch nói.

- Anh thu xếp để về nhà chăm vợ sắp sinh, anh Bùi Thanh Hiếu ở ngõ Phất Lộc , hàng xóm với vợ anh, có lời mong chúng tôi đưa anh về.

Lúc này những người nói chuyện với Phan chỉ biết tên anh ta là Ngô Tiến Dũng. 

Trần Linh Phan bàng hoàng không biết mừng hay sợ, làm sao có một gã nào đó hàng xóm với vợ mình lại biết mình ở đây và can thiệp cho về. Trên đường từ đảo về đất liền, anh ta lo lắng mình có thể bị thủ tiêu. Nhưng đến đất liền chỉ có một đôi trai gái đi cùng tiếp với anh ta, tuy nhiên anh ta vẫn lo lắng. Tối đến, họ cùng hai nhân viên sứ quán Việt Nam chiêu đãi anh trong một nhà hàng sang trọng, họ đăng ký ban nhạc hát cho họ nghe một bài. Khi lời bài hát cất lên, người phiên dịch nâng cốc rượu nói.

- Chai rượu này anh Hiếu mời. Mai anh sẽ về lại Việt Nam.

Trưa hôm đó người của lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Kinh nhận tin đến Quảng Châu đón người nước mình về, khi cán bộ sứ quán Việt Nam tiếp xúc với Phan, anh ta không tin đó là người của cán bộ sứ quán Việt Nam. Đến khi người cán bộ sứ quán cho xem giấy tờ và các hình ảnh có mình ở Việt Nam hay ở sứ quán Việt Nam, lúc đấy Trần Linh Phan mới cảm thấy tin rằng có lẽ mình được về thật.

Sáng hôm sau, Trần Linh Phan được gọi điện về cho vợ, báo tin mai mình được về. Vợ anh ta oà khóc, sụp người không tin đó là sự thật,  cô chắp tay lạy vái bốn phương trời.

cuakhauhuunghiquan

Hữu Nghị Quan - Ảnh minh họa

Ngày 20 tháng 2, khi cơ quan an ninh Việt Nam đổ lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan đón người, có cả xe cứu thương đi cùng. Từ cửa khẩu Chi Ma vắng tanh, hai nhân viên sứ quán Việt Nam tiễn Phan qua khỏi cửa khẩu phía Trung Quốc rồi họ trở về Bắc Kinh, một mình Phan đi qua cây cầu sang cửa khẩu Việt Nam. Anh chính thức đặt chân về đất mẹ sau một chuỗi tháng ngày phiêu lưu có lẽ ấn tượng nhất trong sự nghiệp phụng sự tổ quốc Việt Nam của anh ta. Tin từ cửa khẩu Chi Ma bay về cửa khẩu Hữu Nghị, các đồng chí của anh ta lập tức di chuyển để đón gấp anh ta để đưa vào khu cách ly đặc biệt.

Việc một mình Trần Linh Phan vì sao được trở về là câu hỏi lớn, cùng với những gì đã diễn ra với Phan và 5 đồng chí của mình những ngày qua ở Trung Quốc. Phía Việt Nam cố gắng tìm bằng chứng cơ quan nào đó của Trung Quốc bắt giữ người của họ, để làm căn cứ yêu cầu chính phủ Trung Quốc có động thái trả người.

Thế nhưng một kịch bản hoàn hảo ngay từ khi 6 người an ninh Việt Nam rời khỏi Paris, họ đều tự nguyện đến Trung Quốc, và hôm nay một mình Phan tự đi về. Không có ai bắt giữ, đánh đập hay đe doạ gì họ. Chỉ có người phiên dịch nói họ ở khách sạn nào thì họ ở khách sạn đấy. Lúc về chỉ có đôi trai gái dẫn đường, chỉ lối giúp đường về nhà mà thôi.

Tức 6 người ấy lúc đầu họ lên một chiếc máy bay mà hành trình của nó là về Việt Nam, nhưng vì lý do kỹ thuật nào đó, chiếc máy bay hạ cánh xuống Quảng Châu và không đi nữa. 6 người ấy nhập cảnh vào Trung Quốc, họ được người ta hướng dẫn đến ở khách sạn để chờ chuyến bay khác về.

Không có bóng dáng công an, quân đội Trung Quốc nào cả. Không bị giam giữ gì cả. Họ được ở khách sạn cao cấp có tầm nhìn rất đẹp ra bờ biển, hàng ngày được phục vụ ăn uống như khách Vip.

Tại sao một mình Trần Linh Phan về, còn 5 người kia thì không về. Có ý đồ gì ở đây ? Những chuyên gia chiến lược của bộ công an phân tích những nguyên nhân vĩ mô và tất cả mọi ngóc ngách. Để làm rõ hơn chỉ có đầu mối duy nhất là tường trình hay nói cách khác là lời khai của Trần Linh Phan.

Khi máy bay hạ cánh, tốp an ninh sân bay ngỡ ngàng thấy khung cảnh là sân bay ở Trung Quốc chứ không phải Tân Sơn Nhất như lộ trình họ được thông báo.

Chiếc máy bay không phải của hàng không Việt Nam, đó là máy bay của hãng nước ngoài chỉ chở duy nhất tốp bà Thoa và các chiến sĩ an ninh Việt Nam.

Như đã nói ở bài trước, trong cơn thịnh nộ của nhà tài phiệt vì mâu thuẫn nội bộ vì tốp bà Thoa đã chạy vào cơ sở của một lãnh sự nước ngoài tại Paris, có thể họ dự định sẽ làm đơn tị nạn. Phía an ninh Việt Nam đã đổ lửa thêm dầu, khích động cơn giận của nhà tài phiệt nên đến đỉnh điểm. Một cuộc mặc cả ngầm giữa nhà tài phiệt với phía Việt Nam là tìm cách lừa đưa cả tốp bà Thoa về Việt Nam.

Lúc đầu thì nhà tài phiệt không biết nhiều về bà Thoa, nhưng do chuyến đi tình cờ vì một việc khác mà họ bị an ninh Việt Nam bắt cùng nhau, nhà tài phiệt cảm thấy thương xót cho người phụ nữ lớn tuổi một thân một mình bị một thế lực hùng hậu săn đuổi, dùng mọi biện pháp mạnh nhất để truy bắt, những điều ấy tận mắt anh ta chứng kiến và trải qua cùng bà.

Khi bà Thoa được thả về sau lần bắt cóc, nhà tài phiệt luôn để bà ở cùng mình trong căn hộ lớn tại Paris, căn hộ lớn đến mức nó chiếm trọn cả một con phố ngắn.

Phía an ninh Việt Nam gần như công khai lảng vảng bên ngoài, mỗi khi nhà tài phiệt và bà Thoa ra ngoài, họ theo bám và cản trở bằng những vụ va chạm giao thông. Việc này là một sai lầm lớn, nó đụng chạm vào sự tự ái của nhà tài phiệt, càng gây cho nhà tài phiệt tức giận mà quyết tâm bảo vệ bà Thoa nhiều hơn.

Bà Thoa trong những ngày tháng sống đầy sợ hãi ở Paris, bà có tâm sự với nhà tài phiệt, bà có một người em tên là Hiếu ở Berlin, bà muốn được sang sống với nó. Bà nói đứa em xã hội của bà là một tay giang hồ từng trải, ở đó bà sẽ được an toàn.

Điều bà Thoa nói vô tình càng làm cho nhà tài phiệt tự ái hơn, chả lẽ anh ta không đủ sức để bảo vệ bà an toàn, chả lẽ một người có thể khuynh đảo một góc trời như anh ta lại không giang tay bảo vệ một người phụ nữ già yếu đuối, đến nỗi họ phải chạy đi tìm nơi khác.

Trở lại với lúc trước cửa cơ sở của một cơ quan ngoại giao nước ngoài, nhà tài phiệt đã thuyết phục tốp bà Thoa nếu không tin anh ta có thể bảo vệ được họ, hãy để anh ta tận tay đưa tốp bà Thoa sang Đức đưa giao tận tay cho em bà nhận. Nhóm bà Thoa tin lời anh ta đã ra ngoài, nào ngờ anh ta đã sắp sẵn hết, có lực lượng an ninh Việt Nam đón sẵn,  hộ chiếu Trung Quốc của  tốp bà Thoa nhanh chóng đóng dấu visa Việt Nam. Màn hình thông báo trên sân bay hiển thị chuyến bay từ Paris về Việt Nam đã hiển thị. Cơ quan ngoại giao và an ninh Việt Nam đang hỉ hả chia tay nhau với niềm phấn khởi không cần che dấu.

Ngược lại phía nhóm bà Thoa là nước mắt, bà Thoa nét mặt đượm buồn.

Tôi từng tìm hiểu về nhà tài phiệt, anh ta ngoài chuyện kinh doanh còn là một võ sĩ từng đấu thượng đài. Anh ta một mình sẵn sàng đánh nhau với vài tên côn đồ trên đường phố mà không sử dụng bất kỳ sự trợ giúp nào, khi cảnh sát đến hốt cả bọn ẩu đả về bót. Anh ta nói riêng với cảnh sát về thân phận mình, và yêu cầu chỉ xử phạt cả hai bên vì tội ẩu đả nơi công cộng rồi cho cả hai bên bắt tay làm hoà rồi về. Anh ta bỏ thời gian , thuê huấn luyện, tập lái xe để tham gia đua công thức 1. Với những cá tính ngông cuồng như thế, nhưng anh ta lại đầy kiên nhẫn để sửa những chiếc đồng hồ mua vài trăm euro rồi bán lại lời năm ba chục euro. Đó là một con người quái đản chứa đầy tính cách trái ngược nhau. Một con người khó lường được anh ta sẽ làm gì, vì sao anh ta làm vậy.

Một con người thừa thời gian, thừa tiền bạc, thừa quan hệ cũng như ảnh hưởng. Anh ta trải qua hết mọi thứ cảm giác trong đời. Cái mà anh ta thiếu là những ngày tháng tới có gì để làm vui, có thử thách nào khó khăn và lạ lẫm để anh ta tìm cảm giác sống.

An ninh Việt Nam đã đem lại cho anh ta cảm giác ấy, cảm giác có đối thủ đang thi đấu với mình. Phía an ninh Việt Nam càng ra nhiều mưu kế, hành động để bắt bà Thoa, càng kích thích tính phiêu lưu của anh ta nhiều hơn, hăng hái hơn.

Các chiến sĩ an ninh Việt Nam tuổi trẻ , họ có sự kiêu hãnh của tuổi trẻ và nhiệm vụ và còn là tinh thần dân tộc. Đưa họ vào nhiệm vụ đối đầu với một nhà tài phiệt cũng đầy cá tính như vậy liệu có ổn không?

Các bạn đọc có hình dung rằng lỡ như có sự va chạm đụng xe, ẩu đả, bắt cóc giữa đường...xảy ra điều gì đến tính mạng anh ta thì sẽ ra sao? Sẽ thoả thuận bồi thường bằng tiền chăng ?

Người ta sẽ quy kết đó là một vụ ám sát cố tình, có kế hoạch.

Mạng của một thái tử thiên triều bị ám sát  không thể đồi bằng tiền, nhất là sự ám sát ấy đã có căn cứ là một kế hoạch qua, bằng chứng bủa vây nhà, đụng xe gây tai nạn vài lần của cơ quan an ninh Việt Nam trên đất Pháp.

Khi ấy sẽ có nhiều người Việt ở nước ngoài, đặc biệt những người có liên quan đến nhà nước Việt Nam được tìm thấy ở bên sông, ngoài bãi rác, trong khu rừng. Có hỏi vì sao họ ở đó, họ cũng không trả lời được. Chưa kể sau đó biên giới và hải đảo sẽ còn có chuyện gì. Hôm qua Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt tay thoả thuận nếu một số khu vực xung quanh Trung Quốc xảy ra chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.

May mắn thay, nhà tài phiệt đã chấm dứt cuộc chơi ấy bằng một kịch bản anh ta tự viết và tự đóng vai chính. Khi chiếc máy bay hạ xuống sân bay Santou, cuộc rượt đuổi đầy nguy cơ gây nên những hậu quả khôn lường đã tạm thời khép lại.

Trần Linh Phan khai đúng những gì anh ta trải qua, xuống đến sân bay xin visa nhập cảnh vào TQ, vì không nhập cảnh thì biết đi đâu, không liên hệ được với cấp trên để xin chỉ đạo. Mỗi người được phân đi một phòng cách ly, sau đó được đưa về khách sạn ở Hải Nam thì gặp lại đồng đội ở đó. Còn tốp bà Thoa đi đâu không rõ. 

Ăn uống, đối xử, ở chỗ nào thì đúng như những gì người ta đã đưa trên mạng, cho đến ngày có người đến hỏi và đưa về như bài trước...

Lời khai của Phan đẩy mọi thứ vào thế khó xử, lẽ nào anh ta được về chỉ vì một lý do hoang đường đến vậy.

Phía Việt Nam không nghĩ rằng,  5 người còn lại ngày về đang xa thăm thẳm. Bởi những người kia họ nại lý do rằng, nhóm 5 người này đã từng có động cơ mưu sát họ ở Pháp. Nếu họ về hết, phía Việt Nam sẽ lại tổ chức một cuộc mưu sát khác khi chúng tôi đi làm ăn ở nước khác thì sao. Ai đảm bảo cho tính mạng chúng tôi khi đi làm ăn ở nước ngoài mà quyết định can thiệp thả những người đó về. Phía Việt Nam đâu đã có thể hiện gì rằng họ sẽ không tái diễn việc đó, trái lại các tin tức cho thấy họ còn đang nung nấu thực thi bằng được toan tính của họ.

Vì sao việc này liên quan đến Thích Minh Hiền ? 

 Đơn giản là vì ông ta là người chi phối cảm xúc của tôi bây giờ, chính ông ta là động lực để tôi viết loạt bài này. 

Việc lời khai của Trần Linh Phan được về do người ta  nói rằng tôi can thiệp là chính xác, còn tôi thực sự có can thiệp được hay không thì chuyện ấy khó mà tin được. Có lẽ ai đó đã muốn lôi tôi ra nhét vào vụ việc này nên đã nói với Trần Linh Phan vậy.

Nếu tôi mà có khả năng và ảnh hưởng như thế, tôi đã không phải khổ sở để đòi Thích Minh Hiền trả nợ rồi. Không phải cứ mỗi lần viết điêp vụ VH20 lại lôi Thích Minh Hiền vào để gỡ gạc chút sức ép cho việc đòi nợ.

Đúng thế không các bạn ?


Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Nguyễn Cao Trí chủ tịch Bến Thành....

 fb Thanh Hiếu Bùi 30/6/2023

Nguyễn Cao Trí chủ tịch Bến Thành mua biệt thự ở Sài Gòn cho con trai phó tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Minh để nhờ thâu tóm dự án 30 nghìn tỷ của Đà Lạt. 

Minh ra quyết định thu hồi dự án của người khác , họ sợ bán cho Trí. Trí mua xong, Minh theo lệnh Trương Hoà Bình bãi bỏ quyết định thu hồi.

Trương Hoà Bình về hưu, công an lôi con của Trần Văn Minh ra hỏi  nguồn gốc biệt thự, đồng thời chính phủ thanh tra việc thu hồi rồi lại bãi bỏ dự án của thanh tra chính phủ ( do Trương Hoà Bình chỉ đạo, Trần Văn Minh thực hiện)

Nguyễn Cao Trí bị bắt, tập đoàn và ngân hàng Trí tham gia lãnh đọ họp bất thường công bố loại Trí vì không còn tư cách.

Minh nghe tin báo từ Trương Hoà Bình sẽ bị bắt vài hôm nữa, Minh hiểu cách duy nhất là đi gặp bác Hồ.

 Công an bắt vụ Trương Mỹ Lan, phát hiện số tiền hơn mười nghìn tỷ Lan chuyển cho Trí để làm dự án Đà Lạt. Nhưng nhóm Trương Hoà Bình muốn Trí chối bay để nuốt êm số này.

Chính vì Trí chối bỏ không cầm tiền của Trương Mỹ Lan, mà công an lẽ ra chỉ dừng ở Lan, buộc phải đưa Trí vào tù với dự án Đà Lạt.

Trí cùng với Nguyễn Công Khế là đệ tử cứng của Trương Tấn Sang và Trương Hoà Bình.

Nay Trí bị bắt, các đại ca và chiến hữu vẫn nhởn nhơ tiệc tùng, đi lại đây đó như không hề có chuyện gì.

 Trong một diễn biến khác thì đại tá Nguyễn Tuấn Việt thuộc cục an ninh chính trị 1, người từng phát ngôn lên án nhóm Báo Sạch, Việt đã bị tước quân tịch cách đây 2 tuần và chờ ý kiến xử lý.

Việt đã tuồn tin cho một số chiến hữu là phóng viên, nhà báo và Kols mạng về một số vụ án đang điều tra. Đặc biệt có dấu hiệu Việt đưa tin cho đàn em, đàn em đưa tin cho Đường Văn Thái, đàn em Việt đã bị bắt sau Thái vài ngày đã khai ra tất cả.

Về chính trường sau khi bắt tay với nhóm Hà Tĩnh để thoát được vụ lấy phiếu tín nhiệm, thủ tướng Chính không còn bận tâm đến số phận của bà Hồ Thị Kim Thoa. Diễn biến các vụ án liên quan đến bà Thoa và những vụ việc tiêu cực xảy ra ở Quảng Ninh đã có vẻ chậm chạp lại.

Đổi giá này, thủ tướng đã bắt các bộ ngành giải cứu cho Novaland với những sai phạm do bộ tài nguyên môi trường thời bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tay cho Novaland, chẳng hạn như việc đất thuê xây biệt thự, nay thay đổi pháp lý để Novaland dễ bán vì chẳng ai chịu mua biệt thự trên đất thuê có thời hạn.

Phe Hà Tĩnh đang vận động để Trần Hồng Hà vào bộ chính trị và giữ chức phó thủ tướng thường trực.

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Gia tộc hào quang xứ Quảng lâm nguy

 fb Thanh Hiếu Bùi


Gia tộc hào quang xứ Quảng lâm nguy.

Trước yêu cầu của ông Phan Đình Trạc đề nghị kết luận sớm các vụ trọng án, Bộ Công An đã xin hoãn kết luận vụ Việt Á và Chuyến Bay Giải cứu sang quý 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ sinh năm 1967 ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội bị bắt vì tội liên quan đến đại án Việt Á và đấu thầu giấy khi còn làm ở Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Thuỷ với ông Phúc là anh em con chú, con bác.

Với tội danh lợi dụng ảnh hưởng với người có quyền hạn, chức vụ để trục lợi. Sau khi bà bị bắt được vài tuần, ông Nguyễn Xuân Phúc đệ đơn từ chức và tuyên bố  uỷ ban kiểm tra trung ương đã xác định vợ con ông không dính đến Việt Á như lời đồn.

Tuyên bố của ông Phúc ngay lập tức bị chỉ đạo tháo gỡ khỏi mọi tờ báo.

Người mà bà Thuỷ lợi dụng chức vụ của họ để trục lợi là ai?

Đương nhiên là ông Phúc.

Nếu người ta đổ tiền cho bà Thuỷ và đạt được yêu cầu một cách không minh bạch, rõ ràng ông Phúc có liên quan. Bởi liên quan ông mới tác động cho những kẻ đổ tiền cho bà Thuỷ đạt được mục đích.

Ông Phúc sẽ vô can, nếu như những kẻ đổ tiền cho bà Thuỷ vì nghĩ bà là em họ ông, sẽ tác động được. Nhưng chúng không đạt được mục đích gì, như vậy chuyện nào đi chuyện đấy, chỉ có mình bà Thuỷ phải chịu.

Câu chuyện này C03 đã làm rõ, bà Thuỷ nhận tiền và nộp cho bà Thu vợ ông Phúc. Bà Thu gọi điện cho các quan chức bộ ngành nói hỗ trợ giúp đỡ cho những kẻ đã đổ tiền qua bà Thuỷ kia.

Bà Thu hiện đã bị giam lỏng và cấm xuất cảnh, thường xuyên phải làm việc với C03. Bà chỉ được phép gặp chồng dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Lẽ ra đúng luật, bà phải bị bắt giữ với tội danh như bà Thuỷ, vì chính bà mới là người chủ mưu điều khiển bà Thuỷ nhận tiền và lợi dụng ảnh hưởng của chồng sai khiến các quan chức hỗ trợ cho Việt Á.

Phu nhân của nguyên chủ tịch nước, nguyên thủ tướng nhận hối lộ trong thời kỳ chồng minh đương chức, gây hậu quả lớn cho đất nước và nhân dân. Xử lý thế nào để nghiêm minh pháp luật, nêu cao tinh thần chống giặc nội xâm mà vẫn không làm sứt mẻ tình đồng chí trong đảng ?

Quá khó cho những người đang lãnh đạo đảng, nhà nước để cân nhắc làm đúng luật, thực hiện bắt giữ bà Thu. Đây là điểm mấu chốt khiến cho cơ quan công an chần chừ không kết thúc được vụ án này.

Gia tộc anh em ông Phúc, anh em bà Thu, thông gia với nhà ông bà đã thu lợi khổng lồ trong nhiều năm qua. Ước tính nhẹ tổng tài sản của những người này phải đến chục nghìn tỷ.

Làm sao thu được số tiền này về cho đảng, nhà nước cũng là một vấn đề khiến tiến độ vụ án phải rời sang quý 3.

Hiện nay cơ quan chức năng đang thu thập những tài sản của con rể ông Phúc là Vũ Chí Hùng, tổng cục phó tổng cục thuế. Hùng đã thừa nhận về số cổ phần trong ngân hàng, số lượng cổ phiếu nhiều nơi, các bất động sản cũng như cổ phần một số dự án bất động sản...tuy nhiên còn chưa đủ.

Trong vụ việc thâu tóm ngân hàng Sacombank, ông Phúc đã nhận 1000 tỷ của Minh Himlam để loại trừ các đối thủ có ý định mua ngân hàng này. Chắc chắn sau hội nghị trung ương 7, cơ quan chức năng buộc phải làm việc mới Minh Xoài và ông Phúc theo dạng lấy lời khai nghi phạm trong vụ án hối lộ và nhận hối lộ. 

Minh Xoài Himlam chủ ngân hàng Liên Việt, không lần nào bị thanh tra, Minh Xoài rời khỏi Liên Việt trước khi làm ông chủ Sacombank có một tuần. Ở Liên Việt Minh Xoài lập kỳ tích 8 năm không bị thanh tra, sang đến Sacombank lại lập kỳ tích nữa là 7 năm không chia lợi tức cho cổ đông và hứa năm thứ 8 sẽ xem xét.

Kết thúc của hào quang xứ Quảng có thể sẽ bi đát, chỉ có gian thần lão luyện Nguyễn Công Khế duy nhất bình yên với khối tài sản khổng lồ mà hắn kiếm chác được trong một thời gian người đồng hương Nguyễn Xuân Phúc làm uỷ viên BCT. Khế không phải tháo chạy, bán tài sản như những người thân của ông Phúc như bây giờ.

Hiện nay gia tộc hào quang xứ Quảng đang bán tẩu tán tài sản, chứng khoán, cổ phần, bất động sản, dự án thuỷ điện, công ty các ngành ...do họ sở hữu.

Anh em đầu tư có tiền ở Sacombak thì nên cân nhắc chuyển sang mua tài sản của gia tộc hào quang xứ Quảng bây giờ là hợp lý.