Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Lưu trữ Anh : Quân đội Trung Quốc thảm sát 10.000 người trong vụ Thiên An Môn

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171223-luu-tru-anh-quan-doi-trung-quoc-tham-sat-10000-nguoi-trong-vu-thien-an-mon


Gần 30 năm sau vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn tháng 6/1989, công chúng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi : Có bao nhiêu người là nạn nhân của quân đội Trung Quốc? Một thông tin vừa được cơ quan Lưu Trữ Quốc Gia Anh tiết lộ cho biết khoảng 10.000 thường dân thiệt mạng trong biến cố kinh hoàng này.
AFP hôm nay, 23/12/2017, thông báo đã tiếp cận được bức điện mật gửi về nước của đại sứ Anh tại Bắc Kinh vào thời điểm đó, trong đó ông khẳng định « ước tính tối thiểu có 10.000 nạn nhân ». Con số nói trên cao gấp nhiều lần các ước tính được đưa ra năm 1989.
Chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin, chỉ đưa ra con số khoảng 200 người chết về phía dân thường, và « vài chục » về phía quân đội. Con số mới được công bố cũng cao hơn nhiều so với số liệu mà Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc và các ủy hội sinh viên hồi đó cung cấp (2.700 người chết).
Báo cáo của đại sứ Anh Alan Donald – dựa trên thông tin từ một nguồn ẩn danh làm việc trong chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó - thuật lại cái đêm khủng khiếp từ ngày mùng 3 qua ngày 4/6, khi quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn mênh mông, trung tâm quyền lực của chế độ cộng sản, bị những người biểu tình chiếm giữ suốt bảy tuần lễ.
Theo đại sứ Anh, các sinh viên đã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công tàn khốc. Khi quân đội đến quảng trường Thiên An Môn, họ « đã tin là có một giờ để sơ tán, thế nhưng chỉ 5 phút sau đó, quân đội đã nổ súng ».
« Xe thiết giáp của Quân đoàn 27 xả súng vào đám đông », những người còn sống sót bị binh sĩ hạ sát ở cự ly gần. Điện thư của đại sứ Anh kể rõ xe thiết giáp « đã cán đi, cán lại nhiều lần » khiến các thi thể bị « nghiền nát hoàn toàn ».
Điện mật của đại sứ Anh cho biết lực lượng tấn công sinh viên của Quân đoàn 27 bao gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Sơn Tây (Shanxi), trong số họ « 60% mù chữ ».
AFP khẳng đinh nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan cũng cho rằng số lượng thường dân thiệt mạng nói trên là « đáng tin cậy », khi so sánh với các tài liệu giải mật những năm gần đây của Hoa Kỳ.
Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm chế độ cộng sản vào lúc đó « đã mất kiểm soát Bắc Kinh ». Lực lượng phản kháng đã lập nhiều chốt chặn trên khắp thành phố. « Người dân Bắc Kinh đã kháng cự và chắc chắn đã xảy ra nhiều trận đánh hơn là mọi người vẫn nghĩ ».
Về tình hình chung, theo đại sứ Anh, cuộc đàn áp tàn khốc gây căng thẳng cao độ trong nội bộ quân đội Trung Quốc. Tư lệnh vùng Bắc Kinh lúc đó đã từ chối cấp thực phẩm và nơi ở cho các đơn vị đàn áp sinh viên. Một số thành viên chính phủ Trung Quốc còn dự đoán « nội chiến có thể bùng phát ».

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Bàn sơ lược về vụ việc Bắc Kinh cấm vận kim loại quý hiếm đối với Nhật

http://danlambaovn.blogspot.com/2017/10/ban-so-luoc-ve-vu-viec-bac-kinh-cam-van.html


I. Sơ lược diễn biến
Sau khi có những đụng chạm giữa lực lượng tuần tiểu tại vùng biển Điếu Ngư vào tháng Chín năm 2010 với Nhật, Trung Cộng bực tức và ra lệnh cấm vận xuất khẩu kim loại quý hiếm sang xứ sở này.
Hành động của Trung Cộng không những làm cho Nhật hoảng sợ mà còn khiến Hoa Kỳ lo lắng. Thông qua lệnh cấm này, Bắc Kinh muốn cả Tokyo lẫn Hoa Thịnh Đốn cần phải có thái độ chiều chuộng và mềm dẻo hơn đối với những yêu cầu bành trướng lãnh hải của mình.
Cũng xin đề cập thêm là chính phủ Obama đã phải lật đật kiện Trung Cộng ra tòa án Tự Do Mậu Dịch WTO vào năm 2012 (1) để hóa giải lệnh cấm này dùm cho Nhật. Tòa án WTO đã phán quyết Trung Cộng làm sai các nguyên tắc căn bản của WTO; tòa buộc Bắc Kinh phải bãi bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm vận xuất khẩu kim loại quý hiếm. Giới truyền thông nước Mỹ cũng buộc phải lên tiếng khẳng định hành động này của Bắc Kinh đe dọa trực tiếp đến nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong chương trình "60 min" của CBS được đăng trên youtube và nhiều trang mạng với tựa đề là "Modern Devices under China's Grip", tạm dịch ý là "Trung Cộng khống chế đời sống hiện đại."
Và rồi sau đó, nhiều nỗ lực ngoại giao mềm dẻo từ chính quyền Obama cùng với chính phủ Nhật để làm chìm xuồng lời hăm dọa này của Bắc Kinh, nhưng vô hình chung, Trung Cộng đã vén lên một màn bí mật đen về những nguyên nhân sâu xa hơn cho những xung đột chính biến không thể tránh khỏi sắp tới đây tại biển Đông, tại Trung Hoa và cũng như tại Việt Nam.
II. Khái quát ảnh hưởng của kim loại quý hiếm lên kinh tế - xã hội Mỹ - Nhật
Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn ảnh hưởng của các kim loại quý hiếm đối với nền kinh tế hiện đại, nhất là kinh tế của Hoa Kỳ và Nhật Bản thì mới thấy rõ tại sao hai quốc gia này sẽ tìm đủ cách hiện diện quân sự cũng như gia tăng ảnh hưởng chính trị lên Việt Nam để đối trọng với Bắc Kinh trước mắt.
A. Vai trò của pin lithium từ Cobalt đối với nền kinh tế Mỹ Nhật:
Trước hết, không có một thiết bị điện tử dân dụng nào ngày nay từ các hãng như Apple, Sampsung, HP, Tooshiba, vân vân, mà không cần dùng pin lithium. Hàng tỷ đô-la doanh thu mỗi năm từ I-phone, I-pad, laptop, vân vân, được duy trì nhờ sự cung cấp đều đặn pin lithium từ Trung Cộng và Á châu - nếu không, các hãng như Apple hay Samsung sẽ bị đóng cửa ngay lập tức không cách cứu vãn. Không những vậy, hàng loạt các xe hơi hiện đại ngày nay đều cần phải có pin lithium, nên nếu vì lý do gì mà lượng cung cấp bị gián đoạn là lập tức các hãng xe hơi gần như bị tổn thất nặng và tê liệt. Ước tính pin cho cellphone cần khoảng gần 10 g quặng Cobalt để tinh chế, pin cho một laptop cần khoảng 31 g quặng Cobalt và một chiếc xe hơi thì đương nhiên cần gần 90kg quặng Cobalt để tinh chế pin lithium.(2)
Mặc dù 60 % quặng Cobalt được khai thác từ Congo nhưng tất cả đều được chở về Trung Cộng để tinh chế chất lithium dạng ion để rồi giao cho các nhà sản xuất pin lithium như đại công ty LC Chem, Samsung SDI, hay ATL chẳng hạn.
Ngoài xăng dầu ra, đối với nền kinh tế của hai quốc gia Nhật - Mỹ mà không có cellphone hay xe hơi để cung ứng cho nhu cầu thì nền kinh tế của hai xứ sở này hoàn toàn coi như bị tê liệt khủng hoảng. Hãng Apple, Samsung, Toshiba, Toyota, Honda, vân vân, mà bị đình trệ sản xuất tê liệt vì không có pin lithium thì thị trường tài chánh của toàn thế giới bị đóng cửa vì sút giảm không thắng.
Quá trình sản xuất pin lithium cần rất nhiều kim loại quý hiếm làm chất xúc tác, cho nên lệnh cấm hay hạn chế mua bán kim loại hiếm của Bắc Kinh vào cuối năm 2010 do bực bội vụ đụng chạm lãnh hải ở Điếu Ngư giới khiến chiến lược gia hai quốc gia Mỹ - Nhật hiểu rõ Bắc Kinh muốn ám chỉ đến những thiệt hại gì thông qua lệnh cấm này nếu không chiều chuộng quan điểm bành trướng lãnh hải Bắc Kinh. Giới chiến lược tại Mỹ và Nhật cần giải pháp chứ không thể nào chờ nước đến chân mới nhảy được. Để Apple và nhiều hãng lớn khác bị tê liệt đồng loạt vì không có lithium làm pin là một điều không thể chấp nhận được với Hoa Kỳ.
B. Vai trò của dysprosium và neodymium:
Trung Cộng được cho là sản xuất 99% dysprosium(Dy) và 95% neodymium (Nd) cho thế giới hiện nay dù rằng nhiều quốc gia khác có trữ lượng cao hơn Trung Quốc (3).
Nguyên tố Dy rất cần cho các thiết bị laser, các thiết bị hạch tâm và thậm chí, cho động cơ xe điện ngày nay. Ước tính một chiếc xe hơi điện ngày nay cần khoảng 1,3 kg Dy. Không được cung cấp các nguyên tố này, các hãng xe lớn trên thế giới phải đóng cửa các hệ thống sản xuất xe điện của mình ngay lập tức dẫn đến khủng hoảng tài chánh kinh tế thất nghiệp theo kiểu dây chuyền đem đến thiệt hại bất ổn rất lớn cho nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ & Nhật.
Nguyên tố Nd giúp các hợp kim có từ trường rất mạnh dùng nhiều trong các thiết bị như động cơ điện, dùng trong sản xuất các ổ nhớ (hard disk) cho computer hoặc cho các server lớn và các máy phát điện chạy bằng gió, vân vân.
Toàn thể thế giới ngày nay đều cần computer và server, cho nên như cầu về ổ nhớ hard disk là vô cùng lớn, không thua gì pin lithium. Data dữ kiện tài liêu hình ảnh hồ sơ ngày cứ nhiều thêm cần phải có hard disk để thâu lại gìn giữ. Chỉ tính mỗi công ty Western Digital không thôi chuyên sản xuất kinh doanh các ổ nhớ đủ mọi loại mỗi năm doanh thu lên đến trên 34 tỷ Mỹ kim hoặc có khi lên đến 40 tỷ trong khi hãng này chỉ chiếm 42% thị trường thế giới thì cũng đủ biết thị trường và nhu cầu về các ổ nhớ lớn rộng và quan trọng đến mức nào cho đời sống và nền kinh tế hiện đại toàn cầu cũng như cho nền kinh tế của Mỹ và Nhật.
Do đó, nếu Trung Cộng hiện nay sản xuất 95 % lượng Nd và Dy cho nền công nghiệp hiện đại của Mỹ Nhật mà Trung Cộng lại đi cấm vận thì các hãng xe hơi, các hãng điện tử lớn của Mỹ Nhật đương nhiên bị tê liệt dẫn đến thiệt hại khó mà lường nổi. Các hãng lớn này buộc phải kêu gọi chính phủ can thiệp hoặc có chính sách dự phòng lâu dài để phòng trừ đại khủng hoảng. Nước Mỹ không ngừng cần các ổ nhớ lớn nhỏ ở mọi ngành nghề, ở mọi công ty, ở mọi ban ngành chính phủ - và sự thiếu hụt ổ nhớ trên thị trường sẽ khiến cả xã hội có thể bị đình trệ nếu các bộ nhớ đã đầy không có ổ mới thêm vào.
III. Năm ý nghĩa quan trọng của vụ Bắc Kinh cấm vận xuất khẩu kim loại quý hiếm đối với Nhật
Nhật đương nhiên là cuống cuồng trước lệnh cấm vận xuất khẩu kim loại quý hiếm của Trung Cộng nên buộc lòng phải vội vàng thấu cáy Bắc Kinh bằng cách tuyên bố sẽ mua kim loại quý hiếm từ Việt Nam. 
Lời tuyên bố của Nhật không những không làm cho Bắc Kinh lo sợ mà càng thêm bực tức. Đơn giản là mức sản xuất kim loại quý hiếm của Việt Nam làm sao nhất thời thỏa mãn nổi nhu cầu kim loại quý hiếm thiết yếu cho nền kinh tế hiện đại của Nhật. Hành động này của Nhật chỉ khiến Tập Cận Bình biết rõ mình đã đánh trúng yếu huyệt của Nhật và tiếp tục gia tăng lấn hiếp- gần như ra lệnh đóng băng mọi quan hệ tài chánh ngoại giao với Nhật buộc chính phủ Obama phải nhào vào xoa dịu tình hình trong khi chờ đợi tìm kế sách lâu dài.
Biết tình hình trước mắt kinh tế hai nước Mỹ- Nhật lệ thuộc hoàn toàn vào lượng kim loại hiếm do Trung Cộng sản xuất nên Tập Cận Bình không hề chùn bước trước mọi áp lực của Obama về biển đảo và lãnh hải tại biển Đông, thậm chí cũng không rút Hải quân ra khỏi vùng biển đảo Hoàng Nham của Phi dù đã có bất chấp phán quyết tòa án quốc tế PCA về biển đảo ở Hague đã phán quyết vùng biển Hoàng Nham này không thuộc chủ quyền của Trung Cộng vào tháng Bảy năm 2016. Trung Cộng coi thường công pháp quốc tế trắng trợn như vậy mà chính phủ Obama cũng không thể gián đòn trừng phạt ngay lập tức vì còn đang cần dĩ hòa vi quý để thuyết phục Bắc Kinh bãi bỏ hàng rào cản xuất khẩu kim loại quý hiếm qua thiết yếu cho nền kinh tế của Mỹ- Nhật.
Sự kiện này đem đến năm ý nghĩa quan trọng:
1. Ý nghĩa thứ nhất là khiến Việt Nam bị vạ lây không thể tránh khỏi trong thế tranh chấp kinh tế, địa dư lãnh hải giữa ba quốc gia Mỹ- Nhật và Trung Cộng.
2. Ý nghĩa thứ hai là cho thấy Bắc Kinh cương quyết tranh giành ảnh hưởng ttong vùng với Hoa Kỳ.
3. Ý nghĩa thứ ba là sự kiện này làm đổ vỡ hoàn toàn chính sách "biến Trung Cộng thành một cường quốc có trách nhiệm" kéo dài trên ba thập niên từ thời Tổng thống Bush Cha đến thời Tổng thống Obama.
4. Ý nghĩa thứ tư là rõ ràng là nền kinh tế cả hai quốc gia Mỹ Nhật thật sự đang bị Trung Cộng chèn ép khống chế. Nếu xăng dầu là yếu huyệt của nền kinh tế Trung Cộng thì kim loại quý hiếm lại có thể làm nền kinh tế Nhật và Hoa Kỳ lâm vào trì trệ khủng hoảng.
5. Ý nghĩa thứ năm là hành động này của Trung Cộng làm mất mặt và tổn hại đến uy danh vài trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trước đồng minh và thế giới rất nặng nề. 
Bị Trung Cộng khống chế kinh tế vì nắm được yếu huyệt và ngang nhiên qua mặt coi thường công pháp quốc tế do chính Hoa Kỳ chủ xướng và ép buộc phải tôn trọng bấy lâu một cách bất khả kháng, Hoa Thịnh Đốn buộc phải ngồi nhìn các nước đồng minh và các nước khác có nhiều hành động ngoại giao thỏa mãn phần nào hay toàn bộ những yêu sách của Trung Cộng từ kinh tế đến chính trị thay vì hoàn toàn tự tin vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ như trước kia.
Thái độ của tổng thống Phi nặng lời với tổng thống Obama cũng chỉ là một thí dụ điển hình. Nhật và Úc cũng bắt đầu tìm cách làm chiều lòng Bắc Kinh và thường xuyên chờ đợi kêu gọi Hoa Thịnh Đốn có đối sách mới rõ ràng hơn, hoặc là chia sẽ vị trí lãnh đạo với Trung Cộng trong vùng, hoặc là có thái độ cứng rắn trừng phạt Trung Cộng.
Cộng đồng Âu Châu cũng buộc phải mở rộng cửa hơn để hàng hóa Trung Cộng ồ ạt tràn vào thay vì hạn chế như đã từng hạn chế hàng hóa của Nhật vào thập niên 1980. Anh Quốc cũng bắt đầu cho các toa xe lửa hàng hóa từ Trung Cộng chạy vào. Lý do là vì các quốc gia có nền kinh tế hiện đại không quốc gia nào muốn Trung Cộng giới hạn mức xuất khẩu kim loại quý hiếm lên xứ sở của mình như vụ Nhật Bản cả.
VI. Sự tức giận của Hoa Thịnh Đốn với Bắc Kinh
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội và toàn thể quốc dân của Tổng thống Obama vào ngày 12 tháng Giêng năm 2016 có đoạn như sau (4), nguyên văn bằng Anh ngữ: "...and when it comes to every important international issues, people of the world do not look to Beijing or Moscow to lead — they call us"- nghĩa là: "... và khi phải đối phó với những vấn đề quan trọng toàn cầu thì cả thế giới không nhìn về Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa để đứng ra dàn xếp giải quyết- mà họ chờ đợi sự lãnh đạo của chính người Mỹ chúng ta."
Tổng thổng Mỹ nêu đích danh Bắc Kinh ra trước Quốc Hội và quốc dân mà khinh rẻ để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ thì rõ ràng mâu thuẫn ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng rất căng thẳng- căng thẳng đến nỗi Hoa Thịnh Đốn không dằn được cơn bực tức của mình.
Tuy nhiên, sự bực tức của triều Obama không làm Bắc kinh dừng bước. Ngày nào mà Hoa Kỳ chưa có hành động quyết liệt và cứng rắn đối với Bắc Kinh trên mọi mặt từ nhân quyền, tài chánh, quốc phòng đến kinh tế, thì ngày đó, Hoa Kỳ còn phải chấp nhận một sự thật phũ phàng là đồng minh của mình trong vùng Đông Nam Á tiếp tục chịu cảnh bị Bắc Kinh chèn ép mọi mặt từ lãnh hải đến kinh tế.
Hơn thế nữa, nếu Việt Cộng biết dùng tài lực để vận động hậu trường chính trị của Hoa Kỳ thông qua nhóm Odesta thì Trung Cộng cũng thừa sức dùng tài lực để khiến chính sách của Hoa Thịnh Đốn thiếu nhất quán trong việc đối phó hay trừng phạt Bắc Kinh.
Từ sự thiếu nhất quán trong việc trừng phạt Bắc Kinh về mậu dịch mà đảng Dân Chủ đã ít nhiều đánh mất niềm tin của giới kỹ nghệ và thợ thuyền Hoa Kỳ góp phần không nhỏ cho ứng cử viên tổng thống Donald Trump thắng cữ trở thành tổng thống.
VII. Kết
Vụ việc cấm vận kim loại quý cho thấy chính sách thúc đẩy Trung Cộng thành một cường quốc có trách nhiệm bấy lâu của Hoa Kỳ thật sự đã bị đổ vỡ hoàn toàn. Chưa biết đối sách của chính phủ Trump sẽ như thế nào nhưng giới chức trách Hoa Kỳ đều đồng ý một đều- đó là Trung Cộng sẽ chẳng bao giờ là một cường quốc có trách nhiệm. Bản chất của Cộng sản là dối trá và lừa gạt, bản chất đó không bao giờ mất đi đối với các chế độ Cộng Sản, kể cả Trung Cộng. Tương lai Trung Quốc có là một cường quốc có trách nhiệm hay không phải phụ thuộc vào cải cách thể chế chính trị tại xứ sở này.
10/10/2017

Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand gây lo ngại

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171012-dao-quan-thu-nam-cua-trung-quoc-o-uc-va-new-zealand-gay-lo-ngai

Một sự kiện tại New Zealand hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện (Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch New Zealand, nhân vật này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc của mình, cũng như quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung Quốc.

Những tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những thành phần được báo chí gọi là « đạo quân thứ năm », mà mục tiêu là uốn nắn chính sách của New Zealand đi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.
Thái độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính phủ New Zealand, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Zealand Canterbury thực hiện.
Dân biểu New Zealand mà hành xử như tay sai của Trung Quốc
Bản báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội New Zealand, trong đó có việc tung tiền tài trợ cho các đảng phái ở New Zealand.
Bản báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh hưởng của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại New Zealand, cũng như của các tổ chức cộng đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở New Zealand cho biết ông Dương Kiện, hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu Chiến Binh tại New Zealand, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đang sinh sống tại New Zealand. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của nhóm này nhân chuyến thăm New Zealand của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung Quốc…
Trần Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values ​​Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung Quốc hơn là một nhà lập pháp New Zealand.
New Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đã trở thành một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của New Zealand, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được ký năm 2008.
Ông Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung Quốc vào New Zealand có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã kêu gọi New Zealand cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang làm.
Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh
Nếu New Zealand mới bắt đầu quan ngại về « đạo quân thứ năm » của Trung Quốc trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của New Zealand đã được đánh động về mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.
Tháng 6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là người hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.
Một trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
« Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung Quốc »
Như vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến các khoản đầu tư vào kinh tế.
Một cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng này rập khuôn theo quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.
Ngoài giới chính khách và các đảng phái, Trung Quốc còn chú ý đến việc tấn công vào lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm chí huy động các du học sinh Trung Quốc rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.
Các cố gắng của Trung Quốc tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần vạch trần âm mưu của Trung Quốc.
Ngay cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây, trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc Kinh.
Nhìn chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn New Zealand rất hóc búa : đó là làm sao ngăn không cho Trung Quốc tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa.

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Vingroup 'đề nghị công an điều tra người bôi nhọ'

trò bẩn của đại gia dùng côn an để bịt miệng dân :

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41480433

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xác nhận với BBC rằng công ty đã gửi đơn cho công an về một số cá nhân "tung tin bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu Vinschool và các cán bộ lãnh đạo Vingroup".
"Nhân sự kiện Vinschool tăng phí do cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đẳng cấp của Vinschool, một số người đã lợi dụng tình hình đó để tung tin bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu Vinschool và các cán bộ lãnh đạo Vingroup.
"Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp và uy tín của mình, chúng tôi đã gửi đơn đến cơ quan bảo vệ pháp luật những trường hợp này. Việc này hoàn toàn không phải vì những người này phản đối việc Vinschool tăng học phí mà vì họ đã bôi nhọ, nói xấu Vinschool, thầy cô và các cán bộ lãnh đạo Vingroup."
Trong lá thư phản hồi với BBC, đại diện Vingroup không nói rõ những cá nhân này có phải là phụ huynh của trường hay không.
Trong nhiều ngày qua mạng xã hội Việt Nam nổi lên tin nói một số phụ huynh phản đối tăng học phí bị Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) của Công an TP Hà Nội mời lên làm việc.
Lá thư mời làm việc của PC50 đang lan truyền rộng rãi trên mạng
 
Lá thư mời làm việc của PC50 đang lan truyền rộng rãi trên mạng
Một bài đăng trên Facebook của nhà văn Đoàn Bảo Châu cho rằng có một số phụ huynh Vinschool "phản đối tăng học phí trên Facebook" đã bị PC-50 mời lên làm việc.
Trong khi đó tờ Infonet dẫn lời Đại tá Lê Hồng Sơn nói rằng không "Không có chuyện cơ quan công an mời phụ huynh có ý kiến phản đối việc tăng học phí của trường Vinschool lên làm việc".
Mà là "mời một số người đến để xác minh, điều tra, làm rõ hành vi nói xấu cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một lãnh đạo tập đoàn Vingroup."
"Cơ quan công an chỉ mời những người bị người khác lợi dụng để nói xấu cá nhân lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đến trụ sở làm việc. Phía trường Vinschool và các bên liên quan cũng đề nghị chúng tôi làm rõ sự việc này," tờ Infonet dẫn lời ông Sơn.
Tranh cãi tiếp tục
Trước đó, truyền thông trong nước và mạng xã hội đã đưa tin về việc nhiều phụ huynh phản đối Vinschool tăng học phí. Nhiều phụ huynh của trường cũng như dư luận quan tâm đã lên tiếng phản ứng khá gay gắt.
Trên Facebook thậm chí có một nhóm "Phụ huynh học sinh phản đối VINSCHOOL tăng học phí."
  Nhóm phụ huynh phản đối Vinschool tăng phí trên Facebook
Nhóm phụ huynh phản đối Vinschool tăng phí trên Facebook
Theo luật gia Nguyễn Đình Hà, việc các phụ huynh lên tiếng phản đối tăng học phí là vấn đề dân sự giữa khách hàng, tức phụ huynh và người cung cấp dịch vụ, Vinschool, là quan điểm cá nhân, tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo hộ.
"Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội tại sao lại gửi giấy mời, hẹn gặp một loạt phụ huynh của trường Vinschool lên làm việc 'để hỏi về việc có liên quan'?" Ông Hà đặt câu hỏi.
Còn về việc công an TP Hà Nội nói họ mời một số cá nhân lên làm việc vì "nói xấu cá nhân lãnh đạo Tập đoàn Vingroup," thì luật sư Lê Văn Luân bình luận:
"Lãnh đạo' một 'tập đoàn tư nhân' mà được bảo vệ đến mức nghiêm ngặt đến thế bởi lực lượng thực thi công vụ thì dân không biết trông chờ vào đâu để lên tiếng dù có bất bình trong giao dịch đời thường."
  Ảnh chụp màn hình của một bài viết được cho là từ một phu huỵnh
Ảnh chụp màn hình của một bài viết được cho là từ một phu huỵnh phản đối việc tăng học phí
Đến cuối ngày 3/10, Facebook của nhà văn Đoàn Bảo Châu lại đăng thư của "Nam Long", mà ông Châu nói rằng làm việc cho Vingroup.
Lá thư có đoạn nói về phản ứng của phụ huynh về tăng học phí.
"Vinschool đã rất nhẫn nại giải thích nhưng một số người không những cố tình không hiểu mà còn lợi dụng việc này để đưa thông tin sai sự thật, chửi bới lăng mạ nhà trường, xúc phạm giáo viên, kêu gọi biểu tình."
"Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Vinshool có làm đơn trình báo cơ quan chức năng để bảo vệ danh dự cá nhân công dân, uy tín và hình ảnh của môi trường sư phạm," thư này nói.

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

CHÍNH PHỦ VN "TỰ ĐÓNG CỬA THẮNG" TRONG VỤ TRỊNH VĨNH BÌNH

Phạm Lê Vương Các
 https://www.facebook.com/cui.cac/posts/10207434424019146

CHÍNH PHỦ VN "TỰ ĐÓNG CỬA THẮNG" TRONG VỤ TRỊNH VĨNH BÌNH
Với hình ảnh phấn kích giơ hai cánh tay lên và IM LẶNG không tiết lộ nội dung xét xử sau khi rời khỏi Tòa Trọng Tài Quốc tế tại Paris, dường như cho thấy sẽ có một chiến thắng cho ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ được tuyên vào ngày 31/8 tới.
Sự im lặng không tiết lộ nội dung vụ việc như là một phần nghĩa vụ theo thông lệ dành cho bên thắng kiện khi xử ở Tòa Trọng Tài để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến uy tín của bên thua kiện. Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài rất khác với Tòa án truyền thống, nó luôn đảm bảo được đến yếu tố bí mật vụ việc, những người không liên quan vụ việc sẽ không được phép tham dự, trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp thông tin vụ việc cho báo chí. Thậm chí là phải giữ bí mật về bản án thi hành sau đó. Đó là lý do suốt một tuần qua khi vụ kiện bắt đầu, cộng đồng rất quan tâm đến vụ kiện nhưng báo chí cũng không thể có được một thông tin về diễn biến phiên tòa.
Trước khi đi vào đánh giá vụ án của ông Bình, tôi xin cung cấp thông tin 2 vụ kiện trước đây liên quan đến các cơ quan Chính Phủ Việt Nam, đó là vụ HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam Letard kiện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, và vụ ông Liberati kiện Hãng Hàng Không Vietnam Arlines (VNA). Cả 2 vụ này phía Việt Nam đều thua kiện vì những "nhận định ngây ngô" từ phía lãnh đạo, và đến vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, Chính Phủ cũng không rút ra kinh nghiệm mà còn tiếp tục đi vào vết xe đổ của Liên đoàn bóng đá và VNA.
Vụ Liên Đoàn Bóng đá VN thua vì "thiếu hiểu biết" luật quốc tế:
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá VN sa thải ông Letard vào năm 2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận nghiên về phía Việt Nam, xử thua ông Letard.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể thao thụ lý vụ việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Đá VN biết và yêu cầu Liên đoàn bóng đá VN cung cấp thông tin vụ việc, cũng như phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chịu cung cấp thông tin theo yêu cầu của tòa. Thậm chí khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử nhưng Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc “không quan tâm đến vụ kiện” là do các quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá VN khi đó cho rằng đã có kết quả giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy Sỹ, nếu thua “mà ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được nhau”.
Phiên tòa vụ này được mở ra mà không có bị đơn là Liên Đoàn Bóng đá VN. Thế là nguyên đơn đươc dịp tha hồ vạch tội. Kết quả là Tòa trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng đá VN bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn đô ( 3 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Áp dụng hình thức chế tài nếu không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng đá VN sẽ bị cấm tham gia tất cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
Lúc này các quan chức Liên đoàn bóng đá VN mới “té ngửa” ra, là phán quyết của tòa này lại có hiệu lực pháp lý cao hơn phán quyết của FIFA, mà FIFA cũng phải thi hành bản án của Tòa Trọng tài Thể thao.
Thật ra việc khởi kiện cũng rất đơn giản, khi trong Quy chế giải quyết khiếu nại của FIFA nêu rõ, khi tranh chấp xảy ra nếu không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA thì các bên có thể khởi kiện vụ việc ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy Sỹ, và các phán xử của Tòa án này là có hiệu lực cuối cùng mà FIFA cũng phải đảm bảo thi hành.
Thế là Liên đoàn Bóng đá VN mới chịu báo cáo lên chính phủ và cầu cứu. Ngân sách nhà nước cấp cho Liên đoàn bóng đá VN vào năm đó được 3,7 tỷ, đã bị ông Letard "xơi" mất 3 tỉ. Quá đau! Vụ này thua vì ra cuộc chơi quốc tế mà thiếu hiểu biết luật quốc tế.
Đến vụ thứ 2, Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án nước ngoài
Vụ việc bắt đầu với một ông người Ý mang tên Liberati kiện Vietnam Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi chí phí cho ổng vì VNA đã Ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ổng làm việc. Đại lý này bị phá sản, ổng đành nắm đầu VNA đòi tiền. Phiên tòa mở ra, tòa triệu tập nhưng Vietnam Arlines cũng không cử người tham dự, theo kiểu "ta chả liên quan". Sự vắng mặt của bị đơn làm Tòa án Ý nhanh chóng tuyên Liberati thắng kiện, buộc Vietnam Arlines phải thanh toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro.
Đứng trước phán quyết này lãnh đạo Vietnam Arlines đánh giá phán quyết ở Tòa án nước Ý dễ gì thi hành được ở Việt Nam khi Vietnam Arlines là “con cưng” của nhà nước, Vietnam Arlines cũng chẳng có tài sản ở Ý thì… “làm gì được nhau”.
Đúng là suốt gần 7 năm sau đó án này không thi hành được, vì ở Ý không có gì để chế tài được VNA. Rồi bỗng một ngày của năm 2002, luật sư Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở nước Pháp, đây là cơ hội ngàn vàng, đảm bảo cho việc thi hành án của VNA. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp “thi hành hộ”, đó là cách làm của luật sư đại diện cho ông Liberati.
Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên minh Châu âu. Đây là một Liên minh gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và tương trợ tư pháp rất chặt chẽ với nhau. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để đảm bảo thi hành án.
Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê mấy luật sư để “gỡ” vụ phong tỏa tài sản ở Pháp. Kết quả cuối sau một thời gian kiện cáo của VNA, gỡ đâu không thấy mà cuối cùng cũng thành “gỡ ghẻ”. Kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán cho bên nguyên đơn thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí luật sư cho bên họ, vì VNA là bên thua kiện.
Vụ này VNA thua đau vì đã xem thường thẩm quyền và khả năng thi hành bản án của Tòa án quốc gia Ý.
Hai bài học trên đã có, đến vụ thứ 3, trở lại vụ án Trịnh Vĩnh Bình, Chính phủ đã đi vào vết xe đổ của Liên Đoàn Bóng đá và VNA dù hiểu biết luật chơi của quốc tế nhiều hơn, nhưng vẫn còn mang tư duy thiếu tôn trọng luật chơi quốc tế.
Có thể kể ra một số lỗi của Chính Phủ trong vụ này như sau:
Thứ nhất, Chính phủ đã không thi hành đầy đủ các cam kết với ông Bình theo như Thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006, đó là việc trả lại tài sản đất đai và nhà xưởng đã tịch thu của ông Bình. Nếu vào thời điểm này Chính Phủ quyết tâm thực hiện thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore thì có thể chỉ phải bỏ ra khoảng 20-30 triệu đô thu hồi đất đai để trả lại hoặc có thể tìm kiếm sự thỏa thuận riêng với ông Bình nhận tiền thay cho nhận đất đai. Tuy nhiên, chính phủ đã làm ngơ, không tiến hành thực hiện cam kết này, để rồi sau mười năm dẫn đến việc ông Bình tái khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường đến ít nhất 1,25 tỷ đô.
Ông Bình đòi đến ít nhất 1,25 tỷ đô nghe có vẻ như là bất hợp lý. Nhưng vào tay các luật sư quốc tế là đều có cở sở. Luật sư cũng chẳng khó khăn gì để chứng minh cho việc giá thành đất đai tại Việt Nam của ông Bình từ lúc bị tịch thu đến nay đã tăng lên hàng trăm lần. Hay đòi những thứ mà trong Thỏa thuận ở Singapore trước đây không có như: đòi tiền bồi thường thiệt hại khi bị giam giữ bất hợp pháp theo án lệ quốc tế, và các tài sản có thể đem lại lợi nhuận sau 20 năm của ông Bình, bồi thường tổn thất về tinh thần sau hàng chục năm, chi phí thuê luật sư v.v..
Cái này gọi là "không chịu đền 1 theo cam kết ban đầu, cuối cùng tòa xử phải đi đền 10".
Lỗi thứ hai, Chính phủ đã thúc đẩy ông Bình đi kiện.
Lưu ý rằng việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài Singapore, mà nó chỉ là sự thỏa thuận riêng tư giữa ông Bình với Chính phủ Việt Nam dưới sự hòa giải của Tòa trọng tài. Nói dễ hiểu sự thỏa thuận này được thiết lập ở giai đoạn “tiền tố tụng” – tức tòa trọng tài chuẩn bị xử, 2 bên đã đồng ý thỏa thuận tự cam kết giải quyết với nhau thì Tòa sẽ ngưng xử. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ không được xem là một bản án của Tòa trọng tài để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba. Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ "lơ là" không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình, và nó giải thích cho vìệc ông Bình sau này nói rằng mình đã bị lừa là vậy. Thực tế là ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành cái Thỏa thuận đã ký ở Singapore. Vì vậy không còn cách nào khác ông Bình phải đi kiện lại ra Tòa trọng tàinhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba.
Rõ ràng việc ông Bình là một công dân Hà Lan khởi kiện chính phủ VN ra tòa, tòa thụ lý xét xử theo thủ tục tố tụng là một bất lợi rất lớn cho chính phủ VN vì Chính phủ hầu như không có cửa thắng kiện trong vụ việc này.
Thắng sao được khi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Thương mại Đầu tư giữa Việt Nam-Hà Lan, tại điều 6 nêu rõ: "không một Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào để tước đoạt trực tiếp hoặc gián tiếp những đầu tư của các công dân bên kia". Gỡ sao được khi có sự vi phạm lộ liễu và quá rõ ràng như vậy.
Lẽ ra, nếu Chính phủ nhận định sáng suốt hơn thì thấy rõ cửa thắng duy nhất cho Chính phủ trong vụ này là nằm ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình, để qua hình thức này thể có thương lượng hạn chế thấp nhất số tiền phải bồi thường. Nhưng việc không thực hiện đầy đủ các cam kết ở giai đoạn Hòa giải với ông Bình trước đây, đã làm cho cửa thắng của Chính Phủ tự khép lại, khi ông BÌnh yêu cầu mở phiên tòa và xử theo tố tụng.
Khi bản án được xét xử theo thủ tục tố tụng được Tòa Trọng tài ở Paris đưa ra, nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Khi thua kiện, mà Chính phủ không tự nguyện thi hành bản án trả tiền bồi thường theo phán quyết của Tòa, thì luật sư của ông Bình sẽ canh me tiền và tài sản của Chính phủ VN nằm trên lãnh thổ của 150 quốc gia này, là họ có quyền yêu cầu Tòa án ở quốc gia ấy phong tỏa tài sản và nhờ thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Luật sư của ông Bình không dại gì nhờ mấy tòa án quốc gia đã tham gia Công ước như Trung Quốc, Lào hay Cambodia thi hành án mà chắc chắn họ sẽ chọn các quốc gia có nền pháp quyền, tòa án hoàn toàn độc lập với thể chế chính trị như tòa án ở các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Úc, hay Canada... Tòa án ở các quốc gia này họ sẽ "đè ra vặt" không thiếu một xu.
Hết cứu!
Thử hỏi một quốc gia đang trên đường hội nhập quốc tế, mà để xảy ra những vụ việc như vậy có đáng trách và đáng xấu hổ không? Nếu ông bà lãnh đạo nào đã làm ẩu trong vụ này tự bỏ tiền túi ra đền thì cũng chẳng có gì đáng trách, đằng này họ cứ moi tiền từ ngân sách nhà nước - là tiền do người dân đóng góp để bồi thường. Thế mới đau!
Ảnh: Ông Trịnh Vĩnh Bình vừa bước ra khỏi cổng Tòa trọng tài quốc tế ở Paris.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRONG TRƯỜNG HỢP NGƯỜI THÂN BỊ CÔNG AN ĐÁNH VÀ ĐÁNH CHẾT

fb Trịnh Kim Tiến

https://www.facebook.com/trinhkimkim/posts/1339169629436601

Tôi viết bài này với mong muốn nó có thể đến tay được nhiều người, nhất là những người dân bình thường chưa bao giờ quan tâm đến xã hội, bởi họ là những nạn nhân đáng thương nhất. Họ không ý thức được những tai ương sẽ đến bất ngờ và không định ra được một con đường cần phải đi trong hành trình đau thương.
Bài viết chia sẻ lại kinh nghiệm tôi đã từng trải qua, những bước đi cần thiết khi người thân bị đánh. Trong một xã hội thượng tôn và luật pháp bảo vệ người dân, những dòng này không có giá trị, nhưng trong một cơ chế mà ngành công an chiếm quyền lực tối cao và bao che lẫn nhau như hiện nay thì tôi nghĩ bài viết này sẽ là một cẩm nang hữu ích cho mọi người.
# Trước hết tôi sẽ đi vào 5 bước cơ bản cần thiết sau đó sẽ đi vào từng trường hợp cụ thể.
Bước 1: điều cần phải làm ngay khi người thân bạn bị đánh là quay, chụp lại hiện trạng của thân nhân. Ví dụ hình ảnh họ còng tay khi chưa có án, mọi thương tích trên người người bị hại.
Quay lại một clip kể lại sự việc đầu đuôi rõ ràng để dư lận có thể hiểu rõ hơn về sự việc và quan tâm. Nên để người nhà kể lại vì lúc này nạn nhân cần nghỉ ngơi. Khi quay chú ý ngồi bên nạn nhân.
Đến hiện trường nơi xảy ra sự việc, ghi hình lấy lời kể của nhân chứng tại đây. Việc này cần làm nhanh ngay sau khi sự việc xảy ra và nhớ là ghi hình, không phải ghi âm vì hiện nay người dân rất sợ công an nên khi bị sức ép họ sẽ không dám đứng ra làm chứng, hoặc sẽ phản cung so với lời kể ban đầu.
Sau đó đăng tải những thông tin vừa thu được lên mạng xã hội cá nhân với thứ tự lần lượt để dư luận theo dõi diễn tiến.
Bước 2: Yêu cầu phía bệnh viện cho biết rõ tình hình của người thân. Cũng ghi âm tất cả cuộc tiếp xúc với các bác sĩ. Vì nhiều trường hợp, trước sức ép của phía công an bệnh viện sẽ không dám nói tình hình thật của bệnh nhân. Hãy nói với họ, họ sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm về những gì họ nói và đây là việc giữa gia đình và công an, không liên quan y bác sĩ.
Bước 3: Gọi đến đường dây nóng của các báo chính thống trong nước tố cáo và kêu cứu. Số điện thoại có thể tìm kiếm qua 1080 hoặc google, chỉ cần cho biết tên tờ báo muốn tìm.
Tại đây báo chí sẽ cho người xuống phỏng vấn lấy tin nhưng quan điểm báo chí là phải khách quan và một phần họ cũng bị sức ép vì vậy nếu họ có đăng bài không được đúng ý cho lắm thì cũng không quan trọng. Quan trọng là sự việc của bạn đã được đưa ra trước dư luận. Có một số báo sẽ rắc rối hơn, họ sẽ yêu cầu gia đình làm đơn tố cáo gửi đến toà soạn rồi mới xuống, không sao cứ làm và gửi cho họ.
Nếu báo chí chính thống vì một sức ép lớn nào đó từ phía công an hay ban tuyên giáo, không thể viết bài đăng bài cũng không vấn đề gì. Còn rất nhiều trang báo mạng phi chính thống của dân, còn gọi là lề trái, hay các báo đài Quốc tế không được công an thích cho lắm như BBC, RFA, VOA... bạn có thể gửi Mail đến họ thông tin về sự việc.
Báo chí nào cũng trả lời phỏng vấn được hết. Đừng nghe người khác dọa đó là trang phản động rồi sợ hãi, nó là trang gì đi nữa nếu bạn nói không sai thì không có gì phải sợ.
Điều quan trọng là đẩy sự việc vào lòng dư luận. Lưu ý khi trả lời phỏng vấn của bất cứ một báo đài nào đều cần kiểm soát lời nói, kìm lại sự phấn nộ. Nếu ghi lại được cuộc phỏng vấn là tốt nhất.
Bước 4: Làm đơn tố cáo gửi đến công an quận nơi xảy ra sự việc, công an thành phố nơi đang cư ngụ. Đơn này dân làm nên không cần quá cầu kỳ chỉ là tố cáo, trình bày sự việc và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm lên tiếng.
Bước 5: Tìm luật sư để hướng dẫn pháp lý. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, tưởng chừng như dễ dàng nhưng không hề đơn giản. Bởi nếu gặp phải một luật sư không có tâm chỉ cần tiếng thì gia đình sẽ vừa mất tiền vừa ôm hận. Một luật sư có tâm không cần nói nhiều, chỉ cần hướng dẫn bạn đi như thế nào cho đúng luật. Cũng cấp cho bạn tất cả những gì luật sư nhận được từ phía cơ quan điều tra. Và luôn đứng sau hoặc đứng bên ủng hộ bạn. Luật sư của những nạn nhân bị công an đánh chết không cần phải là người nổi tiếng hay quá sức tài giỏi, nhưng phải có trái tim và cái tâm của người luật sư. Nếu ở Hà Nội bạn có thể tìm đến văn phòng luật Hưng Đạo Thăng Long, luật sư Hà Huy Sơn... Nếu ở miền Trung hay Sài Gòn có thể nhờ sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Khả Thành, Võ An Đôn...
# Tiếp theo đây tôi sẽ chia những trường hợp bị công an đánh thành 2 khả năng có thể xảy ra:
* Trường hợp bị công an đánh mà chưa chết: Trường hợp này nếu không cẩn thận người bị nạn còn có khả năng đi tù cao về tội "chống người thì hành công vụ" do công an quy chụp.
Tôi có biết một vụ thế này, người con bị CSGT giữ phương tiện khi tham gia giao thông. Sau khi gọi điện cho bố báo cho biết là mình bị giữ xe, anh đôi co với CSGT yêu cầu lấy lại giấy tờ vì khẳng định mình không vi phạm luật. Theo lời của anh nói với luật sư người CSGT lao vào dùng mũ bảo hiểm của anh đã tháo ra để trên xe đập vào đầu anh, vừa đúng lúc bố anh đi đến. Thấy cảnh con mình bị đánh, ông bố cũng lao vào đẩy người CSGT kia ngã ra đất, lập tức rất đông CSGT lao đến đánh 2 bố con và còng tay họ lại. Sau đó họ bị bắt giữ và truy tố với tội danh chống người thì hành công vụ. Đó là một trong rất nhiều trường hợp công an ăn vạ và đòi truy tố dân mà tôi biết được qua báo chia cũng như nghe người liên quan thuật lại.
Trong trường hợp bị đánh mà không nặng hoặc không chết, gia đình bạn có thể sẽ gặp phải 2 tình cảnh:
-Một là sẽ bị công an dọa nạt và làm tiền, bởi dù đúng dù sai, quyền cũng đang tay họ. Trường hợp này bạn giả vờ chấp nhận, và ghi âm tất cả lại. Để khi làm truyền thông theo các nước trên đưa nó ra trước dư luận. Không tự ý nói bồi thường hãy để họ tự mở miệng yêu cầu để không bị quy là gài bẫy hối lộ.
-Hai là vì cay cú họ bất chấp, cho nạn nhân đi tù để thể hiện uy quyền của mình. Trường hợp này gia đình cần cương quyết không nhận tội và thực hiện đầy đủ 5 bước ở trên. Trong đó lời khai nhân chứng là quan trọng nhất, cần phải làm đầu tiên với trường hợp này. Sau đến tình trạng thương tích cần được công khai không sót điểm nào.
* Trường hợp bị đánh đến chết: Nạn nhân không còn có thể đi tù nên người nhà nạn nhân và người dân bức xúc có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của công an với việc quy kết tội danh cho họ, ngành công an vừa có thể răn đe, làm dân sợ, vừa có thể ép gia đình bị hại rơi vào thế phải nghe lời.
Với hoàn cảnh đã không thể còn nước còn tát, người thân của nạn nhân buộc phải chấp nhận nỗi đau này và bình tĩnh giải quyết.
Điều đầu tiên, hãy yêu cầu pháp y Quân đội khám nghiệm tử thi cho người đã chết. Hiện nay ở Việt Nam có 3 cơ quan khám nghiệm pháp y nhưng xét về tính độc lập thì chưa có. Nên yêu cầu pháp y Quân đội cũng chỉ là để an tâm hơn so với pháp y của bên công an mà thôi. Trong quá trình khám nghiệm gia đình cần cử người tham gia trực tiếp ghi âm và quay lại, nên có luật sư cùng tham gia trong quá trình này.
Nếu phía công an tự ý khám nghiệm mà chưa có sự đồng ý của gia đình người bị hại, thì phía bên bị hại hoàn toàn có thể yêu cầu khám nghiệm pháp y quân đội khám nghiêm lại bằng cách làm đơn yêu cầu và khiếu nại công an tự ý mổ tử thì khi chưa được sự cho phép.
Người thân đã bị chết một cách oan ức như vậy rồi, hãy ngưng sợ hãi và mạnh dạn lên trong việc kêu cầu công lý. Ngoài sức ép truyền thông còn cần sức ép từ phía người dân bên ngoài trang mạng. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi gia đình, tôi không khuyên bạn một hành động cụ thể nào hết.
Cá nhân gia đình tôi thì lựa chọn cách căng băng rôn yêu cầu pháp luật xử lý nghiêm minh những người công an đã đánh chết người nhà mình cho đến khi có lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam nghi phạm mới tháo xuống. Mọi người đừng nhầm giữa lệnh khởi tố bị can và khởi tố vụ án nhé. Bởi khởi tố vụ án không có giá trị gì, chỉ khi có khởi tố bị can thì sự việc mới buộc phải điều tra và được đưa ra xét xử. Việc căng băng rôn ôn hoà không nhất thiết là phải cố định một địa điểm, nếu địa điểm nhà nạn nhân không thuận lợi cho việc kêu oan thì người thân hoàn toàn có thể ôn hoà trên đường phố với những yêu cầu chính đáng.
Chúng tôi không lựa chọn mang xác đi tuần hành như một số vụ từng xảy ra vì cảm thấy rất tội cho người đã khuất, thứ 2 là khi mang xác người thân đi tuần hành như vậy sẽ khó kiểm soát diễn biến hơn là biểu tình ôn hoà, dễ khiến những người đang bức xúc thay gia đình mình gặp phải chuyện không hay.
Tuy nhiên trong những ngày căng băng rôn, đến khi hạ xuống rồi chúng tôi vẫn quyết định giữ lại xác người thân trong nhà xác bệnh viện vì chưa có kết quả pháp y. Nếu đã quyết định bước đi trên con đường đầu những bất công thì phải chấp nhận chịu đựng nỗi đau cho đến ngày có được câu trả lời chính thức từ phía pháp y.
Khi có chứng nhận pháp y tôi nghĩ cũng là lúc gia đình có thể hoàn tất được thủ tục mai táng cho người thân.
Tôi nhấn mạnh một điều với mọi người là nên chôn cất khi có đủ 3 yếu tố, lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng và bản kết luật sơ bộ của pháp y. Bởi chỉ có 1, 2 trong 3 không thể đưa bạn đến một phiên tòa trong tương lai. Dụ như vụ anh Quốc Bảo bị đánh chết ở Hà Nội , gia đình giữ xác được 7 ngày, dù đã có pháp y bị chấn thương sọ não mà chết nhưng sau đó công an vẫn kết luận nguyên nhân là tự thương, tự tử vì chưa có được lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng gây án.
Ở trên là kinh nghiệm riêng của gia đình tôi còn đương nhiên là không phải lúc nào bạn cũng cần làm như vậy. Như vụ án của anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên thì có điều khác hơn là gia đình không cần giữ xác bởi vì những hình ảnh thương tích do bị tra tấn bằng dụng cụ chuyên dụng và hình ảnh sau mổ tử thì hiện lên rất rõ ràng là do bị đánh đến chết. Và sau đó có luật sư nhập cuộc ngay nên mọi thứ cũng đỡ phức tạp hơn rất nhiều.
Tôi xin được chú ý với gia đình người bị hại một vấn để khác là người thân, ngoại trừ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thì những người khác đều có thể bị đe dọa để hòng chặn đứng sự phản kháng, và có thể họ sẽ còn cố gắng kích động người nhà để truy ra tội, ép đôi bên đi vào thế thỏa hiệp. Vậy nên trong nỗi đau này nên để phụ nữ thay nhau đứng ra gánh vác. Trong tất cả mọi cuộc làm việc với cơ quan chức năng gia đình đều cần ghi âm và lưu giữ lại.
Và tôi khuyên rằng nếu người thân bạn bị rơi vào những trường hợp này bạn đừng ngần ngại việc nhận bồi thường. Mất mát đau thương của bạn không gì có thể bù đắp được nhưng đó là những thứ gia đình bạn phải được nhận để bù đắp tổn thất tinh thần và vật chất, để người công sống được yên tâm và người đã khuất được yên lòng. Hãy bỏ qua những luồng dư luận không hay ho và có phần khốn nạn bởi lòng tham và sự ngu dốt. Hãy dẹp những cái còmment, những lời xúc xiểm không thiện ý sang một bên bởi nó không đáng phải để bạn nhìn đến. Trong một vụ án hình sự thì trách nhiệm dân sự là cần phải có vì vậy nhận bồi thường không có nghĩa là phải bãi nại cho kẻ thủ ác. Khi nhận đề bù gia đình chỉ cần viết một giấy biên nhận "khắc phục hậu quả" với chủ thể bên A và bên B là được. Biên nhận ghi rõ ràng đây không phải giấy bãi nại, mọi sai phạm xử theo quy định của pháp luật.
Tôi mong rằng những kinh nghiệm ít ỏi này sẽ được mọi người chia sẻ rộng rãi để góp phần giảm tải, ngăn chặn tình trạng công an lạm quyền đánh dân như hiện nay.
Trong cuộc chiến này những con người đang đau khổ phải là những con người bình tĩnh, khéo léo và quyết đoán nhất trong cách hành xử. Đây không chỉ là một cuộc chiến pháp lý, đây cũng không chỉ là một cuộc chiến truyền thông. Đây là một chuộc chiến truyền thông - pháp lý. Nếu chỉ làm truyền thông mà bỏ qua pháp lý hoặc tiến hành pháp lý mà gạt đi sự quan trọng của truyền thông thì việc đấu tranh cho các nạn nhân bị công an đánh sẽ không thu được kết quả nào. Hai điều này phải được tiến hành song song thì may ra người dân mới mong tìm đến được sự thật. Tôi nói ở đây là sự thật không phải công lý bởi để có được công lý còn xa vời lắm, công lý trong cơ chế tam quyền không phân lập là món hàng vô cùng xa xỉ với người dân.