Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Hội thảo về án oan

http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/372/372
NguoiBuonGio Oct 28, '09 10:01 PM

Hôm qua tại Viện Khoa Học Xã Hội số 1 Liễu Giai Hà Nội. Liên đoàn luật sư Việt Nam dưới sự trụ trì của PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải đã tổ chức cuộc hội thảo có chủ đề '' một số thực tiễn về cải cách tư pháp và phòng chống oan sai trong hoạt động tố tụng''.

Trong lời mở đầu ông Hải cho biết, liên đoàn luật sư Việt Nam ra đời được 5 tháng, đã có nhiều hoạt động tốt. Nhưng gần đây do có nhiều luật sư gửi đơn đề nghị hội thảo về công tác xét xử. Ông Hải mong muốn mọi người đóng góp ý kiến thật bình đẳng, thiện chí để khắc phục những vấn đề oan sai trong xét xử đang tồn tại.

Ông Lê Khả phát biểu rằng

'' làm cách mạng thành công là phải có một nền tư pháp độc lập, muốn có tư pháp độc lập là phải phân quyền. Chúng ta đang tập quyền, mà tập quyền thì tư pháp không độc lập được. Một nền dân chủ không thể tồn tại nếu quyền lực tư pháp không công bằng. Nhiều nhóm hành pháp, lập pháp còn dùng nhiều chiêu bài để can thiệp, gây áp lực với nền tư pháp''

Ông Khải cho rằng nền tư pháp Việt Nam cần phải nhìn nhận những giá trị chung của nhân loại, những nền tảng pháp lý đúng đắn và nhân bản của các nước khác trên thế giới đang sử dụng.Không nên nói kiểu mỗi quốc gia có hình thù khác nhau cho nên luật khác nhau. Có thể có khác nhau nhưng một điều không thể chối được là trên thế giới có những nền tảng pháp lý mang tính chung cho nhân loại, bảo vệ quyền con người.Không thể né tránh điều đó được nếu như muốn xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Khải đề nghị thẩm phán phải hoàn toàn trung lập, không tham gia đảng phái. Được mức lương ưu đãi, có tài năng , đạo đức và có nhiệm kỳ dài hạn. Ông Khải cũng lưu ý với các cử tọa là nước Mỹ có nền tư pháp độc lập nhất. Người dân Mỹ rất hay đưa mọi tranh chấp ra tòa án, không như dân Việt Nam việc đưa ra tòa là bần cùng bất đắc dĩ.

Ông Nguyễn Đăng Dung nói thẳng rằng tòa án không có quyền năng gì hết, tòa án đi xử mà còn xin ý cấp trên thì làm sao gọi là độc lập. Ông Dung cho rằng tòa án Việt Nam đáng ra phải xét xử trên những tranh luận của bên công tố và bên bào chữa. Nghe xem bên nào có lý để quyết định chứ không nên đánh vật với bị can để tìm chứng cớ buộc tội.thay cho viện kiểm soát. Ông Dung kể những phiên tòa mà ông chứng kiến chả thấy tranh luận gì sất, mà luật quy định là kết quả phiên tòa phụ thuộc vào việc tranh luận tại phiên tòa. Vậy phiên tòa phần tranh luận hời hợt thì lấy đâu ra chất lượng để mà căn cứ.

Ông Dung cho rằng thực trạng việc xét xử ở tòa án Việt Nam hiện nay là mang tư duy thời chiến, thời bao cấp.Không có tính bảo vệ con người. Có phiên tòa bị cáo bị còng tay. Luật sư đòi mở còng thì tòa án nói không có thẩm quyền. Ông Dung chán nản than rằng đến tòa án mà không có quyền mở còng tay cho bị cáo tại phiên tòa, thì còn có quyền gì nữa mà xét xử.

Ông Nguyễn Đức Mai ý kiến.

Ngay cả trong phiên tòa đã có bất công thì tránh sao khỏi có oan sai. Ông Mai đưa ví dụ như chỗ ngồi trong phiên tòa, ông Viện Kiểm Soát ngồi trên cao, ông Luật Sư ngồi dưới ngóc cổ để cãi. Hình thức đã vậy thì nội dung có thiên lệch cũng là điều dễ xảy ra. Ông Mai chỉ trích việc Kiểm soát viên lẽo đẽo đi theo tòa vào phòng để mọi người trong phòng xử từ luật sư đến bị cáo cũng phải đứng dậy chào. Đáng ra kiểm soát viên giữ quyền công tố phải đến trước và đứng dậy chào tòa như bên bào chữa mới phải.

Ông Mai cho biết hiện nay tình trạng oan sai chưa có cơ quan nào nghiên cứu công bố cả, những vụ việc cho là oan sai chỉ do báo chí và luật sư phát hiện. Chúng ta nói đề cao tố tụng nhưng thực ra chúng ta không coi trọng tố tụng. Luật sư không thể tiếp xúc với bị can khi bị giam vì khó dễ trong việc cấp giấy chứng nhận, không có mặt khi bị can, bị cáo trả lời cán bộ điều tra...hoạt động của luật sư bị hạn chế cho dù luật tố tụng có nói đến quyền của họ. Đây là điều cần phải khắc phục sớm nhất.

Ông Phạm Phú Tuyên nói rằng.

Ở nước ta Đảng là lãnh đạo lớn nhất, ông bộ trưởng bộ công an là ủy viên bộ chính trị, còn ông chánh án tòa án tối cao là ủy viên gì ? Việc bổ nhiệm chánh án nếu không có cấp ủy nơi đó đồng ý thì không bổ nhiệm được. Vậy thì ông chánh án có độc lập được không, khi công tác phải nghe ý kiến chỉ đọa của ai ?

Ông Tuyên cho rằng tòa án quá phụ thuộc vào hồ sơ do công an thu thập khi xét xử.

Ông Tuyên đề nghị nâng cao chất lượng luật sư đồng thời cũng bảo đảm quyền của luật sư như trong luật đã định.

Hôm qua dự hội thảo đến lúc ông Tuyên nói thì phải té về đi hàn mấy cái khung sắt, tuy rằng rất muốn ở lại để nghe cho xong. Hôm nay viết đến đây lại bị gọi đi treo mấy cái biển hiệu cho người ta. Không có thời gian bình luận được.Các bạn thông cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét