Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Chú ý, công trường phía trước

http://huyminh.wordpress.com/2010/10/01/chu-y-cong-truong-phia-truoc/

[Bài hay. Tựa do HuyBom & Sam đặt. Nguồn: Tạp chí Politique internationale – Số 127/2010]

Tháng 11/2008, Barack Obama đã kiêu hãnh đắc cử Tổng thống Mỹ. Nguồn gốc xuất thân, chặng đường sự nghiệp, tuổi trẻ và uy tín đặc biệt khiến ông đáng được hoan nghênh như một “tổng thống hàng đầu thế giới”. Người ta trông chờ ông thể hiện một tầm cao về các quan điểm đủ để vượt lên trên những lợi ích các quốc gia…và, trước tiên là những lợi ích của chính nước Mỹ. Nhưng dù những giấc mơ của ông được che giấu như thế nào thì trước tiên Barack Obama vẫn là Tổng thống Mỹ; ông đại diện cho đất nước mình và có bổn phận đầu tiên là phải giải trình với nhân dân Mỹ. Sự tỉnh ngộ là không thể tránh khỏi và càng lớn hơn vì những hy vọng quá mức.
Những cải cách lớn trong nước – sự phổ cập bảo hiểm y tế, hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – bị sa lầy trong tình trạng rắc rối phức tạp của những thủ tục của Quốc hội. Về chính sách đối ngoại, ông chủ Nhà Trắng đang lưỡng lự giữa những diễn văn vĩ đại (như bài diễn văn được đọc ngày 9/6/2009 tại trường Đại học Tổng hợp Cairo, khi ông chìa tay ra với thế giới Hồi giáo), những cử chỉ khiêu khích (cuộc gặp gỡ với Đạtlai Lạtma trong khi ông này công khai chống đối Bắc Kinh) và việc tiếp tục duy trì những hành động can thiệp tại thực địa mà Chính quyền Bush đã mở đầu (ở Iraq và Afghanistan). Hình ảnh quốc tế của Washington đã được cải thiện; tuy nhiên, những thách thức cơ bản vẫn luôn tồn tại. Mỹ muốn gì và sẽ đi đến đâu? Cường quốc Mỹ đang ở đâu?
Mỹ luôn là nước đứng ở vị trí hàng đầu thế giới – ít ra cũng trong một khoảng thời gian nữa. Nhưng họ không còn ở trên cùng nữa. Giờ đây, họ ở cùng vị trí với những nước khác. Họ không còn đứng trên bục giảng mà ngồi ở bên dưới, đằng sau một bàn học (đương nhiên là ở hàng đầu!). Mỹ vẫn gây ấn tượng, dù họ không còn ở vị trí riêng biệt nữa.
Ở tầm cỡ thế giới, thời đại đế chế Mỹ đã kết thúc. Liệu kết cục này có mang lại hạnh phúc hay không?
Bà đỡ của quá trình toàn cầu hóa
Trong vòng một thế kỷ (từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX), Mỹ đã trở thành cường quốc đứng đầu hành tinh. Vào thế kỷ XX, họ trở thành nước đại thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau đó là trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong một triển vọng hàng thế kỷ mới có một lần, theo tư tưởng triết học của Heghen, Mỹ là bà đỡ của quá trình toàn cầu hóa. Họ đã đạt tới vị trí số một vào thời điểm mà châu Âu – trở thành động lực của quá trình toàn cầu hóa từ thế kỷ 15 tới đầu thế kỷ 20 – đã tự hủy diệt trong hai cuộc chiến tranh tàn khốc (1914-1918, 1939-1945) và đánh mất quyền lực của họ. Mỹ giành lại ngọn đuốc mà châu Âu đã đánh rơi. Họ không những khuyến khích việc mở rộng tự do trao đổi buôn bán, chất kích thích quan trọng để tạo ra các nguồn của cải, mà còn thiết lập khuôn khổ thể chế đặt cơ sở cho một cơ cấu lãnh đạo toàn cầu. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ nghĩ ra và thậm chí áp đặt hệ thống LHQ: Tổ chức LHQ, Quỹ tiền tệ quốc tế… Năm 2003, trong khi xâm lược đất nước Iraq của Saddam Hussein, Mỹ hành động với tư cách là nước đại truyền bá về dân chủ và toàn cầu hóa.
Trong những năm 2000 này, như trút được gánh nặng, lẽ ra Mỹ có thể nói sứ mệnh đã hoàn thành! Tóm lại là gần như vậy! Nhưng, theo Kinh Thánh, kẻ nào gieo gió, kẻ đó sẽ gặt bão. Đối với Mỹ, thành công lớn trong vai trò lịch sử của họ dù sao vẫn có hai hiệu quả mơ hồ.
1) Sự hình thành một thị trường toàn cầu: những nước mới đến, đã đồng hóa những tham vọng “theo kiểu phương Tây”, tham lam chen nhau trong đó – điều này dẫn tới hậu quả toàn cầu hóa sự cạnh tranh. Tất nhiên, Mỹ vẫn giữ những quân chủ bài đáng chú ý. Từ 42 đến 68% (theo những bảng xếp hạng quốc tế) các trường đại học tốt nhất trên thế giới nằm ở nước này. Nước thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai: công nghệ nano, công nghệ sinh học… Các công ty đa quốc gia của nước này mở rộng một số hoạt động, điều này làm tăng thêm tính cạnh tranh của họ. Đồng thời, những yếu tố “cơ bản” – sự hiểu biết về các sản phẩm, marketing, các dịch vụ hậu mãi…- tiếp tục được phát triển trên lãnh thổ quốc gia. Nhưng kể từ giờ, công việc sản xuất với số lượng lớn sẽ diễn ra ở châu Á, trước tiên là ở Trung Quốc. Mỹ, cũng như tất cả các xã hội phát triển khác, bị bó buộc vào một nỗ lực thích nghi thường xuyên, điều này dẫn đến một sự cách tân thường kỳ toàn bộ hệ thống công nghiệp. Ở các nước mới nổi, các tầng lớp trung lưu tăng thêm nhiều và trở nên phát đạt; trong khi đó những người này phải chịu nhiều thiệt thòi ở những nước giàu có lâu đời, trong đó có Mỹ. Đàn ông mặc comlê màu xám – công chức kiểu mẫu, phụ nữ hoàn hảo, những đứa trẻ sạch sẽ và tươi cười – không còn nữa. Trong những hoàn cảnh này, trong khi việc tạo ra công ăn việc làm và sự hứa hẹn về thăng tiến xã hội trở nên không chắc chắn thì làm thế nào để giữ gìn được chủ nghĩa lạc quan nổi tiếng của Mỹ?
2) Trật tự thế giới trong hệ thống của Liên Hợp Quốc mang tính dân chủ: nguyên tắc cơ bản của nó là sự bình đẳng về các quyền và nghĩa vụ của các nước chủ chốt . Những quy tắc phổ biến mang tính dân chủ được chính Mỹ đòi hỏi. Kết quả là: họ bình đẳng về mặt pháp lý với bất kỳ nước nào – Campuchia, Libi hoặc một nước nào khác. Cho dù, cũng giống như các cường quốc khác (Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp), Mỹ được hưởng những đặc quyền (ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với quyền phủ quyết; là nước có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân căn cứ vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968), tuy nhiên không vì thế mà họ không phải là một trong số các ủy viên trong phần lớn các tổ chức liên quốc gia lớn (như Tổ chức thương mại thế giới). Đó là cái giá mà Mỹ phải trả để thực hiện mục đích lịch sử vĩ đại của họ: thiết lập một chế độ dân chủ liên quốc gia trên toàn cầu đảm nhận việc bổ sung đầy đủ cho các chế độ dân chủ nhà nước và mang lại cho các chế độ đó những sự đảm bảo. Nhưng liệu cường quốc đế chế này, sáng tạo ra chế độ dân chủ của Liên Hợp Quốc, có thể chấp nhận bị đặt ngang hàng với các nước khác hay không? Chẳng phải là Mỹ có nghĩa vụ và quyền được “tách riêng ra” để trở thành người canh gác và bảo vệ cho những giá trị dân chủ đó sao? Và nếu trường hợp này đúng như vậy, nếu thành viên đầu tiên của xã hội liên quốc gia thoát khỏi qui luật chung, thì làm thế nào để khẳng định rằng chế độ dân chủ vẫn là phổ biến? Những tình thế tiến thoái lưỡng nan này được minh họa một cách rõ ràng qua hai lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm:
- Hạt nhân: Liệu trật tự được thiết lập từ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 trong một triển vọng dân chủ có chính đáng, khi chỉ có 5 nước (trong đó có Mỹ) có quyền sở hữu vũ khí nguyên tử? Hơn nữa, những năm qua, đã có những sự dung thứ. Đây là một chế độ khác so với chế độ đã khiến cho mọi người cùng tồn tại với sự bình đẳng về nguyên tắc, trên thực tế đó là những đặc quyền và những sự vi phạm! Israel, Ấn Độ và Pakistan đều thận trọng không tham gia NPT; từ giờ, cả ba nước này đều có một kho vũ khí hạt nhân nếu không phải là được chấp nhận thì ít ra cũng là được dung thứ. Sức mạnh hạt nhân quân sự của Ấn Độ thậm chí còn được Washington ca ngợi (vào tháng 3/2006, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống George W.Bush, một sự hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân đã được bắt đầu giữa hai nước này). Liệu một trật tự pháp lý và thể chế có còn giá trị trong khi cảnh sát lại khen thưởng những kẻ đã khôn khéo đứng ngoài vòng pháp luật? Nước không lương thiện (Iran) tự nhủ: “Sao lại không phải là nước chúng tôi? Nếu chúng tôi khôn khéo thì cuối cùng họ cũng sẽ vui lòng chấp nhận những quả bom và tên lửa của chúng tôi!”
- Tòa án hình sự quốc tế. Mỹ không che giấu thái độ nghi ngờ quá mức đối với Tòa án hình sự quốc tế (CPI) được thành lập năm 2002. Rất nhiều can thiệp quân sự của họ ở đây đó trên khắp hành tinh có kèm theo những sơ suất không thể tránh khỏi. Từ đó, có nguy cơ là một ngày nào đó, các quan chức cao cấp Mỹ, thậm chí chính tổng thống, có thể bị truy tố trước CPI. Thủ tục phức tạp và luôn đi kèm với những chỉ dẫn nhưng việc khả năng bị truy tố không thể được loại trừ. Vì lẽ gì mà cảnh sát trưởng của cả hành tinh, luôn ngoan cố, lại chấp nhận nguy cơ bị bất cứ một nhà nước nào buộc tội tại CPI?
Một cường quốc trong số các cường quốc khác
Sự suy tàn của Mỹ liên tục được thông báo. Ngay từ đầu thế kỷ 20, “chế độ đầu sỏ tài chính tư bản chủ nghĩa” bị nhiều trí thức châu Âu, từ Charles Maurras tới George Bernard Shaw, tố cáo là đã bị biến chất và suy đồi không thể cứu vãn nổi. Trong những năm 1930, các chế độ cực quyền của tất cả các phe đảng (chế độ cộng sản Xôviết, chế độ quốc xã) đã cười nhạo: Chế độ dân chủ lớn nhất thế giới chỉ được người đứng đầu là một nhà quý tộc ngồi xe lăn. Trong nửa cuối của những năm 1950, việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên dường như đã báo hiệu thắng lợi áp đảo của tổ quốc của chủ nghĩa xã hội này; khoảng 30 năm sau, nền tảng vững chắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tan rã. Vào giữa những năm 1980, trong thời kỳ cách mạng của Tổng thống Reagan, nhà sử học người Anh, Paul Kennedy, công bố cuốn “Sự ra đời và suy tàn của các cường quốc lớn”, cuốn sách bán chạy nhất chứng minh rằng bất cứ cường quốc lớn nào – có nghĩa kể cả Mỹ – cũng buộc phải can dự quá mức, và sự tăng thêm những nghĩa vụ của họ đi kèm theo việc giảm các phương tiện cho phép đương đầu với điều đó. Vậy thì, liệu nước Mỹ của những năm 2000 có bị suy tàn hay không? Có 4 lý lẽ, tất cả đều rất cổ điển, đáng được xem xét.
1) Sự chín muồi không thể lay chuyển của sức mạnh . Mỹ là hiện thân của tính liên tục của những chu trình sức mạnh (giống như những chu trình của sự sống và cái chết), nhưng cũng thể hiện việc rút ngắn quãng đường không thể tránh được của họ trong một thế giới mà ở đó các xã hội đang biết và chiếm hữu những sự đổi mới của những xã hội khác càng ngày càng nhanh hơn.
Mỹ đạt tới đỉnh cao chỉ trong hơn một thế kỷ (cuối thế kỷ 18 đến năm 1914) và đứng vững vị trí đó trong gần một thế kỷ (từ Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất đến những năm 2000). Thành tích thật đáng chú ý: họ làm cũng tốt như nước Anh của nữ hoàng Victoria đã thống trị suốt thế kỷ 19 (từ 1815 đến 1914), thời kỳ trong đó Lịch sử dù sao cũng tiến triển chậm hơn. Trong những năm 2000 này, Mỹ với dân số chiếm 5% dân số thế giới, mỗi năm tiếp tục tạo ra hơn một phần tư của cải trên thế giới (theo giá trị hiện hành) hoặc gần một phần năm (so với sức mua).
Sự ổn định về sức mạnh kinh tế của Mỹ từ nửa thế kỷ nay chứng tỏ khả năng chống chọi và thích nghi của gã khổng lồ Mỹ. Nhưng nó không xóa được sự xói mòn của sức mạnh này, chỉ đơn giản là do sự vượt lên của các nước mới nổi và trước tiên là của các nước lớn trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và cả Brasil nữa. Trong vài thập kỷ, họ đã thực hiện một bước nhảy vọt gây ấn tượng mạnh. Đặc biệt đó là một bước nhảy vọt mà sự gia tốc của Lịch sử đã tạo điều kiện cho nó. Những người Trung Quốc, Ấn Độ và các dân tộc khác nắm bắt rất nhanh chóng những kỹ thuật tiến bộ. Những cường quốc mới này nhận thức rất rõ rằng họ có ít thời gian ở phía trước. Nhân dân họ đang bị phương Tây hóa: giảm tỷ lệ sinh đẻ, kéo dài tuổi thọ, tăng thêm những công vụ… Vì vậy, không thể kéo dài thời gian!
2) Sự can dự quá mức. Vào “thời đại hoàng kim” của cuộc Chiến tranh Lạnh, học thuyết phòng thủ của Mỹ, được đánh dấu bằng Chiến tranh thế giới thứ Hai và hai chiến trường của nó là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, chỉ rõ rằng các lực lượng Mỹ phải có khả năng tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh lớn cộng với một cuộc chiến tranh “nhỏ”. Trong những năm 2000 này, Mỹ khó mà đảm đương được hai cuộc chiến tranh “nhỏ” (ở Iraq và Afghanistan). Việc gọi nhập ngũ hàng năm, vẫn luôn là ngoại lệ ở Mỹ, đã bị bãi bỏ ngay sau cuộc chiến tranh Việt Nam . Nghĩa vụ quân sự bắt buộc thuộc về một thời kỳ đã qua, khi đó tổ quốc thật thiêng liêng và rất nhiều người sẵn sàng chết vì tổ quốc. Mỹ trở lại với những phương pháp được bất cứ một đế chế suy tàn nào sử dụng và trước tiên là đế chế Roma, sự xác nhận có mặt khắp nơi ở Washington: hứa hẹn nhập quốc tịch Mỹ cho những người nhập cư đã đầu quân một vài năm trong Quân đội Mỹ; nhờ vào các cơ quan tư nhân cung cấp các lính đánh thuê rẻ tiền, những binh lính không mặc quân phục và không có quyền gì…
Trong suốt những năm dưới thời Reagan (thập kỷ 1980), một số người tin chắc rằng sự can dự quá mức có thể được chế ngự bằng công nghệ. Những công cụ cực kỳ tinh vi sẽ làm cho con người trở thành thừa. Chiến tranh diễn ra từ xa, mọi sự hiện diện trên mặt đất đều trở nên vô ích. Trong những năm 2000 này, Iraq và Afghanistanđã làm tiêu tan thái độ lạc quan về công nghệ này. Không một nước nào có thể bị chiếm đóng chỉ với các người máy và máy bay do thám không người lái.
Sự can dự quá mức không chế ngự được. Việc xét lại những can dự ở bên ngoài luôn gặp khó khăn; những người được bảo vệ cảm thấy bị bỏ rơi, một số người thậm chí quay lại chống người bảo trợ trước đây của họ. Như vậy, ở Trung Đông, khu vực mà Mỹ đảm bảo an ninh từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các nước Arập – từ Ai Cập đến Arập Xêút – sẽ phản ứng thế nào nếu Washington tỏ ra không có khả năng ngăn chặn tham vọng hạt nhân quân sự của Iran?
3) Sự mắc nợ. Tiền bạc đang và vẫn còn là động lực của sức mạnh. Đồng thời, sức mạnh cho phép vay nợ một cách dễ dàng và hàng loạt. Theo quan điểm này, Mỹ xử sự giống như Tây Ban Nha của Charles-Quint sau đó là của Philippe II hoặc nước Anh của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Sự khác biệt duy nhất – và nó cũng quan trọng – nằm ở việc tăng lên đáng ngạc nhiên của lượng vốn lưu động. Tiền chảy như nước, cần phải đặt nó vào đúng chỗ; các ứng cử viên vay nợ, trước tiên là các nhà nước và nhất là nước mạnh nhất trong số họ, đến rất đúng lúc.
Vào đầu những năm 1970, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một người Texas xuất sắc, John Connally, khoe rằng: “Nếu tôi nợ ngân hàng 100 USD, thì đó là vấn đề của tôi. Còn nếu tôi nợ ngân hàng một triệu USD thì điều đó trở thành vấn đề của họ.” Theo công thức gây kinh ngạc này, sự mắc nợ đang tăng lên của người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu không còn là vấn đề của Mỹ nữa mà là vấn đề của những chủ nợ của họ, đứng đầu trong số đó là Trung Quốc. Những chủ nợ này, không chút quan tâm tới việc đồng đôla bị sụt giá, chỉ có thể giám sát chặt chẽ và đầy ghen ghét con nợ của họ. Quan hệ giữa các chủ nợ và con nợ luôn gay gắt. Liệu một ngày nào đó, Washington có bị xâm chiếm bởi các kiểm soát viên và các nhân viên kế toán có nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm Trung Quốc?
4) Giới tinh hoa không thích hợp chăng? Những chu trình lịch sử là điều không thể tránh khỏi: trước tiên là những kẻ đi chinh phục tham lam và tàn bạo; sau đó là thời đại hoàng kim của những người xây dựng có khả năng thiên cảm (trong những thập kỷ 1940 và 1950, nhóm chóp bu của Những người Khôn ngoan: George C.Marshall, Dean Acheson, Averell Harriman, George F. Kennan…); sau đó là những kẻ hãnh tiến vô liêm sỉ (Richard Nixon, Henry Kissinger…), rất tự hào về cường quốc Mỹ, nhưng có ý thức về sự cho vay nặng lãi nghiệt ngã của họ; sau đó là những nhà quản lý lạnh lùng và có phương pháp, quá thông minh nhưng cũng quá uyên bác để trở nên thực sự giàu trí tưởng tượng (Al Gore); tóm lại, trong số những ông chủ cuối cùng của đế chế này, một số quyết chiếm giữ nguồn của cải cuối cùng, một số khác nhằm vào công trình đang hấp hối mặc dù biết rằng con bệnh đó, dù có thể không cứu sống được, phải dựa vào sự giàu có của họ. Liệu nước Mỹ của Barack Obama có được những tinh hoa có khả năng đảm đương ván bài địa chính trị mới của thế giới hay không? Nhiều chính khách chỉ bộc lộ khả năng đó một cách rất từ từ. Franklin D.Roosevelt, người rất có sức cuốn hút nhờ tư chất thông minh của mình, tìm kiếm mọi cách, phá hoại ngầm Hội nghị Luân Đôn (âm mưu cuối cùng nhằm cứu vớt sự hợp tác quốc tế), tuân theo tính chính thống chặt chẽ về ngân sách và chỉ tự khẳng định như là “vị tổng thống của thế giới” kể từ năm 1939 khi dần dần, một cách kiên trì, ông tiết lộ với người Mỹ ý nghĩ sâu sắc của mình: dù bạn muốn hay không, bạn vẫn phải tiến hành chiến tranh! Như vậy, phải chăng Obama, giống như Roosevelt của những năm từ 1933 đến 1938, đang trong thời gian thử thách? Nhưng không chỉ có những tư cách của các cá nhân: liệu nước Mỹ của những năm 2000 còn có sự nhiệt tình, niềm tin vào chính mình và sự ngây thơ của nước Mỹ trong những năm 1930 hay không?
Phủ nhận hay chấp nhận sự suy tàn?
Phủ nhận sự suy tàn là câu trả lời thuộc về bản năng của bất kỳ cường quốc nào đang thu mình lại. Trong thời Đế chế La Mã đang tàn, phải chịu những thất bại nặng nề cả trước những kẻ ngoại xâm lẫn trước Ba Tư của triều đại Sassanides, sự hùng biện đã được xác lập là không thể đụng đến: Hoàng đế là và chỉ có thể là người chưa từng bị đánh bại và bất khả chiến bại. Nếu không bao giờ có một hiệp ước qui định trao những khoản tiền vàng lớn hoặc những nhượng bộ về lãnh thổ cho kẻ thù, thì những quyết định này không phải do sự yếu kém của Hoàng đế này mà trái lại chúng được giải thích bằng sức mạnh tuyệt đối của ông, điều này cho phép ông tỏ ra độ lượng và trao những món quà cho đối thủ. Ngày 14/7/1939, quân đội Pháp, khi diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées, tự cho mình là quân đội hàng đầu của thế giới thêm vài tháng nữa. Sự suy tàn không còn tồn tại chừng nào thử thách của chân lý không xảy ra: đó là sự đối chiếu với thực tế.
Có cả nghìn cách rất được biết đến để quản lý sự suy tàn: tập hợp kẻ thù thông qua mọi đặc ân (kẻ dã man nào lại không cảm thấy vinh hạnh khi kết hôn với một công chúa thuộc dòng dõi cao sang?); tuyển mộ các cường quốc yếu thế dự khuyết gửi quân đội của họ chống lại kẻ thù, đổi lại những nước cộng tác này tiếp nhận những đền bù tài chính; tìm kiếm các đồng minh (nếu trong tình trạng khẩn cấp thì sẽ không ai có thể bị loại trừ!) Người đang cầm quyền không thể đành lòng ghi nhận và giải thích sự suy tàn. Ông luôn phải đề ra một lối thoát, một tương lai, một dự kiến, một điều gì đó để làm. Trong những năm 1950-1960, với việc xây dựng châu Âu, Pháp vượt qua sự biến mất của đế chế thực dân và Đức vượt qua những thảm họa trong nửa đầu của thế kỷ 20. De Gaulle đã nói: “Pháp phải xử sự như một cường quốc lớn vì họ không còn là cường quốc lớn nữa.” Trong những năm từ 1969 đến 1972, cuộc Chiến tranh Việt Nam thật uổng phí đối với Mỹ, cặp đôi Nixon-Kissinger đưa ra cuộc đối thoại với Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Hai ông này biến đổi một cách tuyệt diệu thời điểm thất bại của cường quốc Mỹ thành một giai đoạn khẳng định lại huy hoàng của cường quốc này.
Liệu Chính quyền Obama có thể suy ngẫm và giải thích cấu trúc mới của thế giới hay không? Trước mắt, không có hoặc gần như không có gì gợi lên điều đó. Barack Obama đòi hỏi các đồng minh của mình phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, nhưng khi người đứng đầu nhà nước suy yếu, những người dưới quyền ông không bao giờ vội vàng thỏa mãn những yêu cầu của ông. Ở hai khu vực trọng yếu nhất đối với Mỹ, sự mơ hồ đã chiến thắng.
Trước tiên, là khu vực Trung Đông. Ở khu vực này, một sự xét lại đau lòng rất có khả năng xảy ra. Sau những sa lầy ở Iraq và Afghanistan, không một bên liên quan nào ở khu vực – từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến Iran, từ Arập Xêút tới Ai Cập – có thể tin tưởng vào một cam kết nặng nề về quân sự của Mỹ. Chẳng còn điều gì gợi lên sự thám hiểm và sự ngờ vực hơn một nhà bảo trợ chỉ có thể tin được một nửa. Nhưng liệu Chính quyền Obama có thể chấp nhận rằng Mỹ không che đậy và sẽ không bao giờ gây chiến để ngăn cản Teheran đạt được các vũ khí hạt nhân hay không? Liệu Chính quyền Obama có sự táo bạo, ý chí và khả năng để tổ chức một ván bài mới ở Trung Đông – một ván bài trong đó sự bảo trợ của Mỹ có thể được thay thế bằng sự trở lại của “hệ thống cân bằng”, “những nước lớn” ở Trung Đông được thúc giục để triệt tiêu lẫn nhau dưới sự giám sát ngày càng mang tính tượng trưng của Washington?
Sau đó, là châu Á-Thái Bình Dương. Theo quan điểm của một nhà địa chính trị giàu kinh nghiệm, một sự quản lý chung Washington-Bắc Kinh được coi là thể thức rõ ràng nhất của tương lai để quản lý khu vực Thái Bình Dương rộng lớn và bờ biển châu Á. Nhưng thế giới của những năm 2000 không phải là thế giới của thế kỷ 19, cũng không phải là thế giới của cuộc Chiến tranh Lạnh. Một cuộc chơi tay đôi liệu có thể được chấp nhận đối với tất cả những “người khổng lồ nhỏ bé” (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…) buộc phải lùi lại vị trí của những khán giả khâm phục hay không? Thêm vào đó, một sự quản lý chung là không ổn định về mặt cơ cấu. Mỗi nước trong số hai nước chủ chốt đều khát khao được “bình đẳng” hơn nước kia. Những nước khác, những “nước nhỏ”, kẹp giữa hai “nước lớn”, tất yếu cảm thấy lo ngại. Họ đang tìm cách tránh những điều bất lợi và lợi dụng sự chia rẽ của những gã khổng lồ. Sự song quyền Washington-Bắc Kinh chỉ có thể trở thành một tiến trình tỉ mỉ, đa dạng, lâu dài, phức tạp và được kiểm soát chặt chẽ. Trước mắt, những tấm biển báo: “Chú ý, công trường phía trước” thậm chí còn không được dựng lên!
Sau Mỹ có phải là Trung Quốc?
Sau Tây Ban Nha của Charles-Quint và Philippe II là Hà Lan của những kho giữ hàng ở Amsterdam. Sau Hà Lan là nước Anh, bà chủ của các đại dương. Sau nước Anh là Mỹ. Và sau Mỹ có thể là…Trung Quốc.
Sự tăng cường của quá trình toàn cầu hóa được ghi nhận trong vòng những thập kỷ gần đây có thể làm xuất hiện một cường quốc đế chế tối cao. Cường quốc này, nối tiếp Mỹ, có thể hoàn thành điều mà Mỹ đã bắt đầu: thiết lập một quyền cai trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong một tương lai có thể dự kiến, Mỹ sẽ không có nước nào thay thế. Nước thay thế phải thỏa mãn 3 điều kiện mà Mỹ đã thỏa mãn một cách chính xác.
- Một sự kết hợp giữa những quân chủ bài, những thành công, những thắng lợi có thể biến nước thay thế đó thành cường quốc mới không thể khác được. Mỹ đã leo lên vị trí hàng đầu bằng những tư chất trời phú cũng như bằng những hành động của họ. Hiện nay, không một cường quốc nào có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn tương đương. Trung Quốc có thể trở thành quốc gia lâu đời nhất trên thế giới; dân số Trung Quốc vẫn đông nhất… Nhưng xét về mặt uy tín, Trung Quốc không có những thắng lợi ở quy mô toàn cầu; họ đã không làm đổi mới được thế giới; mức tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng mạnh của họ không đủ để nâng họ lên thành nước khổng lồ về địa chính trị. Cho đến nay, chiến tranh sẽ trở lại khi chỉ định kẻ, sau thắng lợi của họ, chịu trách nhiệm cho ra đời trật tự tương lai. May sao, một cuộc xung đột tương tự với hai cuộc chiến tranh thế giới dường như bị loại trừ, các nước đều biết rằng cái giá phải trả có thể quá lớn. Vậy thì điều gì có thể trở thành thử thách thật sự sẽ lựa chọn ông chủ mới của hành tinh?
- Một vị trí trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu. Sức mạnh tối cao, ít ra cũng kể từ khi có những phát minh vĩ đại, đòi hỏi nằm ở trung tâm của những mạng lưới tạo ra của cải: Amsterdam vào thế kỷ 17, Luân Đôn từ thế kỷ 18 đến Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, New York kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới. Phải chăng thủ đô sắp tới sẽ là Bắc Kinh – hay, đúng hơn là Thượng Hải, trung tâm tài chính mới của thế giới? Hẳn là giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng họ có khả năng nhận lời thách thức này. Triển vọng đó không thể bị loại trừ. Nó đòi hỏi Trung Quốc phải có một sự lao động kiên trì sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Hơn nữa, Trung Quốc lại đang giữ một con bài quyết định: cộng đồng Hoa Kiều ở nước ngoài. Trở ngại lớn hơn đến từ thế giới giống như trong những năm 2000: các nguồn của cải tăng lên và có ở khắp nơi; những người điều hành ước tính tới con số hàng tỷ; cuộc cạnh tranh xung quanh những nguồn của cải này thật ác liệt và hỗn độn. Bất cứ trung tâm mới xuất hiện nào cũng chỉ có thể gây ra một sự cạnh tranh hết sức mãnh liệt nhằm chặn đứng sự phát triển của nó.
- Một thông điệp toàn cầu. Kể từ khi đang được thai nghén, trước cả khi giành được độc lập, Mỹ đã tự cho mình là một phòng thí nghiệm của nhân loại. Thông qua thuyết ý chí của họ, Mỹ đã cụ thể hóa ý tưởng về một mảnh đất dân chủ. Và Trung Quốc, thuộc về thuyết phổ độ nào? Đạo Khổng chăng? Kể từ khi xuất hiện vào thế kỷ thứ 6, nó đã tồn tại trong tâm hồn Trung Quốc. Liệu đạo Khổng có thể được toàn cầu hóa, được xuất khẩu tới tất cả các khu vực không có người Trung Quốc trên thế giới hay không? Trong những năm 1990, một đạo Khổng hiện đại, với thuật ngữ “những giá trị châu Á”, trở thành ngọn cờ của phong trào phục hưng châu Á. Những người phát ngôn chủ yếu của đạo này chính là người sáng lập của Singapore, Lý Quang Diệu và Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mohamad Mahathir. Để vượt qua phương Tây, châu Á phải phát triển một chủ nghĩa tư bản đặc thù, “mang tính hữu cơ”, tất cả các nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế và xã hội hội nhập trong một cơ cấu duy nhất, cha mẹ và con cái, ông chủ và công nhân cùng hoàn thiện trong sự hài hòa của những cân bằng vĩnh cửu. Những giá trị này gợi lại chủ nghĩa tư bản sông Ranh trong đó các nhà công nghiệp và chủ ngân hàng có một cuộc hôn phối vĩnh cửu và tất nhiên là hạnh phúc. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở châu Á vào cuối những năm 1990 đã biểu lộ một bức tranh hoàn toàn khác: với những “sự hài hòa tuyệt vời”, người ta đặc biệt chứng kiến những sự đoàn kết đã được thiết lập – của các gia đình và tổ chức mafia… – thù địch với bất kỳ sự thay đổi nào.
Một kết cục tốt đẹp chăng?
Không còn là cường quốc số một nữa! Liệu Mỹ có thể chấp nhận điều đó hay không, trong khi họ vẫn luôn là nước đứng hàng đầu? Liệu cường quốc lớn nhất thế giới có thể đạt tới sự khôn ngoan và khiêm tốn? Như Cincinnatus, vị tướng-dân thường người, sau khi đánh bại những kẻ thù của thành Roma, đã trở lại với đồng ruộng, liệu Mỹ, với sứ mệnh đã hoàn thành, có sẽ trở lại với số phận chung để trở thành một quốc gia trong số các quốc gia khác hay không? Giống như MacArthur đã nói về những người lính vĩ đại, những cường quốc ngoại lệ, cũng vậy, họ không biến mất mà tan biến trong sự vĩnh cửu. Dù sao, trở thành một trong số những cường quốc khác, chẳng phải đó là dự định của Mỹ ngay từ năm 1945, khi họ tổ chức hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc tại San Francisco đó sao?
Bất kỳ một cường quốc số một nào đều biết rằng đến một ngày nào đó, họ tất không còn là như vậy nữa. Một nhà vô địch có thể ra khỏi trường đấu hoặc về hưu khi anh ta có cảm giác không còn là người giỏi nhất nữa. Một cường quốc thì không có sự lựa chọn này.
Một ngày nào đó, liệu một tổng thống có can đảm và những lời lẽ cho phép nghĩ và giải thích về sự giáng cấp không thể tránh khỏi này không? Roosevelt , với tài thuyết phục của mình, đã phải mất nhiều năm tháng để làm cho dân tộc Mỹ chấp nhận rằng họ phải gây chiến. Vả lại, ông có may mắn được kẻ thù giúp đỡ (sự tấn công bất ngờ ở Trân Châu Cảng). Liệu Barack Obama có thể trở thành vị tổng thống nhận thức được về một thế giới hậu nước Mỹ hay không? Cho đến nay, chưa có điều gì gợi ra điều đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét