Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

BBC chất vấn Ngoại trưởng Anh về TQ

Cập nhật: 13:03 GMT - thứ tư, 28 tháng 9, 2011

Nhà báo Jeremy Paxman nổi tiếng là hỏi khó khi chất vấn các chính trị gia ở Anh
Nhân chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc sang Anh, nhà báo kỳ cựu của BBC, Jeremy Paxman đã chất vấn Ngoại trưởng William Hague về 'đối thoại chiến lược' với Trung Quốc.
Chuyến thăm của nhân vật cao cấp nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đến London hôm thứ Hai 26/9, sau chuyến thăm tương tự tới Paris, có mục đích giúp Bắc Kinh nâng cao quan hệ với các nước châu Âu đang dính líu vào Trung Đông.
Được biết chủ đề Libya và Syria đều được cách lãnh đạo Pháp và Anh bàn với vị khách Trung Quốc.
Người dẫn chương trình TV Newsnight, Jeremy Paxman, đã ghi nhận ý tưởng từ các ban Tiếng Việt và Tiếng Trung của BBC World Service để đem câu chuyện ra hỏi Ngoại trưởng William Hague trước giờ ông Hague tiếp ông Đới Bỉnh Quốc.
Đầu tiên, Jeremy Paxman, người nổi tiếng có ngôn ngữ sắc bén, thậm chí áp đảo khi phỏng vấn chính giới Anh, đã hỏi liệu cách hành xử của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an có giúp ích gì cho Ngoại giao Anh không và được ông Hague trả lời:
William Hague: Trung Quốc thường cổ vũ cho chính sách không can thiệp vào nội bộ quốc gia khác. Do đó họ thường bất đồng quan điểm về những chuyện như thế này với chúng ta. Tuy nhiên, mấy tuần vừa qua thì họ đã giúp trong chuyện Libya bằng cách tiến tới đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với nước Libya mới. Tại New York, chúng tôi đang bàn tới chuyện Syria. Khi gặp ông Đới Bỉnh Quốc trong buổi đối thoại chiến lược tôi cũng sẽ nói thêm về vấn đề này nhằm tạo ra một số tiến triển.
Jeremy Paxman: (giọng ngạc nhiên) "Đối thoại chiến lược" là cái thứ gì thế?
William Hague: (cười hơi lúng túng) Thì như cái tên của nó đã nói rồi đó. Đó là hai quốc gia – Trung Quốc và Vương quốc Anh – nói chuyện với nhau về các vấn đề thế giới. Đó là mục tiêu của ngoại giao, đối thoại với người mình đồng ý và kể cả với người bất đồng với mình.
Jeremy Paxman: Nhưng họ là những kẻ tin vào cách chiều lòng các chế độ độc tài tay còn dính máu, những chế độ mà chính ông đã nói là ‘cần phải dẹp bỏ khỏi mặt đất này’?
William Hague: Dĩ nhiên là sẽ có bất đồng trong đối thoại chiến lược. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyện để mà đồng ý với nhau. Nếu anh ám chỉ chúng ta không nên có quan hệ ngoại giao, đối thoại với các quốc gia có quan điểm chính sách đối ngoại khác với chúng ta thì mình sẽ có nền ngoại giao khập khiễng.
Jeremy Paxman: Ông sẽ nói sao với những người đang lên tiếng rằng các chính phủ như Anh và Pháp nên nhanh chóng bỏ cái thói quỳ gối khi giao thương với các nước như Trung Quốc và Nga vốn đang tìm cách tạo tính chính danh cho những thể chế độc tài?
William Hague: Ồ, tôi không nghĩ nói như vậy là đúng đâu như điều chúng ta chứng kiến trong trường hợp ở Libya, và hiện tại là chế độ ở Syria, các nước Châu Âu có thể tạo ra áp lực đàn áp lớn. Trung Quốc và Nga thường cảm thấy họ phải tự vệ trước vấn đề này và cho rằng chúng ta thường muốn gì được nấy trong nhiều lúc.
Jeremy Paxman:Đúng rồi, nhưng họ đã ngăn chặn lệnh cấm vận áp dụng với Syria.
Ông Đới Bỉnh Quốc (trái) và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật (phải)
Trung Quốc bị phê là thường hỗ trợ các chế độ độc tài
William Hague: Đến bây giờ thì thế. Họ chống cấm vận nhưng chúng ta vẫn có thể gây áp lực, theo cách của mình. Họ vẫn chống nhưng dĩ nhiên tình hình đang ngày càng xấu đi ở Syria. Ai chống cấm vận thì sẽ ở vào thế càng ngày càng yếu thôi. Đấy là điều chúng tôi đang muốn chỉ ra cho lãnh đạo các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi. Điều quan trọng chúng ta phải nhận ra là chúng ta đang ở trong một thế giới mà không phải tự nhiên mà các nước đồng ý với nhau. Thế nên tạo ra áp lực lên các thể chế là điều đúng đắn cần làm.
Jeremy Paxman:Theo ông, bao nhiêu người nữa sẽ phải chết trước khi Trung Quốc và Nga thay đổi ý định của họ?
William Hague: Ông không phải hỏi câu đó, vì đây chính là lập luận mà tôi đang cố thuyết phục họ. Dĩ nhiên là có những quốc gia luôn nói rằng họ không muốn can thiệp vào nội bộ quốc gia khác, nhưng lập luận bắt bẻ lại lập trường đó là nếu chúng ta biết rằng sẽ có một trường hợp giống như chuyện Rwanda những năm 1990 làm hàng triệu người chết thì chúng ta phải can thiệp. Lập trường rõ ràng là phải can thiệp. Thế nên chúng ta phải đặt ra câu hỏi, phải đợi tình hình tệ đến mức nào mới hành động mạnh hơn? Đây là vấn đề đang được tranh cãi giữa các quốc gia hiện nay. Chúng ta đang dự phần vào tranh cãi đó. Chúng ta cần tăng cường tạo ra áp lực lên Syria, chúng ta cần Hội đồng Bảo an lên tiếng và hiện đang tiến hành thực hiện điều đó.
Jeremy Paxman:Như ông đã nói, câu hỏi trọng yếu là phản ứng của họ như thế nào khi được hỏi phải đợi cho bao nhiêu người nữa phải chết, họ đã nói gì?
William Hague: Nhiều nước cứ nói là họ không tin vào việc can thiệp nội bộ quốc gia khác. Họ sợ tạo ra tiền lệ làm bất ổn thêm tình hình khu vực này theo hướng không biết được. Tuy nhiên, tôi đáp lại rằng khu vực này đã bất ổn rồi và tình hình sẽ càng bất ổn thêm nếu để cho chế độ độc tài giết dân của họ. Ông thấy hướng tranh luận rồi đó. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là hướng chính sách đối ngoại sắp tới sẽ tiến triển. Có nhiều cường quốc mới nổi trên thế giới và họ không có chính sách đối ngoại giống như chúng ta. Họ không sẵn sàng can thiệp như chúng ta trong mấy thập kỷ qua. Tranh cãi sẽ còn diễn ra dài dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét