Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

GIỮA U MÊ VÀ HOẠN NẠN

https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/684379982364426

Đây không phải là một bài báo được phổ biến rộng rãi hay được viết để thu lợi nhuận. Đây là bản báo cáo của quỹ Konrad Adenauer, đăng trên trang web riêng của họ mà tôi phải vào tận nơi lôi ra.
Quỹ Konrad Adenauer là một tổ chức của Đức tài trợ cho Việt Nam hàng loạt các chương trình “công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững” – đồng thời giúp Việt Nam hướng đến việc “thực hiện ngày càng tốt hơn ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, trích lời Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Khi ông giám đốc quỹ Konrad Adenauer đến thăm Việt Nam thì ông được chính chủ tịch nước kiêm tổng bí thư tiếp đón long trọng và báo chí của chính phủ đều phấn khởi đưa tin, cung kính gọi ông Bernhard Vogel là “ngài”. Ngài Bernhard Vogel và chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Chỉ nhìn cách xưng tụng là biết sức mạnh đồng tiền của quỹ Konrad Adenauer ra sao, ai chưa hiểu hết, đọc báo chính phủ:
http://www.mofahcm.gov.vn/…/n…/nr040807105001/ns080201140413
Thành ra đây là bản báo cáo nghiêm túc của những nhà tài trợ cho Việt Nam chứ không phải bài chửi bới của bọn phản động. Họ cho Việt Nam tiền, dĩ nhiên họ phải quan tâm theo dõi tình hình để biết tiền mất đi đâu. Và những báo cáo định kỳ của họ là khách quan và thẳng thắng.
*
Đối phó với Covid-19 ở Đông Nam Á
💥 GIỮA U MÊ VÀ HOẠN NẠN
Tác giả Isabel Weininger, VTP dịch
07. 04. 2020
https://www.kas.de/…/-/conte…/zwischen-ignoranz-und-notstand
Tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á đều o bế mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc, nó chỉ bị hạn chế một cách rụt rè vài tuần sau khi dịch coronavirus SARS-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán. Myanmar, Lào và Việt Nam có chung biên giới đất liền với Trung Quốc, một phần biên giới hoàn toàn để trống. Tuy nhiên, số ca nhiễm được báo cáo chính thức so với toàn thế giới lại không đáng kể. Mười một quốc gia này có những phản ứng đối phó với đại dịch rất khác nhau.
Trong khi các trường học ở Việt Nam đã bị đóng cửa từ đầu tháng 2 (nhưng các cửa hàng và nhà hàng vẫn còn mở cửa đến tháng 3) thì ở các nước như Campuchia, Philippines và Indonesia phải một tháng sau đó các biện pháp chống dịch mới được áp dụng. Rồi những điều này kết thúc nhanh chóng bằng lệnh giới nghiêm gắt gao và tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Ngay cả khi việc so sánh trực tiếp giữa các quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á là không khả thi và vẫn còn quá sớm để thấy trước hậu quả của cuộc khủng hoảng Corona tác động lên cơ cấu chính phủ, thì vấn đề này cũng vẫn đáng để xem xét kỹ lưỡng hơn. Trong toàn khu vực Đông Nam Á với khoảng 600 triệu dân, theo dữ liệu chính thức, cho đến nay chỉ có 315 ca nhiễm tử vong vì Coronavirus (tính đến ngày 3 tháng 4 năm 2020). Các biện pháp được các chính phủ áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus không chỉ chậm trễ mà còn hỗn tạp, nhưng nhìn chung rất gay gắt và mang tính trấn áp. Một số quốc gia có thể bị buộc tội là không chỉ chống virus mà lợi dụng cơn hoạn nạn để chống cả phe đối lập chính trị trong nước. Bên cạnh tổn thất rõ rệt của nền kinh tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng tôn giáo cũng phải thay đổi hoạt động, và các lễ kỷ niệm dự trù cũng bị xóa bỏ.
Mặc dù Singapore là một ví dụ rất tích cực trong cuộc chiến chống lại virus, thì các quốc gia trong cộng đồng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vẫn cần sự giúp đỡ của hai cường quốc kình địch là Trung Quốc và Hoa Kỳ, để chống lại đại dịch. Vậy đâu là đặc thù của việc đối phó với đại dịch Covid 19 ở Đông Nam Á và tại sao các phản ứng của chính phủ lại chậm trễ? Người dân thích ứng với các biện pháp ra sao? Và giữa các quốc gia Đông Nam Á có cơ chế phối hợp nào với nhau không?
*
Ít ca nhiễm mặc dù ở gần Trung Quốc ⚡️
Tổng số ca nhiễm ở Đông Nam Á vẫn thấp hơn đáng kể so với ở châu Âu. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, người ta cho rằng các con số không tương ứng với tình hình thật sự và số ca nhiễm không được báo cáo cao hơn rất nhiều, do các ca nhiễm không được phát hiện. Để tạo được một tấm hình gần với thực tế của số lượng các ca nhiễm, thì ở đây thiếu hoàn toàn bộ dụng cụ xét nghiệm và thiếu cả năng lực y tế. Ngoài ra, có thể giả định rằng thông tin chính thức từ các quốc gia độc tài thì luôn luôn thiếu chân thật.
Việc các nước láng giềng của Trung Quốc - nước Lào xã hội chủ nghĩa và Miến Điện ban đầu không báo cáo bất kỳ ca nhiễm nào, cũng như Brunei, Đông Timor và Indonesia, mặc dù mỗi ngày đều có những chuyến bay trực tiếp thông thương với Vũ Hán, nơi phát sinh virus, đã làm dấy lên những nghi ngờ thích đáng về tính chính xác của thông tin. Tất cả các quốc gia này đều hưởng lợi từ đầu tư, du lịch và viện trợ phát triển của Trung Quốc. Ví dụ, Indonesia mỗi năm có hai triệu khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu đến Bali. Theo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, 5.000 người Trung Quốc đã ở Indonesia vào tháng 2 năm 2020, khi mà dịch bệnh đã đến giai đoạn nghiêm trọng tại tỉnh Vũ Hán và Hồ Bắc. Hai trăm trong số này đến từ Vũ Hán và hầu hết không hề được kiểm dịch hoặc xét nghiệm sau đó. Riêng tại Thái Lan, ngay từ ngày 8 tháng 1 đã có một ca nhiễm virus corona chính thức được xác nhận, là ca bệnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 3 tháng 4 năm 2020 [i], số người nhiễm bệnh ở Malaysia (3.116), Philippines (2.633), Thái Lan (1.875) và Indonesia (1.790) tăng mạnh và tăng gấp đôi trong thời gian năm đến bảy ngày. Việt Nam (233), Campuchia (110) và Myanmar (16) báo cáo số ca nhiễm mắc bệnh thấp nhất trong khu vực, với những con số hầu như không tăng trong tuần. Đến nay, bốn quốc gia đã báo cáo không có ca tử vong nào do Covid-19 (Campuchia, Lào, Đông Timor và Việt Nam) và Myanmar chỉ có một người chết. Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực với 170 người chết, có số người chết cao nhất, đứng trước Philippines (107) và Malaysia (50).
Việt Nam là ví dụ cho thấy tỷ lệ tăng thấp, so với Đức: Cả hai nước đều có 16 ca nhiễm vào ngày 17 tháng 2. Bốn tuần sau, Việt Nam có 61 ca nhiễm, Đức 7.272; Hai tuần sau, vào ngày 30 tháng 3, Việt Nam báo cáo 194 người mắc bệnh, Đức có 62.435. Sự gia tăng mạnh mẽ ở Malaysia từ 129 ca lên 1.030 ca trong vòng một tuần là do một cuộc tụ họp tôn giáo đông đảo của cộng đồng Tabligh vào cuối tháng 2 ở miền nam Kuala Lumpur.
Hơn 15.000 người đã tham gia sự kiện, vài ngàn người trong số họ từ nước ngoài, bao gồm từ các nước láng giềng Indonesia và Campuchia, những người này đã thử nghiệm dương tính sau khi trở về nước.
Việc tất cả các nước Đông Nam Á ban đầu báo cáo số lượng ca nhiễm rất thấp cho thấy các chính phủ đã cố gắng làm giảm mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng để không phá vỡ mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Ngoài ra, do sự yếu kém năng lực về y tế ở các nước kém phát triển, xét nghiệm đã không được thực hiện đầy đủ để đưa ra một đánh giá thực tế về tình hình. Có sự lo sợ rằng, tình hình ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém như Campuchia, Myanmar và Indonesia sẽ xấu đi nhanh chóng trong vài tuần tới, và số ca mắc bệnh sẽ tăng vọt mà không được chú ý.
*
Các biện pháp từ đóng cửa trường học đến lệnh nổ súng ⚡️
Để phân tích các biện pháp của chính phủ chống lại sự lây lan của SARS-Cov-2, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford ở Anh đã phát triển một khung điểm chuẩn dành cho các biện pháp đối phó nghiêm ngặt trong cuộc chiến chống lại Corona theo tiến trình thời gian đối với số ca nhiễm, cho hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. [ii] Các biện pháp được áp dụng: đóng cửa trường học, nơi làm việc và giao thông công cộng; hủy bỏ các sự kiện công cộng; phát triển các chiến dịch cung cấp thông tin cho quần chúng, hướng dẫn việc hạn chế đi lại và hạn chế du lịch; thông qua các biện pháp tài chính và chính sách tiền tệ; đầu tư khẩn cấp vào hệ thống y tế; và phát triển vắc-xin.
Trên thang điểm từ 1 đến 100 này, số điểm được trao cho các biện pháp phòng chống trong mối tương quan với số lượng các ca nhiễm, ví dụ, Đức đã ghi được 71 điểm.
Vào cuối tháng 3, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các quốc gia Malaysia với 86 điểm và Indonesia với 67 điểm cũng như Thái Lan (67 điểm) cho việc thực hiện các biện pháp tương đối nghiêm ngặt.
Việt Nam ban đầu được ở đây đánh giá chỉ với 42 điểm vào tháng 2, sự tiến triển cho thấy rằng, mặc dù với số ca nhiễm thấp đã phản ứng ngay lập tức, nhưng các biện pháp đã không được thắt chặt cho đến ngày 30 tháng 3, khi điểm số được nâng lên 67.
Myanmar nhận được 48 điểm, các quốc gia khác như Philippines và Campuchia hiện vẫn còn vắng mặt trong “hệ thống xếp hạng nghiêm ngặt”. Người ta thấy Trung Quốc ở mức 67 điểm, điều này có thể được giải thích bởi thực tế là lệnh giới nghiêm ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được nới lỏng trở lại vào cuối tháng 3.
Nếu người ta nhìn kỹ hơn vào các biện pháp của chính phủ Đông Nam Á , việc đóng cửa trường học đã được áp dụng ở tất cả các quốc gia - ngoại trừ Singapore. Lệnh cấm đi lại có hiệu lực tại Philippines vào ngày 17 tháng 3, tại Malaysia một ngày sau đó và tại Việt Nam vào ngày 30 tháng 3. Tình trạng khẩn cấp quốc gia lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam vào đầu tháng 2, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đã được tuyên bố tại Philippines vào ngày 8 tháng 3, tại Indonesia vào ngày 23 tháng 3 và tại Thái Lan vào cuối tháng 3. [iii] Philippines đã phản ứng muộn nhưng với các biện pháp rất nhất quán và gần như một nửa dân số bị cách ly, bên cạnh các biện pháp kiểm soát gắt gao.
Singapore được quốc tế công nhận là hình mẫu trong việc đối phó với đại dịch. Kể từ ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, việc quản lý dịch bệnh ở các thành phố quốc gia được căn cứ vào việc nhanh chóng xác định ổ dịch, và dò tìm các mối quan hệ và chuỗi lây nhiễm, cùng sự cách ly kỹ lưỡng các bệnh nhân và người tiếp xúc. Ngoài ra còn có thêm xét nghiệm rộng rãi và hệ thống truyền thông hiện đại, nhanh chóng, minh bạch. Cho đến nay Singapore vẫn còn tránh được lệnh giới nghiêm. Cuộc sống công cộng vẫn chưa đi vào bế tắc, nhưng những hạn chế đang dần được đưa ra. Tất cả các cơ sở giải trí đã bị đóng cửa kể từ ngày 27 tháng 3, trong khi các nhà hàng và cửa hàng vẫn mở. Nói chung, các nhóm tụ tập lên đến mười người được cho phép. Một trọng tâm khác của các biện pháp ở Singapore là các yêu cầu nhập cảnh rất nghiêm ngặt. Chính phủ cũng đã tạo ra một ứng dụng mới có tên "TraceTogether" để giúp xác định những người tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Phương tiện Bluetooth và ID được tạo ngẫu nhiên sẽ lưu giữ thông tin những người sử dụng di động ở gần nhau trong bán kính hai mét, trên cơ sở tự nguyện thông qua Bluetooth. Bằng cách này, chuỗi liên hệ có thể nhanh chóng được xây dựng lại khi có ca nhiễm khẩn cấp.
Một số chính phủ cũng đang sử dụng các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 để giải quyết những tiếng nói đối lập ở nước này. Ví dụ, nhiều sinh viên tại Thái Lan đã biểu tình vào tháng 3 chống lại việc giải tán Đảng Future Forward. Các cuộc tụ tập này đã bị chính phủ và trường đại học ngăn cấm. Trong một bản tường trình, tổ chức nhân quyền Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Thái Lan cũng đang hạn chế nghiêm trọng các phương tiện truyền thông và có dự định ngăn chặn các ý kiến phê phán về phản ứng của họ đối với nạn dịch Covid 19. Một nghệ sĩ đã bị bắt ở Phuket vì chỉ trích quá trình kiểm dịch ở sân bay thiếu hiệu quả. Ở Philippine cũng nổi lên sự bất bình đối với các lệnh giới nghiêm khắc nghiệt, vì vậy Tổng thống Duterte thậm chí đã ban hành lệnh nổ súng vào ngày 2 tháng 4, tuy nhiên cảnh sát sau đó chỉ thực hiện một cách dè dặt. [Iv]
Các biện pháp kiểm dịch và cách ly mạnh mẽ, cũng như lệnh giới nghiêm và cấm tiếp xúc, cũng can thiệp sâu vào các quyền căn bản và quyền tự do của người dân ở Đông Nam Á. Những phát triển này cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nếu không sẽ hình thành nguy cơ, khi lệnh thiết quân luật vì lý do nguy hại y tế quá lâu dài và chỉ là cái cớ, thì sẽ có thêm những chế độ đàn áp được hình thành.
*
Phản ứng của người dân và cộng đồng tôn giáo ⚡️
Cho đến nay, người dân ở hầu hết các quốc gia đã phản ứng tương đối bình tĩnh trước các biện pháp của chính phủ. Dân số Singapore đã từng nếm mùi khủng hoảng khi dịch SARS năm 2003 bùng phát. Lòng tin của họ vào chính phủ rất cao, vì vậy những biện pháp hạn chế ban hành đã được đa số dân chúng hưởng ứng. Ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, xét về tổng thể thì có sự đồng thuận lớn với các biện pháp chống dịch và biện pháp hạn chế của chính phủ.
Người dân ở Thái Lan, Philippines và Campuchia thì khác, họ cho thấy sự sợ hãi và sự hoang mang đối với tình hình. Còn ở Myanmar, hầu như không ghi nhận được bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi của người dân đối với các quy định vệ sinh và yêu cầu giữ khoảng cách với người xung quanh; ở đây, cái tội “nhập khẩu” Covid-19 được quy cho phương Tây. Việc Myanmar có đường biên giới dài 2.000 km với Trung Quốc, nơi có hàng ngàn người qua lại bất hợp pháp mỗi ngày, không là vấn đề đáng được lưu ý. Bởi vì, Trung Quốc đang là đối tác thương mại quan trọng và là bạn vàng về chính trị và kinh tế của Myanmar, mà báo chí truyền thông thì không đủ sức công khai chỉ trích Trung Quốc.
Vài tuần tới đây, nhiều nước Đông Nam Á cũng sẽ phải quyết định vấn đề hòa bình xã hội, vì nhiều ngày lễ kỷ niệm tôn giáo thường diễn ra ở khu vực đa sắc tộc này vào thời điểm này trong năm. Ngoài lễ Phục sinh của Kitô giáo, tháng ăn chay Ramadan cũng đang đến gần, vào dịp mà hàng triệu người thường trở về quê và có thể lan truyền vi-rút đi khắp nước. Hầu hết các lễ kỷ niệm đã bị hủy bỏ: Lễ mừng năm mới của Phật giáo vào giữa tháng Tư ở Myanmar cũng như Lễ hội Songkran, mừng năm mới của Thái Lan, sẽ được hoãn lại vào dịp Giáng sinh ở Đức. Tại Việt Nam, tất cả các lễ tôn giáo trên mười người đều bị cấm, chính quyền Philippine thì khuyên rằng các lễ và thánh lễ vào dịp Phục Sinh nên cử hành qua internet. Ngược lại, năm mới của Campuchia sẽ vẫn tiếp tục vào ngày 13 tháng Tư.
Trong vấn đề này, sự kiên nhẫn và hiểu biết của các cộng đồng tôn giáo là cần thiết và cuộc xung đột này một lần nữa cho thấy mối quan hệ gay gắt giữa tôn giáo và chính trị ở nhiều quốc gia trong khu vực. [v]
*
Hợp tác khu vực ASEAN và các đối thủ khác ⚡️
Các phản ứng với đại dịch Covid-19 tiếp tục cho thấy tính nhiếu nhất quán của các quốc gia Đông Nam Á. Tổ chức khu vực ASEAN có thể đáp ứng lại thách thức này với các cách tiếp cận đa phương. Bên cạnh nhiều chuyên gia, nhà báo Thái Lan Thitinan Pongsudhirak cũng kêu gọi các nước trong tổ chức ASEAN cùng hợp tác làm việc. Điều này sẽ đưa ra ba nhiệm vụ: Thứ nhất, mỗi thành viên ASEAN phải phát hiện và báo cáo đầy đủ các ca nhiễm trong phạm vi của họ. Thứ hai, toàn bộ khối ASEAN phải đáp ứng bằng cách trao đổi thông tin và phối hợp hiệu quả các chính sách để ngăn chặn sự lây lan hoặc làn sóng lây nhiễm thứ hai của virus. Và thứ ba, phải tìm ra một đường lối chống lại sự lạm dụng dịch bệnh để theo đuổi lợi ích quyền lực bên ngoài và chia rẽ cộng đồng ASEAN. Thật vậy, đại dịch Covid-19 có khả năng đánh đổ tất cả các thành tựu của tổ chức khu vực trừ khi người ta hướng tới hành động quyết liệt và trực diện, ông Pongsudhirak nói. [Vi]
Trong tình hình hiện tại, có vẻ như các quốc gia thành viên không chỉ hòa nhập rất kém vào cộng đồng chung ASEAN mà còn trốn chạy trở lại với chủ nghĩa dân tộc. Biên giới bị đóng kín và mỗi nước đang cố gắng ngăn chặn người nhiễm bệnh ở nơi khác vào đất nước của họ - những phản ứng tương tự cũng có thể thấy ở Liên minh châu Âu hiện nay. Bên cạnh sự khác biệt đáng kể về năng lực các hệ thống y tế khối ASEAN vẫn có những dấu hiệu của sự đoàn kết. Một nước phát triển tốt như Singapore, là ví dụ, đã hỗ trợ Myanmar bằng cách cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm hoặc gửi thiết bị y tế đến cho Indonesia.
Các đối thủ cạnh tranh quyền lực chính trị trong vùng muốn chiếm giữ vị trí hợp tác với các nước ASEAN là: Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nước láng giềng lớn Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ cho tất cả các nước và đã chứng minh điều này ở Thái Lan, Myanmar, Philippines và Indonesia một cách ầm ĩ qua truyền thông, bằng việc cung cấp khẩu trang (N95), bộ dụng cụ xét nghiệm, thuốc chống virus, thiết bị y tế, thiết bị bảo vệ cá nhân và thông qua quan hệ đối tác chiến lược là trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức. Ở Campuchia, virus được biến thành một tín hiệu chính trị rõ ràng: chỉ hạn chế du lịch đối với khách từ châu Âu và Hoa Kỳ nhưng cấm cửa hoàn toàn khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ở phía đối lập với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã cung cấp tổng cộng 18,3 triệu đô la cho các quốc gia cộng đồng ASEAN kể từ khi cuộc khủng hoảng corona bùng nổ để hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp. [vii]
Liên minh châu Âu vẫn ở phía sau và phản ứng một cách do dự: họ muốn duy trì trao đổi thương mại và hợp tác cùng với ASEAN phòng chống lại đại dịch Covid 19.
Một phối hợp hữu hiệu, cụ thể và song phương trong khối ASEAN sẽ rất cần trong tương lai, cùng với sự xây dựng bền vững của các hệ thống y tế quốc gia, cũng như sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế. Bước đầu tiên chắc chắn là kiến nghị về đại dịch corona lên Liên Hợp Quốc (LHQ), được Indonesia và Singapore cùng với các nước khác đưa ra, và đã được thông qua bởi 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc vào ngày 2 tháng Tư.
*
Kết luận ⚡️
Mối quan hệ thương mại và kinh tế sâu rộng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc đã không dừng lại ngay sau khi đại dịch Corona bùng phát. Sự lây lan của virus đã có thể phát triển trong khu vực trong một thời gian dài mà không có biện pháp đối phó và chỉ bắt đầu đạt đến đỉnh điểm trong những tuần tới. Nó có thể đưa đến các hệ lụy dự kiến ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn, cướp bóc hoặc bạo loạn và từ đó tác động lên sự ổn định và an ninh của các quốc gia, ở Đông Nam Á nhưng cũng là trên khắp thế giới. [I]
Phản ứng của các quốc gia đã rất chậm trễ cho đến khi phải áp đặt các biện pháp quyết liệt, trong đó bao gồm can thiệp vào quyền tự do của dân chúng, đóng cửa trường học và các quy tắc khẩn cấp, cho đến các lệnh giới nghiêm. Vào lúc này, Singapore là ví dụ tích cực duy nhất trong khu vực đã chứng minh được khả năng xử lý khủng hoảng của mình trong việc đối phó với virus. Các quốc gia còn lại rõ ràng đã thiếu chuẩn bị và các biện pháp của họ chủ yếu là can thiệp sâu vào các quyền tự do của người dân. Một lần nữa cho thấy sự đa dạng của các quốc gia Đông Nam Á và dù sao đi nữa, người ta vẫn mong muốn các giải pháp phối hợp chặc chẽ cũng sẽ được thực hiện ở ASEAN. Trong tương lai, các quốc gia nên đầu tư nhiều tiền hơn vào hệ thống y tế của mình và coi đại dịch luôn là nguy cơ tiềm ẩn cho an ninh quốc gia.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhìn thấy những nguy hiểm lớn nếu virus tiếp tục lây lan không được chú ý ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Đa số các nước Đông Nam Á cũng rơi vào nhóm rủi ro này. Do đó, trọng tâm trong những tuần tới chắc chắn cũng sẽ tập trung vào khu vực này và các quốc gia kém phát triển hơn.
*
**
Các chú thích trong bài xin tham khảo ở đường link bản gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét