https://nguyenvantuan.info/2022/07/09/nhung-nan-nhan-trong-vu-an-thien-am/
Nhóm luật sư đại diện Thiền Am mới công bố một loạt video [1-4] bàn về những ‘nạn nhân’ trong vụ án Thiền Am. Thấy những sự việc mô tả trong video rất thú vị, nên tôi tóm tắt những thông tin chánh trong cái note này, trước là cho tôi, và sau là chia sẻ cùng các bạn nào quan tâm đến vụ án.
Như các bạn đã biết, 6 người trong Thiền Am bị cáo buộc phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được ghi trong Điều 331 Bộ luật hình sự. Nói ngắn gọn, họ bị tội hình sự (chứ không phải dân sự).
Họ không bị cáo buộc bất cứ tội nào khác. Thế nhưng trên báo chí và truyền thông của Nhà nước thì họ bị cáo buộc vài tội danh khác. Mà, báo chí nói thì trích từ lãnh đạo cơ quan công an. Các luật sư làm đơn yêu cầu công an giải thích, nhưng lời giải thích của công thì không thoả đáng, thậm chí hiềm nghi và khó chịu.
Và, chính vì cái tội danh hình sự này là một chủ đề của rất nhiều bàn luận, thắc mắc, ngỡ ngàng của công chúng trong và ngoài nước. Để hiểu tại sao thắc mắc và ngỡ ngàng, chúng ta cần phải theo dõi 4 video clip mà nhóm luật sư đại diện Thiền Am lí giải. Vậy ai là nạn nhân? Xin thưa, 3 người/đối tượng tự xem mình là “nạn nhân” và muốn đưa 6 người Thiền Am vào tù là:
ông Thích Minh Thiện (tên thật là Trương Ngọc Toàn), Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An;
ông Thích Nhật Từ (tên thật là Trần Ngọc Thảo), Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì Chùa Giác Ngộ tại TPHCM; và
cơ quan công an huyện Đức Hoà.
Nhưng ngoài 3 ‘nạn nhân’ trên, còn có vài nạn nhân (không có ngoặc kép) khác nữa trong Thiền Am. Đây là những người không có dính dáng gì đến vụ án, nhưng lại trở thành nạn nhân thê thảm nhứt của công an, những kẻ côn đồ, và cả chức sắc tôn giáo. Đó là những chú tiểu và cô Bùi Ngọc Trâm (người chăm sóc các trẻ em mồ côi trong Thiền Am). Các luật sư bàn về từng nạn nhân một, và tôi tóm tắt những ý hay thông tin chính dưới đây.
‘Nạn nhân’ 1: Thích Minh Thiện đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An
Theo cáo trạng thì những bị can thuộc Thiền Am có những cách hành xử, nghi thức xâm phạm Đức Phật. Có ý kiến cho rằng những tượng Phật mà Thiền Am thờ cúng là bất hợp pháp.
Ông Thích Nhật Từ còn tố giác rằng Thiền Am đã “xúc phạm Đức Phật, mạo danh Đức Phật, làm ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo“.
Nhưng các luật sư xác định rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An không đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các luật sư hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An có đại diện cho Đức Phật hay không?
Thật ra, câu hỏi quan trọng hơn: Ai là Phật? Nên nhớ rằng Phật không phải là ‘Thượng Đế’ ở trên trời (như nhiều người nghĩ); Phật là người thật, người đã hoàn thiện được các phẩm chất tích cực và loại bỏ mọi phẩm chất tiêu cực. Người thường như chúng ta nếu tu tập tốt vẫn có thể trở thành Phật. Phật không phải chỉ là 1 cá nhân.
Do đó, các luật sư bác bỏ rằng tố giác của ông Thích Nhật Từ là vô căn cứ. Các luật sư còn đưa ra nhận xét rằng ông Thích Nhật Từ không có tư cách để phán xét những người trong Thiền Am vì ông ấy là người theo Phật giáo (cũng như người viết bài này), còn những người trong Thiền Am họ tu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Thích Nhật Từ phản bác rằng người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không cạo đầu, nhưng trong thực tế thì có người cạo đầu và mặc pháp phục. Phật Giáo khác với Bửu Sơn Kỳ Hương, và không thể áp đặt nghi thức của tôn giáo này (Phật Giáo) trên một tôn giáo khác (Bửu Sơn Kỳ Hương).
Theo các luật sư, ông Thích Nhật Từ và Thích Minh Thiện có thể nghĩ rằng Phật là của riêng họ, nhưng điều này sai vì Bửu Sơn Kỳ Hương (và nhiều tôn giáo khác) cũng thờ Phật và lấy triết lí Phật làm nền tảng.
Họ (các luật sư) còn tiết lộ rằng ông Thích Nhật Từ đã nhiều lần lôi kéo Thiền Am vào Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Và, khi Thiền Am không chịu theo Giáo hội của ông ấy, thì ông ấy quay sang bôi nhọ họ và vu cáo rằng Thiền Am xúc phạm Phật giáo. Các luật sư chỉ ra rằng hành vi lôi kéo, đe doạ của ông Thích Nhật Từ là một sự đàn áp tôn giáo và vi phạm pháp luật.
Tóm lại, đây là một cáo buộc yếu ớt nhứt, và theo biện luận của luật sư, người gọi là ‘nạn nhân’ có thể là chính là người vi phạm luật pháp, và ‘bị can’ (Thiền Am) mới chính là nạn nhân.
‘Nạn nhân’ 2: Cơ quan công an huyện Đức Hoà
Trong video 2 các luật sư bàn về nạn nhân thứ hai là cơ quan công an huyệt Đức Hoà, nhưng câu chuyện khá phức tạp. Tôi phải nghe 2 lần và đối chiếu với những gì tôi hỏi các cá nhân liên quan mới nắm được diễn biến và nguồn cội của sự việc. Câu chuyện có liên quan đến không chỉ công an, mà còn các nhân vật như ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai và con của hai người là cô Võ Thị Diễm My.
Cô Diễm My là bạn của Lê Thanh Huyền Trân (một thành viên trong Thiền Am), người từng đoạt giải Quán quân trong kì thi “The Voice”. Huyền Trân là trẻ mồ côi được ông Lê Tùng Vân nuôi dưỡng và cho đi học. Diễm My muốn ở lại Thiền Am để phụ giúp chăm sóc các trẻ mồ côi trong đó, nhưng ông Lê Tùng Vân không chịu vì chưa có sự đồng ý của ông Thắng và bà Mai. Sau này, ông Thắng và bà Mai đồng ý cho Diễm My ở Thiền Am, nên ông Lê Tùng Vân đã làm thủ tục đăng kí hộ khẩu cho cô ấy.
Tưởng như vậy là yên, ai ngờ vài ngày sau (10/10/2019) ông Thắng và bà Mai nhân danh “tìm con” dẫn một nhóm côn đồ chừng 50 người xông vào Thiền Am, khủng bố, đập phá tài sản, hành hung gây thương tích cho một số người trong Thiền Am, và cướp tiền mặt hàng trăm triệu và tài sản của những thành viên trong Thiền Am. Khi công an đến lập biên bản, Thắng & Mai tỏ ra biết lỗi và đã xin lỗi nhưng tài sản và tiền bạt thì đã mất. Diễm My không có mặt trong Thiền Am hôm đó.
Đến ngày 12/12/2019, Thắng & Mai tác động đến công an huyện Đức Hoà để mời Diễm My và bà Cao Thị Cúc (chủ hộ Thiền Am) lên ‘làm việc’ liên quan đến sự vụ ngày 10/10/2019. Có vài thành viên của Thiền Am đi theo lên cơ quan công an Đức Hoà. Nhưng thay vì làm việc, họ tách biệt Diễm My và bà Cúc. Mấy người của Thiền Am chờ lâu quá mà không thấy Diễm My xuất hiện, nên họ bắt đầu cuống cuồng (vì sợ bị cáo buộc là làm mất Diễm My). Khi hỏi công an viên Trần Quốc Thắng thì ông này nói là Diễm My đã theo gia đình về nhà!
Quá bức xúc trước cách hành xử của công an huyện Đức Hoà, mấy người của Thiền Am làm đơn khiếu nại lên Bộ Công An tại TPHCM và họ làm video để trần tình sự việc, với ý định là sự mất tích của Diễm My không phải do họ mà ra. Trong video, họ có tri hô rằng công an bắt cóc Diễm My và yêu câu trả Diễm My. Trong video, ông Lê Thanh Nhất Nguyên nói:
“Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi …” và “Nếu mà cái kết quả là không có đủ cơ sở để mà cáo buộc tội trạng xâm phạm gia cư bất hợp pháp hay các tội trạng trong này, tức là đây là một sự việc bỏ lọt tội phạm trầm trọng vô cùng chứ không phải thường.”
Công an huyện Đức Hoà vin vào câu nói đó và cho rằng họ là đối tượng bị hại, là ‘nạn nhân’ của Thiền Am.
Thật ra, câu chuyện tôi kể trên là phiên bản của công an. Còn phiên bản thật (người thật việc thật) thì rất khác. Trong một video clip phát ngày 1/11/2020, Diễm My lên mạng cho biết chính công an đã bắt cóc cô ấy, kéo lên một xe cứu thương và chở thẳng về nhà ông Thắng và bà Mai:
“… Tôi là cái người bị bắt cóc. Người công an ở phía sau ôm tôi vào lòng, hai tay ôm chặt, đè lên vú của tôi. Cái thằng đó tên là Bình. […] Tại sao nó dám đụng chạm đến thân thể con gái của tôi. Luật pháp nào cho phép nó làm điều đó […] Chính công an Bình, công an Thắng, và cả mấy chục công an trong cái đồn công an huyện Đức Hoà mới là tội phạm.”
Các luật sư biện luận và nhận định như sau:
Câu nói ‘công an bắt cóc’ của Lê Thanh Nhất Nguyên là không hợp lí. Tuy nhiên, luật sư cũng hiểu được nỗi bức xúc của Nhất Nguyên và những người trong Thiền Am khi thấy người mà họ chăm sóc (Diễm My) được mời lên đồn công an và không thấy trở về, họ cảm thấy có trách nhiệm. Từ đó, họ đã có một phản ứng không đúng. Nhưng phản ứng đó, tiểu tiết đó (câu nói ‘bắt cóc’) có đáng để tạm giam bị can suốt 6 tháng và cáo buộc là vi phạm điều luật 331?
Việc công an viên Trần Quốc Thắng mời bà Cúc và Diễm My đến trụ sở công an huyện làm việc là hợp pháp và đúng theo chức năng của ông. Nhưng vấn đề là ông Trần Quốc Thắng không khai báo tại cơ quan an ninh điều tra tại huyện Đức Hoà rằng ngày hôm đó ông thụ lí tin báo của ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai và tiến hành mời bà Cúc và Diễm My đến trụ sở làm việc.
Các luật sư nói rằng công an viên Trần Quốc Thắng đã “phục vụ cho ý đồ đen tối của ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai dẫn đến sau này xảy ra nghi án hành vi bắt giữ người trái phép của ông ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai và một số người khác. Trong đó có liên quan đến 1 xe cấp cứu được cho là phương tiện gây án đã đến trụ sở công an huyện Đức Hoà để can thiệp và cưỡng chế trái phép cô Diễm My trở về nhà nhằm tạo điều kiện cho ông Thắng giam giữ người.“
Ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai đã nhiều lần xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người sống trong hộ của bà Cao Thị Cúc. Những hành động này diễn ra liên tục và có tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng đến họ. Những sự vi phạm này đã được ông Thắng thổ lộ là ông đã ấp ủ từ tháng 10/2019, và diễn ra cho đến sau ngày 12/12/2019.
Ngày 10/10/2019, vợ chồng ông Thắng bà Mai dẫn một nhóm côn đồ tấn công vào Thiền Am. Họ khủng bố những người trong Thiền Am một thời gian, và một tên côn đồ tên là Vinh Hoá (nữ) gây ra thương tích đến 13% cho một người trong Thiền Am là Lê Thanh Nhị Nguyên. Cuộc khủng bố này có sự tiếp tay của công an, cán bộ an ninh, nhóm thám tử tự xưng, một số youtuber, và trang Đạo Phật Ngày Nay nhằm (1) điều tra, xác minh, kiểm tra và theo dõi trái phép khu vực Thiền Am; (2) tiếp tay ông Thắng dàn cảnh đưa cô Diễm My và bà Cúc rời khỏi nhà đến cơ quan công an để ông thực hiện hành vi tội phạm; (3) tiếp tay ông Thắng để bảo vệ vòng ngoài tránh người quá khích hay người tò mò; (4) có truyền thông thông báo rằng sự việc đó là hợp pháp chứ không phải như những người nạn nhân (Cao Thị Cúc) trình bày.
Ngoài hành vi xâm phạm nơi ở, huỷ hoại tài sản, trộm cắp tài sản trong ngày 10/10/2019, ông Thắng và Mai còn có hành vi bắt giữ người trái pháp luật vào ngày 12/12/2019 (ý nói bắt và giam giữ Diễm My). Theo chính lời ông Thắng, hành động vi phạm pháp luật của ông có sự tiếp tay của rất đông người, trong đó có các cán bộ thuộc cơ quan công an, kể cả cơ quan an ninh điều tra và cả một số người tự xưng là ‘lực lượng thám tử’, và tổ chức này theo ông Thắng nói là có ‘trên mấy chục người.’
Có một hành vi vi phạm nghiêm trọng: đó là ông Thắng cho biết đã nhờ cán bộ an ninh lắp đặt một camera trái phép trong căn hộ bên cạnh để theo dõi 24/24 toàn bộ các động tĩnh, người ra, người vào liên quan đến căn hộ bà Cao Thị Cúc (tức Thiền Am). Đây là một xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân của con người và trong đó đáng lên án (là theo lời ông Thắng) ông được cổ suý bởi chính những cán bộ cơ quan công an, trong đó kể cả lực lượng an ninh.
Trang web “Đạo Phật Ngày Nay” đã loan tin sai sự việc rằng ngày hôm đó, bà Cao Thị Cúc đã có tờ cam kết gởi đến công an đồng thời tự nguyện đưa cô Diễm My đến giao trả cho Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai. Nếu thông tin này đúng, các luật sư đề nghị trang Đạo Phật Ngày Nay cung cấp toàn bộ thông tin đến cơ quan an ninh điều tra, Toà án, hoặc các luật sư tham gia vụ án. Nếu không có thông tin thì trang Đạo Phật Ngày Nay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như sự việc được làm rõ.
Các luật sư đề nghị các cơ quan hữu trách cần phải làm rõ những cán bộ công an, cán bộ an ninh nào đã tiếp tay cho ông Thắng và bà Mai thực hiện những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật như vậy, và những cán bộ nào đã có hành vi bao che cho việc vi phạm pháp luật của ông Thắng và bà Mai, trong đó có việc xâm phạm quyền tự do của cá nhân, bằng cách lắp đặt camera trái phép và sử dụng một số thiết bị được xem là của cơ quan an ninh để thực hiện cái mục đích của ông Thắng.
Các luật sư hỏi có hay không có hành vi bắt giữ người (Diễm My) trái phép vào ngày 12/12/2019, và qua đó có sự tiếp tay của ông Trần Quốc Thắng (điều tra viên cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đức Hoà) và một số người khác, trong đó có cả sự tiếp tay của người lái xe cấp cứu và trang mạng “Đạo Phật Ngày Nay”.
Các luật sư nói rằng những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có tổ chức, liên tục, nhiều tội danh của ông Thắng, bà Mai, và đồng bọn và tổ chức tôn giáo cần phải được xác minh và làm rõ.
Các luật sư nhận xét rằng sự việc côn đồ kéo đến nhà mà công an không xử lí là một sai lầm. Nếu như ngày 10/10/2019 những hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của ông Võ Văn Thắng được xử lí nghiêm minh, kịp thời, không bỏ sót tội phạm thì không xảy ra sự kiện ngày 12/12/2019 hay sự kiện ngày 11/12/2020. Việc bỏ qua hành vi như thế sẽ dấy lên một hiện tượng xã hội. Ngay cả luật sư cũng bị người xâm nhập hay stalk văn phòng. (Xâm phạm chỗ ở. Lắp đặt camera là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân). Họ đề nghị những người vi phạm phải được xử lí nghiêm.
‘Nạn nhân’ 3: Thích Nhật Từ
Trong video thứ 3, các luật sư bàn về cáo buộc của ông Thích Nhật Từ, người được xem là một ‘nạn nhân’.Theo bản kết luận điều tra của công an tỉnh Long An, ông Thích Nhật Từ đệ đơn đề ngày 24/11/2021 tố cáo rằng ông Lê Tùng Vân và Lê Thanh Hoàn Nguyên đã
“có lời nói xúc phạm cá nhân ông Thảo, làm nhiều video báng bổ Đức Phật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.“
Vẫn theo công an Long An bằng chứng là một video clip phát trên youtube ngày 5/8/2021. Trong video đó, bé Nghi Tâm bịt mắt đọc làu làu 541 câu kinh. Trong đó, có một thông tin cho là xúc phạm danh dự cá nhân ông Thích Nhật Từ (không liên quan gì đến tôn giáo). Theo công an, bị can Lê Thanh Hoàn Nguyên được cho rằng đã nói:
“Cái tánh tôi y hệt như sư phụ tôi. Sư phụ tôi hả, nếu Giáo hội Phật giáo nói đúng, sư phụ nghe; Giáo hội nói tầm bậy thì sư phụ ngồi trước mặt cơ quan công an sư phụ nói cái ông Nhật Từ ngu như bò. Vậy thôi.”
Các luật sư cho rằng câu “ngu như bò” là không hợp lí, là sai. Nhưng họ cũng nói thêm rằng cái sai đó chỉ qua xin lỗi là xong chứ không phải là tội hình sự hay đi tù. Các luật sư cũng đã đại diện thân chủ xin lỗi ông Thích Nhật Từ.
Tuy nhiên, Hoàn Nguyên thốt ra câu nói đó cũng có căn nguyên đằng sau. Căn nguyên là ông Thích Nhật Từ trước đó đã vu khống, bịa đặt và xúc phạm những người trong Thiền Am một cách liên tục.
Trong một video thuyết pháp được phát tán từ youtube và các nền tảng xã hội khác, trước rất nhiều người nghe và [có lẽ] hàng triệu người xem, ông Thích Nhật Từ nói rằng những người trong Thiền Am phạm tội loạn luân. Ông dẫn lại lời của báo chí Nhà nước và nhà chức trách khẳng định rằng những người trong Thiền Am là loạn luân, và nhà chức trách chưa muốn công bố vì nhân đạo mà thôi. Ông Thích Nhật Từ còn đe doạ rằng ai dám phản đối thì ông sẽ phanh phui sự thật này. Nhưng các luật sư khẳng định những phát biểu đó của ông Thích Nhật Từ là hoàn toàn là bịa đặt, vì Thiền Am không hề phạm tội loạn luân.
Theo cách lí giải của luật sư, ông Thích Nhật Từ có thể bị xúc phạm hay là nạn nhân, nhưng những gì ông ấy xúc phạm những người trong Thiền Am thì còn gấp 100 hay 1000 lần. Nói cách khác, người của Thiền Am mới chính là nạn nhân của những vu khống, bịa đặt và xúc phạm của ông Thích Nhật Từ.
Trong Đơn Kêu Oan của Thiền Am, có đoạn viết:
“[…] thậm chí có một vị chức sắc tôn giáo (ý nói Thích Nhật Từ), có tiếng tăm, có uy tín và cũng tham gia hoạt động Youtube cũng úp mở kiểu ‘người ta biết, người ta đã nắm các chứng cứ, nếu ngoan, nếu im lặng thì người ta sẽ bỏ qua vì nhân đạo, còn nếu chống đối, cứng đầu thì người ta sẽ phanh phui, sẽ công bố và xử lý…‘, và ông ấy cứ ra rả ngày này qua ngày khác, thậm chí đe dọa, xúc phạm một số kênh Youtube có ý bênh vực chúng tôi và cổ súy, kích động những kênh đối lập đang công kích, nhục mạ, bôi nhọ thậm chí chửi bới chúng tôi chỉ nhằm câu view kiếm tiền.“
Các luật sư nhận xét rằng ông Thích Nhật Từ đã nhiều lần lên mạng dùng youtube và facebook đưa ra những cáo buộc rằng có ‘loạn luân’ trong Thiền Am. Các luật sư trích dẫn lời nói của ông Thích Nhật Từ cáo buộc rằng 5 chú tiểu (nổi tiếng với chương trình Thách Thức Danh Hài) có mẹ ruột là những sư cô trong Thiền Am, và các sư cô đó là con ruột của ông Lê Tùng Vân. Ông Thích Nhật Từ còn nói rằng:
“cái vụ thử máu vừa qua cho ra kết quả và đài truyền hình Long An đã công bố kết quả này, các tờ báo quan trọng đã đưa tin.“
Sau khi trích dẫn lời phát biểu đó của ông Thích Nhật Từ, các luật sư nhận định như sau:
“Những hành vi đó là tội ác. Chúng tôi nhắc lại là tội ác, cần phải trừng trị.“
Những nạn nhân bất ngờ
Trong video thứ 2, các luật sư còn đề cập đến những nạn nhân thật, những nạn nhân mà họ gọi là ‘bất ngờ’. Nói theo tiếng Anh, họ là “collateral victims”, những người chẳng dính dáng gì đến vụ án nhưng lại trở thành nạn nhân của công an và cơ quan công quyền huyện Đức Hoà. Câu chuyện rất đau lòng. Các nạn nhân bất ngờ trong vụ án Thiền Am là:
Năm Chú Tiểu
cô Bùi Ngọc Trâm
Sau khi được trao giải nhứt trong chương trình Thách Thức Danh Hài, 5 chú tiểu được một công ti truyền thông mến mộ và giúp lập ra một kênh video có tên là “5 Chú Tiểu”. Kênh Năm Chú Tiểu được sự yêu mến của rất nhiều khán giả trên khắp thế giới, và nay đã có hơn 2.1 triệu người theo dõi.
Hiện nay, thu nhập chánh của Thiền Am là Kênh Năm Chú Tiểu. Các luật sư đoán rằng cứ mỗi 10,000 lượt xem thì kênh Năm Chú Tiểu có thể được hưởng 3600 đồng. Thành ra, cho dù có được 1000,000 lượt xem thì kênh Năm Chú Tiểu cũng chỉ được chừng 3.6 triệu đồng. Mỗi tuần, họ sản xuất vài video và thu hút rất nhiều người xem và do đó có tiền trang trải cho sinh hoạt trong Thiền Am. Nhờ nguồn thu nhập này mà Thiền Am có tiền nuôi dưỡng 35 con người trong đó.
Thế nhưng các luật sư cho biết trong ‘đơn tố cáo’, có người còn đòi đóng cửa kênh Năm Chú Tiểu, nhưng cách viết của họ còn tỏ ra một sự ganh tị rất đáng thương. Các luật sư cho biết với mức thu nhập như thế Năm Chú Tiểu là một
“sự ham muốn của rất nhiều người, chưa kể các đơn vị truyền thông muốn cạnh tranh sự ảnh hưởng đó, ngay cả một số cơ sở liên quan đến tôn giáo có những cái nét mà chúng tôi nghĩ là họ so bì, họ ganh ghét với cái lượng theo dõi như vậy. Nên ngay trong cái đơn từ của họ, họ cũng không quên nhắc đến cái lượng khán giả theo dõi và ủng hộ, họ còn đề cập luôn thu nhập như thế nào, trong khi đó thì đó là việc hoàn toàn riêng tư, nó chẳng liên quan gì đến Điều 331, thậm chí chẳng liên quan gì đến tội danh mà họ cố tính vu khống cho Thiền Am.”
Hiện nay, các luật sư đang tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia và nhà hảo tâm nhằm duy trì kênh Năm Chú Tiểu.
Nhân phẩm và quyền tự do bị xâm phạm
Một nạn nhân bất ngờ khác là cô Bùi Ngọc Trâm (còn có pháp danh là Chơn Ngọc Xuân), một tình nguyện viên chăm sóc các trẻ em trong Thiền Am.
Cô Trâm làm thủ tục xin con nuôi từ Bệnh viện Từ Dũ. Nhưng chẳng hiểu vì nguyên cớ nào mà công an huyện Đức Hoà nhâ cơ hội đó đã cưỡng chế cô Trâm đi khám phụ khoa ở bệnh viện Xuyên Á.
Dựa vào tin này, một người tên là Trần Quốc Dũ đã làm một loạt video làm nhục cô Bùi Ngọc Trâm với tựa đề “Cô gái ấy đã đắc đạo sau 9 tháng 10 ngày?” Dũ lấy hình ảnh từ mạng, chỉnh sửa, và đăng tải trên youtube kèm theo những lời nói bôi nhọ, hạ nhục cô ấy. Trước đây, Dũ đã từng sản xuất và phát tán hàng ngàn video nhằm bôi nhọ và hạ nhục những người trong Thiền Am. Đây là một hành vi hoàn toàn nhứt quán với Du côn mạng.
Cô Trâm sau đó có đơn tố cáo công an huyện Đức Hoà và Trần Quốc Dũ. Công an huyện Đức Hoà giao cho người đã cưỡng ép cô đi khám phụ khoa “làm việc” với cô Trâm về đơn tố cáo! Điều tra viên này (không thấy nêu tên) nhân dịp này đã
“có hành vi đe doạ người tố cáo [là cô Bùi Ngọc Trâm], gây hoảng loạn tinh thần đối với người tố cáo.“
Khi luật sư đề nghị công an trả lời về vụ việc cưỡng ép cô Trâm đi khám phụ khoa, thì công an có công văn trả lời nhưng sai với những gì cô Trâm báo cáo. Công an trả lời rằng cô Trâm đã đồng ý với khám phụ khoa, nhưng điều này hoàn toàn không đúng sự thật.
Khi cô Bùi Ngọc Trâm tố cáo Trần Quốc Dũ về hành vi làm nhục đến công an huyện Gò Vấp, thì Trần Quốc Dũ không đến trả lời. Thay vì giải quyết lời tố cáo của cô Trâm, công an Gò Vấp đã có những hành động khó hiểu. Họ gởi công văn cho công an Trà Vinh (nơi Dũ sanh ra?) để xác minh lí lịch Trần Quốc Dũ nhưng … chưa có trả lời. Công an Gò Vấp còn yêu cầu công an Nha Trang:
điều tra lí lịch của cô Bùi Ngọc Trâm;
điều tra xem cô Trâm đã có gia đình hay chưa, có sanh con hay chưa?
điều tra xem cô Trâm tham gia Thiền Am từ khi nào, và tên gọi Chơn Ngọc Xuân do ai đặt, có đăng kí không (có sự đồng ý của gia đình)?
tiếp xúc cha cô Xuân là ông Bùi Anh Sĩ để hỏi có mâu thuẫn gì hay không?
điều tra những người thân trong gia đình của cô Trâm.
Các luật sư nhận xét rằng hành xử của công an Gò Vấp là vô lí. Người tố cáo (tức Bùi Ngọc Trâm) trở thành người bị điều tra!
Thật khó tưởng tượng nổi những hành vi chẳng những vô lí mà còn mang tính trù dập người tố cáo của công an Gò Vấp. Cách hành xử của công an Gò Vấp đối với Trần Quốc Dũ làm cho người bàng quan nhứt cũng phải đặt câu hỏi có sự bao che cho kẻ vi phạm luật pháp một cách trắng trợn.
***
Tóm lại, theo biện luận của các luật sư cả 3 ‘bị hại’ hay ‘nạn nhân’ (Thích Minh Thiện / Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, Thích Nhật Từ, và cơ quan công an Huyện Đức Hoà) không phải là nạn nhân đúng nghĩa. Các luật sư cho rằng ông Thích Minh Thiện và Thích Nhật Từ đã sai khi xem Đức Phật là thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cơ quan công an không hề bị hại, mà ngược lại, có những hành vi và hành động bức hại Thiền Am.
Theo luật pháp, hai chữ “nạn nhân” phải được hiểu là “cá nhân bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc tài sản do hậu quả của một tai họa xã hội, thiên tai, địch hoạ, một xã hội bất công, phân biệt chủng tộc. […] Nạn nhân của tội phạm là cá nhân, cơ quan, tố chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản do hành vi phạm tội gây ra.”
Chiếu theo định nghĩa trên, chính những người trong Thiền Am mới là nạn nhân đúng nghĩa. Thật vậy, theo nhận định của các luật sư, Thiền Am đã bị vu khống, xuyên tạc, ám hại trong suốt 3 năm trời bởi những kẻ dùng mạng xã hội (youtube, facebook), những chức sắc tôn giáo, quan chức Nhà nước, và cả báo chí ‘chánh thống’. Họ bị vu cáo là lợi dụng trẻ em, là lừa đảo tiền từ thiện, và nghiêm trọng và kinh tởm hơn hết là ‘loạn luân’. Các luật sư cho biết:
“[Thiền Am] là nạn nhân, là bị hại của một chiến dịch kinh khủng, và của bàn tay tội ác với một thế lực chúng tôi nghĩ rằng rất là mạnh nhưng chúng tôi nghĩ không có nghĩa là mạnh nhứt trong nước Việt Nam này. Tôi dám cam đoan điều đó. Và, bất cứ thế lực nào nếu như vi phạm pháp luật thì chắc chắn sẽ bị lôi ra ánh sáng.“
Một trong những kẻ thủ ác mà các luật sư đề cập đến là ông Thích Nhật Từ. Ông này tuy là một tu sĩ những có những hành vi rất khó giải thích, nếu không muốn nói là lạ lùng. Ông tán dương những người mà ông gọi là “youtuber chính nghĩa”, trong đó có Nguyễn Sin và Trần Quốc Dũ; ông còn vinh danh bà Nguyễn Phương Hằng (người đã bị tạm giam) như là “Bồ tát giữa đời thuờng”, là “Mỹ nhân cứu anh hùng”. Tất cả những nhân vật vừa kể đều có vấn đề với pháp luật. Nguyễn Sin là người đã phát tán những thông tin riêng tư, cá nhân, và cả bản giám định DNA giả tạo lên mạng và đã làm cho những người trong Thiền Am bị công chúng căm ghét một thời gian dài. Trần Quốc Dũ là người đã sản xuất hơn 2000 video chỉ để bịa đặt hay vặn vẹo thông tin nhằm nói xấu và làm nhục Thiền Am. Hành vi của họ hoàn toàn nhứt quán với hành vi của những kẻ tiếng Anh gọi là “Cyberbully” hay Du côn mạng. Hành vi du côn mạng là phạm pháp. Thật khó tưởng tượng nổi những con người như vậy mà được Thích Nhật Từ khen là ‘chính nghĩa’!
Những kẻ thủ ác khác là Võ Văn Thắng và Đoàn Tuyết Mai và đồng bọn. Hai người này, theo các luật sư, đã chủ mưu hãm hại Thiền Am một cách liên tục và trong một thời gian dài. Họ đã kéo hàng 50 côn đồ đến khủng bố Thiền Am, ăn cướp tiền bạc của Thiền Am, hành hung người trong Thiền Am. Họ đã dùng dụng cụ của cơ quan an ninh cung cấp để lắp đặt máy thu hình theo dõi Thiền Am, một hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người khác. Các luật sư còn cho biết họ (Thắng & Mai) còn bắt giữ người phi pháp, cũng là một trọng tội. Hai người này từng xin lỗi Thiền Am, nhưng đó chỉ là bề ngoài, vì trong thực tế họ đã lên kế hoạch hãm hại Thiền Am một cách có tổ chức.
Các luật sư nhận xét:
“Thông tin về hành vi lừa đảo và loạn luân xảy ra nơi Thiền Am, đặc biệt về hành vi loạn luân là hoàn toàn sai sự thật, là bịa đặt và vu khống do một số Fbker và Youtuber dựng lên có chủ đích và ác ý, khiến cho các thành viên sống tại Thiền Am trở thành nạn nhân bị bức hại qua việc bị vu khống, thoá mạ liên tục, kéo dài với mức độ kinh hồn, bị đám đông quá khích gây hấn, đập phá, gây thương tích, huỷ hoại tài sản … Điển hình vợ chồng ông Võ Văn Thắng và Đoàn Thị Tuyết Mai xúi giục và lôi kéo khoảng 50 người quá khích đến gây án tại Thiền Am hay hàng trăm fan hâm mộ của bà Nguyễn Phương Hằng từng kéo đến Thiền Am phá cổng nhà, gây áp lực lớn cho các thành viên Thiền Am.“
Qua vụ án này, chúng ta thấy người dân ở những nơi mà công an xem thường luật pháp rất dễ trở thành nạn nhân của họ (công an) và những người có thể tác động đến công an. Nhìn vào diễn biến sự việc ở Thiền Am, bất cứ ai có chút công tâm thấy rõ ràng rằng “vụ án Thiền Am” thể hiện một khiếm khuyết mang tính thể chế: đó là không có sự độc lập giữa thiết chế tố tụng, hành pháp, và toà án. Trong môi trường không độc lập giữa 3 thiết chế này thì oan sai xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi.
Khám xét hay uy hiếp?
Trong một video khác [5] các luật sư mô tả Thiền Am đã bị ‘khám xét’ (hay tấn công?) một cách ghê gớm, gây hoảng loạn cho những người già và trẻ em trong đó. Ngay cả luật sư có mặt cũng cảm thấy hoảng loạn.
Đó là việc khám xét Thiền Am ngày 7/3/2022 do cơ quan điều tra an ninh tỉnh Long An tiến hành. Các luật sư có mặt hôm đó. Công an nói rằng họ chỉ khám xét nơi ở, nơi cư trú và nơi làm việc của bị can Lê Tùng Vân mà thôi. Thế nhưng trong thực tế, họ huy động một lực lượng hùng hậu cả trăm người, gồm công an, kiểm sát viên, cán bộ hỗ trợ, có chó nghiệp vụ, có xe đặc chủng, có thiết bị phá sóng, có flycam bay vần vũ trên trời, v.v. Cách mô tả của luật sư cho thấy họ uy hiếp những người trong Thiền Am hơn là khám xét.
Các luật sư cho biết trong thời gian hành nghề mấy mươi năm qua họ chưa bao giờ thấy một lực lượng hùng hậu như vậy được huy động chỉ để khám xét chỗ ở và làm việc của 1 bị can. Các luật sư mô tả buổi khám xét như là trong phim hành động Hollywood mà trong đó cảnh sát tấn công vào sào huyệt của bọn trùm ma tuý! Những con chó gầm rú, xông vào từng ngõ ngách trong Thiền Am làm cho mọi người kinh hồn, hoảng loạn. Ngay cả luật sư cũng hoảng loạn vì không biết chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, những người trong Thiền Am cho biết trước đó (từ ngày 4/1/2022) công an cũng đã bị khám xét không chỉ 1 lần mà nhiều lần, và cũng với một lực lượng còn hùng hậu hơn ngày 7/3/2022. Không chỉ hùng hậu, họ còn cho đóng quân bên ngoài và phong toả các hoạt động thường ngày của Thiền Am. Họ cô lập mọi người trong Thiền Am, họ lùng sục tất cả các phòng ngủ và làm việc của Thiền Am (dù trên danh nghĩa họ nói là chỉ khám xét nơi ở và cư trú của ông Lê Tùng Vân, còn các thành viên khác thì không liên quan). Sau khi lùng sục mọi nơi xong, họ yêu cầu mấy người trong Thiền Am kí tên, nhưng không ai chịu kí vì không biết khám xét gì và tại sao khám xét trong các phòng khác mà không giải thích. Sau vụ ‘khám xét’ đó, Thiền Am mất một số tài sản.
Thật kinh hoàng! Họ xem người dân hiền lành như là những kẻ thù nguy hiểm.
Nếu với những tiểu tiết và lời nói trong lúc bức xúc của những người trong Thiền Am bị toà án huyện Đức Hoà kết tội theo điều khoản 331 thì có lẽ tất cả người Việt Nam đều là tù nhân dự khuyết. Nếu tất cả những bức hại mà những người trong Thiền Am đã là nạn nhân trong suốt 3 năm qua không được giải quyết và những kẻ thủ ác gây tội ác đối với Thiền Am không bị xét xử, thì không một ai ở Việt Nam (ngoại trừ người có quyền thế và tiền) sống trong an bình. Nếu phiên toà sắp tới kết tội những nạn nhân trong Thiền Am là vi phạm điều 331 thì kết cục đó chỉ tích luỹ thêm những án oan, tô thêm những vết máu cho nạn nhân, và vẽ thêm một vết đen trong nền tư pháp mà thôi.
_____
Tham khảo các video của luật sư. Tất cả các câu phát biểu trong note này được trích dẫn từ các video sau đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét